Có một Phương Thanh…

Thứ Ba, 14/04/2009, 15:00
Trong một chuyến đi xa Hà Nội, khi ghé vào một quán nước bên đường, tình cờ tôi nhìn thấy một dòng tít chữ to trên tờ Báo CAND để trên bàn "Phương Thanh không kịp đón ngày lễ tình yêu...". Tôi nghĩ Phương Thanh lại có một chuyến đi làm phim xa, không được ở nhà với cô con gái yêu Phương Nhung vừa qua tuổi trăng tròn trong dịp lễ Valentine.

Có điều kỳ lạ là khi ý nghĩ của tôi chưa dứt thì toàn thân run lên như có một dòng điện xuyên suốt, linh cảm báo cho tôi biết có thể điều gì đó rất xấu đang xảy ra. Như không còn tin vào cặp mắt của mình, tôi vội chộp lấy tờ báo đọc lại... thì đó là sự thật! Trong khoảnh khắc tôi thấy bị choáng váng, hụt hẫng, tê dại, xót thương một tài năng đã vội vã ra đi, một hồng nhan bạc mệnh!

1 - Người diễn viên ấy là nhân vật Kiều Trinh trong bộ phim truyện màu đầu tiên của tôi - "Bãi biển đời người", có một số phận thật phức tạp. Kiều Trinh đang sống hạnh phúc với một người chồng và đứa con gái nhỏ Kiều Vân thì một bi kịch ập tới. Bác sĩ Hợp đã ám hại người cháu ruột của mình là bác sĩ Quế, cũng là chồng của Kiều Trinh để cướp đi một phát minh về y học.

Điều bi thảm hơn, cũng chính người cậu ấy đã dùng mọi thủ đoạn xấu xa để chiếm đoạt cả thân xác người cháu dâu ngay trong đêm tang lễ của chồng. Chuyện ấy đã xảy ra trong một thành phố ven biển ở miền Nam trong thời Mỹ tạm chiếm. Thành phố được giải phóng. Bác sỹ Hợp có âm mưu vượt biên và bị bắt. Cuộc đời của Kiều Trinh như một con chim được xổ lồng.

Chị được vào làm việc trong một cơ quan dầu khí của chính quyền cách mạng. Ở đó Kiều Trinh gặp kỹ sư Khanh và họ yêu nhau, Tình yêu giữa Kiều Trinh và Khanh đầy trắc trở. Chị đã nghĩ đến cái chết. Chị còn lại trong cuộc đời chính là sự níu giữ của Kiều Vân, đứa con gái bé bỏng yêu thương chị. Nhưng rồi sự nghiệt ngã vẫn không buông tha số phận của người đàn bà ấy sau khi người cậu - một tù nhân trốn thoát khỏi trại giam.

Một cuộc đời phức tạp như vậy, số phận nhân vật lại trôi dạt giữa những cuộc tình, giữa dòng đời chảy qua hai chế độ, đòi hỏi một tài năng, một vốn sống từng trải, sự thích ứng về tâm lý xã hội khác nhau trong sự đổi màu của lịch sử. Để tìm một diễn viên kham nổi nhân vật Kiều Trinh ngày ấy thật khó khăn.

Điện ảnh Việt Nam đã có những nghệ sĩ đạt tới đỉnh tài năng về diễn xuất nhưng thời gian, hương sắc không dừng lại với họ. Nghĩ về "típ" nhân vật, tôi đã hướng sự chọn lựa về các đô thị phía Nam. Ở đó, khi làm bộ phim truyện đầu tiên sau ngày giải phóng tôi đã được sự cộng tác nhiệt tình của các nghệ sĩ thành phố, và chính họ đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của bộ phim "Mối tình đầu".

Nhưng cũng chỉ phát hiện một gương mặt hợp với một nhân vật nam. Tôi đã mời anh Trần Quang - một nghệ sĩ có gương mặt điển trai lịch lãm và rất Sài Gòn vào vai Thao - người đại diện cho điện ảnh thành phố, thực chất là người dẫn chuyện của bộ phim. Còn vai chính nữ thì... mò kim đáy biển! Cái khó thứ nhất của người đạo diễn là phải tìm cho mình một kịch bản hay.

Còn cái khó thứ hai là chọn được người diễn viên cho nhân vật trong tác phẩm mà mình gửi cả tình yêu và cuộc đời nghệ thuật vào đó. Nhân vật Kiều Trinh cần cả tài năng và sắc đẹp. Nhưng điều cần hơn cả là khả năng thể hiện một thế giới nội tâm phức tạp và sâu sắc. Trong quá trình "đãi cát tìm vàng", đặc biệt trong số những gương mặt tài năng của lớp diễn viên thuộc thế hệ thứ hai của Hà Nội, Phương Thanh hiện lên trong tôi một cách đột xuất.

Khả năng của Phương Thanh được hội tụ hai điểm cơ bản của một tài năng diễn xuất - bản năng mang tính bẩm sinh và kiến thức nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp. Tài năng bẩm sinh là cái trời cho không phải ai muốn cũng được. Nhưng còn kiến thức nghề nghiệp thì phải được học tập, tu dưỡng.

Đấy là chưa nói tới mặt mạnh thứ ba, không kém phần quan trọng đối với một diễn viên là vẻ đẹp hình thể. Vào những năm cuối thập kỷ 70, đầu 80 của thế kỷ trước, sắc đẹp của người nghệ sĩ ấy không chỉ hấp dẫn trên màn ảnh trong các phim "Mưa rơi trên thành phố", "Tội lỗi cuối cùng", mà còn làm khuynh đảo một số bậc tài danh ở đất phương Nam với những nét quyến rũ duyên dáng, thanh lịch của một cô gái Hà thành. Cuối cùng tôi đã chọn Phương Thanh vào vai Kiều Trinh trong "Bãi biển đời người".

2 - Trong phim "Tội lỗi cuối cùng", Phương Thanh đã gây được ấn tượng về tài năng diễn xuất qua nhân vật "Hiền cá sấu" - một gái giang hồ muốn hoàn lương. Nhưng cô gái lại rơi vào một hoàn cảnh đầy khắc nghiệt, một nhà tù đang chứa chấp những phần tử cặn bã của xã hội, những tên cướp, giết người không ghê tay, những gái điếm nọc nòi, những bụi đời không cần biết đến ngày mai của Sài Gòn cũ để lại.

Cô gái mang tên Hiền ấy phải đương đầu với mọi tội ác. Để thực hiện được ước mơ "hoàn lương", cô gái buộc phải phạm vào một "tội lỗi cuối cùng" để hạ thủ kẻ cản đường là tướng cướp Lê Vân. Nếu không có Phương Thanh thì bộ phim chỉ dừng lại thể loại phim hình sự. Nhưng với tài năng xuất thần của người sáng tạo và khắc họa nhân vật, Phương Thanh đã đưa tác phẩm lên một tầng cao mới, mang tính nhân bản sâu sắc.

Cho đến nay, đặc biệt trong giới nghề nghiệp và học thuật vẫn chưa hết tranh cãi về hành động giết người của một cô gái muốn hoàn lương. Nhưng cái nghịch lý của nghệ thuật, cái phi lôgíc lại bị tài năng của người nghệ sĩ che mờ, vượt qua. Và ngoạn mục biết bao khi người nghệ sĩ mà "suốt đời" mang tên "Hiền cá sấu" ấy được đeo vòng nguyệt quế diễn viên xuất sắc trong LHP Việt Nam lần thứ V.

Nếu Phương Thanh trong "Tội lỗi cuối cùng" tính cách của nhân vật "Hiền cá sấu" được phô diễn qua hành động, trong một không gian thời gian ngắn và cố định là nhà tù, thì nhân vật Kiều Trinh trong "Bãi biển đời người" lại trải dài qua năm tháng với những bi kịch trong gia đình và những diễn biến phức tạp của xã hội sau chiến tranh, mà hành động của nhân vật là thông qua sự diễn biến tâm lý nội tâm, là sự giằng xé giữa quá khứ và hiện tại, giữa tình yêu say đắm và sự nhơ nhuốc, trần trụi và tàn nhẫn.

Thực sự đó là một nhân vật có chiều dày của một tiểu thuyết. Sau khi nghiên cứu kịch bản "Bãi biển đời người", trao đổi với đạo diễn, Phương Thanh đã nhanh chóng nhận ra sự khác biệt về tính cách nhân vật giữa "Hiền cá sấu" và "Kiều Trinh".--PageBreak--

Tuy biết trước là một độ dốc không dễ dàng vượt qua, nhưng với lòng tin vào tài năng của mình, được khám phá những vùng đất lạ, Phương Thanh rất hào hứng nhập cuộc. Tính cách của Phương Thanh là vậy, sẵn sàng thoát ra khỏi những vòng hào quang của quá khứ, của "Hiền cá sấu", để thử thách mình trong một tính cách nhân vật khác lạ hoàn toàn.

Có thể nói, đó là một tính cách của một tài năng, một bản lĩnh của một nghệ sĩ, sẵn sàng đặt lên trên đôi vai mình những gánh nặng nghệ thuật, những duyên nợ về nghề nghiệp, để có dịp khám phá mình, thử sức mình, và vượt qua.

Những diễn xuất nổi bật của Phương Thanh qua vai Kiều Trinh trong "Bãi biển đời người" phải kể tới cuộc tình ma quái và bệnh hoạn với bác sĩ Hợp, một "cạm bẫy tình" do chính người cậu chồng bày đặt để chiếm đoạt cả linh hồn và thân xác đứa cháu dâu mình.

Nỗi kinh hoàng ấy bắt đầu từ buổi Kiều Trinh đi làm về nhà. Duyên dáng thướt tha trong bộ quần áo dài bó sát lấy thân hình thon thả, Kiều Trinh như con chim sơn ca nhảy nhót trên cái cầu thang lộ thiên râm mát của nhà mình rón rén đi về phía phòng làm việc của chồng, miệng khẽ hát "bước chân em về nào anh có hay"...

Chỉ với một vài cử chỉ, dáng điệu mà Phương Thanh đã làm cho người xem thấy tình yêu như có cánh, thấy được hạnh phúc của người đàn bà ấy là những giây phút gặp lại người chồng yêu thương của mình. Nhưng khi đôi cánh cửa phòng được mở ra, khi nhìn rõ người chồng yêu quý của mình chết gục trên bàn làm việc, thì trên khuôn mặt người vợ ấy là nỗi kinh hoàng.

Chỉ bằng một cận cảnh, Phương Thanh đã làm cho người xem cảm nhận được nỗi đau đớn tận cùng của người vợ, và sự kinh hoàng về hạnh phúc gia đình bị tan vỡ! Chuyển "gam" từ trữ tình sang bi kịch trong khoảnh khắc là một thử thách trong diễn xuất của diễn viên. Nó đòi hỏi cả hai mặt tài năng bẩm sinh và kỹ xảo thể hiện mang tính chuyên nghiệp, nếu không sẽ dẫn đến sự giả tạo, ngoại hình hoặc cường điệu.

Thành thật mà nói, người làm cho tài năng của Phương Thanh có dịp phát triển và sáng tạo trong vài Kiều Trinh là Lâm Tới trong vai bác sĩ Hợp, cũng là cậu chồng mình, một cuộc tình có màu sắc loạn luân. Họ là một cặp bài trùng mà sự khác biệt về tính cách nhân vật như đen và trắng, là sự tương phản giữa những âm mưu đen tối và sự hồn nhiên trong sáng.

Những xung đột của cặp bài trùng ấy đã đẩy tới những tình huống xung đột cao trào nghiệt ngã, đối với thân phận một con người trên cái bãi biển quê hương của nhân vật, mà ở đây là số phận của Kiều Trinh trong "Bãi biển đời người".

Lâu nay trên màn ảnh phim truyện Việt Nam, người xem thấy nghệ sĩ Lâm Tới rất thích hợp với các vai phản diện trong phim "Nổi gió", "Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm"... hay vai người nông dân trong "Vùng gió xoáy", "Cánh đồng hoang"... Nhưng chưa hề thấy anh đóng một nhân vật trí thức bao giờ. Có thể nói, qua vai bác sĩ Hợp trong phim "Bãi biển đời người", anh đã làm cho người xem ngạc nhiên về sự "lột xác" trong sáng tạo một tính cách nhân vật không thuộc sở trường của mình.

Bác sĩ Hợp đã giết bác sĩ Quế là cháu ruột của mình, và đã bầy ra một "cạm bẫy tình" để chiếm đoạt luôn cả người cháu dâu của mình là Kiều Trinh. Khi người cậu ruột của chồng xuất hiện trong đêm tang lễ cũng là những khoảnh khắc đau đớn nhất của người vợ đã làm cho Kiều Trinh bớt đi sự trống vắng, cô đơn.

Người cậu ân cần an ủi, dặn dò những việc cần làm sau cái chết đột ngột của cháu mình, nhẹ nhàng vuốt ve đôi bàn tay lạnh giá của đứa cháu dâu, mà khi khoác lên người bộ đồ màu đen tang lễ thì sắc đẹp lại càng cuốn hút và nồng cháy. Có thể nói, trong chốc lát người xem đã quên đi một Lâm Tới ác ôn, thô bạo, mà chỉ thấy trên màn ảnh một bác sĩ với một nỗi buồn nén chịu và những cử chỉ văn hóa sang trọng của một trí thức.

Trong sự ngộ nhận về lòng tốt của người cậu chồng, Kiều Trinh như một con cừu non bị trọng thương đang được người dẫn dắt bồng bế cưu mang. Nhưng thực ra con cừu non ấy đang lọt vào ổ cạm bẫy của kẻ đi săn. Cái ác và cái thiện được tương phản giữa cách diễn tinh xảo ma quái của Lâm Tới, và sự hồn nhiên trong sáng trong cách thể hiện nhân vật của Phương Thanh đã làm cho người thưởng thức thấy hết được tài năng của một cặp bài trùng hiếm có trên màn bạc Việt Nam.

Sau đêm Kiều Trinh bị người cậu chồng chiếm đoạt thân xác là những ngày dài tăm tối sống trong tội lỗi "người chồng" là cậu mình. Nhưng rồi như cái kim để trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Kiều Trinh mơ hồ cảm thấy bóng dáng kẻ giết chồng mình, và "người chồng" đang chung sống với mình là một.

Trong ký ức Kiều Trinh dần hiện lên hình ảnh người cậu chồng mặc chiếc áo sơ mi hoa trong đêm cưỡng hiếp giống với chiếc áo mà bác sĩ Hợp vội vã phóng xe máy từ trong nhà ra hôm chồng Kiều Trinh bị ám hại. Trong đêm thành phố được cách mạng giải phóng, Kiều Trinh đã cầu cứu các anh bộ đội giải thoát.

Bác sĩ Hợp thấy thời thế đã thay đổi, bộ mặt gian trá của hắn có thể bị chính người cháu dâu tố cáo. Để bịt đầu mối, người bác sĩ đó đã thực hiện một tội ác mới, hiểm độc và vô nhân tính, biến đứa cháu dâu, cũng là người "vợ hờ" của mình thành một bệnh nhân tâm thần mất trí nhớ, và đưa vào một bệnh viện tâm thần mà thực chất là giam hãm và biệt lập với cuộc sống bên ngoài.

Từ một người vợ trẻ xinh đẹp, duyên dáng, đến một người đàn bà bị chiếm đoạt thân xác sống trong tội lỗi, rồi người đàn bà ấy bị ma đưa lối, quỷ dẫn đường thành nạn nhân của một âm mưu hiểm độc, biến thành người bệnh tâm thần, sống mà như chết, là những trường đoạn trong kịch bản vô cùng phức tạp đầy thử thách đối với bất kỳ một nghệ sĩ nào.

Với một tài năng thực sự, Phương Thanh là một nghệ sĩ biết gánh trên đôi vai mình những gánh nặng tâm trạng và những diễn biến nội tâm phức tạp của nhân vật, biết phát hiện, tìm hiểu đời sống bên trong nhân vật để thể hiện ra bên ngoài bằng hành động cụ thể làm cho người xem có thể hiểu được để khắc họa tính cách nhân vật...

Đạo diễn, NSND Hải Ninh
.
.