Ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Olympic Việt Nam

Con khó hơn cha!

Thứ Năm, 25/09/2008, 17:30
Thể thao là duyên thiên bẩm của đời ông và chính vì thế, mặc dù là "cậu ấm" con trai của một đại trí thức cách mạng và giữ những vị trí rất cao trong hệ thống quyền lực quốc gia là GS Hoàng Minh Giám, Hoàng Vĩnh Giang đã không đi theo con đường chữ nghĩa quen thuộc của gia đình mà ngay từ trẻ đã chuyên tâm chuyển sang con đường phát triển "văn hóa thể chất", chữ dùng của cha ông khi nói về thể thao.

Trong cả nghề chuyên môn lẫn trong đời sống, có thể nói ông là một huyền thoại. Cuộc đời ông, một cán bộ thành đạt, có không ít những biến động mà một trang nam nhi đích thực nào cũng muốn nếm trải.

Ông lại là người đứng ở vị trí có lẽ là vào hàng cao nhất, không phải về chức vụ mà là về uy tín và danh giá, của những người đã, đang và sẽ tham gia lãnh đạo sự phát triển của thể thao Việt Nam hiện đại.

Thể thao là duyên thiên bẩm của đời ông và chính vì thế, mặc dù là "cậu ấm" con trai của một đại trí thức cách mạng và giữ những vị trí rất cao trong hệ thống quyền lực quốc gia là GS Hoàng Minh Giám, Hoàng Vĩnh Giang đã không đi theo con đường chữ nghĩa quen thuộc của gia đình mà ngay từ trẻ đã chuyên tâm chuyển sang con đường phát triển "văn hóa thể chất", chữ dùng của cha ông khi nói về thể thao.

Ông từng là vận động viên nhảy cao từng lập kỷ lục vô địch 1,96m và với tư cách một người tổ chức, đặc biệt là khi làm Giám đốc Sở Thể dục-Thể thao Hà Nội, đã có công đóng góp không nhỏ trong  khá nhiều kỷ  lục của các lứa vận động viên sau này trên các đấu trường trong nước và quốc tế.

Hôm nay, ở tuổi ngoại lục thập, Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới Hoàng Vĩnh Giang trông vẫn hết sức phong độ: một người đàn ông  dẫu không còn trẻ trung còn tràn trề sức lực, hào hoa và trong mọi sự đều bộc lộ rõ nét tính cách căn bản là không bao giờ phức tạp hóa bất cứ vấn đề gì…

Đến đúng giờ hẹn để tiến hành cuộc trò chuyện giữa tháng 9/2008 với ông tại căn phòng làm việc không lớn và ấm cúng của ông ở 12 Trịnh Hoài Đức, tôi bắt gặp ông đang dở một cuộc điện thoại, chắc là với một đồng chí lãnh đạo ở cấp cao hơn ông.

Không quá tò mò nhưng tôi vẫn phải để cuộc nói chuyện đó lọt vào tai và tôi đã thầm kinh ngạc: ít khi tôi thấy một VIP nào lại có phong thái trò chuyện vừa đường hoàng, đầy tự trọng nhưng lại rất nghiêm cẩn và lễ độ như thế. Lịch sự mà không xa xôi. Thân mật mà không suồng sã… Phải là người có văn hóa rất cao và tính kỷ luật tốt mới có thể có được phong thái hành xử thích ứng, không hơn và không kém, với vị trí công việc như ông. Và không đừng được tôi đã bắt đầu công việc bằng chuyện này.

Phóng viên (PV): Nghe ông nói chuyện qua điện thoại, bất chợt tôi mới phát hiện ra rằng, đã là dân chuyên nghiệp, dù ở thể thao hay không ở thể thao,  cũng cần biết rằng, bí quyết của sự thành công là ở tính kỷ luật, là ở sự tự ý thức được vị trí hiện tại của mình để có cách ứng xử tương ứng. Phải biết mình đang chơi ở sân nào, môn thể thao nào để tuân thủ đúng luật chơi của sân ấy, môn thể thao ấy… Ông có nghĩ như vậy không?

Ông Hoàng Vĩnh Giang (HVG): Đúng thế rồi (cười). Mình cũng nghĩ như vậy.

PV: Là Trưởng đoàn Thể thao nước ta đi tham dự Olympic Bắc Kinh 2008, ông trở về Hà Nội với tâm trạng như thế nào? Ông cảm thấy hài lòng hay còn có điều gì đó khiến  thất vọng về chất lượng thi đấu của các vận động viên Việt Nam ở Thế vận hội? Hay một kết quả như thế đã được trù tính từ trước?

Ông HVG: Trước hết phải nói là, Đoàn Thể thao của chúng ta tham dự Olympic Bắc Kinh 2008 nhìn chung là đã hoàn thành nhiệm vụ, tuy không phải ở mức xuất sắc nhất. Cũng có những VĐV mặc dù đã cố gắng thi đấu hết mình nhưng ở Bắc Kinh đã không đạt được trình độ như đã đạt được ở trong nước.

Cũng cần phải thấy rằng, không thể bắt một con người bằng xương bằng thịt trong bất kỳ cuộc thi đấu nào đều phải làm được mọi việc theo đúng sự mong muốn của người khác đối với họ.

Trong nghề của mình, chúng tôi biết rằng, có những việc lực bất tòng tâm, có những việc nó không phải phụ thuộc vào đầu óc của một huấn luyện viên mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác, phụ thuộc cả ở những điều kiện đảm bảo.

Thế cho nên khi có VĐV nào thi đạt được thành tích tốt, thì phải nói thế là đáng khen và xác định rằng, VĐV ấy được may mắn vì đã trúng được quy trình, lịch trình, quá trình, trạng thái, rồi mọi yếu tố khách quan… Không phải VĐV nào cũng được may mắn tham gia những cuộc thi đấu trùng hợp hài hòa với nhịp điệu sinh học của mình và ở mức cao nhất…

PV: Tôi cũng hiểu rằng các VĐV của chúng ta đã cố gắng hết sức trên đấu trường Thế vận hội nhưng không ai có thể tự tay nắm tóc mà nhấc mình lên cao hơn mình cả. Hơn nữa, cũng phải thấy rằng, những kết quả đạt được tại Olympic không phải lúc nào cũng tương ứng với kích cỡ và chiều sâu của phong trào thể thao rèn luyện sức khoẻ con người của các quốc gia, hiểu theo nghĩa đúng đắn nhất của chuyện này…

Ông HVG: Đúng thế. Có một số VĐV thi đấu đạt thành tích cao nhất của họ, nhưng cũng có những người không may mắn làm được như thế. 

Lấy thí dụ như trường hợp của Đỗ Thị Ngân Thương, VĐV thể dục dụng cụ. Ngân Thương được Liên đoàn Thể dục Dụng cụ Quốc tế mời đi vì là  nữ VĐV đạt thành tích tốt nhất ở trong vùng Đông Nam Á vừa mới vô địch toàn năng ở Corạt. Bài biểu diễn của Ngân Thương tuy độ khó không phải là cao, nhưng độ chuẩn, độ nuột nà của động tác qua quá trình tập luyện 10 năm ở bên Trung Quốc rất tốt.

Tuy nhiên, ở Bắc Kinh chỉ vì muốn mình trông đẹp hơn một chút mà "cô bé búp bê" này của thể dục dụng cụ Việt Nam đã tự ý dùng thuốc làm giảm cân mà trong đó lại dính chất bị cấm. Ngân Thương hoàn toàn không có ý định sử dụng doping để đạt thêm thành tích gì cả nên trong sự cố xảy ra, người lớn cũng khó trách được em.

Về phần người lớn, thì mình cũng chỉ chú ý nhắc nhở, đề phòng những VĐV ở hạng cân cao, thấp có khi dùng những biện pháp này, biện pháp nọ; hoặc những VĐV sức bền, có thể dùng doping này nọ... Ai ngờ đâu lại xảy ra chuyện với Ngân Thương!

Và ở Bắc Kinh năm nay, cũng là lần đầu tiên tôi phải đứng trước một "phiên tòa",  tức là có Trưởng ban kỷ luật, cả đại diện Hội đồng Y học của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), còn bên này là tôi, huấn luyện viên và Ngân Thương. Hai bên ngồi trước mặt nhau để tọa đàm với nhau thôi, nhưng họ bố trí ngồi như thế làm mình có cảm giác như ở một phiên tòa.

Thế nhưng, trong "phiên tòa" đó, họ rất lịch sự, sau khi nghe mình giải thích, lý giải tại sao lại xảy ra chuyện như thế, rồi nghe cháu Ngân Thương trình bày tất cả các thứ, tôi dịch lại cho họ (làm việc hoàn toàn bằng tiếng Anh, không có một người Trung Quốc nào, toàn đại diện quốc tế hết). Người ta cũng rất là thông cảm. Chính ông thuộc ngành Y tế kia đã nói rằng, tôi khẳng định trường hợp này là trường hợp có thể xác nhận được là…

PV: Động cơ trong sáng?

Ông HVG: Trong sáng thì chẳng phải trong sáng, nhưng rõ ràng là nó không phải vì mục đích doping. Mình nghe vậy cũng thấy là được an ủi phần nào. Còn dư luận trong nước về chuyện này thì đại đa số là thông cảm, nhưng có một số người thì nhìn nhận vấn đề đó từ những góc cạnh không được thiện cảm lắm.

PV: ?

Ông HVG: Số là, cách đây độ ba năm, khi tôi còn đang đương chức, mình đã dự báo rằng là các VĐV của Việt Nam, mà phần lớn trong số này là của Hà Nội, trong kỳ Olympic tới cũng có thể sẽ có ít nhất quãng độ trên dưới 20 người lọt qua vòng loại bằng cửa chính. Tôi đưa ra con số 20 này là dựa trên những tính toán thực lực và triển vọng phát triển của thể thao Việt Nam khi đó, và dựa cả trên giả thuyết là môn Wushu cũng có mặt trong danh sách những môn thi Olympic. Nếu từ thời điểm mà tôi nói ra điều đó đến bây giờ vẫn làm đúng theo quy trình đã có khi ấy thì có thể điều tôi đã nói sẽ không ngoa, sẽ không phải là gió thoảng.

PV: Trong Thế vận hội năm nay, Wushu cũng không được chọn làm môn thi Olympic…

Ông HVG: Thì thế! Thực ra chúng ta có nhiều bộ môn có tiềm năng lắm chứ. Về điền kinh chẳng hạn, đáng lẽ  Bùi Thị Nhung cũng xứng đáng được đi chứ.--PageBreak--

PV: Nhung chính là người mang lại cho Việt Nam Huy chương vàng đầu tiên ở SEA Games 23, một trong những phụ nữ nhảy cao nhất châu Á…

Ông HVG: Đúng thế… Rồi Duy Bằng cũng từng có khả năng đi tham dự Thế vận hội 2008…

PV: Tiếc thay, Duy Bằng đã từ giã điền kinh và sau đó, đã có lúc muốn trở thành cầu thủ của đội Bình Dương. Ấy là tôi đọc trên báo thế…

Ông HVG: Về môn bơi lội thì ngoài Nguyễn Hữu Việt ra, còn có thể có Huy Long, rồi cô Trần Thị Thuận cũng có thể được đi rồi chứ… nhưng cuối cùng thì xét tổng thể thành tích, Liên đoàn lại không cho đi. Ngoài ra còn rất nhiều bộ môn  khác mà mình có thế mạnh, với tới gần đến nơi rồi nhưng lại không có VĐV đi thi…

Còn vấn đề nữa dẫn tới việc kết quả đạt được hụt hơn dự báo là trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính, đó tất nhiên là việc tốt, việc cần thôi, nhưng rốt cuộc lại dẫn tới chuyện, có rất nhiều lúc Tổng cục TDTT hoàn toàn không có con dấu, biết xoay xở thế nào!

Không phải là không có con dấu thì không có sự lãnh đạo hay mất phương hướng gì nhưng chuyện đó cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2008 vì làm ảnh hưởng đến kinh phí, đến dự trù vật chất cho huấn luyện. Mình đã gia nhập làng thể thao quốc tế thì, nhập gia phải tuỳ tục, cũng cần có những điều kiện làm việc ở tầm quốc tế chứ.

Tôi lấy thí dụ, tiền tập huấn ở trong nước, tính tổng cộng mấy cơ quan cùng cung cấp cho VĐV cỡ quốc gia mà chỉ ở mức  chưa bằng  số tiền mà bên Trung Quốc người ta cấp cho VĐV của tỉnh Quảng Tây ở ngay gần ở đây thôi, chứ đừng nói gì VĐV của các nước khác, các nước khác giàu hơn thì số tiền ấy còn cao hơn nữa. Nói thế thì cũng không phải chuyện mình chê bố mẹ mình nghèo, vì mình cũng đã cố gắng hết sức rồi.

Người bên ngoài cuộc cũng cần phải hiểu được là những đứa con đại diện cho nền thể thao nước nhà đi thi đấu quốc tế trong một bối cảnh đất nước không lấy gì làm sung túc lắm nhưng vẫn tỏ rõ mình là một công dân Việt Nam đàng hoàng, dù đó là một Việt Nam còn trong thời kỳ khó khăn.

Vậy nên kỳ Olympic Bắc Kinh năm nay, đoàn mình được 23 người đi (trong đó có 8 VĐV Wushu), và ra về với một Huy chương bạc của Hoàng Anh Tuấn , thì theo tôi, thế cũng là tốt lắm rồi. Dù sao chăng nữa so với Thế vận hội ở Athen vẫn là có tiến bộ!.. Kể ra thì nếu không có sự cố Ngân Thương thì trọn vẹn hơn nhiều…

PV: Không, thưa ông, về vụ Ngân Thương thì dư luận nói chung cũng hiểu và thông cảm thôi. Không có ai nói gì khiếm nhã được đâu, cháu nó còn nhỏ quá!

Ông HVG: Theo tôi, thì cũng nên nhìn nhận như thế này này: bản thân Ngân Thương đã bị một cái vấp đau lắm. Cô bé đã hy sinh toàn bộ tuổi thơ của mình, từ nhỏ tới bây giờ, để dành cho thể thao. Những VĐV thể dục dụng cụ như Ngân Thương đã mất cả tuổi thơ, sáng dậy tập, trưa dậy tập, chiều tiếp tục tập, quanh năm suốt tháng, gần 10 năm trời như thế. 7 cái Tết không có mặt ở nhà, bố mẹ phải sang tận bên nước bạn ăn Tết cùng con. Sao chúng ta không thông cảm với những hy sinh như thế? Bây giờ chỉ vì sơ sảy một tí thế thôi mà bị mất hết cả.

Nếu chúng ta không thấu hiểu và thông cảm với Ngân Thương thì thử hỏi, liệu sau này có còn ai dại dột cống hiến tận tụy như thế cho thể thao? Bố mẹ các cháu sẽ bảo: Ông điên à? Ông rủ con tôi đi, ông thuyết phục con tôi đi như thế rồi cuối cùng đấy, được như thế này đấy! Mình đau là đau ở cái chỗ đó, không mấy ai thông cảm cho quá trình tập luyện đầy rủi ro của VĐV chuyên nghiệp…

PV: Thói đời, cứ đòi hỏi phải thế này, phải thế kia…

Ông HVG: Mình là VĐV chuyên nghiệp thì người ta cứ đòi hỏi phải thế nọ phải thế kia thì cũng đúng thôi. Nhưng xã hội cũng cần phải hiểu được vấn đề rằng, con người nó là con người, chứ không phải là một robot…

PV: Từ Bắc Kinh trở về lần này, ông có thêm thu nhận gì về kinh nghiệm phát triển thể thao không?

Ông HVG: Có ý kiến cho rằng, thể thao Việt Nam trên nền tảng so sánh thực lực hiện nay với quốc tế thì chỉ nên định hướng chính là đấu trường châu Áá, khu vực, còn nếu đi Thế vận hội thì chỉ hạn chế trong một số môn mà ta có đủ trình độ thôi… Tôi thì tôi tuyệt đối phản đối cái phương hướng đi đó.

PV: Ông muốn mở rộng?

Ông HVG: Phải mở rộng ra, ít nhất phải từ 12 cho đến 16 môn có khả năng phát triển lên được. Lần này ta có 8 môn mang đi Olympic được, đó cũng là một thành công vì so với trước là có thêm ba môn mới.

PV: Hình như thi cầu lông cũng là môn mới mà ta có VĐV tham gia Olympic?

Ông HVG: VĐV Tiến Minh của môn cầu lông bị một số người và một số báo nói là thất vọng. Tôi nghĩ nói vậy là không phải. Cần phải biết rằng, Tiến Minh đã dồn hết cả tâm trí, cả cuộc đời của em để phấn đấu đạt được vị trí thứ 21 trong làng cầu lông quốc tế.

Cần phải hiểu rằng, cầu lông Việt Nam hôm nay mà có người đứng thứ 21 trong bảng xếp hạng quốc tế là kinh khủng chứ không phải đơn giản, bởi trước đó chúng ta đang từ thứ đẩu thứ đâu, đang từ thứ năm mấy sáu mươi, mà bây giờ đã vọt một cái lên được vị trí 21!

Gia đình bỏ tiền, rồi thì Liên đoàn bỏ tiền, Ủy ban Olympic cũng bỏ tiền, tất cả các thứ cộng lại để mà giúp cho Tiến Minh đạt thành tích như thế, đó cũng là thành tích rồi! Mà thử nhìn xem, Tiến Minh người thì nhỏ, nhỏ hơn cả anh, một cậu thư sinh, thế mà đã đánh có những trận thắng cả người đang giữ chức vô địch thế giới một séc, đấy đâu có phải chuyện thường!

Trong thời gian trước Olympic 2008, Tiến Minh đã vắt cạn hết sức để cầm được cái vé chính thức đi Bắc Kinh, nên rơi vào cảnh, xếp hàng mệt thế rồi nên khi đến lượt thì không thể thể hiện được đúng tầm cỡ của mình. Trong tình huống đó, mà lại bảo thất vọng về Tiến Minh thì tôi cho là không công bằng, không công bằng với Tiến Minh.

PV: Tôi nhất trí với ông và rất xúc động khi nghe ông nói như thế… Theo ông, những kinh nghiệm đã thu thập được ở trong Olympic Bắc Kinh, liệu sẽ có ích thế nào đối với việc cải tiến công tác đào tạo, cải tiến phương thức tổ chức phong trào Olympic, phong trào rèn luyện  thể dục thể thao của nước ta?

Ông HVG: Mình cho rằng, trong việc chuẩn bị Olympic Bắc Kinh thì Đảng và Nhà nước đã cực kỳ quan tâm rồi, ngành cũng cực kỳ quan tâm rồi. Trong mối quan tâm đó thì cũng có khó khăn khách quan và có cả yếu tố chủ quan.

Khách quan là gì? Khách quan là bối cảnh kinh phí chỉ có như vậy thôi, mà đối với thể thao thành tích cao thì nó phải ở mức cao hơn nữa. Trong thể thao thành tích cao thì VĐV phải có bác sỹ kèm theo, thuốc bổ kèm theo, không phải là doping, mà là thuốc bổ để hồi phục cho nó nhanh…

Rồi điều kiện tập huấn ở nước ngoài càng dài hạn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, có thầy giỏi thì cũng phải có bạn để mà học chứ, học thầy không tày học bạn, không thầy đố mày làm nên. Đã vào sân chơi chuyên nghiệp thì anh cần có đủ điều kiện để anh  tham gia, anh mang trình độ nghiệp dư anh vào  sân chuyên nghiệp thì anh làm sao có được thành tích cao?! Đấy là một.

Vấn đề thứ hai nữa là anh có đủ tiền để mà tập huấn nước ngoài không? Anh cần có đủ tiền để mà tham dự tất cả các cuộc thi để tăng cường cọ sát. Lấy thí dụ, một VĐV quyền Anh của Việt Nam có đẳng cấp thì cùng lắm cũng mới chỉ tham gia có trên dưới 20 trận, trong khi đó những VĐV quốc tế ở cùng đẳng cấp thì đã tham gia tới 200 - 300 trận. Vậy thì làm sao mà mình đọ được họ?!

Vấn đề của chúng ta là không đủ tiền tham dự các cuộc thi tuyển chọn để tích điểm. Rất nhiều VĐV Việt Nam có khả năng thi, nhưng khi xét đến điểm thì vì anh không thi ở cuộc này, anh không thi ở cuộc kia nên anh không có điểm và anh không được chọn…

PV: Tôi xin được chuyển chủ đề… Ông là con của một đại trí thức của Việt Nam thời hiện đại. Cha ông, GS Hoàng Minh Giám, là người mà tất cả chúng ta đều biết rằng, đã đóng vai trò trợ thủ đắc lực của Bác Hồ trong các hoạt động ngoại giao thời kỳ 1946-1947, khi vận mệnh nước nhà như nghìn cân treo sợi tóc. GS Hoàng Minh Giám cũng là người làm công tác văn hoá trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ rất năng nổ, rất tích cực, rất hiệu quả. Theo lẽ thông thường, con trai của một đại trí thức như thế thường làm các công tác liên quan tới chữ nghĩa. Tại vì sao ông lại quyết định đi vào ngành Thể thao ngay từ hồi trẻ?

Ông HVG: Điều này thì cũng nhiều người nói rồi. Ông cụ nhà tôi cũng rất là thoải mái với sự lựa chọn của tôi. Ông cụ nói rằng, thể thao là văn hóa thể chất, con tôi nó thích cái gì thì để cho nó đi, dù rõ ràng nó sang lĩnh vực khác thể thao thì chắc rằng nó cũng sẽ học đến nơi đến chốn, cũng không đến nỗi kém lắm.

Hồi lớp 7 tôi học rất giỏi nhưng do lười ôn tập nên không đủ điểm vào lớp 8. Thế là tôi xin thi và đã thi được vào Trường Trung cấp Hội họa ở phố Yết Kiêu. Nhưng rồi ông cậu mình nhờ phúc tra lại điểm, thấy rằng thằng bé này nó học giỏi quá, chỉ vì lười ôn nên thi nó không đủ điểm nên đã xin, cho mình vào lớp 8, học cùng trường với Tôn Thất Bách, Lưu Quang Vũ…

Mình cứ học lên như thế và trong quá trình ở cấp 3, mình bắt đầu tập luyện thể thao chuyên nghiệp hơn, đã nhảy cao 1m80 ngay trong sân trường. Rồi với tư cách một VĐV của Hà Nội, mình được lên Trường huấn luyện Nhổn tập huấn về nhảy cao.

Cũng vì mê thể thao nên tôi bị thầy chủ nhiệm khi đó "trù", không cho đi học ở nước ngoài dù có tiêu chuẩn được đi. Tôi đã tập nhảy cao, đạt kỷ lục tới 1,96 m. Vì biết mình khó có thể nhảy cao hơn thế nên tôi xin đi học làm huấn luyện viên, sang Kiev, năm 1968… Mọi sự cứ thế là tiếp diễn và tôi ở trong ngành Thể thao cho tới ngày hôm nay.--PageBreak--

PV: Ông là con trai duy nhất của GS Hoàng Minh Giám?

Ông HVG: Không, gia đình mình đông anh em lắm.

PV: Tôi hỏi vậy vì cuối năm 1994, khi sang Paris, tôi cũng có gặp một phụ nữ, lai Pháp, nói mình là con gái GS Hoàng Minh Giám…

Ông HVG: Đúng, đó là em gái tôi…

PV: Bây giờ, người ta đang nói nhiều về tiêu chí của trí thức Việt Nam và thường ca ngợi rất nhiều về thế hệ các trí thức như GS Hoàng Minh Giám. Chúng tôi là lớp hậu sinh, không được trực tiếp tiếp xúc nên nghe sao thì biết vậy thôi. Với ông, thì thời  trước, phẩm chất gì tạo nên tính cách đặc biệt nhất của thế hệ trí thức như thời GS Hoàng Minh Giám? Và phẩm chất ấy có khác gì với phẩm chất của lớp trí thức hàng đầu của thế hệ hiện nay không?

Ông HVG: Tôi chỉ có một cảm giác như thế này, tức là ngày xưa các cụ được đào tạo hết sức là mô phạm, hết sức là bài bản. Cụ nhà tôi cũng biết tiếng Hán, nhưng chủ yếu là  thông thạo tiếng Pháp. Trong cách giáo dục của người Pháp thì phải nói  là, họ dạy một cách kinh khủng lắm, tức là nó rất chuẩn. Tôi không biết cải cách giáo dục của mình như thế nào, chắc là để cho phù hợp với những văn hóa, với những thông tin hiện đại bây giờ thôi, chứ còn ở thời gian trước đây thì tôi cảm thấy, những kiến thức mà ông cụ nhà tôi đã học được thì cụ không bao giờ quên, hoặc nếu có quên thì cũng ít lắm…

PV: Một nền giáo dục đúng đắn là một nền giáo dục không nhằm mục đích nhồi nhét những kiến thức mà là cung cấp phương pháp tốt để thâu nạp dần các kiến thức và xử lý tốt, hợp lý các thông tin…

Ông HVG: Có lẽ đúng là như thế…Tôi cho là, những trí thức đích thực thuộc thế hệ của cụ nhà tôi đó là những người được đào tạo một cách hết sức cơ bản, không những cơ bản về tư cách đạo đức, cách sống mà về cả kiến thức nữa.

Tôi lấy một dẫn chứng như thế này, hồi tôi học đến lớp 10 thì bắt đầu hơi thấy lười rồi, bởi vì khi đó tôi bắt đầu đi vào con đường thể thao thì nào là nhảy cao, từ sáng sớm, tới trưa, chiều…

Tối về nhà, nhiều lúc mình làm bài không được, ông cụ ra bảo, bài đâu, nào là lượng giác, nào là hình học không gian. Cụ xem tất cả, cụ giảng cho mình, đây bài này nó phải như thế này. Có những bài khó quá, ông già phải lấy sách đọc thêm nên cứ ngồi chong đèn. Đến khi mình đã ngủ rồi thì cụ mới lại bảo, Giang! Dậy, đây, cái bài đó phải giải như thế này, ba đã tìm ra được cách giải rồi, nó phải như thế này… Đấy, phải nói là một người đã bỏ cả một quá trình mấy chục năm đi theo kháng chiến, làm bao nhiêu thứ rồi mà lại có thể dạy được ông con học toán… Bây giờ bảo mình dạy cho thằng con mình học lớp 7, lớp 8 đây thì mình cũng chịu…

PV: Em cũng chịu chứ không phải riêng anh! (cười)… 

Ông HVG (cũng cười):…

PV: Ngày xưa phẩm chất của người trí thức chân chính của Việt Nam bao giờ cũng có sự khí khái và chân thành trong quan điểm của mình. Nhưng rồi khi gia nhập một cơ chế, một tổ chức bất kỳ nào đấy thì đôi khi chúng ta cũng phải "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài". Tôi không rõ, thế hệ trí thức như GS Hoàng Minh Giám đã làm như thế nào để vừa giữ được phẩm hạnh tri thức cốt cách của mình mà vừa thích ứng được với cơ chế, vừa thành đạt được?

Ông HVG: Tôi thì thấy như thế này, cụ nhà tôi là một người rất là khiêm tốn. Luôn luôn thái độ của cụ là, nếu cần cụ làm việc gì thì cụ sẵn lòng, còn nếu tổ chức không cần thì cụ cũng chẳng có tham vọng.

PV: Cống hiến theo nhu cầu của tổ chức?

Ông HVG: Đúng thế. Mình cho là phẩm chất của những người trí thức ngày xưa đúng là như thế. Cụ nhà mình, rồi cụ Trần Duy Hưng, cụ Nguyễn Văn Huyên… Những người đó có mắng ai bao giờ đâu.

PV: Mà công việc vẫn có hiệu quả...

Ông HVG: Ờ vậy. Tôi nhớ các cô, các chú ở trong Bộ Văn hóa trước vẫn nói rằng, chúng tôi không bao giờ thấy cụ nặng lời. Và khi ai có khuyết điểm, khi ai có lỗi gì đấy thì ông cụ chỉ nói rằng, làm thế này không được đâu, lần sau đừng làm thế... Chứ mình, mình từng làm Giám đốc Sở bao nhiêu lâu, mình đã nhiều lần mắng mọi người, mắng tất nhiên để cho được việc thôi. Và như vậy đã mãi mãi không thể học theo được phong cách của cụ rồi…

PV: Thời thế nó khác. Bây giờ không thể điều hành như thế được. Ngày xưa là đức trị…

Ông HVG: Đúng là bây giờ không thể nào ngồi tỉ tê mà điều hành để được việc.

PV: Nhịp điệu sống nó khác…

Ông HVG: Đấy, cũng có thể nhịp điệu sống mỗi thời đại nó một khác. Nói thế nhưng đối với các trí thức thế hệ bây giờ mà nói rằng chê hết cả thì cũng không nên, vì cũng có những người rất là kiệt xuất, những kiệt xuất của thời nay…

PV: Trong gia đình, GS Hoàng Minh Giám có nghiêm khắc với con cái không?

Ông HVG: Nghiêm khắc thì nghiêm khắc nhưng cụ chẳng bao giờ đánh con cái cả.

PV: Không ép con theo ý mình, không bao giờ bố thích thế này, con phải thế kia?

Ông HVG: Không, không bao giờ như thế. Phải nói là cụ là một người cha mẫu mực.

PV: Ông vừa nói là GS Hoàng Minh Giám là người mô phạm. Trong khái niệm mô phạm ngày xưa bao hàm luôn cả sự lãng mạn? Người ta cứ nghĩ rằng mô phạm thì không được lãng mạn, nhưng chính ra ngày xưa các cụ mình lại cởi mở hơn một số người ở thời đại bây giờ, có đúng không, thưa ông?

Ông HVG: Đúng rồi (cười).

PV: Và trong sự lãng mạn thì xem ra, đồng chí Hoàng Vĩnh Giang cũng đã phát huy rất là tốt truyền thống từ người cha?

Ông HVG: Được như cụ thì còn lâu, chắc chẳng bao giờ học được cụ đâu!

PV: Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện thân mật và cởi mở này!

Hồng Thanh Quang (thực hiện)
.
.