Trung tướng Đặng Kinh, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam:

Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao

Thứ Sáu, 06/07/2012, 15:32
Trung tướng Đặng Kinh là một vị tướng lừng danh của quân đội ta, mà như đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì “Tôi đã nhiều lần tiếp xúc và làm việc với anh Đặng Kinh. Anh là một đảng viên trung kiên, một vị tướng có đức, có tài, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và quân đội giao phó. Anh là con người trung thực, thẳng thắn, sống trọn tình trọn nghĩa với đồng chí, đồng đội”.

Bên cạnh ông luôn là một người vợ dịu hiền, đã chia sẻ với ông mọi thăng trầm gian lao của cuộc sống. Ông là một vị tướng lừng danh đã đành, mà bà cũng là một cán bộ vật tư hậu cần nổi tiếng của thành phố Cảng Hải Phòng những năm chiến tranh chống Mỹ. Ông bà có 4 người con và một đàn cháu nội cháu ngoại đủ nếp đủ tẻ. Cũng phải nói đấy là một hạnh phúc mà khó ai bì được, như một sự tưởng thưởng với một vị tướng suốt một đời vì dân vì nước…

Vị tướng đã từng nam chinh bắc chiến này giờ đây vừa tròn 90 tuổi. Ông vẫn mạnh mẽ tinh anh như ngày nào chỉ huy đánh trận Cát Bi nổi tiếng. “Nhưng trong đời riêng của tôi cũng có một chuyện buồn cậu ạ”- ông đã  bắt đầu câu chuyện tình của mình với tôi như vậy.

Ông kể tiếp:

- Năm 1951, Thường vụ Tỉnh ủy duyệt tôi lấy đồng chí Lê Huyền - đảng viên, Phó Bí thư Phụ nữ huyện. Đến cuối 1953, chúng tôi sinh một cháu gái, đặt tên là Đặng Công Khanh. Năm 1953 trong chỉnh huấn chính trị, chỉnh Đảng và cải cách ruộng đất, không biết trong kiểm điểm của vợ tôi viết thế nào, mà Ban lãnh đạo chỉnh huấn kết luận vợ tôi là loại nghi vấn gián điệp loại A. Tất nhiên vì tôi trong Thường vụ nên được biết trước. Một lần đồng chí Hoàng Bá Sơn - Phó Bí thư Khu ủy Tả Ngạn gọi tôi lên khu và nhắc tôi kiểm điểm việc tại sao lại lấy vợ nghi vấn là gián điệp loại A(?!).

Thú thật tôi choáng váng, không biết ăn nói thế nào. Chắc ai trong hoàn cảnh này cũng đau lòng như tôi. Tôi trả lời đồng chí Hoàng Bá Sơn: “Tôi lấy vợ là đảng viên, cán bộ phụ nữ của Đảng, lại được Thường vụ Tỉnh ủy là đồng chí Trần Kiên duyệt. Vậy là đúng nguyên tắc, tôi không có việc gì phải  kiểm điểm trước anh và Khu ủy”.

Cũng do việc này, Khu ủy quyết định vợ tôi đi học Trường Nguyễn Ái Quốc để thẩm tra. Nhưng tôi tin là Trường Nguyễn Ái Quốc của Trung ương quản lý sẽ sáng suốt có kết luận rõ ràng.

Trước trận đánh sân bay Cát Bi, vợ tôi nhận quyết định đi học, băn khoăn không muốn đi vì con gái mới 5 tháng. Tôi động viên: “Huyền yên tâm đi học, con ở nhà tôi xin đảm bảo nuôi”. Nhưng trong lòng tôi suy nghĩ với đứa bé 5 tháng, gửi trong nhà dân vùng du kích làm sao có thể nuôi sống được? Tôi biết trước sẽ có chuyện chẳng lành, vì thế trước khi lên khu, tôi tranh thủ về Trại Lố, thôn Kinh Lương, nhà bà cụ Sấn mà Huyền gửi con  ở đó để thăm. Sau trận đánh sân bay Cát Bi, đứa con đã được 7 tháng tuổi, tôi chạy khắp các chợ Vĩnh Bảo mua được 2 lạng thịt và 1 hộp sữa Con chim về thăm và tạm biệt con. Tôi ninh thịt nấu cháo, pha sữa cho con bú. Con bé gầy đi nhưng được uống sữa và ăn cháo nước thịt một ngày, lại no bụng vui cười. Đêm đó, tôi mắc chiếc màn một, trải chiếu giữa sân nằm ôm con mà nước mắt cứ trào ra, biết rằng tôi đi xa thì con tôi một ngày nào đó cũng sẽ đi xa mà tôi không bao giờ gặp lại…

Ngẫm nghĩ đời mình, đến 29 tuổi cũng không dám nghĩ đến xây dựng gia đình vì không người thân thích, chỉ có đồng đội, đồng chí, nếu lập gia đình có con ai nuôi, lấy gì mà nuôi?

Nhưng cũng là điều bất ngờ cho tôi, tháng 5-1951 tôi vừa 29 tuổi thì Huyền đi học cùng với các đồng chí khác nữa, về qua núi Cối đất Nho Quan, chúng tôi gặp nhau. Tôi thấy đồng chí Huyền là con người có nhan sắc nhưng khiêm tốn chín chắn, chúng tôi trở thành hai người bạn chớm nở tình yêu. Với tuổi trẻ, có đồng chí bạn trai đi cùng, nói với tôi: “Cậu muốn lấy nó, tớ làm mối”. Tôi thẳng thắn, chân thành trả lời: “Tớ muốn lấy ai, tớ tự hỏi, không cần ai làm mối”. Rồi chiến dịch Hà Nam Ninh mở, tắc đường không về được sông Hồng, phải vòng qua Đông Triều. Yêu từ lúc đó vào đầu tháng 8, nhân hai người cùng đi chơi trên đường ven tháp thác nước trên có mỏm đá, tôi mời Huyền ngồi và tôi nói thật là tôi chưa vợ, cô chưa chồng lại là 2 đảng viên, nếu đồng ý chúng ta có thể tìm hiểu nhau và thấy hợp có thể thành đôi lứa trăm năm. Huyền không nhìn tôi mà đứng dậy đi thẳng không đáp một lời.

Rồi trên chặng đường gian nan vượt sông Luộc, sông Hóa về Tuyên - Duyên - Hưng, rồi qua trận càn lớn của địch (trận càn Măngđarin) có đoàn phụ nữ Kiến An cùng đi với Đại đội 61 mà tôi chỉ huy, đánh giặc luồn càn gần 1 tháng gian nan, cuối cùng trở lại Quỳnh Côi. Huyền chia tay tôi về Tiên Lãng, tôi về xây dựng cơ sở ở Vĩnh Bảo. Một hôm chú liên lạc của tôi đưa cho tôi một mảnh giấy nhỏ trên đầu đề 4 chữ “Anh Kinh thân yêu” và tấm ảnh 3x4. Tình yêu bắt đầu từ đó.

Tôi vác súng đi chiến đấu. Vào buổi mờ tối, tôi gặp Huyền ở cổng nhà bà Chạp. Huyền dấn lên, cô muốn áp sát người tôi. Tôi vai đeo khẩu súng lùi xuống một bước, suy nghĩ “Mới yêu nhau, chưa phải là vợ chồng mà đã... Biết đâu, trong trận chiến đấu nào đó, tôi hy sinh, thì người yêu phải mang theo một mối hận suốt đời”.

Trước khi chia tay, nằm với con mà biết rằng khi về khó còn gặp con, nước mắt tôi cứ tuôn trào ra mãi. Nhưng rồi cũng đến lúc phải đi. 6 giờ sáng con tôi còn ngủ, tôi ôm chặt con vào lòng hôn con lần cuối. Đi nhận nhiệm vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 50. Khi nhận nhiệm vụ đang tập hợp quân thì tôi được triệu tập về Bộ Tổng tư lệnh họp rút kinh nghiệm chiến dịch Điện Biên Phủ, chuẩn bị đánh xuống đồng bằng. Đang họp thì Hội nghị Giơnevơ được ký kết. Toàn hội nghị chuyển sang quán triệt Nghị quyết 7 Trung ương khóa 2 về nhiệm vụ chuyển từ thời chiến sang thời bình; nhiệm vụ ngừng bắn, tập kết, rút quân.

Sau cuộc họp, tôi cùng đoàn Tả Ngạn ra về. Đến khu, tôi nhớ mãi trong một bữa cơm, đồng chí Lê Chưởng - Bí thư Tỉnh ủy lúc đó cùng ngồi xổm với tôi trước cửa một nhà dân, nói: “Cháu Khanh đi rồi cậu ạ”. Tôi không khóc và cũng không nói gì, buông đũa bát đứng dậy, cảm thấy như có một nhát dao đâm vào tim. Tôi suy nghĩ, đã hứa nuôi con, bây giờ con ra đi vĩnh viễn, ngoài thương xót con, khi Huyền về, tôi biết ăn nói sao, chắc chắn có sự hiểu lầm lớn trong tình thương yêu nhau.

Cứ mỗi lần nghe kể đến đây, bà Huyền lại chấm nước mắt. Nhiều năm tháng đã qua, cuộc đời thêm biết bao thăng trầm, ông bà đã thêm 4 mặt con có nếp có tẻ, nhưng nỗi khổ đau oan ức ngày ấy vẫn như một vết thương lòng của bà…

 Những lúc ấy, là người phụ nữ tế nhị, bà thường lảng ra ngoài. Nhưng vị tướng khét tiếng trận mạc cũng tế nhị không kém. Ông cũng  đi ra theo bà, nói một câu gì đó đầy âu yếm, rồi lại đưa bà vào trò chuyện với mình, với anh em bạn bè…

Như mọi vị tướng khác của quân đội ta, hạnh phúc vợ chồng luôn phải vượt qua sự xa cách về không gian. Lúc trẻ bay nhảy đã đành, nhưng khi đứng bóng rồi vẫn cứ phải xa vợ xa con nam chinh bắc chiến. Có thể nói, những tháng ngày gần gũi bên nhau của họ chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay…

Tướng Đặng Kinh cũng vậy. Hòa bình lập lại, ông đi học quân sự ở Trung Quốc. Về nước, ông  tham gia Cục Tác chiến, Cục Đối ngoại của Bộ Tổng tham mưu giữa thủ đô Hà Nội, còn bà vẫn nuôi dạy con cái ở Hải Phòng. Năm 1961, ông được phân công chỉ đạo mặt trận Lào. Năm 1966, khi đang là Cục trưởng Cục Đối ngoại, ông có quyết định tăng cường cho mặt trận Bình Trị Thiên, với cương vị Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng mặt trận Trị Thiên Huế. Năm 1968, ông chính là người tư lệnh của mặt trận Huế nổi tiếng đã từng đi vào tiểu thuyết, thơ ca…

Nhưng những nhà văn ngày ấy quá say sưa với hình tượng tướng Đặng Kinh giữa trận tiền mà lại quên khắc họa về người vợ đảm đang, nguồn sức  mạnh vô biên của ông nơi hậu phương là bà Lê  Huyền. Chính những năm tháng ấy, bà Huyền không chỉ một nách nuôi 3 con nhỏ trưởng thành, mà còn là một Giám đốc Vật tư nổi tiếng của thành phố Cảng. Nhưng dù ở cương vị nhiều người nương cậy và muốn làm quen như vậy, lại có nhan sắc, nhưng suốt từ ngày là một cô du kích chớm nở tình yêu với người chiến sỹ Đặng Kinh, dù tình cảnh nào, bà cũng chỉ một tình yêu duy nhất, mãnh liệt với ông, nhiều khi đến mức tôn thờ…

Năm 1968, ông được điều ra làm Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, kể như từ đây ông bà mới được gần gũi bên nhau. Nhưng tình yêu của họ là… B52 rải thảm, là thủy lôi phong tỏa đất Cảng, là những trận địa nồng nặc khói súng, là những bữa cơm nhiều phần mỳ độn, ít phần ngô khoai… Nhưng tình yêu của họ vẫn nở hoa kết trái, vẫn sinh hạ thêm được một cô con gái út đẹp như đóa hoa hồng. Chính tình yêu này không chỉ nâng bước cho vị tướng Đặng Kinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu, mà còn đóng góp rất nhiều cho tiền tuyến với những đoàn quân từ quân khu ra trận, những đoàn tàu chở vũ khí đạn dược cập Cảng Hải Phòng… Ở đất Cảng, ít người dân nào không biết đến tên tuổi cùng hạnh phúc và tình yêu của ông bà…

Một ngày gần đây, tôi được đi dự đám cưới của người cháu ngoại của Trung tướng Đặng Kinh, vốn là một thủ trưởng của tôi những ngày ở mặt trận Trị Thiên Huế.

Trước đó tôi được biết, người vợ thân yêu của thủ trưởng mình đang lâm bệnh nặng (bà cũng đã hơn 80 tuổi). Nhưng thú thật bước vào phòng cưới, thấy ông bà ngồi bên nhau vẫn tươi đẹp làm sao. Những người bạn nghệ sỹ của tôi: Nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ, Nghệ sỹ ưu tú Quang Huy, và đặc biệt Đại Tá Nghệ sỹ nhân dân Dương Minh Đức đã ôm những bó hoa thật đẹp từ trên sân khấu  đến tặng ông bà, và hát tặng riêng ông bà một khúc hát của người lính. “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao”…

Vâng, đối với vị tướng dạn dày trận mạc Đặng Kinh và người vợ thân yêu của mình, dù trong hoàn cảnh nào, thì mãi mãi “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao”…

Trương Nguyên Việt
.
.