Cô gái Nga trở thành nguồn cảm hứng của hai thiên tài

Thứ Hai, 13/02/2006, 08:14

110 năm trước, tại thành phố Kadan, nước Nga, cô bé Galia Diakonova đã cất tiếng khóc chào đời. Không ai đoán định được rằng cô bé dễ thương ấy sau này đã trở thành Nàng thơ của hai tài năng tầm cỡ thế giới - thi hào Pháp Paul Eluar và danh họa Tây Ban Nha Dali.

Gốc gác và 17 năm đầu tiên của cuộc đời Galia Dmitrievna Diakonova không hề báo trước danh phận sáng chói của cô những năm sau này. Cất tiếng khóc chào đời vào năm 1894, trong gia đình một quan lại phẩm trật bình thường tại tỉnh Kadan, miền Trung nước Nga, cô gái sớm chịu cảnh thiệt thòi vì mồ côi cha. Bà mẹ của cô tái giá với một ông trạng sư và gia đình cô chuyển về Moskva. Sau đó một tai họa đã xảy ra. Khi Galia Diakonova 17 tuổi, sau một cơn sốt,  bác sĩ chẩn đoán cô gái bị bệnh lao phổi. Những người thuộc họ nội cố gắng gom góp tiền bạc để đưa Galia sang chữa bệnh ở Thụy Điển.

Khúc ngoặt đầu tiên  

Với nhà thơ Pháp Paul Eluar, Galia làm quen tại một an dưỡng đường nơi cô điều trị bệnh. Trong lần  đầu gặp gỡ, Galia đã hiểu ngay rằng chàng trai mà cô mới quen biết là một tài năng đặc biệt. Dường như đó là món quà cô ao ước suốt đời nay thượng đế sẽ trao tặng cho riêng cô.

Một năm sau đó, khi quay trở về nước Nga Galia Diakonova như trở thành một con người khác - một thiếu nữ duyên dáng, yêu kiều khi đang yêu và được yêu. Paul Eluar viết cho người tình những bức thư nồng cháy, hệt như những bài thơ và những bài thơ đó lại hệt như những lời cầu hôn. Galia Diakonova đáp lại chàng thi sĩ cũng với những lời lẽ dịu dàng, gọi chàng là “con bồ câu bé nhỏ”, là “chú bé xinh xắn, đáng yêu” là “vị Hoàng tử của lòng em”…

Khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ Paul Eluar khát khao muốn được xông vào nơi trận mạc. Từ xứ Nga ngập tràn tuyết trắng, Galia van xin người tình đừng liều mạng. Ngoài sự ngăn cách bởi chiến tranh, đôi người yêu nhau còn gặp một trở ngại khác: cha của Paul Eluar nhất quyết chống lại cuộc hôn nhân của hai người. Và thế là lần đầu tiên trong cuộc đời mình, cô gái Nga biểu lộ cả tính cương quyết lẫn sự mềm mại. Galia Diakonova kiên nhẫn viết những lá thư gửi cho bà mẹ của chàng thi sĩ. Kết quả thật không ngờ, bởi ít lâu sau chính người đàn bà Pháp này đã lên tiếng bảo vệ tình yêu của đôi lứa.

Vào tháng 2 năm 1917, cô gái Nga đáp tàu xe sang Paris và trở thành vợ của Paul Eluar. Như một người say men rượu, chàng thi sĩ phung phí tiền bạc để sắm sửa đồ trang sức đắt tiền cho vợ, đưa nàng đi du ngoạn khắp mọi nơi hoặc dắt nàng tới các khách sạn, nhà hàng sang trọng mà giới thượng lưu thường lui tới...

Chìm ngập trong cuộc đời nhung lụa như thế, Galia Diakonova dần dà làm nảy nở và nuôi dưỡng trong con người chàng thi sĩ thứ tình cảm tương tự như tình cảm của một người con trai đối với bà mẹ của mình. Galia hầu như  không giây phút nào thiếu được thứ tình cảm vừa tôn trọng và vừa phải ve vuốt, chiều chuộng như thế. Kỳ lạ là người đàn bà này vừa hưởng thụ, lại vừa chịu đựng nếu người chồng trẻ khi có những biểu hiện không như mong đợi. Galia  hy vọng ông chồng sẽ thay đổi...

Tình yêu của hai người bắt đầu rạn vỡ khi bé gái Cecil chào đời và Paul Eluar đã thốt lên một câu khiến Galia nhìn chồng bằng ánh mắt khác: “Con cái là dấu chấm hết tất cả!”. Như được sự thỏa thuận ngầm của chồng, Galia Diakonova bước vào cuộc tình khác với Mark Erist - một họa sĩ người Đức. Nhưng mối tình tay ba này không mang lại thêm một điều gì ngoài những đau khổ. Galia không cần tới thứ tình yêu lý tưởng nữa. Nàng buông thả mình trong những cuộc tình tạm bợ, những chuyến du lịch và thú sắm sửa...

Trở thành bà Dali

Cuộc tình với thi sĩ Pháp Paul Eluar kéo dài được 12 năm cho tới khi bạn hữu giới thiệu với hai người họa sĩ Tây Ban Nha trẻ trung, lập dị - Salvador Dali. Chàng họa sĩ này nổi tiếng với đôi ria để dài, vểnh ngược lên mũi, nom ngạo ngược chẳng giống ai, nhưng tính tình lại hay thẹn thùng, nhút nhát (thậm chí không dám đi bộ cắt ngang qua đường vì sợ xe ôtô). Ngoài bộ ria ra, cách trang phục của chàng cũng kỳ quái (mang giày, tất phụ nữ…). Từng ấy điều cũng khiến dư luận đặt dấu hỏi chàng là một con bệnh tâm thần hay một người điên?

Liệu Galia Diakonova có nhận ngay ra những dấu hiệu thiên tài ở Salvador Dali ngay từ lần đầu gặp gỡ ấy không? Thật khó mà trả lời câu hỏi này. Bởi lẽ thuở đó Salvador Dali chưa nổi tiếng. Ấy thế mà với trực giác tinh nhạy của mình, Galia đã nhìn thấy trong con người họa sĩ một tư chất không bình thường. Và từ đó nàng nảy  sinh ý muốn  quyết  làm  cho tư chất ấy thăng hoa.

Thế là như tin vào định mệnh, Galia Diakonova từ bỏ nhà thơ Pháp giàu có nhưng nàng cảm thấy không còn yêu nữa, từ bỏ cuộc sống trong nhung lụa để sang xứ Tây Ban Nha, sống ở một làng quê và quyết hiến dâng phần đời còn lại của mình cho chàng họa sĩ kỳ quặc kia. Nhưng rồi sống ở đó chừng nửa năm Galia hiểu rằng nếu cứ giam mình ở chốn làng quê lâu hơn nữa, người tình của nàng không thể bộc lộ tài năng ra được. Nàng liền đưa Salvador Dali sang Paris sống tại căn nhà mà Paula Eluar đang ở cùng cô con gái Cecil. Và bộ tứ ấy cứ sống như thế với nhau nửa năm trời nữa…

Galia Diakonova trong tranh của Salvador Dali.
Vào những năm tháng này những bức tranh của Salvador Dali chưa được đánh giá cao nên hai người vẫn sống trong cảnh túng quẫn. Galia Diakonova lại một lần nữa biểu hiện nghị lực và ý chí của mình. Nàng tìm mọi cách giới thiệu tranh của chồng với  công chúng yêu nghệ thuật như mở phòng tranh; lập câu lạc bộ của những người yêu thích tranh của Salvador Dali; gặp gỡ, trò chuyện với các nhà phê bình để giành cảm tình của họ cho những tác phẩm của chồng… Dần dà nàng đã  tập hợp được quanh mình những người lắm tiền nhiều của mà sủng mộ Salvador Dali, gợi ý để họ đặt hàng thường xuyên cho họa sĩ.

Đến giữa những năm 1930 thì tất cả những gắng gỏi của nàng đã mang lại kết quả. Dalvador Dali trở thành một họa sĩ có tầm cỡ của thời đại. Trong nhiều bức tranh của ông, chính người đàn bà Nga ấy không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tạo mà còn là  nguyên  mẫu  tạo  nên  những  hình tượng nghệ thuật có giá trị như  Đức Mẹ cứu thế, nàng Elena tuyệt vời, Vẻ đẹp vĩnh cửu…Và cứ thế Galia Diakonova bước từ kiệt tác hội họa này qua kiệt tác hội họa khác của Salvador Dali…

Nhưng sự bất tử ấy chỉ thực sự tồn tại trong những bức tranh. Ngoài cuộc đời thực, giống như mọi người khác, Galia Dianokova không làm cách gì tránh được tuổi tác. Bà kiên nhẫn chống lại sự tàn phá của thời gian bằng trang điểm và phục trang, bằng thể dục và xoa bóp... Trong nhà của Salvador Dali bấy giờ lúc nào cũng đầy ắp các họa sĩ, các nhà điêu khắc, các nghệ sĩ sân khấu trẻ tuổi. Trong số các  nghệ sĩ có cô thiếu nữ xinh đẹp Amanda Lir.

Linh cảm thấy trước cái kết cục của mình, Galia Dianokova van xin Amanda Lir hãy thề trước tượng thánh sau khi bà qua đời, cô gái trẻ hãy kết hôn với Salvador Dali. Vì nể và cũng vì sợ hãi nữa, cô gái đã nhận lời.

Và cái kết cục buồn đã đến. Những năm sau này Gala Diakonova hay bị ngã, cuối cùng trong một lần như vậy, bà bị gãy xương đùi, phải vào bệnh viện. Và bà đã qua đời vào ngày 10 tháng 6 năm 1982, ở tuổi 88.

Vì người vợ mà ông hết mực thương yêu, kính trọng, Salvador Dali đã lập nên một chiến công lừng lẫy. Bất chấp đạo luật ban hành vào những năm 1940 khi ở Tây Ban Nha xảy ra nạn dịch tả cấm chuyên chở người chết trên xe ôtô nếu không được chính quyền địa phương cho phép, Salvador Dali đã ăn vận, trang điểm cho vợ thật đẹp, rồi để người vợ quá cố ngồi hàng ghế sau cùng cô y tá trên chiếc Cadillac sang trọng của mình, tự tay ông đưa bà tới nghĩa trang. Nơi đó đã có hai huyệt mộ. Chiếc đầu dành cho bà, chiếc thứ hai sẽ dành cho ông. Thi thể Galia Diakonova được tẩm hương liệu, đặt vào một chiếc quan tài kính trong suốt và đúng 6 giờ chiều, ông hôn bà lần cuối cùng..

Tùng Luật
.
.