Cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Yuri Andropov: An ninh phải nhân văn

Thứ Tư, 22/01/2014, 10:00

Trong lịch sử Nhà nước Xôviết nửa cuối thế kỷ XX, Yuri Andropov là một trong những nhân vật đã để lại những dấu ấn quan trọng bậc nhất, không chỉ vì lúc cuối đời ông đã là người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô mà còn vì những bài học ông từng để lại cho công tác an ninh. Andropov từng 15 năm liền lãnh đạo Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) và đã xây dựng cơ quan này thành một tổ chức hùng hậu, hiệu quả và có xu hướng trở nên ngày một nhân tình thế thái hơn.

Chính trị gia lỗi lạc

Đại tướng Nikolai Petrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, cựu Giám đốc của Cơ quan An ninh quốc gia Nga (FSB) từng  gọi Andropov là “một nhà chính trị lỗi lạc, đa chiều và không giản đơn”. Phải, Andropov không phải là một cán bộ tác chiến an ninh thuần tuý - năm 1967, ông được Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô cử tới công tác ở KGB. Ông là một nhà chính trị và chính trị là lĩnh vực mà ông say mê, thông thạo, là tất cả ý nghĩa cuộc đời ông. Với tư duy của một chính trị gia chân chính, ông đã giúp cho hoạt động của KGB trở nên có tầm cỡ quốc gia và “nhân tình thế thái” hơn.

Thực ra, làm Chủ tịch KGB không phải là một vị trí “ngon lành”. Đây là một công việc đòi hỏi những năng lực nổi trội, một cường độ làm việc cao và những phẩm chất con người đặc biệt. Phần lớn những vị tiền nhiệm của Andropov khi rời khỏi vị trí của mình đều mang theo không ít tâm tư. Thời đó, Chủ tịch KGB chưa có chỗ trong Bộ Chính trị. Chỉ với Y. Andropov, KGB mới dần dà chiếm được vị trí xứng đáng với nó trên bàn cờ chính trị Xôviết.

Khi mới về KGB, Andropov mới chỉ được biết tới như một cán bộ trung thực, và không nằm trong vòng ảnh hưởng riêng biệt của một nhà lãnh đạo nào đang ở vị trí cao hơn. Ông giữ khoảng cách đều đặn ở xa họ và chỉ giao tiếp trên cơ sở công tác chung. Chính điều này lại khiến ông được các nhà lãnh đạo rất khác nhau tin cậy.

KGB dưới thời Andropov đã không chỉ quan tâm tới công tác phản gián mà còn điều tra cả những vụ tham ô, hay ăn trộm tài sản xã hội chủ nghĩa... Không có gì thuộc về nhân dân mà xa lạ với KGB - đó có lẽ là phương châm hành động của Chủ tịch KGB Andropov. Cho tới những năm 80 của thế kỷ trước, hầu như không có công chuyện gì quan trọng trong đời sống chính trị xã hội Xôviết lại được giải quyết mà không có vai trò nào đó của KGB.

Quân pháp vô thân

Tới KGB, Andropov không đưa bất kỳ ai thuộc lớp “bạn bè” ngoại đạo của mình vào các vị trí chủ chốt. Ông không đụng tới đội ngũ chuyên môn và để họ tiếp tục làm công việc của mình. Cách hành xử như thế khiến cho cấp dưới tin cậy sự công tâm của ông hơn. Họ càng tin cậy ông hơn nữa khi được chứng kiến cách xử lý thông tin, đưa ra quyết định và cách đối xử với con người của ông.

Andropov rất nghiêm khắc đòi hỏi cấp dưới thực thi nhiệm vụ một cách tận tâm. Bản thân ông làm việc cũng không có ngày nghỉ. Cấp dưới của ông dần dà quen với việc bị gọi lên báo cáo công việc vào ngày thứ bảy hay chủ nhật, bởi lẽ, trong ngày thường, lắm khi ông phải giải quyết những việc xã hội ở ngoài KGB.

Đòi hỏi cao ở cấp dưới  nhưng ông cũng rất hiểu cấp dưới. Một cán bộ KGB nhớ lại bài học đầu tiên mà Andropov đã dạy ông về tính kỷ luật. Một ngày chủ nhật sau khi về KGB không lâu, Andropov triệu tập các vị chỉ huy các tiểu ban tới họp. Không phải ai cũng tới được vì lý do đơn giản: Họ đang nghỉ ở trại  ngoại ô mà tại đó, họ không có điện thoại liên lạc. Thế là ngay ngày hôm sau, họ nhận được kèm theo lời khiển trách vì vắng mặt là cả máy điện thoại công vụ lẫn dân sự ở nhà và ở trại nghỉ. Và trên xe công vụ của họ rồi cũng được lắp máy điện thoại... Biết đòi hỏi ở cấp dưới nhưng cũng cần lo cho cấp dưới phương tiện để hoàn thành nhiệm vụ, đó là cách làm điển hình của Andropov.

Andropov không bao giờ xổ toẹt những ý kiến khác mình, ngay cả khi ông đưa ra những quyết định không giống ai cả. Nhưng nếu người đối thoại đúng, thì ông lập tức công nhận sai lầm của mình ngay. Đấy chính là cách mà Andropov thu phục được lòng tin của các cán bộ KGB kỳ cựu. Trong đánh giá cán bộ, ông trông vào công việc chứ không nghe theo những lời xúc xiểm. Mọi quyết định được ông đưa ra một cách chậm rãi, nghiêm túc chứ không vội vã. Đôi khi cấp dưới thấy có vẻ như ông phản ứng chậm trễ nhưng khi mọi việc đã xảy ra, họ mới hiểu rằng, Andropov xử lý vấn đề như thế mới là đúng đắn và chín chắn, khác đi sẽ dở!

Đặc biệt, Andropov còn là người hay đưa ra những ý tưởng mới để tất cả cùng hình dung ra triển vọng của KGB. Lắm khi những ý tưởng mà ông đưa ra thể hiện được tầm nhìn xa trông rộng của một nhà chính trị không bị bó buộc bởi  những thói quen chuyên môn thuần túy. Nghe cấp dưới báo cáo, ông bao giờ cũng quan tâm tới những giải pháp cho các vấn đề được nêu ra. Với ông, chỉ phát hiện ra vấn đề thôi thì chưa đủ, cần phải tìm được cách giải quyết chúng. Biết nhiều thông tin mà làm gì nếu không biết sử dụng những thông tin ấy để gỡ rối!

An ninh “vị” nghệ thuật

Có thể Andropov khi mới về KGB chưa hình dung hết vai trò của công tác tuyên truyền về ngành an ninh nhưng ông đã bắt đầu công việc của một Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia bằng một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ về các chiến sĩ trên mặt trận âm thầm và đầy bí ẩn này. Theo ông, làm việc tốt rồi chưa đủ, còn cần để mọi người hiểu công việc được thực hiện tốt của ta nữa. Andropov thực sự thích thú nghệ thuật và biết cách chơi với văn nghệ sĩ. Nhà văn Yulian Semeniov chẳng hạn, là một tác giả chuyên viết sách trinh thám giỏi nên có quan hệ trực tiếp với Chủ tịch KGB. Chính Andropov đã cho lập Trung tâm Báo chí của KGB và lập ra giải thưởng văn học nghệ thuật về chủ đề an ninh quốc gia. Đích thân Andropov đã gặp huấn luyện viên đội hockey quốc gia Viktor Tikhonov và gặp cả nhà thơ Evgeni Yevtushenko trò chuyện  về mọi thứ trên đời... Theo Andropov, công việc của các cán bộ an ninh phải trở nên gần gụi dễ hiểu với nhân dân. Không ngẫu nhiên mà ông để cho các cán bộ KGB thường xuyên đi tiếp xúc với mọi tầng lớp nhân dân, diễn giải quan điểm của mình và tìm hiểu quan điểm của họ...

Yêu người, người không phụ, các văn nghệ sĩ lỗi lạc ở Liên Xô cũ đã lao động hết mình cho một hình ảnh KGB hợp lòng dân. Trong một thập kỷ liền, hàng loạt những bộ phim hay như Mùa chết, Sai lầm của điệp viên, Thiếu tá Bão lốc, Thanh kiếm và lá chắn,  và đặc biệt là 17 khoảnh khắc của mùa xuân... đã khắc sâu trong lòng người dân một hình ảnh mã thượng, có tâm, có tình, có trí của người chiến sĩ an ninh Xôviết (Đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kể lại rằng, khi còn là cậu bé đang ngồi trên ghế nhà trường, ông đã mơ ước gia nhập KGB sau khi xem bộ phim Thanh kiếm và lá chắn)...

Nỗi đau dang dở

Andropov đã rất hiểu rằng, dưới ảnh hưởng của bộ máy tuyên truyền thù địch, do những vấn đề nội bộ chưa được giải quyết triệt để, những bất ổn khách quan và chủ quan, căn bệnh quan liêu tương đối phổ biến ở các cấp chính quyền, những tệ nạn không dễ gì xóa bỏ tận gốc ngày một ngày hai... có thể sẽ nảy sinh trong một số bộ phận, một số tầng lớp  dân cư những tiến trình xã hội tiêu cực. Ai đó cho rằng những hiện tượng như thế không phải là đối tượng quan tâm của KGB. Theo họ, đó là việc của những cơ quan Đảng và chính quyền các cấp. Nhìn trên phương diện hình thức thì đúng là như vậy. Nhưng Andropov vẫn thường xuyên nói với cấp dưới của mình, KGB cũng cần phải nhìn thấy trong những hiện tượng đó cả phần việc của  mình nữa.

Vấn đề là ở chỗ, như mèo thấy mỡ, những phần tử “có vấn đề” hoặc mang tâm lý phiêu lưu, nổi loạn sớm hay muộn cũng đều tới “dây máu ăn phần” trong những tiến trình tiêu cực để điều chỉnh theo hướng mà chúng mong muốn. Chính bởi vì thế nên KGB, theo lời của Andropov, cần phải quan tâm tới các tiến trình xã hội. Nhiệm vụ của các cán bộ an ninh là phải kịp thời phát hiện ra những tiến trình như thế, nghiên cứu tính chất đặc thù của chúng, tìm hiểu những nguyên nhân khiến chúng phát sinh và trình bày thông tin kịp thời lên các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước để có những biện pháp “hóa giải” chúng kịp thời. Đặc biệt, KGB cần phải có phản ứng kịp thời trước những tiến trình tiêu cực nảy sinh trên cơ sở sắc tộc, những tiến trình có xu hướng phản xã hội và phản quốc. Andropov thường nhắc đi nhắc lại, tất cả chúng ta đang ngồi trên cùng một con thuyền, không thể để nó bị lật. Chính vì thế nên không có việc gì xảy ra trong xã hội Xôviết lại xa lạ với KGB!

Những việc diễn ra sau khi  Andropov qua đời ở Liên Xô cũ đã cho thấy, quả thực ông đã đi trước thời đại quá xa. Liên bang Xôviết về sau đã tan rã chính từ những tiến trình xuất hiện trên cơ sở sắc tộc mà sinh thời, ông đã rung lên hồi chuông báo động và cố gắng ngăn chặn. Bắt đầu từ năm 1988, cuộc xung đột Nagorno Karabakh đã được khơi dậy dưới tác động của một nhóm trí thức Armenia, làm rối loạn quan hệ giữa hai nước cộng hòa anh em là Azerbaijan và Armenia. Điện Kremli với Mikhail Gorbachev làm “chủ xị” đã không đưa ra những biện pháp cần thiết để loại trừ hiện tượng tiêu cực này một cách kịp thời và mọi sự cứ thế “quá mù ra mưa”. Chính quyền Xôviết ở Azerbaijan và Armenia vì thế càng ngày càng suy yếu và tới năm 1990 gần như đã bị xoá bỏ ở đây. Những nhân vật được bầu lên làm lãnh đạo hai nước cộng hòa này là những người theo chủ nghĩa dân tộc với chủ trương tách ra khỏi thành phần Liên bang Xôviết bằng mọi giá, như dịch cúm gà, virus li khai đã lan từ đó sang Gruzia rồi nhiều nước cộng hòa khác nữa không chỉ ở phía nam mà cả ở phía tây. Bắt đầu tiến trình tan rã Liên bang Xôviết không có gì cưỡng nổi...

Xét theo hành trình đã rõ của Liên bang Xôviết trong thế kỷ XX, không thể nói là Andropov đã hoàn thành sứ mệnh của ông như ông mong muốn. Khi lên được đỉnh cao quyền lực chính trị ở Liên Xô, ông đã không có đủ thời gian để huy động những tiềm năng sáng tạo trong lòng xã hội Xôviết để thực hiện những nhiệm vụ đã đặt ra. Ông đã rất muốn cải cách mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và đã ủng hộ những chính khách có tư tưởng cải tổ. Thế nhưng, cũng những chính khách mà ông gửi gắm lòng tin ấy đã làm tan vỡ sự nghiệp mà ông suốt một đời theo đuổi. Thành công và thất bại của ông là bài học lớn cho  không chỉ riêng ai!

Nguyễn Sơn Dương
.
.