Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher: Phụ nữ phải cứng rắn

Chủ Nhật, 25/03/2012, 14:53
Ngay trong giai đoạn phát triển rất mạnh mẽ của phong trào đấu tranh cho nữ quyền như ở nửa cuối thế kỷ XX, những người phụ nữ làm chính trị vẫn không dễ dàng thể hiện được hết khả năng của mình. Lại càng ít hơn những nhà lãnh đạo nữ để lại được dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đương đại. Một trong những thí dụ nổi bật hiếm hoi về hình tượng phụ nữ thành công trên chính trường là cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.

Bộ phim “Bà đầm thép” của đạo diễn Mỹ Phyllida Lloyd với ngôi sao Meryl Street trong vai chính (giải Oscar năm 2012) đã khiến dư luận trở lại cùng với bà Thatcher và trăn trở với câu hỏi: Đâu là bí quyết giúp cho bà trở thành nhân vật như đang hiện hữu?

Đã quyết là làm

Với bà Margaret Thatcher, người từng có bằng thạc sĩ về hóa học và bằng cử nhân luật, chính trị là định mệnh, “chạy giời không khỏi nắng”. Năm 25 tuổi (1950), bà từng là ứng cử viên trẻ nhất của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử vào hội đồng hạt. Tới năm 1959, bà đã đắc cử vào Viện Thứ dân (Hạ viện). Và chỉ sau đó hai năm, tới tháng 10-1961, bà đã chiếm một vị trí trên hàng ghế đầu của quốc hội trong cương vị Thư ký đặc trách Quỹ Hưu trí và Bảo hiểm Quốc gia…

Lần đầu tiên bà Thatcher được giữ ghế Bộ trưởng là vào năm 1970 sau khi đảng Bảo thủ dưới quyền lãnh đạo của Edward Heath giành được chiến thắng trong bầu cử. Khi đó, bà được giao cho ghế phụ trách Bộ Giáo dục và Khoa học. Và ngay từ lúc ấy, tính duy lý đã được bộc lộ rõ trong các quyết định của nữ Bộ trưởng trẻ tuổi. Bà chấp nhận bị đả kích miễn là làm được những việc mà bà cho là hữu lợi hơn.

Tính cách cứng rắn, rất có chủ đích đã đưa bà Thatcher dần dà tiến gần hơn tới vị trí chủ chốt trong đảng Bảo thủ. từ năm 1975, bà dã trở thành thủ lĩnh của đảng Bảo thủ và giữ cương vị này cho tới năm 1990. Và ngày 4/5/1979, bà đã trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức Thủ tướng Anh sau khi đảng Bảo thủ giành được thế đa số 144 ghế tại Viện Thứ dân. Bước chân vào Dinh Thủ tướng ở số 10 đường Downing, bà trích dẫn lời của Thánh Francis thành Assisi: “Nơi nào có bất hòa, chúng ta đem đến đó sự hòa thuận. Nơi nào có sai sót, chúng ta đem đến chân lý. Nơi nào có nghi ngờ, chúng ta đem đến đức tin. Và nơi nào có tuyệt vọng, chúng ta đem đến niềm hy vọng!”.

Nói một cách công bằng, bà Thatcher không làm được nhiều việc theo đúng tinh thần trên.  Thế nhưng, không thể phủ nhận là, bà đã thể hiện rất mạnh mẽ cá tính và sự cứng rắn của mình trong các công chuyện quốc gia đại sự. Những nỗ lực của bà đã giúp cho nền kinh tế nói riêng và cả xã hội Anh khi đó có nhiều thay đổi. Những biện pháp bà đưa ra thường là khắc khổ và không phải lúc nào cũng có thể mang tính dân túy nhưng rốt cuộc lại giúp cho nền kinh tế được ổn định và phát triển. Chính phủ của bà trong một thời gian dài đã giữ được tỉ lệ lạm phát ở mức khá thấp. Tới cuối những năm 80 của thế kỷ trước, tỉ lệ thất nghiệp ở Anh cũng đã được giảm xuống đáng kể.

Trong các cuộc đàm phán, không bao giờ bà Thatcher chịu hy sinh những gì mà bà coi là quyền lợi thiết thân của “hòn đảo sương mù”. Cái biệt danh “Bà đầm thép” cũng từ đó mà xuất hiện. Và thực tế là bà đã rất trùng khít với biệt danh này. Chính nữ Thủ tướng Thatcher bằng một quyết định cực kỳ cương quyết đã làm thay đổi hẳn ngành khai thác than ở Anh, buộc đóng cửa rất nhiều mỏ làm “của để dành” cho tương lai. Những cuộc biểu tình phản đối rộng khắp đã không buộc được bà rút quyết định này…

Margaret Thatcher qua diễn xuất của Meryl Streep trong phim "Bà đầm thép".

Cũng chính nữ Thủ tướng Thather đã giúp nước Anh giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh ngắn ngày nhưng tất thắng với Argentina để giành lấy quần đảo Falkland (theo tiếng Tây Ban Nha là Malvinas). Quyết tâm chính trị ở người đàn bà trang nhã này luôn ở mức cao hơn như cần thiết phải thế. Cho tới ngày hôm nay, “Bà đầm thép” vẫn được nhớ lại với một sự ngưỡng mộ tới nuối tiếc ở “hòn đảo sương mù”, đặc biệt là khi người dân Anh so sánh bà với các cựu Thủ tướng khác như Tony Blair  hay Gordon Brown. Ngay cả đương kim Thủ tướng Anh David Cameron cũng kém bà ở ảnh hưởng chính trị và hình ảnh hấp dẫn đối với xã hội.

Trong nền chính trị trên “hòn đảo sương mù”, có khá nhiều kỷ lục đang thuộc về bà Thatcher. Bà là  người phụ nữ duy nhất từ trước đến nay được giữ hai chức vụ thủ lĩnh đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh. Nhiệm kỳ thủ tướng của bà dài nhất trong lịch sử Anh kể từ năm 1827 (từ năm 1979 tới năm 1990). Thatcher là Thủ tướng phục vụ lâu nhất kể từ thời nhà văn William Gladstone (1809-1898, bốn nhiệm kỳ làm Thủ tướng Anh) và cũng là người có thời gian liên tục dài nhất nắm giữ cương vị Thủ tướng kể từ Lord Liverrpool (1770-1828). Bà cùng với bà Margaret Beckett của Công đảng là một trong hai phụ nữ từng nắm giữ một trong bốn chức vụ then chốt của quốc gia (Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Ngoại giao). Trong danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất thuộc mọi thời đại, thực hiện bởi BBC năm 2002, bà Thatcher được xếp ở vị trí thứ 16.

Là một chính khách quan trọng trong lịch sử đương đại Anh, bà Thatcher được nhiều người ngưỡng mộ cũng như bị nhiều người chống đối. Khi bà về vườn năm 1990, báo Mỹ Chicago Tribune đã tổng kết: “Có lẽ đây là nhà lãnh đạo đáng phục nhất, đáng ghét nhất, đáng yêu nhất, đáng chán nhất, cấp tiến nhất và bảo thủ nhất trong toàn bộ thế giới phương Tây”.

Phương châm hành xử

Bà Thatcher có nhiều câu nói mà tới bây giờ người ta vẫn truyền tụng. Xin trích giới thiệu:

- Chẳng nghĩa lý gì nếu chỉ là một chủ thể mềm yếu đáng thương hại trên ghế bành. Chẳng lẽ không đúng thế ư?

- Điều mà nước Anh cần, đó là một bà đầm thép.

- Tôi không cho rằng tôi gặp may. Chẳng qua là tôi xứng đáng được như thế.

- Thường thì tôi chỉ cần mười giây là có thể “đọc vị” được một người đàn ông. Và sau đó nhận định cũ ít khi bị thay đổi.

- Tất cả mọi thứ trong đời tôi có được là nhờ ở cha tôi, và việc này cực kỳ thú vị vì rằng, những điều tôi thuấm nhuần được tại một đô thị nhỏ trong một gia đình hết sức khiêm nhường lại chính là những gì mà tôi cho rằng đã giúp tôi chiến thắng trong các cuộc tranh cử.

- Nếu những người đang phê phán tôi mà nhìn thấy được cảnh tôi bước trên ngọn sóng sông Thames thì hẳn họ sẽ bảo là, chẳng qua vì bà ấy không biết bơi.

- Theo tôi, đồng thuận - đó là quá trình từ bỏ các tín điều, các nguyên tắc, các giá trị và các chiến lược của mình. Đó là thứ mà chẳng ai tin vào và cũng chẳng ai buồn tranh cãi cùng.

- Tất nhiên, những sự tầm thường vô vị vẫn tồn tại. Chúng tồn tại chỉ đơn giản vì chúng phản ánh đúng hiện thực.

- Khát khao chiến thắng vẫn cháy bỏng trong từng người một trong chúng ta. ý chí quyết thắng - đó chỉ là vấn đề luyện tập. Phương thức chiến thắng - đó là vấn đề danh dự.

- Nếu tôi phải một mình chống lại 48 người thì tôi rất lấy làm tiếc cho cả 48 người đó.

- Nước Mỹ - đó không phải là thành Jerusalem mới. Nó không thể do tuyền những thánh nhân lập ra, và giả thử như nếu tuyền các thánh nhân đã lập ra nó thì hẳn nó không thể nào phồn vinh được.

- Nếu muốn cắt cổ mình thì đừng đến nhờ tôi băng bó cho.

- Người ta thường trách phiên tòa Nuremberg là công lý của “những người chiến thắng”. Và đúng là như thế, vì đó là ý định tạo ra nó.

- Không tồn tại cái gọi là xã hội. Có những cá thể đàn ông, những cá thể đàn bà và những gia đình riêng rẽ.

- Chữa trị những căn bệnh thâm căn cố đế của nước Anh bằng các tư tưởng xã hội chẳng khác gì chữa bệnh máu trắng bằng đỉa.

- Bất cứ người phụ nữ nào thông tạo công chuyện nội trợ thì gần như sẽ hiểu được các vấn đề của việc điều hành quốc gia.

- Hẳn đã chẳng ai nhớ tới “người Samaria nhân lành” nếu người ấy chỉ có độc những ý định tốt. Người ấy phải có cả tiền nữa.

- Khi người phụ nữ bộc lộ tính cách thì bị trách là “ghê gớm”, còn khi người đàn ông bộc lộ tính cách thì lại được khen là cừ khôi.

- Là người hùng mạnh cũng giống như là một quý bà đích thực. Nếu bạn cứ phải nhắc cho người khác biết rằng bạn hùng mạnh thì chứng tỏ rằng bạn chưa hùng mạnh.

- Thời nay phụ nữ có vô số những cơ hội để thể hiện mình: một số người trong chúng tôi còn được cai quản các quốc gia. Nhưng nói một cách danh dự, chúng tôi hợp với việc nâng khăn sửa túi hơn là mang lưỡi lê.

- Tất cả những người phụ nữ chúng ta đến một lúc nào đó đều sẽ trở thành bà nội hay bà ngoại.

Xung quanh phim “Bà đầm thép”

Phim “Bà đầm thép” của đạo diễn Phyllida Lloyd được công chiếu ngày 6/1/2012. Bộ phim là những hồi ức của bà Thatcher hiện về trong trí óc đang dần dà mụ mẫm đi vì tuổi tác của bà.

Một số người Anh kiêu hãnh khi hay tin đạo diễn Phyllida Lloyd  chọn nữ minh tinh Meryl Streep đã tỏ ý hoài nghi rằng, một người Mỹ, dù trước đó đã hai lần nhận giải Oscar, vẫn không thể nào thấu hiểu được hết “tâm hồn Anh huyền bí”. Lại càng không thể tập được phong cách không thể bắt chước của “Bà đầm thép” và ngữ điệu riêng đặc biệt của bà.

Thế nhưng, Meryl Streep đã hoàn thành xuất sắc vai diễn được giao. Người nữ diễn viên 62 tuổi này tâm sự:

- Tôi đã rất vất vả với vai diễn. Nhưng đây là một trong những bộ phim hiếm hoi mà tôi phải cảm ơn số phận. Từ trước tới nay, tôi đã không đồng tình với nhiều việc trong số những việc mà Margaret Thatcher đã làm trong chính trị, nhưng tôi cảm giác rằng, bà ấy tin vào những gì mà bà ấy làm.

Gái có công thì không ai phụ. Và Meryl Streep đã được nhận giải Oscar thứ ba của đời mình dành cho vai cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher trong phim “Bà đầm thép”.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng không phải ai cũng thích bộ phim này. Đương kim Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng, bộ phim “Bà đầm thép” được xuất xưởng sớm hơn thời gian cần thiết. Theo lời ông Cameron, ông rất thích cách diễn của ngôi sao Meryl Streep, nhưng ông cho rằng, đây là bộ phim kể về bản chất tâm lý của quá trình lão hóa hơn là về một nữ Thủ tướng nổi trội như bà Thatcher. 

Ông Cameron không phải là người đầu tiên trong đảng Bảo thủ Anh phê phán phim về bà Thatcher. Cựu thành viên nội các của đảng Bảo thủ, cựu ngoại trưởng trong chính phủ của bà Thatcher, Lord Douglas Hurd, đã gọi bộ phim này là “u tối”. Còn cựu Chủ tịch đảng Bảo thủ,  Lord Norman Tebbit, tuyên bố rằng, Thủ tướng Anh Thatcher không bao giờ là “người phụ nữ đa cảm, hoảng loạn” như Meryl Street muốn diễn tả.

Tuy thế, đạo diễn Phyllida Lloyd thì đã đáp lại mọi lời phê phán bộ phim của ông như sau: “Tất cả chúng tôi đều cho rằng, chân dung một người phụ nữ, đang phải trải qua quá trình mất dần mất mòn sức khỏe và trí nhớ, không phải là một chủ đề cấm kị và đáng xấu hổ đối với điện ảnh”.

Lương Khánh
.
.