Nhà văn Pháp Albert Camus, giải Nobel văn chương năm 1957:

Cơn si mê mang tên Maria

Thứ Năm, 20/01/2011, 11:00
"Cảnh chia xa khủng khiếp này ít nhất cũng sẽ giúp chúng ta cảm thấy sâu sắc hơn bất cứ khi nào khác sự cần tới nhau của hai chúng ta". "Anh muốn thông báo cho em biết rắng, thứ ba tới anh sẽ đi xe hơi về. Anh cảm thấy hạnh phúc trước cơ hội lại được gặp em tới mức anh đã cười rất vui khi viết những dòng này. Đây là lá thư cuối cùng anh gửi từ nơi này".

"Chúng ta sẽ  gặp nhau vào thứ ba tới, em yêu ơi, và ngay từ bây giờ anh đã rất khao khát hôn em và mong ngóng được làm thế từ sâu thẳm trái tim mình"...

Albert Camus đọc lại ba lá thư đã viết và cảm thấy không hài lòng với cả ba. Thật kém cỏi, có lẽ anh không xứng đáng với giải Nobel Văn chương đã được trao. Camus đút cả mớ thư vào trong cặp rồi nhìn ra cửa sổ. Trời xấu quá, cơn mưa lâm thâm lạnh giá làm co quắp những thân cây trụi lá, cánh đồng trơ trọi dưới bầu trời xám xịt  càng trở nên u ám hơn.

Thời tiết thế này có lẽ đi xe lửa về Paris thì tốt hơn nhưng anh  không đủ sức để suốt ba giờ liền nhìn vào đôi mắt đau đớn của Francine và cảm nhận thấy chị phải cố gắng lắm mới không thốt ra những lời trách móc. Nhưng những lời trách móc đó đang hiện hữu trong từng cử chỉ, từng cái nhìn, từng giọng điệu của chị - tất cả sự tồn tại của Francine từ lâu đã trở thành một chuỗi những ta thán triền miên mà Camus không thể nào chịu đựng nổi.

Ôi cái cách chị nhìn chồng khi ông giả giọng vô tư lự nói rằng sẽ trở về Paris bằng ôtô với người bạn Michel Gallimard… Rồi cái giọng nói như không: "Dẫu sao thì mình cũng phải tạm biệt nhau một lời chứ nhỉ…"  khiến cho Camus cứ đắng đót cả lòng.

Camus đã thực hiện đúng lời hứa và tiễn vợ con ra tận ga. Hai đứa nhỏ cứ ôm riết lấy cổ bố. Anh hôn chúng một cách rất chân thành. Cả gia đình sẽ gặp lại nhau vào tối nay, không, đúng hơn là vào đêm nay vì buổi tối, anh sẽ tới chỗ Maria.

Michel Gallimard, cháu của ông Gaston Gallimard, người sáng lập ra nhà xuất bản lừng danh "Gallimard", một "hiền huynh" của Camus, không bao giờ phản lại bạn mình, như thường lệ, đã kịp thời hiểu ra rằng, đã đến lúc mà Camus phải được "nghỉ ngơi" khỏi sức ép gia đình, chứ không mọi chuyện sẽ trở nên rất tồi tệ.

Janine, người vợ niềm nở và tốt bụng của Michel, cùng cô con gái Anne của họ mà Camus rất quý, đã nhanh chóng mang hết đồ để vào thùng xe và bây giờ việc còn lại chỉ là tìm xem chú cún Renault vốn có tính thích đâu thì chạy đi đó và chỉ về nhà khi nào nó muốn. Cái tất nhiên là rất hiểu tinh thần yêu tự do của anh chàng chó đó nhưng không thể chiều nó được vào lúc mưa gió như thế này. Janine cất giọng gọi rất to: "Renault! Renault!". Trong lúc đó Michel và Camus đứng hút thuốc trước thềm nhà và tiếp tục câu chuyện đã được bắt đầu từ bữa trưa.

Maria Casares.

- Đối với con người, nhận thức ra hiện tại của mình, - đó là không chờ đợi gì thêm nữa. Thực sự thì từ "tương lai" là cái gì? Một âm thanh rỗng tuếch!

- Đúng rồi, vì thế tôi mới quyết định...

Michel nhìn bạn với vẻ hơi lo lắng:

- Thực sự là thế?

- Thực sự.

- Thế nàng đã biết chưa?

- Chưa, nhưng rồi sẽ biết.

Cuối cùng thì Janine cũng đã gọi được Renault về. Họ khởi hành muộn, vào lúc 5 giờ chiều. Từ Provence, nơi họ đang ở, về Paris phải mất ba giờ đi đường, nhưng trước khi ra tới đường cái, họ còn phải đi lòng vòng theo những lối đường quê. Gió rú rít đập vào kính xe, những hàng cây cuồng loạn nhảy múa trong gió và những dãy cỏ vàng úa ở những cánh đồng nằm ở hai bên đường cúi rạp xuống sát đất...  Maria rất thích thời tiết như thế này, nhưng Camus lại rất dị ứng với kiểu như thế. Thôi, chấp gì Maria, chính bản thân nàng cũng là cơn gió lộng, là bão tố, là thảm họa mà ta không thể nào ngăn được...

Camus lần đầu tiên nhìn thấy cô Maria Casares vào mùa thu năm 1943 trong văn phòng của Marcel Herrand, Giám đốc kiêm đạo diễn chính của nhà hát tư nhân Mathurins  ở Paris, nơi mà nhà văn được mời đến để đọc giới thiệu kịch bản mới "Ngộ nhận" - Herrand có ý định dựng vở kịch này. Camus vốn không quen đọc các tác phẩm của mình cho các nghệ sĩ nghe nên rất hồi hộp và cố gắng giấu sự lúng túng của mình bằng vẻ ngoài kênh kiệu.

Các diễn viên Helene Vercors, Marie Kalaff và Paul Oettlee đều lắng nghe với sự thú vị lịch thiệp, chỉ riêng cô thiếu nữ tóc mun Maria Casares mà ngay từ đầu đã được chọn cho vai chính Martha thì cứ mở to đôi mắt huyền  hoang dại như mắt mèo cái nhìn chằm chằm vào anh như muốn ăn tươi nuốt sống. Và Camus, cảm nhận được ánh mắt sắc như dao đó, bỗng trở nên lúng ta lúng túng, đọc vấp liên tục, thỉnh thoảng lại nuốt những từ ở cuối câu…--PageBreak--

Thực sự mà nói anh vốn không quen để phụ nữ chủ động bắt đầu cuộc chơi tình ái. Là một Don Juan đứng tuổi rất giàu kinh nghiệm, Camus có những thói quen riêng và lề thói riêng. Tất cả các cuộc tình của anh thực ra chỉ là sự biểu diễn một kịch bản quen thuộc với những ngẫu hứng nhỏ và một cốt truyện không thay đổi: đó chỉ là những đam  mê chợt hiện, không thể nào lý giải được, không thể nào cưỡng lại được, dẫu rằng anh đã quá mệt mỏi bởi tình yêu.

Thế nhưng, cái cô nàng Maria đó - thoạt tiên anh đã gọi cô là mèo cái nhưng rồi anh đã hiểu rằng đấy là hổ cái - đã không cho anh có thời gian để trình diễn lời thoại của các vai cũ mà lẽ ra anh phải nói, dù không phải ở ngay lần gặp đầu tiên. Sau buổi đọc kịch bản, hai người đã chạm mặt nhau ở phòng ngoài nhỏ hẹp cạnh văn phòng của Herrand và Maria đã nói một cách không úp mở với vẻ hơi lẳng lơ:

- Anh sẽ tiễn em chứ? Và chúng ta sẽ ở bên nhau một lúc nhé?

Họ đi cạnh nhau trên đại lộ Haussmann và ngay từ lúc đó bám theo họ đã là những đợt gió thu cuồng nộ tước bỏ những chiếc lá cuối cùng của những cây dẻ. Buổi chiều đó có lẽ gió cũng đã thổi khỏi đầu Camus những suy tư tỉnh táo cuối cùng…

Marie cư xử như thể mọi chuyện giữa họ đã được định đoạt xong hết cả rồi.

Cô rất thanh mảnh, mềm mại như một nhành liễu, tóc mum, mắt huyền, vận bộ đồ màu đen. Khuôn mặt trái xoan rất lạ lùng, khó có thể nói là xinh đẹp. Nhưng trên gương mặt rất nhỏ nhắn ấy lại là một đôi mắt rất to và ở nơi giao nhau của đôi lông mày như ẩn hiện điều gì đó bi thảm, định mệnh. Dù khi đó Maria mới 20 tuổi, kém Camus tới 9 tuổi nhưng có thể thấy rằng cô đã biết khá rõ những chuyện lửa, nước và ống đồng của cõi thế.

Đạo diễn Marcel Herrand, một người bạn tốt của Camus, một kẻ đồng tính, rất thông minh, kể cho nhà văn biết rằng, Maria Casares là người Tây Ban Nha, sinh ra ở xứ La Corunha, nữ diễn viên kịch tài năng nhất Paris, rất kỳ diệu và rất khó thấu hiểu. Herrand đã tìm thấy cô trên sàn diễn của Học viện Âm nhạc Paris khi cô đóng vai nữ hoàng Marie - Anne de Neubourg trong vở "Ruy Bias" (kịch bản Victor Hugo).

Maria thậm chí còn chưa kịp tốt nghiệp Khoa Diễn viên vì Herrand đã quá muốn có cô trong đội hình nhà hát  Mathurins của mình. Chính vị đạo diễn này cũng phải lấy làm kinh ngạc: từ đâu mà ở cô gái trẻ này có đôi mắt tinh đời như đã hiểu hết mọi sự từ bên trong ra như vậy?

Khi giữa hai người đã bắt đầu cái chuyện không thể nào tránh khỏi được, Maria đã vô số lần kể và diễn tả lại bằng vẻ mặt cho Camus nghe và thấy tất cả những gì mà cô đã phải trải qua.

Đôi lông mày co lại thành một dải u ám khi ông thông báo với gia đình rằng phải rời khỏi nơi quê cha đất tổ ngay lập tức - rồi vụ phải vội vàng lo thu xếp hành lý để lên đường, những vật gia dụng gia truyền bị đập vỡ, vẻ ngỡ ngàng của đội quân giúp việc, sự biến mất vĩnh viễn trên đường đi của cái va ly đựng tư trang quý của người mẹ…

Đó là cuộc chạy trốn vội vã vì ông Santiago Casares Quiroga không thể sống cùng được với chế độ của nhà độc tài Franco: Ở Tây Ban Nha, ông từng là một yếu nhân mang tư tưởng tự do, từng ngồi trên nhiều ghế Bộ trưởng, thậm chí có lúc đã là Thủ tướng…

Ông đã kịp thời di tản gia đình sang Pháp nhưng trên đường đi, họ đã bị cướp gần hết hành lý. Thành thử ở Paris, Maria và mẹ cô đã gần như bị khánh kiệt và phải lần hồi tá túc trong những khách sạn nhỏ rẻ tiền, trong lúc người cha đang tham gia các hoạt động chống phát xít ở London. Nói chung, ngay từ bé, Maria đã quen với những sự biến động bất ngờ nên chính cô cũng hay thay đổi các sở thích của mình - lúc cố học hát, lúc lại học múa…

Khi mới ở tuổi thiếu niên, có lúc cô nghĩ rằng số phận cô là phải làm y tá chăm sóc các chiến sĩ nên đã đổi tên họ xin vào làm không công ở các quân y viện… Cũng tại quân y viện, cô đã mắc bệnh thương hàn và có lúc bi quan tới mức cứ tưởng mình sẽ chết…

Camus đã sững sờ khi nghe Maria kể lại chuyện đời cô. Phải, cô gái hai mươi tuổi này đã có vốn sống đủ cho mười người, đó chính là lý do vì sao cô lại là một nữ nghệ sĩ độc đáo đến vậy. Ngay câu chuyện lần đầu tiên về cái chết đã khiến hai người trở nên gần gụi về tinh thần với nhau hơn với bất cứ ai khác: đối với Camus,  sự trông chờ cuối cùng từ phụ nữ mới là sự thấu hiểu tư tưởng của anh.

Cái chết, nói cho cùng, cũng là chủ đề xuyên suốt của Camus với tư cách một triết gia: cuộc đời phi lý, bởi vì tất cả chúng ta đều phải chết. Anh liên tục phát triển chủ đề này trong các tiểu luận triết học lạ lùng của mình, tới thời điểm đó đã được in riêng thành tập sách và đã mang lại cho Camus sự nổi tiếng trong giới trí thức đương thời. Nhưng nói được chuyện này với phụ nữ, để chỉ trong một đêm mà nàng không chỉ nuốt trôi tất cả những gì anh đã viết mà còn hiểu được  chúng? Chuyện như thế, trước khi gặp Maria, chưa bao giờ xảy với Camus.

Ngay sau lần gặp đầu tiên, cuộc tình giữa hai người đã bùng nổ dữ dội, như cơn sóng thần: "Giờ thì chẳng thể ai ngăn nổi/ Ngọn lửa kia thiêu đốt cả thiên đàng/ Những niềm vui, những nỗi buồn sắp sẵn/ Trong phút giây bỗng hóa tro tàn…" (thơ Hồng Thanh Quang). Camus rất chăm chỉ tới xem những buổi dàn dựng kịch "Ngộ nhận" và mỗi khi nhìn thấy Maria ép sát mình vào bạn diễn nam, anh cứ run bắn hết cả người:

- Không phải thế! - anh nhảy dựng lên và hét, dữ dội đến mức khiến tất cả giật nảy mình, còn đạo diễn Herand thì quay gương mặt tỉnh bơ lại nhìn anh: đó là người hiểu rõ nguyên do dẫn tới trạng thái này của nhà văn hơn bất kỳ ai.

Đơn giản là Camus không làm chủ được mình nữa vì ghen, tay anh run đến mức không thể quẹt diêm châm thuốc. Và anh tức giận vò điếu thuốc không châm được đút vào túi quần. Quỷ quái, phải thay diễn viên nữ chính thôi, Maria không thể đóng được vai Martha! Herand khùng khục cười sau hàng ria mép:

- Không có cô ấy thì vở kịch của bạn sẽ bị đổ thôi, Albert thân mến ạ!

Đổ thì đổ, thế đã làm sao! Còn hơn là phải chứng kiến cảnh người đàn bà mà ta đêm nào cũng ngu ngốc nghĩ rằng chỉ thuộc về mình ta lại bị một đàn ông vớ vẩn nào đó ôm!--PageBreak--

Còn lại một mình trong căn phòng nhỏ thuê ở nhà số 1 bis trên phố Vaneau, lúc đã rạng sáng rồi, sau một đêm gặp gỡ với Maria, Camus cứ trăn trở giữa sự ghen tuông với tham vọng sáng tạo. Maria hiển nhiên là một nữ nghệ sĩ thuộc đẳng cấp đặc biệt và ngay cả nếu như vở diễn không làm ai thích thì cô vẫn có thể thu hút được cảm tình của công chúng.

Trong giai đoạn đó, Camus không thể nào liều lĩnh với tư cách một tác giả. Nói cho cùng, ai đã biết về anh? Chỉ một nhóm nhỏ những người thích các tiểu luận triết học. Thì đã đành giới phê bình khen "Người dưng" của anh, tiếp nhận một cách thiện chí "Huyền thoại về Sisyphe" nhưng thế  vẫn còn là quá ít. Bộ tiểu thuyết lớn "Dịch hạch" đã mấy năm nay vẫn nằm trên bàn như một bản thảo viết dở; anh đã đốt không chỉ một chương mà anh cho là kém chất lượng.

Và giờ đây, Maria lại tràn vào cuộc đời anh làm rối tung mọi sự. Giờ tất cả tâm trí của anh chỉ hướng về mỗi cô và anh không thể nào ngồi yên mà viết được. Mà anh lúc nào cũng thế, niềm cảm xúc lớn nào cũng chiếm lĩnh anh trọn vẹn khiến anh không thể nghĩ tới những việc khác nữa.

Và Camus lại tự sỉ vả mình: Chẳng lẽ bây giờ lại là lúc thích hợp để dính tới những tình yêu bão tố? Giờ đang diễn ra thế chiến thứ hai, người Đức đang làm chủ Paris. Do căn bệnh lao mắc từ thời trẻ nên Camus không phải sung vào lính ra chiến trường, anh rất xấu hổ vì chuyện này, nhất là trước mẹ anh.

Chẳng gì thì cha anh, người công nhân nấu rượu nho nghèo khó Lucien Camus ở vùng Mondovi cho một thương gia ở thành phố Alger, cũng đã hy sinh vì những vết thương nặng trong thế chiến thứ nhất và mẹ anh, bà Catherine Helene, trở thành góa phụ, đã phải một mình nuôi dưỡng anh cùng người em trai của anh nên người. Camus chỉ biết về người cha qua tấm ảnh duy nhất còn lại. Vì quá đau khổ nên người mẹ của nhà văn đã bị một cơn đột quị khiến bà bị hỏng tai và gần như không thể nói được. Chính vì thế nên tuổi thơ của Camus, các đồ vật đã không có tên gọi.

Camus đã rời khỏi Algérie về Pháp hai tháng trước khi Paris bị quân phát xít  chiếm đóng. Trên tổ quốc mình, anh đã kịp tốt nghiệp Khoa Triết học thuộc chi nhánh của Trường Đại học Tổng hợp Alger tại Pháp và hai lần cưới vợ, Người vợ đầu tiên là Simone Hie, vừa là đồng hương, vừa là đồng môn của anh, xinh đẹp và vui tính.

Thế nhưng, tật nghiện ma túy và nỗi đam mê vô hạn của Simone đối với các gã tóc vàng mắt xanh đã nhanh chóng phá hủy cuộc hôn nhân của họ. Với cô gái Pháp gốc Algérie, Francine Faure quê ở Oran, chỉ tới năm 1940, Camus mới chính thức gắn bó bằng hôn nhân. Nhà văn đã say mê cô gái tóc đen gầy gò này từ trước đó khá lâu vì cô chơi piano rất tuyệt và mỗi khi cô tấu lên những giai điệu của Chopin hay của Schumann là trái tim của Camus lại run lên rộn rã.

Thực xấu hổ nếu bây giờ phải tự thú rằng, cũng chỉ vì ích kỷ mà Camus đã ngỏ lời cầu hôn với Francine: trong thời điểm ấy, bệnh lao của nhà văn lại tái phát dữ dội nên anh rất lo lắng và nghe theo những lời khuyên bảo của bạn bè rằng, cậu ốm đau như vậy, không có bàn tay phụ nữ săn sóc thì làm sao mà khỏi được… Và thế là Camus đã quyết định thêm một lần hành xử như các tiểu thị dân là làm đám cưới…

Đã bao nhiêu lần sau này Camus đã viết và đã trò chuyện nhiều đêm trong phòng bếp với Michel  Gallimard cái chủ đề luôn đeo bám theo anh và luôn khẳng định rằng người ta đã lầm lẫn, nhìn từ một góc độ, hôn nhân với tình yêu, và nhìn từ góc độ khác, hạnh phúc và tình yêu.

Michel đã dễ dãi gật đầu với Camus mặc dầu anh chàng này hoàn toàn không đồng tình với nhà văn: anh ta cùng Janine đã có được một vé số độc đắc trong hôn nhân. Còn Camus thì chẳng ở đâu có được vé số độc đắc nào cả: cuộc hôn nhân của anh với Francine không có gì chung với tình yêu, còn tình yêu giữa anh với Maria thì chẳng bao lâu sau đã không còn gì chung với hạnh phúc.

Cái na ná như hạnh phúc đã hiện lên trong tình yêu này chỉ trong một khoảnh khắc: khi Camus bắt đầu làm quen với Maria, anh đang tạm thời được tự do khỏi gia đình - Francine  trong giai đoạn nước Pháp bị chiếm đóng, đã quay về Algérie cư trú… Nhưng thực ra, đó có phải là hạnh phúc hay không?

Ngay lập tức sau lần gặp đầu tiên, giữa Camus và Maria đã nảy sinh một cuộc đua tranh không cố tình: nhà văn tự ái khi thấy không phải anh mà chính là Maria đã được biết tới nhiều hơn trong tất cả các quán cà phê nghệ sĩ ở khu tu viện Saint-Germain-des-Pres ở Paris.

Mỗi khi hai người bước chân vào đó là dàn nhạc ngay lập tức tấu lên khúc "Pisa Morena" chào mừng họ, đúng hơn là chào mừng cô vì ở đấy có ai biết gì về anh đâu. Và một lần, khi hai người ngồi nhấm nháp ly rượu hồi ưa thích, Maria bỗng cất cái giọng trầm trầm của mình, nói ra điều mà Camus từ lâu đã sợ phải nghe nhất:

- Em nghe nói rằng anh đã có vợ rồi…

- Điều đó thì có làm thay đổi được điều gì? - Camus không nhận ra giọng mình nữa. Chẳng lẽ anh lại sợ Maria? Chẳng lẽ anh lại phải thanh minh hay biện bạch gì đó trước cô?

Maria nhìn anh bằng cặp mắt mèo giễu cợt rồi kéo lại cổ tay áo và nói:

- Thôi, ta ra nhảy đi…

Dàn nhạc đang chơi điệu tango Argentina, cả hai người đều rất say mê khiêu vũ và đó cũng là điều gắn bó lại với nhau hơn. Maria nhảy rất truyền cảm và khêu gợi, Camus mãn nguyện khi ôm cô lại gần mình và hít hà mùi nước hoa đàn ông toát ra từ tóc cô - không hiểu vì sao cô lại thích sức vào tóc loại nước hoa này của anh.  Và bất chợt anh nghe thấy cô gần như hét vào tai anh bằng đôi môi nóng bỏng: "Chẳng lẽ anh lại nghĩ rằng em sẽ lẩn trốn khi vợ anh quay trở về ư? Hay anh nghĩ rằng em sẽ đồng ý để anh gặp gỡ em một cách bí mật?". Đôi mắt có một không hai trên cõi thế của Maria lấp lánh lên đầy kích động và trái tim Camus thắt lại khi nghĩ tới Francine.--PageBreak--

Cho đến trước ngày Paris được giải  phóng, Camuss và Maria không nói gì thêm về tương lai mà chỉ đơn giản là tận hưởng những thú vui đời thường trong hiện tai, mưa lúc nào mát mặt lúc ấy… Camus đã mang tới nhà hát cho Maria món mỡ muối mua ở chợ đen với giá cắt cổ.

Tại đó mỡ muối được bán theo giá 600 quan thay vì 60 quan, nhưng Camus  đã lấy được tiền ở ông chủ nhà xuất bản và rất thích thú nhìn cảnh Maria sung sướng dùng món mỡ muối đó làm món bánh kẹp theo đúng kiểu.  Camus cũng đã thuyết phục được mấy anh lính lái xe tăng - ở Paris khi ấy có rất ít xe tăng - để họ đồng ý chở Maria trên xe tăng đi qua nhà hát Opera tới quảng trường Cộng hòa - thế là ước mơ thời thanh nữ của cô đã trở thành hiện thực và đôi mắt cô sáng ngời mãn nguyện dưới cái mũ lính được tặng…

Camus đã phạm phải một sai lầm không gì cứu vãn nổi khi vì sao đấy anh yêu cầu Francine trở lại Paris. ("Hãy nói rằng em đã chờ đợi anh và lại quay về với anh như trước kia. Hôn em thật dịu dàng - dịu dàng. Albert của em"). Không rõ vì sao khi ấy anh lại viết cho vợ những dòng như thế? Vì sao anh lại cần tới Francine?

Có phải vì trong thẳm sâu đáy lòng, anh luôn kinh hãi Maria - kinh hãi sự nồng nhiệt của cô, kinh hãi núi lửa cuồng nộ ẩn trong lòng cô? Có lẽ anh cũng muốn tự cứu mình bằng không khí gia đình đầm ấm thơm mùi xà phòng hoa đồng thảo chứ không phải là mùi nước hoa đàn ông, mà Francine có thể tạo nên…

Và thế là bắt đầu cảnh rối lẫn này đây. Francine trở lại Paris vào tháng 10/1944 và khó khăn lắm mới nhét được các vali của mình vào căn phòng chật chội của Camus trên phố Vaneau. Trên cái bàn ăn khập khiễng chật chội khó khăn lắm mới để được hai đĩa súp.

Hóa ra là, Camus đã quên mất Francine có cặp mắt mệt mỏi tuyệt vọng, cái cổ cao ngẳng và bàn tay gầy gò tới nhường nào. Và cả giọng nói thầm thào của chị, sự thiếu tự tin trong từng cử chỉ, từng việc làm: có nên nghe tiếp cái đĩa hát này không hay là nghe đĩa khác? Mình mua hạt đậu ăn tối hay là mua khoai tây, hay là  nấu bắp cải anh nhé? Em mặc áo màu xám có hợp không, hay mặc áo màu xanh?...

Hay tin Francine đã trở về, Maria lập tức ra tối hậu thư cho Camus, có lẽ cô đã suy nghĩ từ lâu rồi: "Em để cho anh có thời gian lựa chọn, nhưng anh đừng để lâu đấy!".

Ngày 5/9/1945, Francine đã tặng cho Camus một cặp sinh đôi: một cậu con trai và một cô con gái. Trên đường đi taxi tới nhà hộ sinh, Camus đã thầm thì những lời tự bào chữa nhiệt thành hướng tới Maria. Vì ông bố trẻ không buồn nhìn đường nên anh lái xe taxi từ tỉnh lẻ đã bị lạc lối, ba lần đi qua chỗ cần tới và Camus đã bị chậm khoảng 1 giờ. Francine vẫn kiên nhẫn đợi chồng ở cổng nhà hộ sinh…

- Ôi, em yêu, anh đã bị chậm, xin lỗi em. Giờ mình về nhé! - Camus lịch thiệp mở cửa taxi cho vợ.

Francine thét lên. Ôi, mình thật tệ, quên bẵng hai đứa con đang nằm ở bên trong nhà, Camus nghĩ thầm - mình tới đây để đón hai đứa con mới sinh về mà ý nghĩ của mình lại chỉ hướng tới Maria. Francine sau này không bao giờ quên chi tiết đó. Và Maria cũng không quên việc này. Khi biết Camus có con sinh đôi, Maria đã cấm cửa nhà văn.

Sự cách biệt với Maria khiến cho Camus vô cùng đau đớn. Thêm vào đó là cái địa ngục ở gia đình nữa. Camus đã chuyển vợ con tới căn hộ mới, dù cũng chật chội nhưng dẫu sao cũng có hai phòng và anh còn có thể ngồi trong một phòng riêng để làm việc, dù rất khó khăn. Camus than thở với anh bạn Michel rằng anh đã sa vào một tình huống thật tồi tệ: sáng nào bà mẹ vợ cũng tới để làm náo loạn mọi thứ theo ý của bà. Rồi khi anh trở về nhà, anh lại phải đinh tai nhức óc vì tiếng con quấy ở bên kia tường…

Chẳng còn tâm trí đâu mà viết và điều này làm anh điên tiết nhất. Thỉnh thoảng anh mới ngồi xem lại tập bản thảo "Dịch hạch" đã sửa chữa tới cả trăm lần hay hiệu đính lại kịch bản "Kaligula"…

Ba năm trôi qua. Ngày 18/6/1948, Camus chậm rãi đi dạo trên phố Saint Germain. Hôm đó cơn gió mùa hè thổi lên đôi khi làm bay tung cả váy người phụ nữ đang đi ở phía trước nhà văn. Anh thích thú nhìn và bất chợt nhận ra đôi bắp chân thân thuộc. Đó là Maria!

- Em đi đâu vậy?

- Tới nhà hát. Thế còn anh?

- Anh đang định tới nhà Gide. Cho anh tiễn em một đoạn nhé!

Maria gật đầu. Thế là  tình cũ không rủ cũng về. Cô nói rằng, cô cũng rất buồn khi thiếu anh và rất nhớ anh… Khác với Camus, ở xa nhau, công việc của Maria rất tốt, cô càng ngày càng nổi tiếng với nhiều vai diễn thu hút được sự chú ý. Cô cũng có nhiều mối quan hệ tình ái hay ho. Lúc gặp lại Camus, cô đang gần gụi với nam diễn viên Agnes Herve. Cô hứa là sẽ chấm dứt mối quan hệ này…

Camus không ngờ mới chỉ gặp lại người xưa là trong lòng anh đã sống lại tất cả những cảm xúc nồng nàn tưởng đã vĩnh viễn chìm vào quá vãng. Và không kịp chờ Maria cắt đứt quan hệ với Herve, vừa gặp anh này tại một quán bar, Camus đã gây sự và hành hung tình địch. Camus cũng ghen với các bạn diễn nam của Maria và mỗi khi thấy ai đó đứng cạnh cô trên sân khấu là anh lập tức tay nắm lại và phải cố gắng lắm mới không xông lên đó để gây sự…

Bất chấp sự đau đớn của Francine, Camus đã đứng đón Maria hàng tối sau buổi diễn, đưa cô về lại nhà cô… Nếu Maria đi du diễn xa, Camus ngày nào cũng nóng lòng chờ cô gửi thư về và nếu không có, cứ vặn hỏi người đưa thư xem anh ta có quên của anh lá thư nào không… Những đêm hai người có mâu thuẫn và Maria tống cổ Camus ra khỏi phòng, anh ngồi viết ở thềm nhà cô cho tới sáng. Anh thích chỗ làm việc đó còn hơn ở nhà mình. Tác phẩm "Người nổi loạn" mà Camus viết năm 1951 đã được hoàn thành chính ở ban công nhà Maria…

Frecine biết tất cả những sóng gió tình yêu của chồng. Nhưng chị đã nghiến răng chịu đựng và cố tìm mọi lý lẽ để biện minh cho Camus. Anh ấy là nhà văn, anh ấy cần tự do để sáng tạo… Dù đi đâu thì về nhà, anh ấy vẫn lo lắng cho gia đình…

 Frecine đã lo toan đủ mọi việc đời thường để tâm trí Camus được thảnh thơi cùng những cuốn sách. Và khi căn bệnh lao của anh tái phát, chị đã đưa anh về lại Oran, nơi mẹ anh cho tới lúc đó vẫn còn đang sống…

Oran, sức khỏe của Camus đã khá hơn. Có vẻ như anh đã quên đi những trò chơi tình ái ở "kinh đô ánh sáng". Anh giữ mối liên hệ với Paris bằng những thư từ của bạn bè. Một lần, anh nhận được tin, diễn viên của Michel Bouquet của Nhà hát Hài kịch Pháp đã ngỏ lời cầu hôn cô Casares…

Bom đã nổ trong lòng nhà văn và Camus bỏ mọi việc về lại Paris ngay. Cuộc trò chuyện với Maria thật nóng nảy và căng thẳng. Maria nhìn nhà văn bằng đôi mắt mèo thân thuộc đến xót xa, không ngừng hút thuốc và nói đi nói lại: Cô lúc nào cũng có quyền tự do yêu và ở với ai cô muốn… Cũng như anh… Chẳng lẽ thực tế không phải vậy ư?

- Em đã sống qua giai đoạn non trẻ của đời mình. Em đã hiểu ra nhiều điều. Con người không nên nô dịch nhau như thế, đúng không anh? Anh là triết gia cơ mà!

Viết những chân lý đó với tư cách triết gia đã khó rồi. Phải chấp nhận điều này khi mình vẫn còn yêu nàng và rất muốn làm chủ nàng là việc khó vạn lần hơn, ngay cả với một triết gia như Camus.

Họa vô đơn chí, trở về Paris theo chồng, Francine đã bị rơi vào cơn trầm cảm triền miên. Đến mức, chị đã nhảy từ tầng bốn xuống định tự tử… Hay tin dữ trong lúc đang ngồi ở nhà Michel Gallimard than thở về số phận cay đắng của mình, Camus ngay lập tức vào viện và nức nở cạnh giường vợ: "Anh có lỗi, anh là kẻ giết người! Em ơi, em đừng bỏ anh đi…". Và Francine đã được cứu sống…

Cuộc sống dần trở lại dòng cũ. Francine đã là người ở cạnh Camus khi anh được trao giải Nobel Văn chương năm 1957 - ở tuổi 44! Tuy thế, niềm vui lớn với giải Nobel đã không làm trái tim Camus cảm thấy vẹn toàn khi thiếu Maria… Người tình trăm năm của anh chỉ gửi chúc mừng Camus một bức bưu thiếp do một họa sĩ là người quen chung của họ vẽ: trên đó là một quả núi cao và trên quả núi cao là một hình người bé xíu…

Và có lẽ cho tới khi chết bất đắc kỳ tử ngày 4/1/1969 trong một tai nạn giao thông, trái tim Camus vẫn không ngừng đau đáu về Maria…

Mãi tới năm 1978, Maria mới lấy chồng là một người bạn diễn. Và người nữ nghệ sĩ tuyệt vời sóng gió này đã qua đời ngày 22/11/1996…

Khánh Hạ
.
.