Nguyễn Huy Minh, Báo Thể thao-Văn hoá:

Có những sai lầm không thể sửa

Thứ Ba, 22/07/2008, 10:30
Vì sao anh ký bút danh là Việt Thường? À, tôi cũng là một "người Việt bình thường" mà. Còn hàng loạt bút danh khác? Tôi ký nhiều bút danh cho ba mẹ tôi khỏi lo lắng khi thấy con mình suốt ngày mò mẫm ở tâm điểm của những vụ việc rắc rối hoặc lang thang khắp các xó xỉnh chẳng có ma nào bén mảng vào.

Vì sao anh chọn nghề báo? Tôi có đủ lý do cho chọn lựa này, đó là một câu chuyện dài. Nhưng quan trọng nhất, nghề báo cho chúng ta sống từng ngày không bao giờ lặp lại... Nguyễn Huy Minh đang làm việc tại  tờ Thể thao - Văn hóa.

- Nghề báo là thứ nghề “bất trị”, nó sẽ lựa chọn những ai phù hợp và đánh bật những toan tính ban đầu của người ta. Nhưng có khi nào anh thấy rằng, nếu không làm báo mình có thể làm một cái gì đó tốt hơn chăng?

- Tôi có những lý do riêng và đủ đam mê lâu dài với công việc của mình. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ bỏ nghề hoặc bị nghề ruồng bỏ.

- Làm báo anh quan tâm nhất đến điều gì?

- Tôi quan tâm đến từng bài viết. Đến bây giờ, niềm vui sướng khi hoàn thành tác phẩm ưng ý vẫn lan tỏa râm ran, như những ngày đầu vào nghề hăm hở cuộn bản thảo đạp xe lên tòa soạn nộp. Đọc được một bài báo hay cũng vậy.

- Điều gì tối kỵ trong nghề báo?

- Sự dối trá!

- Nhưng đâu phải lúc nào chúng ta cũng có thể nói mọi điều mình thấy?

- Đúng vậy. Nhưng có nhiều cách để diễn đạt điều  mình muốn nói, chứ không hẳn chỉ là chuyện viện dẫn những con số. Lựa lời để nói sự thật luôn là một việc khó khăn. Và không nói được hết thì không có nghĩa là phải nói dối.

Nói vừa đủ, nói một phần sự thật hoàn toàn khác với dối trá. Hoặc nói sự thật nhưng chỉ có lợi cho một nhóm lợi ích rất nhỏ, mà có đồng nghiệp tôi gọi là "chỉ có lợi cho một ai đó" cũng là mắc tội với độc giả nói chung.

- Anh làm nghề hơn 10 năm, đã thực sự cảm thấy nghề báo là nghề nguy hiểm?

- Tôi thấy rõ nhất là sự căng thẳng. Áp lực công việc và cả những hệ lụy từ nghề nghiệp đã khiến rất nhiều bạn bè tôi mất ăn mất ngủ. Ở một môi trường báo chí buộc phải cạnh tranh, nhà báo bị cuốn vào những dòng chảy sự kiện lớn và đôi khi không làm chủ được thông tin, họ bị "mất lái", đó chính là mối ẩn họa rất dễ mắc phải. Sai lầm như vậy nhiều khi không sửa được. Nghề báo, nhất là báo chí điều tra, dễ đụng chạm và rất dễ rơi vào vòng nguy hiểm.

-  Để đi vững, một đứa trẻ, dù không muốn cũng phải nhiều lần ngã. Hành trình trưởng thành của một nhà báo cũng có thể ví như vậy. Với anh thì sao?

- Cũng vậy thôi. Trước khi cưới vợ, lẽ ra phải lo sắm sửa cho cuộc sống riêng, còn tôi thì chở bà xã tới nhà người ta suốt 3 tháng để xem họ muốn kiện cái gì và vì sao lại kiện. Cứ buổi tối, xong việc cơ quan, đôi uyên ương lại... lên đường. Tôi không viết bài báo đó, nhưng là người chịu trách nhiệm biên tập.

Nhân vật vốn là Tổng biên tập một tờ báo đã nghỉ hưu, còn vợ ông ấy làm ở một cơ quan luật pháp. Nghĩa là họ quá rành luật, đơn đã được tòa thụ lý, mình biết là mình có sai, nhưng đọc mãi không hiểu sai ở chỗ nào.

Về sau, khi đã đồng ý viết lại bài đính chính, ông bà cụ ấy mới nói cho tôi biết, họ chỉ muốn kiện chúng tôi vì một cụm từ thôi, đó là "đùng một cái". Một cụm từ sai cũng có thể khiến một tòa soạn phải đứng trước tòa.  Bây giờ thỉnh thoảng gặp lại cụm từ ấy vẫn giật mình thon thót!

Một sai lầm khác. Khi ấy đang họp Quốc hội, sếp tôi, anh Tiến Thanh (khi ấy là Phó Tổng biên tập Báo Gia đình & Xã hội - PV) nói tôi vào hội trường ngay để đưa tin.

Tôi vừa đi công tác Sơn La về, cái cặp của tôi có cất một con dao nhỏ dài khoảng 15cm mà đồng bào làm quà tặng, tôi lại mượn thẻ ra vào của anh Thanh. Hồi đó thẻ ra vào Quốc hội chưa có ảnh. Khi qua máy soi an ninh báo động. Và anh Tiến Thanh phải làm việc với cơ quan an ninh quá nửa đêm hôm đó.

Khi ấy có đồng nghiệp đã gọi cho tôi: "Em đã giết anh Tiến Thanh rồi". Cái lý thì mình sai rồi, cơ quan an ninh người ta buộc phải làm chặt chẽ như thế, vì sự an toàn chung. Nhưng về bản chất chỉ là vô tình thôi, và cũng may hôm ấy thảo luận ở tổ, anh Thanh nhớ nhầm ngày họp, không có ĐBQH nào trong hội trường cả.

Đó cũng là một sai lầm không sửa được. Sau thì việc cũng được giải quyết. Và tôi bị từ chối không được cấp thẻ theo dõi các kỳ họp Quốc hội trong khoảng 3 năm!

- Có bao giờ anh tự hỏi, anh cũng hết lòng với nghề báo, nhưng giải thưởng báo chí vẫn không đến với mình?

- Không. Tôi chưa tham dự một giải báo chí nào, nên cũng không rõ để đoạt giải có thực sự khó khăn không, và cảm giác nhận giải ra sao? Tôi không phản đối giải thưởng báo chí vì tôi chơi với một số người được giải và họ là những nhà báo giỏi thực sự.

Nhưng tôi cũng biết nhiều nhà báo giỏi và họ chưa có giải bao giờ. Đã có nhiều tác phẩm đoạt giải báo chí nhưng khi tôi đọc thì thấy không có gì đặc sắc. Và giải báo chí vẫn còn mang tính mặt trận. Chính vì những điều ấy mà giải báo chí chưa thực sự là một báu vật mà mọi người đều muốn một lần cầm nắm.

Làm báo trước hết vì bạn đọc của mình, rồi mọi điều sẽ đến. Tôi hy vọng khi mình đoạt giải báo chí thì đó phải là một bài viết thực sự có ý nghĩa với xã hội và tôi không cảm thấy xấu hổ khi nhận giải.

- Vậy theo anh thế nào là một nhà báo thành công?

- Nhà báo thành công là một nhà báo xây dựng được uy tín. Có thể là trên mặt báo với độc giả nói chung, nhưng cũng có thể là sự thừa nhận của bạn bè, đồng nghiệp. Cả hai điều này đều rất khó khăn.

- Cách đây mấy năm, tôi có đọc một bài rất ấm áp trên tờ Gia đình - Xã hội số Tết. Bài báo ấy viết đây là nơi tác thành những mái ấm cho nhiều phóng viên. Và vợ chồng anh là một ví dụ. Có thể coi Gia đình - Xã hội là nơi anh có tất cả, công việc, vị trí trong nghề và hạnh phúc riêng tư. Vậy nhưng anh đã rời bỏ nó. Vì anh thấy nó không mang lại thành công của một nhà báo như anh nghĩ?

 - Tôi ra đi không phải vì sự thành công của cá nhân mình, bởi nếu vậy tôi đã rời bỏ Gia đình - Xã hội lâu rồi. Bạn nói đúng, nơi đó tôi đã có tất cả những gì tôi muốn. Khi chuyển công tác, tôi nói với mọi người rằng, suốt thời sức lực sung mãn nhất tôi đã ở đây, cái gì làm được cho tờ báo tôi đều đã cố gắng "làm hết tầm" rồi.

Tôi có ở lại cũng sẽ chỉ dừng ở ngưỡng đó, không thể hơn được nữa. Và vì tôi là người gắn bó với tờ báo từ ngày đầu tiên nên tôi sẽ rơi vào dạng công thần, sẽ tự cho mình cái quyền đòi hỏi nhiều quyền lợi trong khi sức sáng tạo sẽ trì trệ dần. Như vậy là mối nguy hiểm lớn khi tôi vẫn còn rất trẻ.

Tôi về Báo Thể thao văn hóa, như một sự đổi thay. Ai cũng biết tờ Thể thao văn hóa "lành" hơn tờ Gia đình & Xã hội trong những mảng như nội chính, điều tra. Nhưng qua thời gian ở đây tôi chợt nhận ra một điều, làm báo còn cần có sự bình tâm để nhìn mọi sự cho thấu triệt. Khi đã quá mỏi với những kiện tụng và cả những bức xúc liên quan sau bài viết, tôi hiểu được giá trị của sự tĩnh lặng này.

- Anh có thể nói về tham vọng của mình trong nghề?

- Tôi muốn được làm báo suốt đời và mỗi ngày được sống với những thông tin mới, gặp những con người mới, không ngày nào lặp lại.

- Cảm ơn anh!

B.B.
.
.