Cố thủ lĩnh KGB Y.Andropov và những bí quyết tạo nên sức mạnh

Thứ Ba, 17/01/2006, 08:41

Ngày 9/2/1984 ở Liên bang Xôviết đã xảy ra một sự kiện mà càng về sau người ta càng hiểu rõ hơn ý nghĩa quyết định của nó đối với vận mệnh siêu cường lừng lẫy một thuở này: tại bệnh viện cao cấp Kremli, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Yuri Andropov, người được biết tới nhiều nhất như một “thủ lĩnh” nổi trội của KGB, qua đời. Chỉ còn thiếu ít ngày nữa là Andropov bước vào tuổi "cổ lai hy" (ông sinh ngày 12/6/1914).

Vorotnikov, một cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô nhận xét về Andropov: "Ông ấy dường như có một ảnh hưởng thần diệu nào đó đối với xung quanh". Liệu có thể giải mã được "ảnh hưởng thần diệu" đó được không? Trên cơ sở nhiều nguồn tư liệu tin cậy, xin được phần nào giải đáp câu hỏi này bằng cách phân tích một số bí quyết làm việc của Andropov trên cương vị lãnh đạo KGB.

Chưa xây thì không phá

Nghiên cứu kỹ tiểu sử của Andropov, có thể nói rằng, ông thực ra không phải là một người bí ẩn. Không nhiều tình tiết li kỳ trong cuộc sống của ông, ngoại trừ việc dòng tộc ông có "dây mơ rễ má" với người Do Thái. Nhưng nói cho cùng, điều này cũng không có gì lạ: trong số những tên tuổi lừng danh ở Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay, có không ít người gốc Do Thái (có thể kể ra đây cả nhà văn Xôviết quen thuộc Konstantin Simonov)... Andropov thường bị hiểu dưới dấu "tối mật" chẳng qua chỉ vì cơ quan mà ông từng lãnh đạo suốt 15 năm liền: KGB.

Ông được cử làm Chủ tịch KGB tháng 5/1967 trong một thời điểm hết sức phức tạp và nhạy cảm trong hoạt động của cộng đồng an ninh tình báo Xôviết. Nhìn từ một góc độ, đó là giai đoạn mà các cơ quan tình báo Hoa Kỳ và NATO đã đẩy mạnh các hoạt động gián điệp chống lại Moskva nói riêng và hệ thống XHCN thế giới nói chung lên đỉnh điểm. Nhìn từ góc độ khác, cũng trong thời gian đó, tại Liên Xô, do những chiến dịch đổi mới, tinh giản biên chế được tiến hành từ năm 1953 (sau khi lãnh tụ Yosif Stalin qua đời), cũng như những hệ lụy từ hoạt động không phải lúc nào cũng chuẩn mực của đội ngũ cán bộ KGB, cơ quan an ninh này đã bị suy yếu đến mức rất khó đảm đương đúng mức các trách nhiệm nghiệp vụ của mình để chống lại cuộc chiến tranh tổng lực của các cơ quan tình báo đối phương.

Vào thời điểm đó ở Liên Xô đã giải tán các cơ quan an ninh trong ngành giao thông đường sắt và đường thủy, các chi nhánh KGB ở thành phố và huyện lị, nhiều đơn vị phản gián đặc biệt ở cấp trung ương và địa phương. Hệ thống lãnh đạo các cấp trong KGB cũng bị thay đổi, nguồn cán bộ mới hầu như không trưởng thành trong công tác nghiệp vụ. Hệ thống đào tạo cán bộ an ninh cũng bị tinh giản, nhiều trường học truyền thống ở Leningrad, Gorky, Sverdlovsk, Khabarovsk, Alma Ata, Tashkent, Tbilisi, Mogiliov... bị xóa sổ... Nói chung, tình hình nội bộ KGB khi ấy đã gây nên những nỗi lo lắng không nhỏ.

Trong hoàn cảnh đó, ban lãnh đạo cao cấp nhất ở Liên Xô đã chọn Andropov vào vị trí Chủ tịch KGB vì nhận thấy rằng chính ông mới là người có thể làm thay đổi cục diện tình hình trong KGB, chứ không phải vì lúc đó quan hệ giữa ông với đương kim Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Kosygin không tốt lắm nên Tổng Bí thư Leonid Brezhniev muốn ông rời khỏi bộ máy lãnh đạo trung ương như một số báo chí Nga sau này viết. Thực tế cho thấy, đó đã là sự lựa chọn đúng đắn.

Gia nhập đại gia đình KGB, Andropov đã bộc lộ thái độ cẩn trọng đối với hiện trạng cơ quan. Bản thân ông rất thận trọng trước những quyết định có thể dẫn tới làm lỏng lẻo hơn hệ thống tổ chức đang có. Và ông buộc các lãnh đạo thuộc quyền cũng phải ứng xử y như vậy. Chưa xây được thì không thể phá những cái đang có - đó là một trong những nguyên tắc làm việc chính của Andropov. Ông luôn luôn nhắc đi nhắc lại rằng, trong hệ thống KGB cả ở cấp trung ương lẫn các địa phương đều có những nguồn lực dự trữ chưa được phát huy đúng mức. Vấn đề là phải biết khích lệ nguồn lực sẵn có làm việc với cảm hứng và sự sáng tạo, chủ động lớn hơn. Theo sáng kiến của Andropov, trong hệ thống KGB đã thành lập lại hàng loạt trung tâm đào tạo, nâng cao trình độ nghiên cứu chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng lý luận cho các cán bộ đương chức... Đặc biệt, ông đã xây dựng được một hệ thống tuyển chọn cán bộ rất có hiệu quả cho cơ quan an ninh để lôi kéo những nguồn lực tinh túy nhất trong xã hội Xôviết cho KGB.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chính đội ngũ cán bộ KGB trưởng thành dưới thời Andropov lãnh đạo cơ quan này đã tạo nên "hồn vía" chủ chốt cho cộng đồng an ninh tình báo Xôviết trước kia và Nga hiện nay. Và mặc dù hơn chục năm có lẻ nước Nga phải trải qua những biến thái chính trị kinh thiên động địa, những cán bộ ưu tú nhất của KGB hiện nay vẫn duy trì được ảnh hưởng to lớn của mình đối với xã hội. Nói cho cùng, chính đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng là một cựu cán bộ KGB được đào tạo theo đúng truyền thống tiếp nối từ thời Andropov.--PageBreak--

Làm gì cũng phải vì dân

Andropov là một chính trị gia có phong cách thận trọng, bẩy lần đo cho một lần cắt, như câu ngạn ngữ Nga đã nói. Nhưng khi cần, ông không ngại mạnh mẽ thay đổi những gì mà ông cho là lỗi thời. Chính từ ông, KGB mới xác định rõ hơn nhiệm vụ chủ đạo của mình: đó không chỉ là cuộc đấu tranh chống lại mưu ma chước quỷ của các thế lực thù địch, mà trên hết và hơn hết là bảo vệ nhân dân, bảo vệ bình yên xã hội.

Đối với Andropov, an ninh quốc gia trước hết và hơn hết là an ninh của từng công dân. Chế độ chỉ bình yên khi cuộc sống của mỗi một công dân được an toàn, yên ổn. Andropov cho rằng, chế độ Xôviết và xã hội Xôviết hòa quyện chặt chẽ với nhau, có những tiêu chí chính yếu trùng khít với nhau, và cơ quan an ninh cần phải trân trọng điều đó. Ông từng không chỉ một lần nhắc đi nhắc lại: "Quốc gia chúng ta là một quốc gia thực chất, do nhân dân lập nên, sinh ra là vì nhân dân và tồn tại cũng là vì nhân dân. Vì thế không thể để cho quốc gia đổi chất và trở thành kẻ thù của nhân dân. Chính vì thế nên an ninh của quốc gia và của xã hội tuy hai mà một, điều không thể có được trong xã hội tư bản". Đồng thời, Andropov cũng lưu ý rằng, giữa các khái niệm quốc gia và xã hội cũng có những khác biệt cơ bản, nếu nhìn chúng qua lăng kính của nhu cầu đảm bảo an ninh.

Về đảm bảo an ninh quốc gia thì hầu như không có điều gì phải cấn cá, mọi sự cứ theo truyền thống. Thế nhưng, về đảm bảo an ninh xã hội thì thời thế mới, cần có những cách nhìn mới. Theo Andropov, KGB cần phải học cách làm mới. Ông cho rằng, nhiệm vụ chủ yếu của KGB là ngăn chặn xã hội khỏi những mưu toan phá hoại của các cơ quan gián điệp đối phương và góp phần tạo điều kiện cho hoạt động bình thường của các công dân. Để làm việc này, ông nhấn mạnh, nhiệm vụ của các chiến sĩ an ninh là phải đấu tranh bảo vệ từng công dân Xôviết nếu đối phương mưu toan gây hại cho họ. Ông cho là KGB không nên buộc tội nạn nhân của các hoạt động phá hoại do kẻ thù tiến hành. Và vì thế, KGB cần tiến hành rộng rãi hơn nữa các biện pháp phòng ngừa trước, cả ở quy mô chung lẫn ở cấp độ riêng lẻ. Dưới thời Andropov lãnh đạo KGB, các cán bộ an ninh đã triển khai rộng rãi hơn các hoạt động giao tiếp với xã hội để "phòng bệnh hơn chữa bệnh".

Không quên chống tham nhũng

Andropov hơn ai hết hiểu rằng, hoạt động của KGB chỉ đạt được hiệu quả cần thiết một khi có được uy tín cao trong nhân dân. Ông đã thực thi nhiều biện pháp để các công dân Xôviết nhìn KGB như đồng minh tin cậy trong các nỗ lực bồi đắp xã hội trong sạch và lành mạnh, chứ không phải như một "định chế rắn" có thể gây nên những nỗi lo sợ vô cớ. Một trong những việc Andropov rất chú trọng để đạt mục đích này là chống tham nhũng. Ngay từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, KGB dưới sự lãnh đạo của Andropov đã tích cực tiến hành đấu tranh chống lại nạn tham nhũng.

Với cá nhân Andropov, đấy là việc không kém phần mạo hiểm. Bởi lẽ, cũng như ở bất cứ đâu, dính dáng tới tham nhũng trong xã hội Xôviết vẫn là một số đại diện của bộ máy cầm quyền cao cấp, thậm chí rất cao cấp hoặc có quan hệ khá thân hữu với một số nhà lãnh đạo quốc gia. Andropov đã rất tinh tế khi triển khai những hoạt động chống tham nhũng bằng các nỗ lực của cơ quan an ninh. Ông biết cách bảo vệ uy tín của những nhà lãnh đạo hàng đầu, không phải bằng cách che giấu sự thật, mà bằng cách tạo dựng nên những điều kiện pháp lý và thực tế để những kẻ tham nhũng không thể "cáo mượn oai hùm" mà phạm pháp. Đã có lần ông thẳng thắn báo cáo với lãnh tụ Brezhniev về một số việc làm lầm lỗi trong chuyện làm ăn của một số thành viên trong dòng tộc này. Cách nói dựa trên quyền lợi quốc gia chân chính của ông đã làm lãnh tụ Brezhniev thấu hiểu đúng mọi chuyện...

Tất nhiên, chỉ riêng nỗ lực của cơ quan an ninh thì không đủ để làm trong sạch  hoàn toàn xã hội. Đã tồn tại nhiều lý do khách quan khác, nằm ngoài tầm kiểm soát của KGB dẫn tới việc xã hội Xôviết vào những thập niên gần cuối thế kỷ XX ngày càng mất đi "hào khí đỏ". Cũng theo nhiều nhà nghiên cứu, việc Andropov đã đột ngột qua đời vì lý do sức khỏe năm 1984 cũng là một mất mát lớn đối với Liên Xô. Andropov đã ở trên vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô trong một khoảng thời gian quá ngắn ngủi nên đã không làm được nhiều cho việc ngăn chặn xu hướng phát triển tiêu cực của Liên bang Xôviết. Và vì thế, sức mạnh bí ẩn của ông đã không được truyền lại đủ cho quốc gia và chế độ mà ông yêu quý, tận tâm phục vụ cho tới hơi thở cuối cùng.

Tiếc lắm thay!

Phạm Huy Dũng
.
.