“Có một mùa xuân trong mắt em…”

Thứ Năm, 24/01/2013, 16:05
Khi ông còn mạnh khỏe, hai ông bà vẫn đi trên hai chiếc xe đạp từ một con đường nhỏ, nhộn nhịp ở dốc Bưởi về phố Hàng Bông để thăm nhà bà. Ông đi trước, bà đi sau… họ cùng cười những nụ cười như hoa tỏa nắng.

Khi ông còn khỏe mạnh, ông hay mang kỉ vật của người bị bệnh phong ra ngắm nghía và giảng giải cho vợ nghe. Vợ nhìn rồi ngây ngô thốt lên: “Ôi khiếp, họ giỏi anh nhỉ”... Có một sự hứng khởi trong mắt ông và có một mùa yêu lạ lẫm trong mắt bà.

Bây giờ, ông nằm đó vì bệnh của tuổi già, bà chăm ông từng li từng tí bằng một đôi mắt ấm áp như có một mùa xuân. Thời “oanh” thì qua nhanh quá, mà thời “liệt” thì đã lâu. Qua những lời kể với tất cả yêu thương gan ruột của bà, thời lẫm liệt oai phong của ông hiện lên rất sống động.

Ông là bác sĩ Trần Hữu Ngoạn được gọi là “huyền thoại sống về một căn bệnh đã chết” - bệnh phong, từng làm Giám đốc Viện Phong da liễu Quy Hòa. Còn bà là cô giáo tiểu học Phạm Thị Yến tươi trẻ và mơ mộng.

Trong mắt cô nữ sinh Trưng Vương…

Trong mắt cô gái Hà Nội, nữ sinh Trường Trưng Vương - Phạm Thị Yến thì chân dung thời trẻ của ông Trần Hữu Ngoạn hiện ra không giống ai: “Đó là người đàn ông giàu chất nghệ sĩ trong người. Ông nhảy đầm, khiêu vũ rất đẹp, thổi acmonica rất hay, kéo violin tuyệt nghệ… Và đó cũng là một người đàn ông rất đa mang, đa cảm”.

Vợ chồng bác sĩ Trần Hữu Ngoạn.

Thời còn yêu nhau, bà Yến còn nhớ: Sau những buổi thực hành tại bệnh viện, ông bà thường đi chơi với nhau. Khi chở bạn gái đi trên đường mà ông Ngoạn vẫn không ngừng nói về những ông già, bà già đến bệnh viện khám bệnh. Họ bệnh tật già nua thế nào, bàn chân họ đau thế nào, đôi mắt họ đau thế nào… Và đến khi ngồi ở một địa điểm cụ thể, khi ngồi đối diện người yêu thì ông ấy vẫn không thôi kể những chuyện ấy. Ông ấy ngước lên, mắt chong chong bởi những hình ảnh khốn khổ bám đuổi, khắc sâu vào tâm hồn … Và trong đôi mắt ấy lúc nào cũng chực trào khóc”.

Đó là người đàn ông mua cho người yêu những cuốn sách như Những người khốn khổ, Sông Đông êm đềm để người yêu đọc. Khi đọc sách hay, ông nhớ hết những chi tiết cảm động rồi trong buổi hẹn hò kể lại với bạn gái bằng những tình cảm rất sâu sắc của mình. Tất cả những yêu thương ấy không phải lúc nào cũng phù hợp, lời ông ấy kể cứ trào ra, bất tận… Với nhiều cảm xúc đan xen.

Đó là người đàn ông thấy bố của bạn mình ốm, đã lo toan như bố của mình. Ông đi nhờ những thầy thuốc giỏi để chữa cho bố bạn, giúp bố bạn thoát tình cảnh ngặt nghèo… Đến tận bây giờ nhớ lại những dung dị yêu thương của ông, bà Yến vẫn bảo: Đó là cái may của cả cuộc đời bà, bà được gặp một người yêu thương mình, yêu thương người thân mình và yêu thương cả những con người khác. Ông ấy có những cái “không bình thường” nhưng đó là cái “không bình thường tốt”.

Cái phần “yêu thương quá đỗi” bất bình thường thực ra chỉ là phần sâu thẳm trong mỗi con người. Có nhiều người giấu đi. Có nhiều người biến chuyển. Có nhiều người nén lại để trực chờ nảy ra. Hỏi về “cái lý” khiến ông nhạy cảm như vậy, nén tình yêu đó như vậy, bà Yến nói như đã hiểu đến gan ruột người đàn ông của đời mình: Năm ông ấy 13 tuổi, gia đình chạy tản cư về một vùng nông thôn, ông từng chứng kiến cảnh một người mẹ bị chính con mình đuổi đi vì mắc bệnh phong, người bệnh phong bị thả trôi sông… sự kì thị quái quỷ của con người với bệnh phong ám ảnh ông từ ấy.

Lớn lên, học giỏi, ông thi đỗ Trường Y. Học rồi đi thực tập. Khi thực tập ở bệnh viện, gặp những y bác sĩ đã bịt găng tay, đã đeo khẩu trang mà còn rất kinh hãi với bệnh phong… Những thực tế ấy xoáy vào trái tim đa cảm của ông: “Người bệnh phong có tội tình gì mà cả đời phải chịu hắt hủi? Suốt đời mang tên thằng hủi, chết rồi vẫn mang tiếng mả hủi?”. Điều đó khiến ông kiên quyết đến với những bệnh nhân phong, bất chấp kì thị và hoàn cảnh.

Khóc vì chồng làm nhiều điều ngược

Đến bây giờ bà Phạm Thị Yến vẫn nhớ giây phút chia tay chồng sau ngày cưới còn nhiều bịn rịn: “Sau khi tốt nghiệp Trường Y, ông ấy xung phong vào làm việc ở trại phong Quỳnh Lập. Ông ấy chọn một nơi nghèo khó, ít tiền và hẻo lánh. Khi ấy, làm ở trại Phong có khác gì đi tù đâu… Điều mà người đời hãi hùng và kinh khiếp với bệnh phong khi ấy lớn lắm!”. Mỗi khi nghỉ hè, nhớ chồng, bà Yến đi xe từ Hà Nội đến thị trấn Cầu Giát (Nghệ An) rồi phải bế con đi bộ vào thăm chồng.

Gian khó được bà hồi tưởng: “Hồi ấy cậu con cả của tôi mới sinh, tôi ôm con theo để vợ được gặp chồng, con được thăm bố. Tôi đã lấy cái nón che kín cho con. Thế mà do sơ ý thế nào, một chân của con vẫn bị hở ra phía ngoài. Nắng miền trung ác ôn làm chân con sém màu. Ngày hôm sau, ôm con xót con, nhìn chồng xót chồng, tôi khóc… Nhiều khi, người đi thì chẳng nghĩ nhiều nhưng người ở lại thì lại đau đáu”, bà Yến nhớ lại.

Với bà Yến, thì chồng bà là một người liều lĩnh. Hết cái liều này đến cái liều khác. Liều đến mức phát sợ, phát khóc… Đầu tiên ông dùng người bệnh phong chữa cho người bệnh phong. Cái ý nghĩ về “đồng đẳng” ấy từ ngày xửa ngày xưa là cực kì táo bạo. Ông tuyển nhiều bộ đội, người nghỉ hưu bị bệnh phong, người có học, biết chữ từng bị phong để chăm sóc cho người bệnh phong.

Bà Yến có một dòng liên tưởng mạch lạc và rõ ràng về chồng mình. Bà bảo ông là người có rất nhiều trăn trở. Có lần ông tâm sự với vợ: “Anh phải tìm cách làm lãnh đạo để thay đổi cuộc sống của người phong”. Ông mưu chức quyền nhưng là mưu vì con người. Ngày ấy, thông thường nhân viên được đưa đến bệnh viện bằng ô tô, sau khi tiêm và phát thuốc xong thì mỗi người phân tán một nơi để làm việc riêng...

Chính vì vậy giữa nhân viên và bệnh nhân có sự khinh thường, xa cách và sợ hãi. Sau này được lên làm giám đốc bệnh viện, ông đã táo bạo chuyển khu nhân viên vào khu bệnh nhân để sinh hoạt cùng nhau tạo ra sự thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ giữa hai bên. Chính vì thế có nhiều kẻ nói ông điên rồ, dọa giết ông và viết khẩu hiệu chống đối ông trên vách núi.

Người bị bệnh phong rất khổ, đã thế lại bị kì thị. Có lần ông ấy đến thăm trại phong Phú Khánh. Ở đó, ông chứng kiến cảnh nhiều y sỹ bác sĩ ngại tiếp xúc với bệnh nhân phong vì sợ lây bệnh. “Chính ông ấy, trước mặt mọi người đã làm một thử nghiệm để các y sỹ, bác sĩ ở đó hiểu hơn là bệnh phong khó lây, bệnh phong có thể chữa khỏi”, bà Yến đỏ mặt khi nhớ lại hành động của chồng. Ông Ngoạn lấy 200 mg u phong ở dái tai của bệnh nhân mắc bệnh phong ác tính và đem nghiền nát. Sau đó trộn thêm với nước muối sinh lý tạo thành một dung dịch chứa khoảng 1 tỷ trực khuẩn phong. Sau đó ông đưa vào cơ thể ông bằng 3 đường: uống, nhỏ mũi và tiêm. Cái thử nghiệm choáng váng ấy, làm lay động nhiều người trực tiếp chữa bệnh cho người bệnh phong và là ví dụ để hàng trăm bác sĩ, sau đó ngẫm nghĩ, kể lại… gây tác động lớn trong toàn xã hội”. Thế nhưng là vợ, xót chồng liều lĩnh, bà Yến chỉ biết khóc thương.

Cả đời ông đi từ trại phong này đến trại phong khác vì bệnh nhân phong. Nhưng khi được đề cử một giải thưởng quốc tế liên quan đến bệnh nhân phong thì ông đã từ chối… Sự từ chối ấy là trăn trở của riêng ông và bà hiểu, nó ghim vào trí nhớ của cả hai người. Đến những năm về già, khi đã nghỉ hưu, ông vẫn sống cho người phong.

Bà nhớ lại: “Ông vẫn đi khắp nơi vận động người phong đừng sống chui lủi mà hãy về trại phong, ông lo cho họ mọi thứ”. Lòng yêu thương con người của ông bà cũng được truyền cho các con. Sau này, các con ông bà cũng là bác sĩ. Cái yêu thương và lẽ sống cho những con người đặc biệt duy trì hết thế hệ này đến thế hệ khác trong gia đình ông.

“Chỉ hai chúng mình thôi nhé…”

Sau bao năm ông đi xa, ông lại trở về bên bà. Bà đứng đó mỉm cười, chờ đợi và yêu thương. Dẫu ngày ông về, mọi mất mát vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ. Năm nay bác sĩ Trần Hữu Ngoạn 80 tuổi, bà Phạm Thị Yến cũng đã 72. Ông bà lấy nhau và sống với nhau được hơn 51 năm. Đến tận bây giờ, bà Yến vẫn giữ được nét vui vẻ, tươi nhuận ngày xưa.

Bà bảo: 27 năm ông bà đi xa. 27 năm tuổi trẻ qua rồi thì chẳng còn cái gì. Nhớ nhau là buồn, xa nhau là buồn nhưng vẫn thương nhau. Người ta bảo hạnh phúc là chờ đợi vì được nhớ nhau và để mong đợi cái ngày gần nhau. Hạnh phúc riêng của ông bà gồm cả niềm vui và nỗi buồn xen kẽ. Và dẫu vậy thì cả cuộc đời đã sống, ông bà không có gì phải ân hận, chỉ tiếc là giá mà mình còn trẻ mãi để làm việc và cống hiến…

Những điều chầm chậm, vui vui, buồn buồn trong gia đình bác sĩ Trần Hữu Ngoạn ngày hôm nay vẫn thế. Lúc ông khỏe, ông từng kể chuyện cho bà nghe về người bệnh phong, vua phong, sách viết về phong, kỉ vật người phong… Khi ông ốm nặng, ông không thể nói nhiều thì đến lượt bà, bà lại nói cho ông nghe. Có 2 người bạn già chăm nhau trong một căn nhà cũ…Thi thoảng vào những buổi chiều, sau giờ làm việc, những người con của ông bà là các bác sĩ ồ ạt về thăm bố mẹ.

Bây giờ, ông nằm trong gian nhà cũ, cả thân hình nặng nề bệt xuống. Bà bảo, hằng ngày chăm lo đủ thứ từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân. Với những việc quá nặng bà mới cần giúp đỡ. Khi cần giúp đỡ, bà chạy ra ngoài nhờ những cô bán hàng hoa quả ngoài cửa phụ giúp. Bây giờ, ông không còn sức để yêu thương được những số phận khác thì ông lại được bà yêu thương. Bà viết: “Anh yêu ơi, chúng ta chẳng rời xa/ Để đến hôm nay 51 năm chồng vợ/ Tình đôi ta vẫn mãi không già

Tĩnh Phan
.
.