Có một thời để nhớ

Thứ Tư, 10/09/2014, 13:30

Ở tuổi xấp xỉ bát tuần, tưởng như buông bỏ, tưởng như đã thiền, vậy mà, lão Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang lại vẫn cứ say ngây ngất với ánh đèn sân khấu ma mị, lên đồng trong những trường đoạn kịch.

Ông đã ấp ủ, thai nghén cả năm trời cho ra đời đứa con tinh thần, để rồi “Những người con Hà Nội” lôi kéo khán giả trở về thời Hà Nội mùa đông năm 1946. Một Hà Nội đầy chất thơ, mơ màng, lãng mạn mà không kém phần hùng tráng, bi ca. Một Hà Nội tuyệt đẹp như nhạc phẩm của cố nhà thơ Nguyễn Đình Thi: “Lắng hồn núi sông ngàn năm, đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu. Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời, Hà Nội hồng, ầm ầm rung. Hà Nội vùng đứng lên, Hà Nội vùng đứng lên sông Hồng reo…”.

Dữ dội và nồng nàn, trữ tình và cuốn hút, bay bổng, lãng mạn và kiêu sa, tất cả tinh túy chắt chiu gom nhặt để làm chất liệu sống động cho đạo diễn họ Doãn dựng lên vở kịch. Đó là mùa đông năm 1946, một trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam đã đi vào sử sách như một bản anh hùng ca tráng lệ về một cuộc chiến không cân sức, quân và dân ta với vũ khí thô sơ và ít ỏi chống lại Pháp với vũ khí hiện đại. Cuộc chiến dữ dội, khốc liệt ấy đã diễn ra trong 60 ngày đêm đầy khói lửa. Tình yêu say đắm, nặng lòng của người Hà Nội với thành phố, với thủ đô, với trái tim cả nước, như được nhân lên. Những mảnh đời, những cảnh ngộ của số phận, những mái ấm của gia đình, tình bạn, tình yêu, tất cả đều hòa chung một nhịp đập thề Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Không kể tuổi tác, địa vị, không kể giai tầng, trai gái, già trẻ, lớn bé, tất cả vì một Hà Nội, không thể để mất Hà Nội. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch là lời hiệu triệu đến từng nhà, từng người và biến tình yêu thành sức mạnh để đánh đuổi quân xâm lược.

Tác giả kịch bản Phạm Văn Quý thổn thức lòng mình nhớ về một thời đã qua đau thương mà kiêu hùng của người Hà Nội. Xuyên suốt vở diễn là đại cảnh sống động, cả dàn diễn viên hùng hậu 100 người của nhà hát kịch Hà Nội được huy động để tái hiện một Hà Nội của quá khứ. Ở đó là một bản anh hùng ca vừa trữ tình da diết, vừa ngọt ngào, lắng đọng, lại hào sảng, phóng khoáng.

Một câu chuyện kịch mà ở đó người ta thấy phảng phất đâu đây một Hà Nội của một thời đã xa mà lại rất gần. Những con người với số phận gắn với lịch sử và làm nên lịch sử. Một câu chuyện được kể với sự hấp dẫn không thể cưỡng lại khiến khán giả không thể rời mắt. Trước đây, một người gần gũi đạo diễn đã nhận xét về ông - đạo diễn Doãn Hoàng Giang: “Giang càng phơi bày lại càng như một vùng hoang vu chưa khám phá khiến người ta cứ tìm tòi, mò mẫm và chết lặng trong đó”. Đấy, chính cái sự hay ho đó, chính cái sự lôi cuốn kì bí khiến người ta phát điên vì tò mò, cái chất rất riêng mà đạo diễn đã mang cái duyên riêng của mình để đưa vào vở diễn.

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang là một người thâm trầm và tinh tế nên tác phẩm của ông cũng mang hơi hướng ấy. Ở đó người ta thấy xót xa, thấy bay bổng, thấy dữ dội, thấy sự sống và cái chết nhẹ tựa lông hồng. Không khoa trương, không đao to búa lớn, không tuyên ngôn, không lập luận, vở kịch nhẹ nhàng len lỏi vào khán giả bởi những tình tiết logic hợp lý đời thường, bởi sự chân thực. Mà sự chân thực trong nghệ thuật thật đáng trân trọng. Ông đã từng tâm sự: “Hà Nội bây giờ nhộn nhạo, nhếch nhác, bừa bãi, bẩn thỉu, nhố nhăng”. Ông nhớ về một thời đã xa, thời ấy, bên những chiếc xe tăng bọc thép, người Hà Nội khi ấy là những sinh viên kiến trúc sư như Dương, là vợ chồng người bác sĩ, là nữ sinh như Khánh Linh, là người phụ nữ hiền hòa, đôn hậu ở làng hoa Ngọc Hà đi làm cô sen, cô ở, là một cậu bé đánh giày, là một chàng thanh niên đánh đàn ở quán bar như Sơn Ca, là một Hạng Võ khét tiếng ở khu bến bãi Chợ Trời, là một đấu sĩ thăng hạng trên võ đài hay ngay cả một kĩ nữ buôn phấn bán hương… tất cả những con người khác biệt về độ tuổi, giai tầng nhưng họ đều có tình yêu da diết với Hà Nội. Họ không khoanh tay ngồi nhìn Hà Nội rơi vào tay quân Pháp. Họ chiến đấu, anh dũng như bản sonate lãng mạn và trữ tình nhất. Họ đứng chung trên một chiến hào để chống lại quân xâm lược, quyết bảo vệ Hà Nội dù có phải trả giá, đánh đổi, hy sinh cả mạng sống của mình.

Người Hà Nội khi ấy không sợ khổ, không sợ cái chết, không run sợ trước súng đạn, và không đời nào chịu đầu hàng kẻ thù. Người Hà Nội đồng lòng không tiếc máu xương vì một Hà Nội thanh bình, khao khát về một nền độc lập, tự do. Vì vậy, cho dù có phải trả bằng máu, nước mắt, tổn thất, sự chia lìa, người Hà Nội vẫn vùng đứng lên. Nhưng cuộc chiến đấu của người Hà Nội không phải là một đội quân thiện nghệ được trang bị súng ống đạn dược, họ là những người vừa mới đây thôi là dáng thư sinh thanh mảnh quen bút nghiên trên giảng đường đại học, là nhạc sĩ thường ngày với tay đàn tay trống, là người phụ nữ với gánh hàng hoa tươi mát ngạt ngào hương thơm, là ca sĩ với giọng hát trữ tình ngọt ngào, là người tưởng tay đao tay kiếm giang hồ bá đạo… Những con người đó đều có một điểm chung là tình yêu với Hà Nội, với lòng tự trọng, nhân phẩm không chịu khuất phục trước giặc ngoại xâm. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn có số ít kẻ cơ hội, bán nước cầu vinh, chịu làm nô lệ, tay sai cho kẻ thù để hưởng chút lợi lộc mà tự họ cho là thức thời.

Cuộc chiến đấu có tiếng súng, bom rơi, đạn lạc, thương vong, máu và nước mắt… nhưng, không vì thế mà người Hà Nội đánh mất niềm tin, hy vọng. Người Hà Nội vẫn điềm nhiên hiên ngang ngay cả trong loạn lạc, lửa đạn. Người Hà Nội không dễ khuất phục, đầu hàng. Người Hà Nội không bỏ chiến tuyến. Họ thà hi sinh chứ không chịu làm dân nô lệ. Thông điệp ấy đã được gửi đi.  Tình yêu thủ đô của người Hà Nội vừa hào sảng, phóng khoáng, lại quá đỗi dịu dàng, tha thiết. Một Hà Nội với những ngõ phố nhỏ líu ríu với mùa đông lạnh và bài hát da diết Thiên thai, Suối mơ của nhạc sĩ Văn Cao.

Chất hào hoa và lãng mạn của người Hà Nội mà sau này nhà thơ Quang Dũng đã có nét nhấn nhá để gợi về sự lãng mạn của người Hà Nội: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…”.

Cuộc chiến đấu một mất một còn, cuộc chiến đấu đầy thử thách và gian khổ, nếu không có sự lãng mạn họ có chiến thắng quân thù?! Đi đến tận cùng của sự việc, người ta phải được thắp lên một ngọn lửa của tình yêu, của niềm tin, của hy vọng. Chính những điều đó là ngọn đuốc soi sáng con đường cách mạng mà họ đã lựa chọn. Cái khí chất hào hoa, lãng mạn rất riêng của người Hà Nội, được đạo diễn Doãn Hoàng Giang đưa vào vở kịch với những trường đoạn, mảng miếng khiến khán giả xiêu lòng.

Những người tự vệ của Hà Nội năm ấy biết biến chiến lũy ngày đêm bắn phá ác liệt thành một nơi tràn ngập hoa. Những bông hoa ngát hương thơm và rực rỡ khoe sắc làm cho lòng người dịu lại. Ở nơi tưởng chừng như ghê rợn nhất, chỉ có máu và nước mắt vậy mà người Hà Nội vẫn lãng mạn. Ý chí căm hờn và lòng quyết tâm sôi sục, với sự lãng mạn ngọt ngào tất cả pha trộn trong người Hà Nội thành một vẻ đẹp giản dị, khiêm nhường, tinh tế, hào sảng, bay bổng không dễ gì có được.

Chiến tranh luôn đi kèm với mất mát. Đã có thương vong, cái chết của cô gái trẻ ngã xuống khi trúng phải đạn của lính Pháp khi cô trên đường đến Bắc Bộ Phủ cắm lá cờ đỏ sao vàng khiến không khí như chùng xuống. Cô hy sinh, một cái chết hiên ngang, bất khuất, không chịu đầu hàng lùi bước trước quân thù. Tinh thần Hà Nội, tính cách Hà Nội là tổng hợp những gì tốt đẹp nhất trong con người Việt Nam.  Vở kịch Những người con Hà Nội khép lại khiến cho khán giả thế hệ hôm nay tự hào và không khỏi bâng khuâng xao xuyến vì chúng ta đã từng có một Hà Nội như thế

Trần Mỹ Hiền
.
.