Chuyện tình của “vua” thi sỹ tình yêu

Thứ Ba, 10/02/2009, 14:03
69 tuổi đời với trên 50 năm cầm bút, tựa hồ như dốc hết tâm huyết và tinh lực, nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985) đã để lại một tài sản văn chương đồ sộ gần 50 đầu sách, có 15 tập thơ.

Trong các tác phẩm có giá trị của ông trên các địa hạt văn học khác nhau, thì ấn tượng sâu đậm nhất, nổi tiếng nhất và được mến mộ nhiều hơn cả là mảng thơ tình "Đặc sắc Xuân Diệu", đã nở không ít bông hoa đẹp ngát hương, góp phần làm thêm tươi thắm, rực rỡ vườn thơ Việt; nâng ông lên tầm một trong những nhà thơ lớn và xuất sắc hàng đầu của nền thi ca nước ta.

Có thể nói, tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với thơ tình. Cái tên Xuân Diệu gần như đồng nghĩa với thơ tình. Nói đến thơ tình là nhắc đến ông trước tiên. Có lẽ vì thế, bạn văn và người yêu thơ đã trìu mến dành riêng tặng ông tên gọi "Hoàng đế thơ tình" hoặc "Vua" thi sỹ tình yêu.

Song, có một điều khá đặc trưng. Phải chăng do yêu quý, cảm thương, nên khi đàm luận về thơ ông, kèm theo đó, ai cũng quan tâm muốn hiểu rõ đời tư của ông. Tôi còn nhớ tầm giữa năm 1983, một buổi sáng ở quán cà phê bên sông Hàn, Đà Nẵng, cả 3 cậu sinh viên, bà chủ quán và cô con gái đều nhận ra anh Xuân Diệu.

Một cậu hỏi nhà thơ trào phúng Đặng Minh Phương: "Vì sao bác Xuân Diệu không có vợ, sống độc thân?". Anh Phương chưa trả lời ngay, vui vẻ hỏi lại: "Các bạn đọc thơ tình Xuân Diệu, thích và thấy bài nào tiêu biểu nhất?". Cả ba đã trả lời khác nhau: "Chiều", "Trăng", "Biển".

Bà chủ quán vốn từ xưa đã đọc "Thơ thơ", "Gửi hương cho gió", góp lời: "Nói bài nào tiêu biểu cũng khó. Tôi thích bài "Yêu", "Vội vàng", "Xa cách"". Anh Phương nhìn anh Diệu dò ý. Anh Diệu lớn tuổi hơn anh Phương một giáp, quen biết đã lâu, thân tín nhau như anh em. Anh Diệu bảo: "Tùy cậu, muốn nói gì thì nói".

Trong không khí quá đỗi hồn nhiên, thân tình, dung dị, anh Phương nheo nheo mắt cười, nói: "Thơ tình Xuân Diệu có hai bài tiêu biểu nhất đều chưa được công bố. Bài "Đa tình" viết năm 1943, hội tụ rõ nét nhất thần sắc tình yêu thuở thiếu thời. Còn bài "Đời anh em đã đi qua", viết sau ngày ly hôn, ghi đậm dấu ấn ân tình, nồng ấm gia đình”.

Được anh Diệu đồng ý, anh Phương đọc hai bài thơ. Mọi người thú vị đến bất ngờ. Riêng bà chủ quán không giấu được xúc động. Đã đến giờ anh Diệu đi nói chuyện, anh Phương đành hẹn trả lời câu hỏi của 3 cậu sinh viên vào một dịp khác.

Rồi mới gần đây thôi, có hai sinh viên Khoa Báo chí đến nhà tôi chơi. Họ đọc ở đâu đó một bài viết về anh Xuân Diệu nhưng không được dư luận đồng tình, lại hỏi tôi thực hư về đời tư của anh.

Vậy là, đến tháng 12/2008, tròn 70 năm tập "Thơ thơ" đầu tay của Xuân Diệu được Nhà xuất bản Đời nay cho in vào tháng 12/1938, đã có đến 4 thế hệ những người Việt Nam yêu thơ ra đời, vẫn có chung một trăn trở: "Vì sao nhà thơ Xuân Diệu có tài, tính tình hiền hậu, chân thành, đẹp trai và trông rất khỏe mạnh, nhưng lại không có gia đình riêng, sống độc thân?".

Tôi trao đổi với anh Đặng Minh Phương: "Năm 2010 (25 năm ngày mất), năm 2011 (95 năm ngày sinh), chắc chắn cái hay, cái đẹp, cái đặc sắc, tinh tế của thơ Xuân Diệu sẽ được các nhà phê bình văn học và người yêu thơ nói đến nhiều. Còn ta, ta nên ghi lại những hiểu biết về sự thật đời tư của anh, ngõ hầu vừa trả món "nợ" quán cà phê bên sông Hàn 1/4 thế kỷ trước đây, vừa góp phần để người yêu thơ hiện tại và tương lai hiểu vấn đề đúng như chính nó.

Bởi lẽ, khi nói về đời tư anh Xuân Diệu, nhiều đồng nghiệp, bạn bè luôn tỏ lòng thương cảm, xót xa; nhưng có người lại đùa cợt, thậm chí có người vì ác ý nào đó, đã đồn thổi, xuyên tạc sự thật, làm trò mua vui cho thiên hạ. Đó là điều rất không nên đối với linh hồn người đã mất, nhất là đối với nhân cách người cầm bút.

Chúng ta đã biết tình yêu là cội nguồn của sự sống. Văn hóa ân ái, tình dục là một trong những biểu hiện đẹp đẽ nhất của tình yêu. Nó thăng hoa cho hạnh phúc lứa đôi, gia đình, nòi giống và sự trường tồn của nhân loại. Không có nó, không có loài người.

Trong bài viết này, xin cho tôi không nói cụ thể cái danh từ y học trần trụi về căn bệnh khó nói của anh Xuân Diệu mà các bác sỹ đã kết luận. Thôi thì, mong bạn đọc bằng lòng rằng: "Trời" đã cho anh Xuân Diệu một vốn văn hóa uyên bác, nhưng cái văn hóa cao đẹp kia của tình yêu, "người" đã trao cho hàng tỷ người đàn ông, trở thành một quy luật tự nhiên của giới mày râu, thì lại không ban trọn vẹn cho anh, khiến anh không có khả năng và chức phận thiêng liêng được làm chồng, làm cha.

Đó là điều đau khổ đeo đẳng anh suốt đời và cũng là nguyên nhân chủ yếu buộc anh phải sống độc thân, trở thành một thi sỹ đa tình, đa sầu, đa cảm, đa tài, đa đoan, đa khổ.

Năng khiếu thơ bẩm sinh của anh phát xuất tinh hoa rất sớm. Học trung học đã có thơ đăng trên Báo Phong hóa. Nhiều nữ sinh đã mê tít và đến với anh. Anh cũng đã có mối tình đầu và từng yêu vài cô. Nhưng chính vì căn bệnh ấy, nên tất cả như chim không đậu cành, cất cánh bay xa.

Anh thổ lộ trong bài "Chàng sầu":... Tạo hóa không tình cảm/ Sinh ra, tôi đã nghèo/... Tôi chưa từng được yêu/... Anh khao khát tình yêu đến cháy bỏng tim gan, yêu mãnh liệt, nồng nàn, say đắm đến tột độ. Anh bộc bạch trong bài "Phải nói": Anh thèm muốn vô biên và tuyệt đích/...Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ/... Ai mắc căn bệnh khó nói, phải cân nhắc thật kỹ, mạo hiểm trong tình yêu sẽ thất bại nặng nề.

Bởi đa tài và quá đa tình, nên anh Xuân Diệu đã phải đa đoan, đa sầu, đa khổ vì "Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu/... Yêu là chết ở trong lòng một ít"... (Yêu). Càng dấn sâu vào con đường tình, anh càng bị tình phụ, càng cô đơn, quạnh quẽ, lẻ loi và bơ vơ biết bao giữa chiều tà, trăng khuya: "... Anh một mình, nghe tất cả buổi chiều/ Vào chậm chậm ở trong hồn hiu quạnh/ Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh/ Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!..." (Tương tư chiều). "... Sương nương theo trăng, ngừng lưng trời/ Tương tư nâng lòng lên chơi vơi/... Không khóc nhưng mà buồn hiu hiu..." (Nhị hồ).

Quả thật, anh là người đa tình bậc nhất, không giấu giếm và nói rất thật lòng mình trong bài "Đa tình": "...Thuở xưa kia là con của mặt trời/ Tôi có lửa ở trong lòng nắng giội/ Tôi đã yêu từ khi chưa có tuổi/ Lúc chưa sinh, vơ vẩn giữa vòng đời/ Tôi vẫn yêu khi đã hết tuổi rồi/ Không xương vóc, chỉ huyền hồ bóng dáng/ Vào đêm tối, tôi sẽ cầm đuốc sáng/ Rọi u minh tỏa rạng ánh hồn sâu/ Đến ru thơ bao kẻ hãy buồn đau/ Tim ấp mộng những hồn sầu rã mục/ Dù chăng nữa tôi có sa địa ngục/ Nhưng lòng tôi còn giữ suối tình thương/ Thì luôn luôn tôi vẫn ở thiên đường/... Với trăm ma, tôi hẹn những mười nguyền/ Những Tây Thi, Lộng Ngọc, những Điêu Thuyền/ Những Tần nữ, Dương Phi bao vẻ ngọc/ Hồn đông thế, tôi sợ gì cô độc/ Ma với nhau thì ôm ấp cùng nhau/... Kẻ đa tình không cần đủ thịt da/ Khi chết rồi thì tôi sẽ yêu ma".--PageBreak--

Thực ra, anh Xuân Diệu nhận biết tình yêu lứa đôi, tổ ấm gia đình là điều bất hạnh đối với anh: "Yêu là chết ở trong lòng một ít" (Yêu) và anh viết trong bài "Than thở": "...Nhưng mỗi lần đưa tay lên nén ngực/ Lại nghe tình nhiều hơn số ngón tay/ Với mi kia, mắt nọ, với môi nầy/ Với chuỗi tên người liên tiếp/... Tôi là kẻ bơ vơ/ Yêu những ái tình quạnh quẽ/...”. Rồi anh tự giải thích về mình: "Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá/ Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì/... (Vì sao?).

Chỉ vì cái tội đa tình, lý trí không thắng được tình cảm mà anh đã xử lý tình yêu theo cách: "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm/... (Giục giã). Cái triết lý tình yêu thời niên thiếu ấy báo hiệu điềm không lành trong đời sống tình cảm của anh. Nó dẫn anh đến cuộc kết hôn với chị Bạch Diệp khi đã ngoại tứ tuần.

Nửa sau của năm 1950, chị Bạch Diệp và anh Đặng Minh Phương công tác cùng một ban của Báo Nhân Dân. Chị là một phóng viên trẻ tài năng, học thức và nhân cách. Ngày ấy, truyện ngắn "Trèo me, trèo sấu" và phóng sự "Vụ án mạng trên cánh đồng Mai Dịch" của chị đã được dư luận chú ý và hoan nghênh.

Anh Diệu cảm phục và đem lòng yêu thương chị. Còn chị, tất nhiên là rất kính trọng, quý mến một người tài hoa, hiền lành Xuân Diệu, tuy chị có nghe phong thanh về "sức khỏe" của anh. Anh Huy Cận - người bạn tri kỷ, nhờ anh Hoàng Tùng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân làm ông mối.

Anh Hoàng Tùng cho chị Diệp biết "sức khỏe" của anh Diệu có chuyển biến khả quan. Anh chị đi đến kết hôn. Đám cưới được tổ chức ở tầng trên phòng làm việc của anh Hoàng Tùng. Về sau, chị Bạch Diệp làm đạo diễn điện ảnh. Chị đã đạo diễn cả chục bộ phim.

Còn nhớ các tác phẩm như "Trần Quốc Toản ra quân", "Hoa ban đỏ"... đã gây được ấn tượng tốt đẹp. Chị thuộc lớp nữ đạo diễn điện ảnh đầu tiên của Việt Nam và đã được giới điện ảnh tôn vinh danh hiệu biểu tượng suốt đời của ngành Điện ảnh.

Vào những ngày sống chung, căn bệnh CKN của anh Diệu không cơ may hồi phục. Chị thưa chuyện này và cụ ông thân sinh vốn là một thầy bốc thuốc giỏi, nói với chị sẽ tập trung chữa trị trong 3 tháng, có thể kéo dài thêm thời gian, nhưng nếu không được, đành chịu bó tay.

Chị tự tay mình sắc thuốc cho anh uống, tận tình chăm sóc anh chu đáo mọi mặt. Song tất cả đều vô vọng. Anh hằng mong ước được làm cha nên càng thấu hiểu khát vọng thiêng liêng được làm mẹ của chị ở tuổi đương xuân. Là những nhà trí thức, cả hai đều hiểu rõ tình yêu lứa đôi không phải là niềm hạnh phúc duy nhất.

Mục đích chủ yếu là cuộc sống. Không nên níu kéo thời gian. Anh chị đã chia tay nhau trong ngọt ngào, cay đắng. Nhưng với anh, đây là khoảng thời gian hạnh phúc, đẹp đẽ nhất trong đời mình.

Sau khi ly hôn, anh viết bài thơ đầy xúc cảm chân thành và thấm đậm ân tình "Đời anh em đã đi qua": "Đời anh em đã đi qua/ Sáng thơm như một bông hoa giữa đời/ Nói làm sao hết em ơi/ Bốn năm kỳ diệu đất trời nhờ em/ Ngôi nhà, cánh cổng, trái tim/ Khóm cây, con mắt, ngày đêm đón mừng/ Anh đi em hỏi thăm chừng/ Anh về, miệng đã gọi lừng: Anh ơi/ Bữa ăn thành một hội vui/ Có em, gắp với rau thôi cũng tình/ Cảnh thường cũng hóa ra xinh/ Có em, anh hết nghĩ mình bơ vơ/ Bốn năm đầm ấm say sưa/ Tình yêu biết có hạn bờ nào đâu/ Bốn năm nhưng cũng qua mau/ Cõi trần ai đã ở lâu thiên đường/ Giã từ, từ biệt đôi phương/ Đôi nơi, đôi ngả, đôi đường khổ anh/ Bốn năm lại khép trời xanh/ Nhớ em như một mộng lành mà thôi/ Từ nay anh lại trong đời/ Bữa ăn ngồi với một đôi đũa cầm/ Giường kia một bóng anh nằm/ Phòng văn một sách đăm đăm sớm chiều/ Muôn vàn cảm tạ em yêu/ Chắt cho anh biết bao nhiêu ân tình/ Ai hay em đã để dành/ áng hương một thuở thơm thanh suốt đời/ Sống bằng nhớ lại nguồn vui/ Nhớ khi ôm cả đất trời cùng em".

Đó là tất cả tấm lòng của anh Xuân Diệu. Còn chị Bạch Diệp, hơn 20 năm sau, ngày anh Diệu mất, chị buồn rầu, lặng lẽ đặt trên mộ anh một bó hoa huệ trắng với dòng chữ "Thương nhớ anh", loài hoa mà sinh thời anh Xuân Diệu yêu thích nhất. Tình yêu của anh chị là như thế, xin đừng nói khác đi!

Khi viết lại câu chuyện này, tôi chỉ có ý nghĩ: Thơ là một trong những hình thái nghệ thuật cao quý nhất. Nhà thơ vì thế, luôn sống thanh cao, tử tế, dung dị. Nhà thơ biết cách sống với đau khổ để hiến dâng tất cả cho tình người, tình đời, làm đẹp cho cuộc sống.

Cũng như bao thế hệ đàn anh khác trong làng văn, anh Xuân Diệu đã vượt qua tất cả riêng tư, trải rộng lòng mình với nhân dân, đất nước và sự nghiệp văn học cách mạng. Thật đáng yêu quý và trân trọng biết bao! Mặc dù vậy, nghĩ về anh, nghĩ về một đời thơ của Vua thi sỹ tình yêu, tôi cứ như đang lắng nghe biển cả mênh mông ngàn năm vẫn hát khúc tình ca, sóng vẫn mãi vỗ lòng ta những âm thanh dịu êm, tha thiết của tình yêu: "...Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng/... Anh xin làm sóng biếc/ Hôn mãi cát vàng em/... Đã hôn rồi hôn lại/ cho đến mãi muôn đời/ Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt/... Để hát mãi bên gành/ Một tình chung không hết/... Như hôn mãi ngàn năm không thỏa,/ Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!" (Biển, 4/4/1962)

Hồ Ngọc Sơn
.
.