Cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi: Làm lãnh đạo thì không được bi quan

Thứ Hai, 26/03/2012, 14:45
Mặc dầu đã phải rời khỏi ghế Thủ tướng trong những tiếng la ó và huýt sáo bài xích nhưng cho tới hôm nay, nhịp sống của “dân chơi” (như người Italia vẫn gọi) Silvio Berlusconi vẫn không bớt bận rộn là mấy. Lịch làm việc của ông vẫn dày đặc các chuyến đi, những phiên họp ở nghị viện, những cuộc hội đàm quốc tế. Và khẩu khí của ông khi tiếp xúc với báo chí cũng vậy: khó khi nào các phóng viên thấy ông rối trí và ông luôn luôn biết cách tìm ra những câu trả lời đầy tự tin và giàu sức thuyết phục cho cả những câu hỏi “đanh đá” nhất.

Biết thoái để tiến

Cuộc đời chính trị của ông Berlusconi đã trải qua rất nhiều biến cố và thăng trầm. ông đã 6 lần ra tranh cử chức Thủ tướng Italia. Quá tam ba bận, ông cũng đã được ba lần ngồi trên ghế lãnh đạo nội các (1994-1995, 2001-2006 và 2008-2011). Nhiệm kỳ nào của ông cũng xảy ra nhiều chuyện.

Năm 1994, do nhiều lý do, ông Berlusconi đã lập ra phong trào “Tiến lên, Italia” của mình ở thời điểm chỉ còn hai tháng nữa là tới ngày bầu cử. Đó là một tổ chức mà các nhà quan sát nhận xét là ít giống một chính đảng nhất. Thế nhưng, một chiến dịch vận động tranh cử hoành tráng và điệu nghệ trên cả ba kênh truyền hình do ông Berlusconi sở hữu đã giúp cho “Tiến lên, Italia” giành được 21% số phiếu bầu, tỷ lệ lớn nhất với một đảng đơn lẻ tham gia tranh cử. Một trong những lời hứa quan trọng nhất giúp ông Berlusconi thắng cử là ông khẳng định chính phủ của mình sẽ tạo ra “một triệu việc làm mới”.

Tuy nhiên, sau chiến thắng vang dội của một chính đảng trong thực tế gần như là không tồn tại này, ngày 26/1/1994 tới tháng 12 cùng năm, ông Berlusconi đã bị chính những đồng minh của mình từ Liên minh miền Bắc lật kèo, khiến chính phủ do ông lãnh đạo  phải giải tán. Tuy vậy, nhà tài phiệt này vẫn không nản chí, ngay cả sau những thất bại liên tiếp trước ứng cử viên của liên minh trung tả do ông Romano Prodi đứng đầu. Hàng loạt các vụ bê bối khác trên đủ các “mặt trận” (cả kinh tế, chính trị lẫn đời tư) lắm lúc tưởng chừng có thể biến ông thành tro bụi, rốt cuộc cũng không bẻ gãy được ý chí vươn lên của người đàn ông hào hoa đa tình, đàn hay hát giỏi này.

Năm 2001, nhờ những lời hứa hào phóng nghe rất bùi tai mà về sau ông chỉ thực hiện được một phần nhỏ, Berlusconi đã cùng liên minh trung hữu Casa delle Liberta thắng cử và một lần nữa lên chức Thủ tướng  với 45,4% số ghế ở Hạ viện và 42,5% ở Thượng viện. Cũng chính vì nói hay mà làm chưa hay nên ông đã thất bại ở cuộc bầu cử năm 2006. Chỉ tới năm 2008, những kinh nghiệm dân túy phong phú mới lại giúp ông giành được chiến thắng vang dội và chiếm được đa số ghế ở cả hai viện của Quốc hội Italia. Tuy nhiên, nhiệm kỳ này đã không kết thúc trọn vẹn với ông vì những vụ bê bối mới cũng như các khó khăn trong điều hành đất nước và sự “bội tình” của một số đồng minh trong liên minh trung hữu của ông đã buộc ông phải từ chức trước thời hạn, nhường chỗ cho nhà kỹ trị Mario Monti.

Ở thời điểm hiện nay, mỗi khi có nhà báo nào định “gài” để ông đưa ra những tuyên bố giật gân về chính trường Italia thì ông lại bình tĩnh nhấn mạnh rằng, ông không hề có ý định ra làm Thủ tướng nữa và đương kim Thủ tướng Mario Montin rất khiến ông hài lòng: “Hãy để cho ông ấy bình tĩnh làm!”.

Sứ mệnh trường niên

Phải công nhận rằng, khẩu khí của ông Berlusconi ở tuổi “cổ lai hy” (ông sinh năm 1936) vẫn còn rất hào sảng. ông biết cách diễn giải để mọi lẽ phải đều ở phía ông. Trích đoạn sau đây từ bài trả lời phỏng vấn của ông cho báo Nga Komsomolskaya Pravda vào những ngày đầu tháng 3-2012 có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều này.

- Phóng viên: Trên cương vị lãnh đạo chính phủ, ông đã phải trải qua đủ lửa và nước. Chẳng còn thiếu việc gì không xảy ra: nào là những lần tan đàn xẻ nghé của liên minh cầm quyền, nào là các phiên tòa được mở ra chống lại ông, nào là tai tiếng tình ái tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế. Và rốt cuộc là ông phải “bỏ của chạy lấy người”, thậm chí là không cần chờ tới vòng bỏ phiếu tín nhiệm lần thứ hai. Vì sao?

- Ông Berlusconi: Chúng tôi rời đi mặc dầu vẫn có đa số trong Quốc hội là vì cảm giác rộng lượng và trách nhiệm trước đất nước. Mục đích là để đạt được thỏa thuận với phe đối lập về những cải cách hiến pháp và để đất nước trở nên dễ điều hành hơn. Nếu làm một mình thì chúng tôi không thể đạt được mục tiêu này. Việc này chỉ có thể làm được bằng cách thiết lập một chính phủ kỹ nghệ mà hiện nay chúng tôi đang ủng hộ hết lòng.

- Ông có cảm thấy mình là nạn nhân của hoàn cảnh, hay là liệu đã có một âm mưu nào đó nhằm chống lại ông chăng?

- Hoàn toàn không. Quyết định lui bước chỉ là do tôi và đảng của tôi đưa ra. Còn về phần cái gọi là “những vụ bê bối tình dục” thì đó chỉ là sự vu khống để dựng lên cả một chiến dịch làm mất uy tín của tôi, trong đó cả ở trên trường quốc tế. Đối với người Italia thì đã rất rõ ràng là, một sự vu khống nên không hề có được sự ủng hộ xã hội nào. Tôi chỉ có lỗi trong một việc: tôi đã không lôi kéo được về phía mình hơn 50% số phiếu ủng hộ, tôi đã không thuyết phục được người dân Italia. Nhưng chính những người dân này cũng có trách nhiệm vì họ đã phân nhỏ các lá phiếu của mình một cách thiếu hợp lý như thế giữa các đảng con con. Đảng của tôi, “Nhân dân của tự do” trong suốt 18 năm qua là số một và hiện nay vẫn thế. Nhưng để trở thành đa số tuyệt đối thì cần những liên minh với các đảng phái nhỏ hiện đang chiếm gần hết nửa số ghế trong nghị viện.

- Thế hiện nay công việc ra sao?

- Hiện giờ chúng tôi cùng phe đối lập đang làm sao để khởi động các cải cách mà như tôi đã nói, rất cần để hiện đại hóa đất nước và cải thiện quá trình điều hành nó.  Cho tới nay các chính phủ ở Italia vẫn không có được một thực quyền gì. Thủ tướng Italia không được thay ngay cả một Bộ trưởng.  Sau hai mươi năm bị chủ nghĩa phát xít đè đầu cưỡi cổ, những người tiền nhiệm vĩ đại của chúng tôi, vì lo ngại khả năng duy trì các tiền đề để nền độc tài tái xuất, đã phân chia quyền lực giữa nghị viện, nguyên thủ quốc gia và tòa án hiến pháp. Chính phủ chỉ còn quyền trình các dự án luật ra trước quốc hội phán xét. Và những dự án luật này trở thành luật chỉ sau khoảng từ 18 tới 24 tháng. Nếu những dự án luật đó không được lòng quyền lực tư pháp, vốn có cảm tình với “cánh tả”, thì sẽ đến lượt tòa án hiến pháp lên tiếng bác bỏ chúng thẳng cánh. Theo cách đó mà trong 5 năm qua đã bác bỏ tới 241 dự luật. Mọi người hẳn đều thấy sơ đồ như thế cản trở việc điều hành đất nước thế nào nên cần phải cải cách nó.

- Hai năm trước, các chính trị gia ở châu âu, kể cả ông, đều tự tin nói về nền kinh tế ổn định. Tại sao không một ai nhìn thấy trước được cuộc khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng hiện nay?

- Mọi sự bất đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ rồi phát triển thành khủng hoảng kinh tế và xã hội. Mùa thu năm 2008, trong các cuộc nói chuyện với các đồng nghiệp, tôi đã cố thuyết phục để họ đồng tình với việc ngăn chặn trước sự đổ vỡ của các ngân hàng. Nhiều quốc gia đã đưa ra những biện pháp để cứu vãn các định chế ngân hàng của mình. Chúng tôi thì không cần phải làm thế vì hệ thống ngân hàng của chúng tôi đã rất ổn định và hiện nay vẫn thế. Cuộc khủng hoảng đã được hà hơi tiếp sức bởi những kẻ đầu cơ quốc tế và tâm trạng bi quan chung. Lạc quan, không có nghĩa là ngây thơ. Hơn thế nữa, nghĩa vụ của một nhà hoạt động quốc gia là phải làm người lạc quan. Trong những tình huống phức tạp, bi quan, đó là yếu tố chính dẫn tới khủng hoảng. ở những thời điểm suy thoái kinh tế chính sự lạc quan và lòng dũng cảm doanh nhân càng có ý nghĩa  then chốt.

- Tôi vẫn giữ đồ lưu niệm như máy đổi tiền lire/euro mà ông đã tặng cho mọi gia đình Italia mười năm trước. Nó hóa ra đã được sản xuất ở Trung Quốc, cho tới giờ vẫn chạy, thậm chí tôi còn chưa phải thay pin cho nó! Nhưng điều gì đang đợi khu vực đồng euro? Ai đó tiên đoán rằng nó sẽ thất bại, ai đó cho rằng nó sẽ bị thu hẹp lại, còn ai đó lại nói rằng sẽ quay lại với các đồng tiền cũ...

- Tôi không nghĩ rằng sẽ là như thế. Tất nhiên, trước khi sử dụng đồng euro, chúng tôi đã có cơ hội làm giảm giá nội tệ để kích thích xuất khẩu và duy trì khả năng cạnh tranh. Còn với đồng euro thì không thể làm được như thế nữa. Vấn đề là ở chỗ, sau đồng euro không có một chính phủ đủ năng lực tiến hành một chính sách kinh tế và tiền tệ chung. Và không có một ngân hàng trung ương, sự đảm bảo ở cấp cao nhất, như sau đồng dollar, đồng bảng Anh và đồng yên. Đó chính là “gót chân Asin” cơ chế của châu âu, sẽ tồn tại cho tới khi thông qua được những biện pháp kiên quyết và cuối cùng về hai vấn đề mà tôi vừa nói. Còn về phần những người Italia chúng tôi thì đã phải thừa kế những khoản nợ quốc gia rất lớn từ các đời chính phủ tiền nhiệm. Trước chúng tôi thì ở Italia trung bình mỗi một nội các chỉ tồn tại khoảng 11 tháng. Để tranh thủ sự ủng hộ trước mỗi đợt bầu cử, các nội các này đã tiêu phí rất nhiều thứ và cứ thế là tích tụ các món nợ. Thế nhưng sự vững chắc của nền kinh tế Italia thì không hề gây nên sự hoài nghi nào ở bất cứ đâu: nếu tính cả nợ nhà nước lẫn nợ tư nhân thì Italia đang ở vị trí thứ hai sau CHLB Đức trong số các nền kinh tế mạnh nhất châu âu, đứng trước cả Thụy Điển, Pháp và Anh…

- Mới đây ông đã tuyên bố rằng, ông sẽ không bao giờ ra tranh cử từ đảng của mình nữa. Điều đó có nghĩa là cương vị Chủ tịch duy nhất trong tương lai mà ông sẽ có chỉ là ở Câu lạc bộ Inter Milan?

- Tôi thực sự không hề có ý định ra làm ứng cử viên Thủ tướng lần thứ bảy trong đời. Nhưng tôi vẫn là Chủ tịch và người sáng lập ra đảng Nhân dân của tự do và sẽ tiếp tục làm việc để hỗ trợ cho các cải cách ở đất nước mình. Tôi tin vào khả năng thay đổi hệ thống hiện nay, có gắng làm sao để Italia trở thành một quốc gia hiện đại và hiệu quả, đủ sức đối phó với các thách thức toàn cầu.  Tôi cho rằng, tôi luôn luôn ở vị trí phục vụ cho đất nước mình và sẽ tiếp tục làm việc như tôi đã làm việc suốt cả đời này…

Tấn Phương
.
.