Chuyện đời vị tướng không mang cấp hàm

Thứ Ba, 22/04/2014, 15:38

Giữa những năm 1980, lũ trẻ con trong khu tập thể của chúng tôi đã chuyền tay nhau đọc đi đọc lại những tác phẩm văn học về đề tài an ninh như “Bên kia cổng trời” của Ngôn Vĩnh, “Câu lạc bộ chính khách” của Lê Tri Kỷ, “Đội Công an số 6” của Văn Phan... Trong suy nghĩ của chúng tôi, những cán bộ, chiến sĩ Công an thật dũng cảm, tài tình. Sau này, tôi may mắn được công tác cùng các nhà văn Ngôn Vĩnh, Văn Phan.

Được gặp tác giả đã là điều thú vị nhưng được tiếp cận, tìm hiểu nguyên mẫu trong tác phẩm thì quả thật tôi chẳng dám nghĩ đến. Như là cơ duyên, một ngày cuối tháng 3/2014, tôi được trò chuyện với Thiếu tá Phạm Việt Liên (hiện công tác tại Tổng cục An ninh, Bộ Công an), con trai của nhân vật Oanh trong tác phẩm “Đội Công an số 6”...

Nguyên mẫu nhân vật Oanh trong Đội Công an số 6 là ông Phạm Văn Bổng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Ông từng nhiều năm là lãnh đạo các đơn vị trinh sát trong kháng chiến chống Pháp. Từ năm 1954, hơn 20 năm liên tục ông làm Trưởng ty Công an Ninh Bình, rồi Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam Ninh và nhiều năm là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh.

Trong kí ức của Thiếu tá Liên, ông Bổng là một người cha thường xuyên vắng mặt ở nhà. Nhà có mẹ và năm anh chị em (hai trai, ba gái) nhưng lúc mấy anh em còn nhỏ, ít khi cả gia đình được đoàn tụ. Có dạo, nơi ở của 6 mẹ con chỉ cách Ty Công an Ninh Bình (lúc đi sơ tán ở Tràng An nổi tiếng hiện nay) chừng mười cây số, nhưng hầu như ông Bổng chỉ về nhà tháng một lần. Ông vội về rồi lại vội đi. Hiếm khi cả nhà quây quần với nhau trọn vẹn một vài ngày, kể cả dịp lễ tết. Đây có lẽ là tình trạng chung của nhiều gia đình ở miền Bắc Việt Nam trong thời chiến. Mẹ ông là công nhân, lương thấp nhưng may được nương tựa vào ông bà ngoại nên cuộc sống cũng phần nào đỡ khó khăn. “Những lúc mấy anh em ốm đau, hầu hết mẹ tôi phải tự xoay xở. Đã nhiều lần mẹ gạt nước mắt một mình đưa con đi trạm xá rồi lại cập rập trở về cơm nước cho chúng tôi” - Thiếu tá Liên xúc động nhớ lại...

Chiêm nghiệm về cuộc đời của người cha, anh Liên tâm sự: “Thú thực, những công việc cụ thể của ông như diệt ác, trừ gian, khám phá các ổ nhóm gián điệp, biệt kích..., chúng tôi không tường tận lắm. Ông ít nói về những chuyện công tác, chuyện cơ quan”. Món quà mà anh Liên nhớ nhất khi còn nhỏ, đó là khoảng cuối năm 1975, ông Bổng từ miền Nam trở về, mua cho mỗi đứa con một chiếc bàn chải đánh răng! Nhớ thời điểm ông Bổng chuẩn bị nghỉ hưu, Thiếu tá Liên bồi hồi: “Bố tôi không được nghỉ hưu. Khi đang là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, ông chuẩn bị nghỉ thì mất vì cao huyết áp (tháng 8 -1988). Năm đó ông mới 62 tuổi. Trước lúc chuẩn bị nghỉ công tác, ông nhắc anh em quản trị cơ quan làm thủ tục để trả lại đơn vị chiếc quạt 110v hiệu Sanyo của Nhật mà ông được trang bị ở phòng làm việc... Thứ tài sản - theo đúng nghĩa đen – ông mang về gồm bộ bàn ghế cũ và chiếc quạt Điện cơ mua thanh lí của cơ quan, cùng mức lương kịch trần “như Tướng”. Hiện bộ bàn ghế cũ đó gia đình em gái tôi vẫn đang sử dụng”...

Ông Phạm Văn Bổng (thứ 5 từ trái qua) trong chuyến thăm, làm việc tại nước bạn Lào.

Trong tiểu thuyết Đội Công an số 6, nhân vật Oanh là một cán bộ an ninh trung kiên, mưu trí và đầy tình người, luôn cương quyết trong đánh địch nhưng cũng rất nhân văn khi xử lí những tình huống cụ thể với những kẻ lầm đường lạc lối. Nguyên mẫu của Oanh - ông Phạm Văn Bổng tuổi Bính Dần (1926), quê gốc  xã Ninh Hòa, huyện Gia Khánh (nay thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Tuổi thơ cơ cực trong thời loạn lạc, cậu bé Bổng phải bươn chải cùng cha mẹ rày đây mai đó lên tận miền ngược rồi sang Sầm Nưa (Lào) mưu sinh. Năm Bổng 12 tuổi thì cha mất, gia đình lâm vào cảnh túng bấn, cậu bé Bổng bắt đầu dấn thân vào cuộc mưu sinh: đi ở, làm thuê làm mướn... Ít lâu sau, được chị gái và anh rể cưu mang nên Bổng cũng được học hành, giành được tấm bằng sơ học yếu lược. Năm 1943, Bổng chính thức tham gia vào công tác Việt Minh, với nhiệm vụ làm giao thông liên lạc đưa đón cán bộ ở địa phương... Năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Ninh Bình.

Nhờ tích lũy được nhiều kinh nghiệm đối phó, đấu tranh với địch, từ tháng 5/1946, Phạm Văn Bổng được tổ chức phân công làm trinh sát Ty Công an Ninh Bình. Đây là thời kì Ty Công an Ninh Bình tập trung lực lượng đấu tranh với bọn phản cách mạng như Quốc dân đảng và các đối tượng lợi dụng tôn giáo phá hoại trật tự trị an. Đầu năm 1950, để đối phó với âm mưu của địch, Công an Liên khu III chỉ đạo Công an Ninh Bình thành lập Đội biệt phái Công an Kim Sơn gồm 6 đồng chí: Phạm Văn Bổng, Trần Quý Lý (tức Tâm), Đỗ Trọng Tuyến và các đồng chí Dụ, Thông, Nhổn; gọi là Đội Công an số 6 do Phạm Văn Bổng làm Đội trưởng. Ông Bổng cùng đồng đội đã xây dựng một số cơ sở ngay trong hàng ngũ Cảnh sát ngụy quyền và các đảng phái phản động. Bản thân ông Bổng đã trực tiếp xây dựng được hàng chục cơ sở quan trọng là Tổng tham mưu trưởng quân Ngụy, thủ lĩnh đảng Đại Việt, Trưởng ty Công an Ngụy, Trưởng phòng chính trị Ty Cảnh binh, tên bồi bút phản động, bạn thân của Phan Văn Giáo, Thủ hiến Bắc phần… Những người này đều nhận làm việc cho cách mạng và chịu sự chỉ đạo của ông Bổng. 

Nhiệm vụ trọng tâm Tỉnh ủy chỉ thị Ty Công an Ninh Bình thời kì này là tăng cường diệt ác, trừ gian, phá tề và tổ chức các trận đánh để tiêu hao sinh lực và gây hoang mang, rệu rã trong hàng ngũ địch. Chiều 26/10/1950, tại phiên chợ Lạc Thiện, huyện Kim Sơn theo kế hoạch đã định, ông Bổng đã chỉ đạo lực lượng trinh sát diệt trừ tên mật thám nguy hiểm Trần Hữu Thư (Trần Thư) ngay giữa chợ. Ngày 30/10/1950, ông Bổng và ông Trần Cao Giảng đã sử dụng cơ sở điều tên Đỗ Hữu Hạnh, là chỉ điểm gian ác, đến số nhà 15, phố Trì Chính, thị trấn Phát Diệm để tiêu diệt và đặt lên xác y bản án (Việt Minh giết Việt gian). Sau cái chết của 2 tên phản động khét tiếng, bọn tay sai phản động lo sợ, cơ sở kháng chiến của ta ngày càng được củng cố vững chắc, cán bộ chiến sỹ Đội biệt phái Công an Kim Sơn (Đội Công an số 6) đã gây được tiếng vang lớn, được Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tin tưởng, khâm phục.

Một tháng sau hai trận đánh trên, ông Phạm Văn Bổng đề xuất và xây dựng kế hoạch đánh Câu lạc bộ sỹ quan Pháp (nhà Lê Phát) tại thị trấn Phát Diệm. Đội trưởng Phạm Văn Bổng (tức Oanh) cùng 2 đội viên là Thông và Tâm vạch phương án đột nhập công khai, một phương án vô cùng táo bạo đòi hỏi phải mưu trí, dũng cảm mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Ngày 24/11/1950, cơ sở báo tin địch tập trung về khu quân sự (Secteus), Câu lạc bộ sỹ quan Pháp. Nhận rõ thời cơ hành động, ông Bổng đã khẩn trương triển khai kế hoạch đánh địch, bí mật rút hết cơ sở của ta ra khỏi Câu lạc bộ sỹ quan đảm bảo an toàn trước khi hành động. Theo phương án đã vạch ra, buổi tối hôm ấy, Đội trưởng Oanh giao cho 2 đội viên chiếc cặp da bên trong có mìn hẹn giờ và dặn dò cách xử trí các tình huống có thể xảy ra. Anh em đã lọt được vào Câu lạc bộ, đặt mìn vào vị trí thuận lợi... và rút về một cơ sở an toàn, hồi hộp chờ “giờ G”. Kim đồng hồ đã chỉ 20 giờ nhưng vẫn không có tiếng nổ nào.

Tất cả đều lo lắng, Đội trưởng Oanh nhận định: Có 2 khả năng, một là địch phát hiện đã tháo gỡ quả mìn, hai là kỹ thuật của ta chưa đảm bảo. Song dù bất kỳ trường hợp nào cũng phải lập tức quay trở lại kiểm tra, nếu mìn chưa nổ thì đem về sử dụng lại. Đúng lúc ấy, một tiếng nổ long trời bùng lên làm rung chuyển cả thị trấn Phát Diệm. Trận đánh đã gây thiệt hại nặng nề cho đội quân viễn chinh Pháp với gần 100 sĩ quan, binh lính bị tiêu diệt; quân Pháp và bọn tay sai vô cùng hoang mang lo sợ. Đồng bào, chiến sĩ ta rất phấn khởi, khâm phục tinh thần mưu trí, dũng cảm, tài xuất quỷ nhập thần của các chiến sĩ Đội Công an số 6.

Trong trang sử vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân, một trong những chiến công tiêu biểu thời kì kháng chiến chống Mỹ là thực hiện thành công hoàn hảo kế hoạch chống gián điệp, biệt kích. Thông qua “trò chơi nghiệp vụ”, lực lượng Công an đã khống chế, câu nhử, đón bắt hầu hết, vô hiệu hóa các toán biệt kích của Mỹ - Ngụy nhảy dù ra miền Bắc Việt Nam. Ninh Bình là một “điểm nóng” trong hoạt động của bọn gián điệp, biệt kích. Từ tháng 7/1961 và tháng 6/1963, hai nhóm biệt kích của Mỹ - Ngụy đã nhảy dù xuống xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn và 2 xã Khánh Cường, Khánh Mậu, huyện Yên Khánh nhằm mục đích bắt liên lạc với bọn phản động tại đây để xây dựng cơ sở, điều tra thu thập tin tức tình báo, phá hoại các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng và tổ chức gây bạo loạn lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân. Ông Bổng đã kịp thời báo cáo Bộ, Tỉnh ủy và chỉ đạo các lực lượng vũ trang cùng với nhân dân các xã bao vây bắt gọn toàn bộ hai nhóm biệt kích thu giữ điện đài và các phương tiện hoạt động của chúng, lập hồ sơ xử lí trước pháp luật... 

Là một cán bộ An ninh dày dạn kinh nghiệm, tháng 4/1976, ông Phạm Văn Bổng được bổ nhiệm chức vụ Phó Cục trưởng Cục Chống phản động, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an); năm 1977 là Trưởng ty Công an Hà Nam Ninh; tháng 1/1980 giữ chức vụ Quyền Bí thư tỉnh ủy Hà Nam Ninh. Đến tháng 6/1982, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), trực tiếp tham gia chỉ đạo chống FULRO tại các tỉnh Tây Nguyên. Mến phục uy đức của ông, nhiều cốt cán của tổ chức này đã ra hàng, trong đó có người mang quân hàm “tướng” FULRO... Cả cuộc đời hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, ông Phạm Văn Bổng đã để lại một tấm gương sáng vì nước, vì dân của người cán bộ Công an lão thành

Duy Hiển - Anh Hiếu
.
.