Cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân: Nhiệt huyết không hưu

Thứ Bảy, 18/08/2012, 10:10
Sự việc này đang được rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng trên thế giới quan tâm: những tuần gần đây, cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, người vốn vẫn bị dư luận nước ngoài đồn đại là “có tình trạng sức khỏe không ổn định”, bỗng dưng lại xuất hiện nhiều hơn trong các hoạt động công khai.

Đấy hẳn không phải là chuyện tình cờ ở thời điểm cả đất nước Trung Quốc đang gia tăng các nỗ lực tổ chức để tiến tới Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản (dự định tổ chức vào cuối năm nay) với những chuyển giao nhân sự quan trọng. Tiếng nói của một cựu lãnh đạo như ông Giang Trạch Dân hiển nhiên là vẫn có sức nặng rất đáng kể trong việc thiết kế đội ngũ những người cầm lái mới trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Cần lắm mới ra

Thông thường các nhà cựu lãnh đạo ở Trung Quốc thường tránh xuất đầu lộ diện trong các hoạt động xã hội, ngoại trừ những lúc phải có mặt trong các sự kiện mang tính biểu trưng. Kể từ sau khi rời bỏ mọi chức vụ trong bộ máy Đảng và Nhà nước (Tổng Bí thư năm 2002, Chủ tịch nước năm 2003 và Chủ tịch Quân ủy Trung ương năm 2004), ông Giang Trạch Dân đã duy trì nếp sống kín cổng cao tường và chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện trong những sự kiện lớn của quốc gia, thí dụ như Lễ Khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008 hay Lễ Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 1/10/2009...

Ấy vậy mà từ thượng tuần tháng 7 đến nay, đặc biệt là trước Hội nghị Bắc Đới Hà (cuộc gặp mặt của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc tại khu nghỉ mát Bắc Đới Hà thuộc tỉnh Hà Bắc vào những ngày đầu tháng 8, trong đó có đề cập tới các vấn đề quan trọng trong công tác Đảng và chính quyền), ông Giang Trạch Dân đã ít nhất xuất hiện bất ngờ tới ba lần trước công chúng. Và xuất hiện, như các nhà quan sát nhận định, rất nổi bật.

Thí dụ, sau khi xảy ra một trận động đất nhỏ (4,9 độ Richte) ở Dương Châu (Giang Tô), quê hương ông ngày 20/7, ông đã ngay lập tức gọi điện thoại cho Bí thư Thành ủy Dương Châu, thăm hỏi tình hình. Nội dung cuộc trao đổi giữa hai ông đã được một tờ báo ở Giang Tô công bố và ngay trong ngày 2/8 đã được đưa lại trên trang web của tờ Nhân dân nhật báo...

Tiếp đó, vào những ngày cuối tháng 7, ông Giang cũng đã cho đăng rầm rộ trên các cơ quan truyền thông, trong đó có tờ Nhân dân nhật báo, bài viết mà ông đã dùng làm lời tựa cho cuốn Sách đọc lịch sử giản minh. Và sau đó, thông tin về việc ông Giang rời Bắc Kinh bay tới Bắc Đới Hà sáng 2/8 cũng đã được đưa rộng rãi...

Theo nhận xét của các nhà quan sát, đây là những tín hiệu có ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc... Những nhân vật được ông Giang Trạch Dân tín nhiệm hẳn sẽ coi đó như một sự động viên lớn từ bậc trưởng lão trên chính trường...

Nguyên tắc hành xử của ông Giang có lẽ là: tin ở những người kế nhiệm và không nên để họ cảm thấy bị cấn cá về những người đi trước. Tuy nhiên, về hưu nhưng nhiệt huyết không hưu, khi cần vẫn phải đóng góp những ý kiến thấu tình đạt lý để sự tiếp nối không trở thành lệch hướng.

Thích làm ngạc nhiên

Trong con mắt của nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài, ông Giang Trạch Dân là một người thích làm cho người khác ngạc nhiên. Ít ai biết rằng mỗi lần xử sự như thể ngẫu hứng ấy lại được ông chuẩn bị trước rất kỹ càng - trong chính trị không có gì là tình cờ cả. Khi ông lần đầu xuất hiện trước quốc dân đồng bào trong bộ com lê theo kiểu châu Âu, tất cả đều hiểu rằng một giai đoạn phát triển mới bình ổn hơn đã tới với đất nước Trung Hoa.

Khi sáu năm trước đây ông tuyên chiến với nạn tham nhũng thì đó đã không phải là một lời nói suông. Chỉ trong vài ba năm đã có tới gần 2.000 người bị tử hình vì tội này. Mặc dầu nói một cách công bằng nạn tham nhũng ở Trung Quốc không nhờ thế mà giảm đi đáng kể nhưng dẫu sao ông cũng đã đạt được mục tiêu chính yếu: nhân dân thấu hiểu và ủng hộ ông trong cuộc chiến một mất một còn này.

Theo tạp chí Nga Itogi, át chủ bài của ông Giang Trạch Dân là khả năng tranh thủ người đối thoại rất tinh tế. Ông biết cách hành xử mềm mỏng, không bao giờ biến bạn thành thù và hơn thế nữa, biết xoa dịu ngay cả những đối thủ quyết liệt nhất. Có lần, trong một cuộc gặp quốc tế ở Manila, khi đi dạo trên tàu cùng nhà lãnh đạo Philippines lúc đó là Fidel Ramos, hai người đã hát song ca khá ăn ý một ca khúc nổi tiếng của Elvis Presley Hãy yêu anh dịu dàng. Biết ông Giang sắp có chuyến thăm Mỹ, ông Ramos nhận xét rằng, có lẽ Bill Clinton, chủ nhân của Nhà Trắng lúc đó, một người vốn coi Presley là thần tượng, sẽ rất kinh ngạc khi nghe vị khách Trung Quốc của mình hát. Mọi chuyện về sau xảy ra đúng như thế...

Còn khi ông Clinton trong lúc dẫn vị khách Trung Quốc đi tham quan Nhà Trắng, thao thao bất tuyệt trích dẫn lời người xưa về nhân quyền và Hiến pháp, như bóng gió muốn đề cập tới vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, ông Giang đã chỉ im lặng một giây rồi tế nhị nhắc ông Clitnon về những đoạn trích dẫn trước tác của các nhà luật học Mỹ thời dựng nước còn chưa chuẩn xác. Rồi sau đó, ông Giang nói như tiện thể rằng ông thuộc lòng tất cả các đoạn đối thoại trong bộ phim Chuyến xe với nam diễn viên mà ông Clinton rất ưa thích John Wain... Người ta cho rằng, sắp tới, trong chuyến thăm Mỹ lần thứ hai vào cuối tháng 10 này, có lẽ ông Giang cũng đã có sẵn bài tủ để trò chuyện với vị tổng thống máu nóng, xuất thân từ  bang Texas nhiều dầu lửa và đông cao bồi, George Walker Bush...

Trong một chuyến thăm Nga năm 2001, ông Giang đã đọc rất diễn cảm bài thơ Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu... của thi hào Nga Puskin, khiến tất cả những người ở xung quanh đều ngạc nhiên vì vốn hiểu biết sâu sắc của ông về văn học Nga. Đọc tới câu “Như thiên thần sắc đẹp trắng trong”, ông giơ hai tay lên giời đầy cảm khái khiến ai cũng thấy thích thú.  Quá hứng khởi, ông đã đọc thơ Puskin cả trong bữa tối cùng với Tổng thống Vladimir Putin, kéo dài tới 11 giờ khuya... Báo Nga Luận chứng và sự kiện cho rằng, tình yêu đối với Puskin đã giúp hai vị nguyên thủ quốc gia Trung Quốc và Nga dễ dàng thảo luận về các vấn đề quốc tế và song phương hơn...

Biết thời để tiến

Ông Giang Trạch Dân sinh năm 1926 trong một gia đình giáo viên nghèo ở một thị trấn heo hút phía nam tỉnh An Huy, gần Thượng Hải. Cha ông đã không có tiền để làm giấy khai sinh cho con nên cậu bé ngay từ khi vừa lọt lòng đã được gửi đi tá túc tại nhà người chú ruột tên là Giang Thế Hầu, vốn có điều kiện kinh tế khá hơn. Ông Giang Thế Hầu là một cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc và về sau, đã hy sinh trong khi chiến đấu với quân phát xít Nhật xâm lược…

Truyền thống dòng họ Giang là nghèo nhưng hiếu học, nên nhà lãnh đạo tương lai đã được ăn học tử tế và biết tiếng Anh ngay từ cấp phổ thông... Năm 1943, ông vào học ở Trường Đại học Nam Kinh và tới tháng 10/1945 đã chuyển sang học ở Trường Đại học Giao thông Thượng Hải. Tới năm 1947, ông đã có bằng kỹ sư điện của học đường đại học danh tiếng này...Trong những năm 1955-1956, ông đã được cử sang Liên Xô thực tập tại nhà máy ô tô Stalin ở Moskva và từ đó đã vĩnh viễn “phải lòng” nền văn hóa Nga đầy nhân tình thế thái...

Ông Giang gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc từ tháng 4/1946. Với bản tính chín chắn và thực tế, không thích chơi chòi, ông đã học được nhiều điều bổ ích và lý thú trong những giai đoạn đầy biến động khắc nghiệt của Trung Quốc. Ông không hô khẩu hiệu to hơn những người khác nhưng cũng không bao giờ trốn tránh nhiệm vụ sau lưng bất kỳ ai. Phẩm chất này vừa giúp ông tai qua nạn khỏi, vừa tạo cho ông một thế đứng ngày một vững vàng hơn trong bộ máy chính quyền theo kiểu “chầm chậm tới mình”.

Tháng 9/1982, ông Giang trở thành Ủy viên TW Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại hội lần thứ 12. Từ tháng 6/1983 tới tháng 6/1985, ông là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Điện tử kiêm Bí thư Đảng ủy Bộ. Tiếp theo, ông được cử làm Phó Bí thư Thành ủy Thượng Hải kiêm luôn chức Thị trưởng. Chính trên cương vị này, ông đã lấy nhu thắng cương và  xử lý êm xuôi những mâu thuẫn xã hội khi có hàng nghìn sinh viên xuống đường yêu cầu chống lại cảnh tham quyền cố vị ở Thượng Hải. Ông đã viện dẫn bằng nguyên bản tiếng Anh bài diễn văn Gettysburg của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, trong đó nói tới việc hiến dâng mạng sống cho cuộc đấu tranh nhằm bảo đảm rằng “chính quyền của dân, cho dân, vì dân sẽ không lụi tàn khỏi mặt đất…”. (Ông Giang là một nhà lãnh đạo biết tới ba ngoại ngữ, đó là tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Rumani).

Sự việc trên đã rất được Bắc Kinh đánh giá cao và đó có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân giúp ông trở thành người lãnh đaọ quốc gia cao nhất sau này. Để phát triển, cần động viên được mọi tiềm năng dân tộc hợp lực với nhau chứ không phải gây nên những trạng thái căng cứng làm phân hóa xã hội. Đó là bài học lớn nhất mà ông Giang đã thu nhận được trong cuộc đời chính trị dài lâu của mình, giúp ông đứng vững trên vị trí người cầm lái Trung Hoa tới 13 năm liền

Nguyễn Văn Tuấn
.
.