Cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev: Còn lại với thời gian

Thứ Năm, 26/12/2013, 16:12
Ngày 19/12/2013, tại ngôi nhà mà cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Ilyich Brezhnev từng ở trên đại lộ Kutuzov (Moskva) đã được gắn lại tấm biển tưởng nhớ về ông. Sự kiện này diễn ra theo sáng kiến của những người dân thủ đô Nga nhằm hướng tới kỷ niệm 107 ngày sinh của nhà lãnh đạo Xôviết (19-12-1906 - 10-11-1982).

Phát biểu tại buổi lễ, anh Andrei Brezhnev, cháu nội của Tổng Bí thư Leonid Brezhnev, đã nhấn mạnh: “Tôi xin cảm ơn các cư dân thành phố vì cuối cùng thì họ cũng đưa ra sáng kiến và đạt được kết quả mang lại về tấm biển tưởng nhớ. Đối với tôi đây là một biểu hiện của sự khôi phục lẽ công bằng lịch sử. Và điều này có ý nghĩa hơn không phải chỉ đối với tôi mà cả với con cháu tôi…”.

Tổng Bí thư Brezhnev lãnh đạo Liên Xô trong vòng 18 năm, từ năm 1964 tới lúc qua đời.  Đó là giai đoạn diễn ra sôi động và rầm rộ công việc xây dựng nhà ở, các công trình văn hóa, các công trình công nghiệp, từng được bắt đầu dưới thời lãnh đạo quốc gia của người tiền nhiệm Nikita Khruschev. Và đấy cũng là giai đoạn xuất hiện và ngày càng rõ nét hơn một số xu hướng tiêu cực trong kinh tế và xã hội, khiến có lúc người ta gọi đó là giai đoạn trì trệ trong đời sống siêu cường Xôviết. Moskva có vẻ như bị “mất máu” nặng trong cuộc đua vũ trang và kinh tế với cả thế giới tư bản. Cung cách lãnh đạo xã hội có phần lạc hậu với thực tế... Tuy nhiên, cũng chính trong giai đoạn ấy, tiềm lực quốc gia Xôviết vẫn là rất khổng lồ trên quy mô thế giới. Và những người dân Xôviết bình thường sống bình an và yên ổn, điều mà bây giờ nhiều cư dân trong không gian SNG chỉ dám coi là ước mơ vời xa…

Cuối năm 2005, trước ngày sinh lần thứ 99 của cố Tổng Bí thư Brezhnev, Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VTsIOM) đã tiến hành một cuộc thăm dò dư luận ở 153 điểm dân cư ở Nga. Kết quả rất rõ ràng, đại đa số những người được hỏi ý kiến đều tưởng nhớ nhà lãnh đạo Brezhnev với niềm xúc động và lưu luyến. Nhiều người đánh giá chính trong giai đoạn mà Brezhnev lãnh đạo, Điện Kremli đã đạt đến cực thịnh trên nhiều phương diện. Mặc dù biết quá khứ không bao giờ trở lại, nhưng hơn một phần ba số người Nga được hỏi ý kiến đã bày tỏ mong muốn được sống trong thời lãnh đạo của Brezhnev, nếu cơ hội như thế xuất hiện (để so sánh, chỉ có 1% số người được hỏi ý kiến muốn sống trong thời mà ông Boris Yeltsin làm Tổng thống!). Ước muốn được sống trong thời lãnh đạo của Brezhnev đang âm ỉ cháy trong lòng 41% số người Nga trong độ tuổi trung niên được hỏi ý kiến. Gần đây nhất, cũng trong một cuộc thăm dò dư luận rộng rãi về các nhà lãnh đạo trong Điện Kremli thế kỷ XX, số người dân Nga đánh giá cố Tổng Bí thư Brezhnev như một nhà nguyên thủ tốt nhất đã chiếm một  tỉ lệ  rất cao…

Khi công cuộc cải tổ mới bắt đầu và nhất là khi nước Nga vừa chuyển đổi sang thể chế mới, hình ảnh cố Tổng Bí thư Brezhnev thường bị gắn với sự trì trệ. Đúng là những năm cuối đời, do tuổi cao và lại ngồi quá lâu trên cương vị Tổng Bí thư, ông đã không hoàn thành tốt chức phận của mình, khiến Liên Xô bị  suy yếu.  Ông cũng từng bị những nhà “dân chủ” của nước Nga thời “hậu Xôviết” trách cứ vì tính thích hư danh khi cao tuổi: bốn lần nhận danh hiệu anh hùng, nhận danh hiệu Nguyên soái, làm sách hồi ký Đất nhỏ để nhận giải thưởng Lênin về Văn học... Thực ra, trong những việc này phần lỗi lớn hơn là ở bộ máy xung quanh ông, còn ông, lúc đó đã cao tuổi, không thể nào sáng suốt như khi còn trẻ.

Và nói cho cùng, những việc chưa hay như thế cũng không thể xoá bỏ những đóng góp to lớn của L. Brezhnev đối với đất nước khi ông còn trẻ và đã tham gia một cách dũng mãnh vào cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và nhất là trong giai đoạn khi ông mới lên giữ cương vị cao nhất. Chính L. Brezhnev đã là một trong những nhà lãnh đạo Xôviết có vai trò tối quan trọng trong việc đưa Liên Xô trở thành một siêu cường hùng mạnh và đại đa số các công dân Xôviết bình thường cảm thấy “ấm lưng” mà sống trong cơ chế xã hội chủ nghĩa thời đó. Lỗi là lỗi, còn công bao giờ cũng vẫn là công! Những người Nga có tư duy lành mạnh hiểu rằng, nếu không công bằng với quá khứ thì khó có thể công bằng với hiện tại và tương lai…

Theo lời kể của anh Andrei Brezhnev, cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô là một nhà lãnh đạo chí công, không bao giờ lẫn lộn việc nhà nước với việc nhà mình: “Ở nhà, chúng tôi không bao giờ đả động đến công việc của ông. Đó là điều cấm kỵ. Gia đình tôi sống chủ yếu ở Moskva, vì ở đó, cha tôi làm việc, còn tôi đi học. Những ngày nghỉ, chúng tôi tới trang trại mà ông nội tôi sống. Ông nội không bao giờ đưa người nhà đi theo trong các chuyến công tác nước ngoài. Nếu theo nghi thức cần phải đưa phu nhân theo thì chỉ khi đó, bà nội mới đi cùng ông. Theo trí nhớ của tôi thì chỉ có 1-2 lần cô tôi đi tháp tùng ông, nhưng cũng theo chương trình làm việc riêng của mình…”.

Trong sinh hoạt hàng ngày, cố Tổng Bí thư Brezhnev cũng là một người rất hòa đồng. Anh Andrei kể: “Ông nội đã là một người vui tính. Khi chúng tôi theo ông đi câu cá hay đi săn, ông rất hay kể chuyện tiếu lâm. Nếu không phải là công việc hay cương vị của ông thì nhìn từ bên ngoài vào, có thể nghĩ ông chỉ là một người dân thường. Ngày làm việc của ông thường diễn ra như sau: Sáng dậy, ông ăn sáng. Nói chung, ông ăn bữa sáng, bữa trưa hoặc tối cũng chỉ mất có 8 phút. Tôi không rõ ông đã hình thành từ đâu thói quen đó. Có thể từ thời chiến tranh. Sau bữa sáng, ông chuẩn bị đi làm và tới 9 giờ đã có mặt ở văn phòng. Tối trở về nhà, ông thay đồ và mặc bộ quần áo thể thao màu xanh mà người ta đã may riêng cho ông. Sau bữa tối, ông xem truyền hình, chủ yếu là chương trình thời sự. Ông rất thích xem loạt phim châm biếm Fitil. Khi ông còn chưa nhiều tuổi, ông hay đi dạo cùng bà hoặc ngồi trong vườn. Nhưng thường thì ông lên tầng hai, vào phòng làm việc, các sĩ quan tuỳ tùng mang lên theo ông cặp tài liệu. Ông làm việc tới khuya. Thế là hết một ngày. Ông hầu như không còn phút nào dành riêng cho cá nhân mình nữa. Nếu ông có thời gian rảnh dành cho việc săn sóc mình, hẳn ông trông đã khỏe hơn và đã sống được lâu hơn!..”.

Cũng theo lời anh Andrei, cố Tổng Bí thư Brezhnev “cũng không bao giờ thích được nhận nhiều huân chương. Ông đã thành thực tin rằng, những huân chương mà ông được nhận xứng đáng với những thành tích và đóng góp của ông vào sự nghiệp chung. Những huân chương đầu tiên mà ông được nhận là trong chiến tranh. Khi ấy, không ai được trao huân chương một cách tình cờ cả. Những huân chương mà các nước khác trao tặng phần nhiều chỉ mang tính hình thức, tượng trưng... Người ta kể lại với tôi rằng, năm 1978, ông nội đã định nghỉ hưu, ông đã bàn việc này với cả bà nội. Thế nhưng, người ta lại không cho. Họ bảo: “Sao đồng chí lại thế, không ai thay được đồng chí đâu. Đồng chí rất tài năng, kiệt xuất, giàu kinh nghiệm...”. Thế là ông lại không về hưu…”.

Anh Andrei nhận định: “Ông nội tôi đã là một người cộng sản đích thực cho tới ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Tôi hiện đang giữ một cuốn sách chưa in lần nào của ông tôi, cuốn sách có tên: Người cộng sản. Tôi có thể gọi đó là di chúc chính trị của ông nội tôi. Khi diễn ra đám tang ông nội tôi, tôi đã có cảm giác như đó là đám tang tiễn đưa cả một thời đại. Chính tôi đã mai táng ông nội tôi... Hiện nay năm nào tôi cũng cùng mẹ tôi và các con tôi mỗi năm hai lần tới thăm mộ ông nội, vào ngày sinh và ngày mất của ông”.

Trong buổi lễ gắn lại bảng tưởng nhớ Leonid Brezhnev tại ngôi nhà số 27 đại lộ Kutuzov ở Moskva vừa qua, danh ca Nga Yosiph Kobzon, Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô, đã phát biểu và nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải kính trọng những người từng nhiều năm lãnh đạo quốc gia vĩ đại của chúng ta. Cho tới hôm nay đất nước vẫn chưa tôn vinh xứng đáng Leonid Ilyich Brezhnev. Tại nước Nga cần phải có quảng trường hay công viên mang tên ông”.

Tấm biển tưởng nhớ đó đã từng bị chính quyền Moskva thời “hậu Xôviết” bán đi, khi thị trưởng thủ đô Nga là Poppov. Hiện nay ông cựu thị trưởng này đang sống trong trang trại ở khu ngoại ô Zarechie mà dưới thời Xôviết, đã từng được phân cho cố Tổng Bí thư Brezhnev để ông tới đó nghỉ đông...

Nguyễn Trung Tín
.
.