Thiếu tá Nguyễn Văn Lệnh (biệt danh Tư Hổ), Chỉ huy phó B5 Trinh sát nội đô- Tham mưu trưởng khu Sài Gòn- Gia Định:

Có một trận chiến thầm lặng

Thứ Sáu, 01/04/2011, 15:29
Không ai nghĩ người đàn ông có vóc dáng bé nhỏ, gầy guộc này, đang sống ẩn mình trong một góc nhỏ yên bình ở tận phố Lĩnh Nam khi xưa đã từng là một chỉ huy trinh sát nội đô quả cảm, góp phần viết nên những trang sử hào hùng của An ninh T4 lừng lẫy một thời.

Và câu chuyện của ông về những ngày đầu thâm nhập vào nội đô những năm đỏ lửa 1968-1974 là câu chuyện của một ý chí cách mạng kiên cường, lòng quả cảm vô song, cái ý chí chỉ có trong cuộc chiến chính nghĩa giải phóng dân tộc… Ông là Thiếu tá Nguyễn Văn Lệnh (Còn có biệt danh Tư Hổ).

1.  Trở về miền Bắc sau những ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, người chiến sĩ ấy mang nặng trong mình một nỗi day dứt khôn nguôi. Cuộc chiến đã kết thúc, nhưng biết bao đồng đội, những người con đất Bắc đi theo tiếng gọi của miền Nam thân yêu và đã bỏ lại thân xác mình trong những trận đánh, nơi rừng sâu…

Năm 1979, ông về hưu với quân hàm thiếu tá và mang trong mình một món nợ với đồng đội năm xưa, Nguyễn Văn Lệnh không về công tác cho một đơn vị nào, mà bằng chiếc xe đạp cà tàng của mình, rong ruổi đi tìm hài cốt liệt sĩ. Nhiều bạn bè, đồng đội còn sống ngày đó cho rằng thần kinh ông không bình thường, người nói ông đi làm vì tiền, thậm chí nhiều người cản trở, cho rằng ông đang đi mò kim đáy biển.

Nhưng Nguyễn Văn Lệnh không một lời thanh minh. Ông lặng lẽ bắt đầu cuộc hành trình của mình, và ông tin, đồng đội ông, những người đã mất sẽ thấu hiểu được tâm nguyện tốt đẹp của ông. Và cuộc hành trình của ông hơn 20 năm qua đã tìm được hàng ngàn bia mộ, hàng ngàn gia đình, bố nhận con, vợ nhận chồng, con nhận cha.

Ông cảm thấy mình như được sống lại. Ông tự nhận đó là trách nhiệm của người sống đối với người đã khuất, nên dù bạn bè ông, nhiều người thân coi cái việc ông đang làm là đi vác tù và hàng tổng, thì Nguyễn Văn Lệnh vẫn miệt mài với chiếc xe đạp cà tàng và chi phí lấy từ cái quán cóc nhỏ của vợ ông (ngày bà còn sống).

.

Có lẽ đối với ông, khi đã dành hết tuổi thanh xuân của mình cho cuộc chiến, đã từng đối mặt trực tiếp với kẻ thù trong nội đô Sài Gòn năm xưa, thì có lẽ không điều gì làm ông lo sợ hay gục ngã được nữa. Ông tự bảo: "Tôi không hợp với thời bình, tôi không biết làm kinh tế, nên tôi lại đi vào cuộc chiến ở một góc khác". Đối với người chiến binh già ấy, thì cuộc sống không dành cho riêng ông nữa.

Nguyễn Văn Lệnh kể, có lần ông nghe được câu chuyện của Đại tướng Phạm Văn Trà về một trận đánh của  đơn vị ông ở Cẩm Lý, Bắc Giang, trận đánh đó chết hàng trăm người (mà sau này không tìm thấy mộ). Một câu chuyện như muôn ngàn câu chuyện xảy ra trong chiến tranh nhưng đã ám ảnh ông ghê gớm.

Nguyễn Văn Lệnh đã mất ba năm lặn lội với đất Cẩm Lý, và cuối cùng ông đã tìm được hàng trăm hài cốt các chiến sĩ hy sinh trong trận đánh năm xưa bị vùi sâu trong đất. Lần đó, ông đã chứng kiến niềm vui hòa trong nước mắt của những gia đình, mẹ nhận con, vợ nhận chồng. Và ông cảm giác như mình được sống lại. Nhưng có những đồng đội, không hiểu vì một linh cảm đặc biệt nào đó mà ông tìm được rất nhanh.

Đó là mộ liệt sĩ Đặng Đình Hoan, gia đình anh đang sống ở Thanh Nhàn, chỉ một bức thư báo tử và một tấm ảnh, trong ngày hôm đó, ông đã lặn lội lên xã Chùng Chiêng, Mộc Châu, Sơn La, và tìm được anh đang nằm yên nghỉ bên dòng suối Cạn ở xã Chùng Chiêng. Ngôi mộ đã bị xói mòn bởi thời gian…

2. Nhưng có mấy ai biết rằng, người chiến sĩ có vóc dáng bé nhỏ nhanh thoăn thoắt đó khi xưa là một trinh sát nội đô quả cảm, đã góp phần viết nên những trang hào hùng của An ninh T4 trong cuộc chiến năm xưa. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo khó ở xã Minh Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương, Nguyễn Văn Lệnh không có cái may mắn được đi học chữ.

Năm 14 tuổi, ông đã tham gia cách mạng, làm liên lạc ở làng và sau đó chuyển sang làm trinh sát. Vừa đi đánh giặc, ông vừa mày mò học chữ, hồi đó làm gì có sách vở nên ông bẻ cành gai làm bút, lấy lá cây làm giấy, và những con chữ đầu tiên đã được ông tự học như vậy. Ngay từ khi còn rất trẻ, chưa thực sự thấu hiểu về cách mạng, ông đã ấp ủ một khát vọng, được mang vũ khí vào nội thành để đánh vào cơ quan đầu não của giặc.

Và ước mơ từ thời trai trẻ ấy đã thành hiện thực khi năm 1964, Nguyễn  Văn Lệnh vượt Trường Sơn vào Miền Nam chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Cái tên Tư Hổ cũng xuất hiện trong chuyến vượt Trường Sơn huyền thoại của những người lính quả cảm, mà nếu không có một tình yêu nước sâu sắc, không có ý chí và bản lĩnh của một chiến binh thì có lẽ sẽ không bao giờ đi qua được.

Đồng đội gọi ông là Tư Hổ, bởi vóc người nhỏ gọn, nhanh thoăn thoắt, và bởi đằng sau cái vóc dáng bé nhỏ của ông là cả ý chí mạnh mẽ hùng dũng của một chiến binh. Cái tên Tư Hổ đã nổi tiếng trong cuộc hành quân Nam tiến, nên khi vào đến Trung ương Cục, ông được nhận về B5 - An ninh trinh sát vũ trang nội đô thuộc An ninh T4.

Năm 1965, Nguyễn Văn Lệnh được giao phụ trách một đội trinh sát đánh vào Sài Gòn. Câu chuyện về quá trình thâm nhập vào nội đô để sau này cùng đồng đội ghi danh bằng những trận đánh lịch sử là một câu chuyện dài. Ông đã phải tự mày mò làm một hồ sơ lý lịch giả và một căn cước giả phù hợp với nhân thân.

Ông lo lắng đến quên ăn quên ngủ trước thực tế khó khăn này. Những người lính như ông không bao giờ sợ khi đối mặt với cái chết, nhưng đã đi làm cách mạng, thì phải sống để giải phóng đất nước, nên có chết cũng không để ô nhục cho Tổ quốc. Lần đầu tiên vào Sài Gòn, mọi thứ đối với ông đều lạ lẫm, từ con người, phong tục tập quán cho đến đường sá đi lại.

Nên ông đã phải học, từ những cái nhỏ nhất để hòa nhập với phong tục tập quán của người bản xứ. Nguyễn Văn Lệnh bước chân vào cửa ngõ Sài Gòn với căn cước của một thanh niên người Thái Bình đã vào Nam từ những năm 30 làm thợ cạo mủ cao su, bấy lâu bỏ đi biệt xứ. Ông còn nhớ như in cái lần đầutiên chạm ngõ Sài Gòn qua trạm kiểm soát, lo mình không đủ bình tĩnh, chỉ tái mặt là bị phát hiện ra liền.

Và rồi, Nguyễn Văn Lệnh đã vượt qua 4, 5 cửa ải đó một cách an toàn dù mật thám, thám báo đứng dày đặc bên ngoài.  Lần đầu tiên bước chân vào Sài Gòn với một cảm giác xa lạ, ông chưa biết mình sẽ phải bắt đầu từ đâu. Hồi đó, cơ sở của B5 chưa có, Nguyễn Văn Lệnh đã phải bắt tay xây dựng từ đầu.

Ý chí và bản lĩnh của một chiến sĩ cộng sản từng vượt Trường Sơn đã giúp ông vượt qua tất cả, từ chỗ ngủ trong gầm cầu với người khiếm thị, người bệnh phong, đến lang thang làm quen với đám xích lô để kiếm một chân đạp xe giữa Sài Gòn, rồi cũng ăn cơm bụi, hủ tiếu, hột vịt lộn y chang một người Sài Gòn thứ thiệt. Mất hàng tháng trời, ông đã trụ lại được Sài Gòn.

Sau đó một thời gian, Ban chỉ huy B5 gọi Tư Hổ ra cứ báo cáo kết quả, không may trên đường đi, ông rơi vào lưới của biệt kích. Chúng đưa ông về Bình Dương, dùng những ngón đòn tra tấn dã man như thời trung cổ. Nhưng không khai thác được chứng cớ gì, sáu tháng sau, chúng thả ông.

Người chiến binh già trên chiến trường năm xưa vẫn nhớ như in cuộc trở về tìm lại căn cứ gian khổ của mình. Ông bảo, có lẽ chỉ có tình yêu đất nước, tấm lòng kiên trung mới cho ông cái nghị lực phi thường ấy, để vượt lên những gian khổ, mất mát, cả bệnh tật và nỗi cô đơn.

Tháng 4 năm 1968, ông tìm được về cứ, gặp đồng chí Tư Trọng và được giao một trọng trách mới. Thực hiện chủ trương đưa trinh sát vũ trang vào nội đô xây dựng lực lượng chiến đấu tại chỗ, ông cùng Ba Hiệp, Chỉ huy trưởng B5 đã vào bám trụ ở nội thành. Ông lại được giao một trọng trách mới, mua nhà, đào hầm bí mật để chuyển vũ khí vào Sài Gòn chuẩn bị cho những trận đánh lớn.

Đó là khát vọng nung nấu trong chàng trai Nguyễn Văn Lệnh từ những ngày ông còn làm trinh sát ở Hải Dương quê ông trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Bằng sự linh hoạt, sáng tạo, ông đã làm được cái việc tưởng chừng như là không tưởng: mua được một căn nhà số 116.2 ấp Phú Trung 3, xã Phú Thọ Hòa, quận Tân Bình.

Và ông đã làm việc, "không ngày, không giờ, không đêm" để hoàn thành một khối lượng công việc mà ông nghĩ là quá sức mình. Đến bây giờ nhớ lại những giây phút đó, ông vẫn không sao lý giải nổi, tại sao mình lại có thể làm nên những kỳ tích như vậy.

Có lẽ trong chiến tranh, trong không khí sục sôi khát vọng được giải phóng đó, đã cho con người cái ý chí siêu phàm, vượt ra ngoài cái bình thường. Tại căn nhà đó, Nguyễn Văn Lệnh cùng đồng đội B5 đã cải tiến được một số loại vũ khí, tham gia nhiều trận đánh gây kinh hoàng cho Mỹ ngụy. Sau Tết Mậu Thân năm 1968, Mỹ huênh hoang tự đắc rằng, không còn một bóng dáng Cộng sản trong lòng Sài Gòn. 

Và trận mở màn ngày 1/2/1969 của Đội Trinh sát B5 đã bịt miệng Mỹ - ngụy. Trận đầu tiên Nguyễn Văn Lệnh đã dùng hai trái mìn tự tạo đó nhắm vào Trung tướng tình báo Linh Quang Viên, một tướng đầu sỏ của ngụy quân, nhưng lại hạ sát viên Thiếu tướng Tham mưu trưởng thuộc phủ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (lần ấy Viên không tới mục tiêu)

Có những trận đánh đã đi vào lịch sử của An ninh T4, như trận đánh vào đoàn xe chở Thủ tướng Trần Văn Hương. Các chiến sĩ B5, trong đó có Tư Hổ, đã dùng một trái mìn DH10 tự tạo, dùng thuốc C4 nặng 25kg đánh vào sát Dinh Độc lập và tòa Đại sứ Mỹ. Đó là một trận đánh không cân sức khi bên ta chỉ có 5 đồng chí thế mà đã đánh lại cả một đoàn xe hơn chục chiếc đang hộ tống Trần Văn Hương về dinh.

Dù không đạt được kế hoạch nhưng trận đánh oanh liệt đó đã đi vào lịch sử của An ninh T4 như một chiến công vang dội về lòng quả cảm, mưu trí của những chiến sĩ trinh sát nội đô. Với Nguyễn Văn Lệnh, thì những trận đánh đó mang theo cả khát vọng của một thời trai trẻ …

Ký ức về những trận đánh vẫn còn hiện hữu trong ông dù cuộc chiến đã lùi xa 35 năm. Tư Hổ đã góp phần viết nên những trang vẻ vang, hào hùng của An ninh T4. Nhưng đối với những người lính chiến như ông, hiểu hơn ai hết, đằng sau hào quang của chiến thắng là những mất mát hy sinh, những nỗi đau đến giờ vẫn còn nhức nhối.

Và ông lại bước tiếp cuộc hành trình của mình trong cuộc đi tìm về quá khứ, nơi những người lính đã ngã xuống sau 35 năm vẫn chưa được trở về đất mẹ, góp phần xoa dịu những nỗi đau thời hậu chiến. Một hành trình thầm lặng nhưng thực sự có ý nghĩa, bởi trong hành trình khó khăn đó, ông vẫn luôn có những đồng đội bên mình

Linh Hà
.
.