Cựu Tổng thống Philippines, Gloria Macapagal - Arroyo: Cờ tàn cạn lộc

Thứ Hai, 15/10/2012, 15:20
Những ngày đầu tháng 10 năm nay, bà Gloria Macapagal Arroyo, lại trở thành tâm điểm chú ý của báo chí ở Philippines sau khi bị bắt vào thứ năm (mùng 4) vì bị buộc tội tham nhũng trong thời gian đương quyền. Trước đó gần một năm, ngày 18/11/2011, bà cũng đã từng bị bắt giữ tại một bệnh viện ở Manila vì những cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử năm 2007… Xem ra, vận đen tiếp tục đeo bám người phụ nữ từng được coi là ngôi sao xinh đẹp nhất chính trường Đông Nam Á một thuở.

Khởi đầu suôn sẻ

Bà Gloria Macapagal Arroyo là vị Tổng thống thứ 14 của đảo quốc Philippines và là nữ nguyên thủ quốc gia thứ hai ở đây, sau Tổng thống Corazon Aquino. 

Bà Gloria Macapagal - Arroyo sinh năm 1947 trong một gia đình luật gia kiêm chính trị gia danh giá. Cha bà, ông Diosdado Macapagal, từ năm 1941 đã là  cố vấn về các vấn đề pháp luật cho Văn phòng Tổng thống Philippines. Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, ông đã giảng dạy về luật ở trường đại học. Sau khi người vợ đầu mất sớm để lại hai người con, ông Diosdado Macapagal đã tục huyền năm 1946 và một năm sau đó, nữ Tổng thống tương lai Gloria đã cất tiếng khóc chào đời…

Cũng từ thời điểm đó, ông Diosdado Macapagal đã có những bước tiến rất đáng kể trong sự nghiệp chính trị của mình. Năm 1949, ông đã được bầu vào quốc hội. Tháng 11/1957, ông được bầu làm Phó Tổng thống. Và ông đã trở thành Tổng thống khi cô con gái thông minh và xinh đẹp của mình bước vào tuổi 14 (năm 1961).

Thuở nhỏ, nữ Tổng thống tương lai đã được gửi đến học hết trung học ở Tu viện Assumption tại thành phố Makati. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa  tại đây năm 1964, Gloria đã sang Mỹ và vào học hai năm tại Trường Ngoại giao thuộc Đại học Georgetown ở Washington. Vị Tổng thống Mỹ thứ 42 Bill Clinton đã là bạn đồng môn của bà ở học đường danh giá này. Năm 1968, nữ Tổng thống tương lai đã nhận được bằng cử nhân xuất sắc về kinh tế học tại Đại học Assumption rồi trở về tổ quốc. Ở Philippines, bà đã trau dồi tri thức để lấy được bằng Thạc sĩ chuyên ngành kinh tế tại Đại học Ateneo de Manila và học vị Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Philippines. Năm 1968, bà Gloria đã kết hôn với ông Jose Miguel Arroyo. Từ đó bà mang họ kép Macapagal - Arroyo.

Từ năm 1977 tới năm 1987, nữ Tổng thống tương lai đã giảng dạy tại Đại học Philippines và Đại học Ateneo de Manila. Bà cũng đảm nhận chức vụ Chủ tịch Khoa Kinh tế Đại học Assumption.

Năm 1987, nữ tổng thống đầu tiên của Philippines, Corazon Aquino đã mời bà Arroyo tham chính trong cương vị Phụ tá Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp. Hai năm sau, bà Arroyo đã trở thành Thứ trưởng của bộ này. Đồng thời trong cương vị Giám đốc điều hành Ban Xuất khẩu hàng dệt may, bà Arroyo đã góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng cao của công nghiệp dệt may Philippines trong những năm 80 của thế kỷ trước.

Năm 1992, bà Arroyo lần đầu tiên được bầu vào Thượng viện và đã rất tích cực tham gia vào các hoạt động nghị trường. Năm 1995, bà đã tái đắc cử vào Thượng viện với 16 triệu phiếu cử tri bầu. Với tư cách một nhà lập pháp, Arroyo đệ trình hơn 400 dự luật và bảo trợ 55 đạo luật quan trọng về kinh tế suốt trong thời gian bà phục vụ tại Thượng viện. Năm 1998, bà đã có dự định tham gia chạy đua vào chức Tổng thống nhưng đã được chính trị gia đàn anh là đương kim Tổng thống Fidel Ramos thuyết phục gia nhập đảng cầm quyền LAKAS và chỉ ra ứng cử vào chức Phó Tổng thống trong liên danh  với ứng cử viên Tổng thống là Chủ tịch Hạ viện Jose De Venecia. Kết quả là bà đã đắc cử Phó Tổng thống. Tuy nhiên, ứng cử viên Tổng thống của LAKAS, ông De Venecia, lại bị thất bại trước nam diễn viên thuộc phe đối lập Joseph Estrada.

Ngày 30/6/1990, bà Arroyo bắt đầu nhiệm kỳ Phó tổng thống. Một thời gian ngắn sau đó, ông Estrada bổ nhiệm bà vào nội các đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Phát triển và Phúc lợi Xã hội với nhiệm vụ chính là giám sát các chương trình của chính phủ phục vụ dân nghèo. Năm 2000, để tách rời khỏi hình ảnh của Estrada lúc đó đang bị các đồng minh chính trị nhất tề buộc tội dính dáng tới tham nhũng, bà Arroyo đã từ bỏ chức vụ trên. Và từ thời điểm đó, bà đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với những tầng lớp trong xã hội Philippines đấu tranh đòi ông Estrada phải từ chức.

Ngày 20/1/2001, sau nhiều ngày bất ổn chính trị với những cuộc biểu tình bùng phát trên đường phố, Tòa án Tối cao Philippines đã bãi nhiệm Tổng thống Estrada. Quân đội và cảnh sát cũng đồng loạt đòi từ bỏ cựu minh tinh màn bạc kiêm chính trị gia này. Và cũng ngay trong ngày  hôm đó, bà Arroyo đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống trước Chánh án Toà Tối cao Hilario Davide Jr. Tiến trình loại bỏ Estrada về sau được biết đến với tên gọi Cuộc cách mạng  EDSA II, sau khi cuộc cách mạng EDSA năm 1986 lật đổ chính quyền Ferdinand Marcos. EDSA là bốn chữ cái đầu của Epifano de los Santos Avenue, một xa lộ thuộc vùng đô thị Manila là địa điểm chính diễn ra các cuộc biểu tình.

Ghế nóng nôn nao

Trở thành nguyên thủ quốc gia trong những điều kiện có thể gây tranh cãi như thế, mặc dù được dư luận trong và ngoài nước ủng hộ, bà Arroyo trong suốt nhiệm kỳ đầu đã phải khá vất vả để củng cố quyền lực của mình. Bà đã phải rất lao tâm khổ tứ để tìm cách cải thiện hình ảnh một chính quyền luôn bị xem là bê bối và mục ruỗng. Trong khi đó thì ở khắp các lĩnh vực đều tồn tại những khó khăn khổng lồ. Mọi sự lại càng trở nên phức tạp hơn khi những người ủng hộ cựu Tổng thống Estrada sẵn sàng chụp lấy mọi cơ hội để phá hoại quyền lãnh đạo của bà. Đã hai lần lực lượng này làm dấy lên những hỗn loạn trầm trọng ở Manila, buộc nữ Tổng thống có vẻ liễu yếu đào tơ phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Họa vô đơn chí, dần dà rồi chính gia đình bà Arroyo cũng bị buộc tội dính líu tới các hành vi tham nhũng. Tháng 8/2003, ông Jose Miguel, phu quân nữ Tổng thống đã bị Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson cáo buộc tội đã chuyển những đóng góp và ngân quỹ vận động tranh cử vào một tài khoản ngân hàng dưới một tên giả, Jose Pidal. Lacson còn trưng ra những bức ảnh cho thấy đệ nhất phu quân đang “tình tứ” với cô phụ tá Victoria Toh. Thế là những đồn đại cho rằng Mike Arroyo lừa dối vợ trở nên râm ran trên khắp cả nước. Những cáo buộc này không có giá trị pháp lý nhưng đủ để làm dậy sóng trong gia đình nữ Tổng thống… Phải mất nhiều công sức lắm phu quân của bà mới làm nguôi đi ngọn lửa Hoạn Thư ở trong lòng vợ mình…

Năm 2002, tại thành phố Baguio, bà Arroyo tuyên bố sẽ không ra tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống dự định sẽ diễn ra sau đó hai năm (2004). Thế nhưng, rốt cuộc bà đã đổi ý và quyết định đấu tranh cho một nhiệm kỳ mới kéo dài sáu năm. Xuất hiện trong một cuộc tập họp đông đảo tại quê nhà Pampnaga, bà Arroyo cho biết bà quyết định “hoãn lại kế hoạch nghỉ hưu”, nhắc đến những yêu cầu đang gia tăng từ những người ủng hộ muốn bà ra tranh cử.

Thế nhưng, cũng vì thái độ xoay chiều đột ngột này mà uy tín của bà Arroyo đã bị tổn thương. Điều này cũng khiến cho cuộc vận động tranh cử của bà trở nên phức tạp hơn trước đối thủ vốn là một người bạn thân của Estrada, cũng là diễn viên điện ảnh rất được ưa chuộng, Fernando Poe Jr. Trong mắt quần chúng, Arroyo có sức mạnh là một nữ trí thức, còn ngôi sao màn bạc kia chỉ là kẻ không có nổi bằng tốt nghiệp trung học. Ưu thế này đã giúp bà giành chiến thắng trong cuộc  bầu cử Tổng thống ngày 10/5/2004 với khoảng cách là một triệu phiếu bầu trước đối thủ gần nhất là Poe...

Cũng phải nói rằng, ngay ở thời điểm đó đã xuất hiện những cáo buộc cho rằng bà Arroyo sử dụng tiền thuế của người dân cho ngân quỹ vận động tranh cử và cũng có những cáo buộc về gian lận và có những bất thường không quan trọng được tìm thấy trong bầu cử. Tuy nhiên, những người cáo buộc đã không đưa ra được bằng chứng về gian lận và tham nhũng trên qui mô toàn quốc.

Quá đà mất thế

Quốc hội Philippines đã tuyên bố bà Arroyo thắng cử ngày 24/6/2004, tức là hơn một tháng sau ngày bầu cử. Ngày 30/6, bà Arroyo tuyên thệ nhậm chức trên đảo Cebu. Mọi sự có vẻ yên ổn cho tới ngày 10/6/2005, khi một cựu Phó giám đốc Văn phòng Điều tra Quốc gia (NBI), Samuel Ong, tiết lộ rằng, ông có một bộ những cuộn băng gốc về cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Arroyo và một viên chức thuộc Ủy ban Bầu cử. Qua đó có thể cho thấy Arroyo đã gian lận trong kỳ bầu cử toàn quốc năm 2004 khoảng 1 triệu phiếu và với số phiếu này bà đã đánh bại đối thủ của mình.

Ngày 27/6, bà Arroyo đã thừa nhận sai lầm khi nói chuyện với một viên chức bầu cử, nhưng cho đó chỉ là một “sai sót trong phán đoán” và khẳng định không tìm cách gây ảnh hưởng trên kết quả bầu cử. Tuy nhiên, ván cờ đã hỏng. Ngày 8/7/2005,  mười thành viên nội các nộp đơn từ chức và yêu cầu Tổng thống cũng làm như vậy. Cùng ngày, đảng Tự do và cựu nữ Tổng thống  Corazon Aquino, những đồng minh cũ của bà Arroyo, cũng lên tiếng kêu gọi bà từ chức. Thế nhưng, bà Arroyo cương quyết từ chối…

Bắt đầu giai đoạn đen tối trong sự nghiệp của bà Arroyo. Hàng loạt bê bối nối theo nhau nảy nòi, khiến uy tín của bà ngày một xuống thấp. Và trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2010, bà đã không còn là ứng cử viên nữa.

Dưới thời của Tổng thống mới, bà Arroyo đã phải đối mặt với những lời buộc tội gay gắt hơn trước nhiều lần. Ngày 18/11/2011, bà đã bị bắt giữ tại một bệnh viện ở Manila vì những cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử năm 2007. Mặc dù Tòa án Tối cao Philippines đã cho phép bà Arroyo ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng chính quyền đã yêu cầu cơ quan xuất nhập cảnh ngăn cựu lãnh đạo này rời khỏi đất nước, đồng thời đẩy nhanh tiến trình cáo buộc bà Arroyo vi phạm luật bầu cử.

Và ngày 11/10/2012, bà Arroyo, 65 tuổi, lại bị cảnh sát bắt giữ tại một quân y viện ở thủ đô Manila, nơi bà mới nhập viện lúc sáng để điều trị một căn bệnh mạn tính liên quan đến cột sống. Vụ bắt giữ này diễn ra chỉ một ngày sau khi một tòa án Philippines ra lệnh bắt giữ bà vì tội biển thủ 366 triệu peso (8,8 triệu USD) trong Quỹ Xổ số nhà nước dành cho các chương trình từ thiện để chi cho các chiến dịch vận động tranh cử. Ngoài ra, bà cũng bị cáo buộc nhận hối lộ trong một thỏa thuận truyền thông trị giá 329 triệu USD với Công ty ZTE của Trung Quốc.

Đoạn trường của nữ cựu Tổng thống sẽ còn tiếp tục không chỉ một tháng, một năm nữa…

Hoàng Phương
.
.