Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: Vượt qua sợ hãi

Thứ Sáu, 13/12/2013, 15:16
Phát biểu trước báo giới ngay sau khi có tin nguyên Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ nỗi tiếc thương sâu sắc trước cái chết của người chiến sĩ huyền thoại chống lại chủ nghĩa apartheid này. Ông Mandela đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 20 giờ 50 phút (giờ GMT, tức 4 giờ 57 phút giờ Hà Nội) ngày 5/12 ở tuổi 95.

Cũng theo lời Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cuộc chiến đấu quả cảm đến quên mình của ông Mandela vì phẩm giá, sự bình đẳng và tự do đã khích lệ vô số người trên khắp thế giới.

Nelson Rolihlahla Mandela sinh ra tại làng quê hẻo lánh Mvezo, nơi cha ông là tù trưởng của một bộ lạc nhỏ. Cái tên tiếng Anh Nelson là do cô giáo Mdingane đặt cho ông khi ông được gia đình gửi tới đó để theo học năm lên 7 tuổi. Thời trẻ, Mandela đã qua không chỉ một ngôi trường và tới năm 1939, ông đã thi đậu vào Trường Đại học Tổng hợp Fort Hare, trường đại học duy nhất lúc đó ở Nam Phi mà người da đen cũng như các công dân gốc Ấn Độ hoặc người lai được quyền vào học. Cũng tại đó, Mandela đã bắt đầu tham gia vào phong trào đấu tranh của sinh viên chống lại chính sách bất công của ban lãnh đạo nhà trường. Cũng vì thế mà ông đã phải rời khỏi đây.

Năm 1941, Mandela đã bỏ tới Johannesburg vì không muốn lấy làm vợ một thiếu nữ mà gia tộc đã chọn cho ông. Tại Johannesburg, vị Tổng thống tương lai đã vào làm tại một hãng luật, đồng thời tiếp tục trau dồi học vấn và đã tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Nam Phi, có bằng cử nhân khoa học xã hội. Ông cũng đã theo học luật tại Trường Đại học Tổng hợp Witwatersrand.

Chính trong những năm tháng đó,  đặc biệt là sau chiến thắng của đảng Quốc gia chủ trương ủng hộ triệt để chế độ phân biệt chủng tộc, Mandela đã rất tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị. Năm 1943, ông đã đứng lên chống lại việc tăng giá vé đi lại trên các phương tiện công cộng. Năm 1944, ông trở thành thành viên Đại hội Dân tộc Phi (ANC) rồi tham gia vào thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên ANC và đã được bầu làm Chủ tịch tổ chức này năm 1950. Ông đã lãnh đạo rất thành công trong Chiến dịch Phản đối của ANC năm 1952 và  Đại hội Nhân dân năm 1955, thông qua Hiến chương Tự do là nền tảng cơ bản cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa apartheid...

Người gợi cảm hứng lớn nhất cho Mandela trên con đường vị nghĩa chính là nhà lãnh đạo cách mạng bất bạo động vĩ đại của Ấn Độ, Mahatma Gandhi. Mặc dầu vậy, ngày 5/12/1956, chính quyền da trắng ở Nam Phi khi đó vẫn tìm ra cớ để bắt Mandela và các đồng đội của ông, buộc cho tội phản quốc. Sau quá trình xét xử kéo dài từ năm 1956 đến 1961, tất cả các bị cáo đều được tuyên trắng án...

Trong giai đoạn từ năm 1952 đến 1959, tại Nam Phi đã xuất hiện một lực lượng các nhà hoạt động da đen mới, được gọi là những người Toàn Phi, cản trở các hoạt động của ANC ở khu vực đô thị của người da đen. Những người Toàn Phi đòi hỏi phải có các biện pháp quyết liệt hơn nhằm chống lại chế độ của Đảng Quốc gia. Trong điều kiện đó, ANC đã liên kết với các đảng phái chính trị nhỏ của những người da trắng, da màu, lẫn da đỏ nhằm tranh thủ lôi kéo rộng rãi số người ủng hộ hơn phái Toàn Phi. Có nhiều sự kiện chứng minh rằng, vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, Mandela tham gia vào hàng ngũ đảng Cộng sản Nam Phi.

Năm 1961, Mandela trở thành người đồng sáng lập và là lãnh đạo cánh vũ trang của ANC “Umkhonto we Sizwe”. Ở thời điểm đó, ông đã xem bước chuyển sang đấu tranh vũ trang là phương kế cuối cùng tiến tới lật đổ chế độ phân biệt chủng tộc. Chính quyền da trắng đã tỏ thái độ không khoan nhượng đối với ANC. Ngày 5/8/1962, do CIA tiết lộ, Mandela đã bị bắt và bị đưa vào giam giữ tại Pháo đài Johannesburg. Ngày 25/10/1962, ông bị tuyên án 5 năm tù giam. Hai năm sau, ngày 11/6/1964, ông lại phải ra tòa một lần nữa vì những hoạt động trong ANC.

Tại phiên tòa này, Mandela tuyên bố rằng ông cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh giành lại quyền bình đẳng của người da đen ở tổ quốc mình. Kết thúc bài phát biểu, ông nói: “Tôi đã đấu tranh chống lại cả ách thống trị của người da trắng cũng như của người da đen. Tôi tôn thờ ý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do mà ở đó, mọi công dân đều được sống trong hòa hợp và có cơ hội như nhau. Đó chính là lý tưởng mà vì nó tôi sống và luôn hướng tới. Nhưng nếu cần thì vì lý tưởng đó tôi sẵn sàng hy sinh...”. Tại tòa, Mandela cũng công nhận rằng ông đã tham gia tổ chức các vụ phá hủy và muốn phá hoại nền kinh tế Nam Phi để buộc chế độ apartheid sụp đổ. Ông cùng một số đồng chí của mình đã bị kết án tù chung thân...

Trong thời gian ở tù, Mandela vẫn tiếp tục đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và trở thành biểu tượng chói ngời nhất của cuộc đấu tranh này. Đã không chỉ một lần trong những năm 80 của thế kỷ trước, chính quyền da trắng dụ dỗ sẽ trả lại tự do cho Mandela nếu ông không công khai đứng ra phê phán những hành động vũ lực chống lại chế độ apartheid. Tuy nhiên, ông đã không chấp nhận...

Năm 1990, Tổng thống Nam Phi lúc đó là Frederic De Clerk đã ký sắc lệnh hợp pháp hóa ANC. Ngày 11/2/1990, Mandela đã được trả lại tự do và trong bài phát biểu trước toàn dân, đã bày tỏ sự ủng hộ quá trình hòa giải các bất đồng giữa cộng đồng người da trắng và người da đen ở Nam Phi. Mặc dầu thế ông vẫn bảo vệ “sự chính danh” của con đường đấu tranh vũ trang mà ANC đã chọn trong những năm 80 của thế kỷ XX, coi đó là phương thức tự vệ đúng đắn trước chế độ apartheid.

Năm 1991, Mandela lại chính thức đứng đầu ANC. Năm 1993, vì những thành tựu trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ phân biệt chủng tộc, Nelson Mandela và Frederic De Clerk đã được trao giải Nobel Hòa bình.

Tháng 4/1994 tại Nam Phi đã diễn ra cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên và ANC đã giành được 62% số phiếu bầu. Ngày 10/5/1994, Mandela chính thức trở thành Tổng thống Nam Phi. Còn ông De Clerk trở thành Phó tổng thống. Một chính phủ hòa giải dân tộc đã được thành lập. Mandela đã là nguyên thủ quốc gia Nam Phi cho tới năm 1999...

Trong bài phát biểu trước báo giới ngày 5/12, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã nhấn mạnh: “Nelson Mandela đã chứng minh hòa bình có thể làm được những gì và mỗi người trong chúng ta nếu biết mơ ước, không đánh mất niềm tin và chung tay góp sức hành động vì lẽ công bằng và sự nhân văn”. Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng nhớ lại cuộc gặp gỡ với Mandela năm 2009 và đã bày tỏ sự cảm ơn tới Mandela vì đã lật đổ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, không phải là dành cho ông mà là cho hàng trăm nghìn chiến sĩ nổi tiếng và không nổi tiếng khác...

- Không ai sinh ra đã mang sẵn lòng căm thù đối với người khác chỉ vì màu da, thành phần xuất thân hay tôn giáo. Người ta bị nhiễm lòng căm thù và nếu họ đã bị nhiễm lòng căm thù thì cần phải dạy cho họ biết yêu vì tình yêu gần gũi với trái tim con người hơn.
- Không bao giờ ngã cũng chẳng hay ho gì. Quan trọng là phải biết đứng lên sau khi ngã.
- Tôi đã thấm nhuần sâu sắc rằng, lòng dũng cảm, đó không phải là vì không sợ hãi. Người dũng cảm không phải là người không sợ hãi mà là người biết chiến thắng nỗi sợ hãi.
- Tôi không thể quên, nhưng tôi có thể tha thứ.
- Nhiều việc ta ngỡ như bất khả thi cho tới khi ta bắt tay vào thực hiện chúng.
- Những phức tạp và tai họa làm đổ vỡ người này nhưng lại tạo thêm sức mạnh cho người khác.
- Không có gì hay hơn là trở về nơi không có gì đổi thay để hiểu ra rằng ta đã thay đổi như thế nào.
- Nỗi sợ hãi sâu sắc nhất của chúng ta không phải ở chỗ ta còn yếu.
Nỗi sợ hãi sâu sắc nhất của chúng ta lại ở chính chỗ chúng ta đang mạnh.

Phạm Huy Dũng
.
.