Chuyện đời của hẻm

Thứ Hai, 16/05/2016, 18:10
Con hẻm rộng và sạch này nổi tiếng vì một người đàn ông mấy mươi năm âm thầm làm việc thiện. Ngay từ đầu hẻm, đập vào mắt người ta là những tấm bảng, là một tủ thuốc, là bình trà đầy ắp khiến kẻ tha hương thấy ấm lòng và có một chút tựa nương. Phố nhiều cạm bẫy nhưng lòng tốt ở phố, kể hoài cũng không hết!

1. Tới hẻm 96 Phan Đình Phùng, hỏi ông Út từ thiện hoặc ông Việt, người dân, từ chị bán nước cho tới bà bán cơm trưa, đứa bé đang trên đường đi học, không ai không biết. Tôi vừa kéo chiếc ghế nhựa để ngồi, chị Nhàn (31 tuổi) bán đủ thứ nước giải khát lặt vặt đã tíu tít kể: “Đài truyền hình và báo chí xuống đây quay hoài hà”. 

Ông Đỗ Văn Út (tức ông Việt) được bà con ví là “ngôi sao”, là sự tin tưởng và là niềm tự hào của hẻm. Hẻm còn có một cái tên khá thơ khác: hẻm Ông Tiên. Đem sự thắc mắc này hỏi người dân trong hẻm, có phải vì làm việc tốt mà hẻm mang tên dễ thương vậy? Họ cười, bảo chuyện dài lắm. Số là, cách đây mấy chục năm, cách hẻm một vài căn có tiệm thuốc Tàu mang tên Ông Tiên. 

Hẻm ngày đó còn thưa người, so với trung tâm thành phố thuộc hàng xa lắc lơ. Dân đi kinh tế mới tụ lại, các con nghiện tránh sự quản lí của chính quyền cũng theo về, cắn thuốc phiện đen. Con nghiện mượn tên hiệu thuốc để chỉ sự lâng lâng cảm giác. Dần dà, nhờ nỗ lực của chính quyền địa phương, của người dân, hẻm đẩy lùi tệ nạn xã hội và trở thành hẻm người tốt việc tốt. 

Chị Nhàn sinh ra và lớn lên ở đây, mắt lấp lánh tự hào: “Xe cộ, đồ đạc dựng trong hẻm yên tâm lắm, không ngại chuyện mất mát”. Ông Đỗ Văn Út là tấm gương tiêu biểu ở hẻm này. Đến hẻm, hỏi tên ông, ai cũng biết. Thú vị là ông chẳng phải người ở hẻm mà chỉ gá nhờ mớ đồ nghề gởi xe ở đầu hẻm, còn ở trọ cách đó một quãng cũng xa.

Ông Đỗ Văn Út năm nay 54 tuổi, người gốc Sài Gòn. Thoạt xưa, ông ở vùng Hóc Môn, dong xe xuống hẻm để sửa, vá xe. Bằng chất giọng đơ đớ, ông Út kể, sửa xe là nghề ông chọn mưu sinh từ thời thanh niên. Sau, ông đi bộ đội, giải ngũ về thì đạp xích lô đặng kiếm ít vốn. Chắt chiu được một thời gian, ông quay qua nghề buôn xe máy cũ, hy vọng đổi đời. Trời không dung kẻ khó, bị lừa hết vốn, ông trở về nghề vá xe, đắp đổi qua ngày. 

Thi thoảng, kiếm thêm chút đỉnh nhờ những cuốc chạy xe ôm. Mười mấy năm, kể từ lúc “gá trọ” ở đầu hẻm 96, những việc tốt ông vun vén làm cho hẻm, kể sao cho xiết.

Hồi khoảng giữa năm 2015, chuyện một cậu bé đánh giày ở Q.3 đánh giày và sửa chữa miễn phí cho người lao động được nhiều tờ báo và trang tin quan tâm sốt sắng. Người ta xúc động vì kẻ khó, trong hoàn cảnh chẳng khá giả gì cho cam, biết cảm thông và chia sẻ thực tâm với người đồng cảnh ngộ. 

Tôi thì vẫn hay tự nhủ, chỉ có những người cùng hoàn cảnh mới có thể thấu hiểu được những nhọc nhằn của nhau. Họ hiểu giá trị của hy vọng, của một hành động ấm áp. Vậy nên, họ sẵn sàng san sẻ cho nhau những gì tốt đẹp nhất. Ông Út, lấy tiếng vá xe kiếm cơm mà “chơi sang”. 

Hễ người khuyết tật, người nghèo ghé, ông tất bật kiểm tra, chăm chút từng miếng vá cho ngon lành rồi xua tay: “Thôi, đi đi, khỏi tiền bạc gì”. Thời sinh viên, mỗi lần tôi đưa con xe cùi ra tiệm, trong lòng bất an sợ không đủ tiền trả nên lúc nào cũng hỏi trước: “Bị hư vầy thì sửa có nhiều tiền lắm không?”. 

Ông Út mà gặp ai vậy cũng bảo: “Thôi, giờ sửa vầy chạy đỡ nhen, bữa nào có tiền ra đưa tui cũng được”. Tuyệt nhiên không có chuyện cố ý làm hư hỏng thêm để kiếm chác. Tiếng lành đồn xa, người ta quý ông cũng vì vậy nên chỗ gá tạm của ông trở thành địa chỉ đáng tin cậy của nhiều người lao động. Nói như chị Nhàn bán một chai nước sát giá bảy ngàn: “Bán mười ngàn như mấy chỗ khác thì lời hơn, đỡ cực hơn nhưng ở đây ai cũng nghèo, bán vậy coi sao đặng”.

2. Đang vá xe ngon trớn mà hễ có điện thoại kêu: “Chú Út ơi, bà Tư vừa mất, nhà nghèo quá” là ông sốt sắng chạy đi như người thân trong nhà. Thoạt đầu, nhiều người thấy vậy rỉ tai nhau: “Ông này vá xe mà đại gia ghê ta ơi”. Tới chừng hay ông cũng nghèo, cũng đắp đổi cơm cháo qua bữa, có người quý, có người dè bỉu: “Nghèo mà lo chuyện bao đồng”. Người trong xóm qua đời không có quan tài an táng, ông hết chạy vạy khắp các trại hòm xin giúp lại lên phường xin giấy xác nhận đặng có chứng thuyết phục chủ trại. Rồi lục tục gọi điện hỏi thầy giờ nào tốt cho nhập quan. 

Gia đình nào có người mất ở viện thì ông có thêm công đoạn giúp người thân mang thi thể về. Gặp nhà nào khó quá, không lo được tiền đám, ông lại đứng ra vận động “Mạnh Thường Quân” đặng có đủ tiền ma chay tươm tất. “Người ta nghèo quá, làm cả đời cũng không dành dụm lo được hậu sự, mình giúp được chút nào thì giúp thôi” - ông Út nói nhẹ tênh.

Cách đây mười mấy năm, lúc ông còn ở tại Hóc Môn, đang nửa đêm nhận điện thoại báo có người mất, ông cũng tất tả khoác vội cái áo rồi chạy xuống hẻm. Xong xuôi gần 1, 2 giờ sáng, lại đáo ngược chạy về, sáng ra lại chạy xuống đem đồ nghề vá xe ra, bắt đầu ngày mới như chưa có chuyện gì đêm qua. 

Mấy lúc, người mất bất thình lình, gia đình không hay nên tay chân co quắp, ngó chừng không ai trong nhà biết chuyện, ông lại bảo người nhà mua rượu về, một tay ông nắn nắn xoa xoa. Hỏi ông làm vậy có sợ không?

Ông cười: “Có gì mà sợ. Người ta không biết thì mình làm giúp chớ để vậy coi tội nghiệp lắm!”. Thi thoảng, cảm động trước tấm lòng và sự nhiệt tình của ông, gia đình người được giúp gom góp đưa ông ít tiền dằn túi. 

Ông khước từ: “Thôi, tôi biết được gì thì giúp. Có quý nhau, mời ly café, điếu thuốc là được”. Thậm chí, mời ông ăn một bữa cơm, ông cũng lắc đầu. “Mình ngồi đó ăn, người ta nghĩ mình thế nào. Có mệt, uống nước thì được còn ăn uống thì tuyệt đối không. Giúp xong, mình ra ngoài mua cơm ăn cũng được”.

Ông Đỗ Văn Út, người đàn ông âm thầm làm việc thiện của con hẻm Ông Tiên.

Ấy vậy mà vẫn có không ít người xầm xì, bàn ra tán vào, ông làm vậy hẳn là có được chút đỉnh. Thấy ông khâu nào cũng rành rẽ, người ta càng mặc định đó là nghề của ông. Ông bảo, thời gian đầu, ông có hơi buồn, không biết nói sao cho người ta hiểu. Nhưng rồi, ông bỏ ngoài tai tất cả. “Kệ! Ai muốn nghĩ gì thì nghĩ, miễn mình giúp được cho người ta là tốt rồi!”.

Lòng thương vô tư của ông Út được ông chủ trại hòm Vạn Phúc đồng cảm. Ông chủ trại bảo: “Mai mốt anh không cần xin giấy xác nhận ở phường nữa, có gì cần cứ gọi cho tui. Hòm mà, không lẽ người ta xin để dành”. Được sự tin tưởng, ông Út về bỏ tiền in cái bảng, đóng ở đầu con hẻm, để ai hữu sự mà nhà neo người, khốn khó còn biết đường gọi cho ông. 

Chuyện giúp người tưởng đơn giản vậy mà cũng lắm giành giật. Từ ngày treo cái biển có số điện thoại, ông Út nhận không ít cuộc gọi đe dọa, kêu dẹp cái bảng vì “Coi ngứa mắt quá, làm ăn không có được”. Ông Út nói, cũng lo lo nhưng rồi nghĩ đến bà con, cái ăn đã khó, đến lúc nhắm mắt còn bị thách giá, ông bỏ tất cả lời đe dọa ngoài tai.

3. Đều đặn mỗi mồng 1 và 15 hằng tháng, ông và vợ nấu khoảng 350 phần bún xào chay, từ tiền túi và tiền của nhà hảo tâm, phát cho người nghèo thay vì phát cơm. Ông bảo để người ta đổi món. Ngày mới khởi xướng, ông và vợ phát 20-30 phần cơm từ tiền túi.

Dần dà, chuyện được nhiều người biết, ủng hộ, con số dần lên. Rồi, ông lại gom góp làm một tủ thuốc đơn giản, kê cao ở đầu hẻm, ai có nhu cầu thì xài. Nhà hảo tâm biết, đem thuốc góp, có thuốc ông không biết công dụng, lại lần mò đi hỏi dược sĩ rồi tỉ mẩn viết giấy, dán vô. Thuốc nhiều, để lâu sợ hết hạn, ông mang biếu các chùa hoạt động thiện nguyện, góp cho mái ấm, vùng sâu, vùng xa.

Thời buổi kiếm sống đã khó, huống chi một người luôn phải chắt chiu từng bữa, ở nhà thuê, ăn cơm bụi và có một con trai đang học lớp 11, vợ làm công nhân vệ sinh mà đi lo chuyện bao đồng, tiếp xúc nhiều nhà hảo tâm, ông Út hứng chịu lời ra tiếng vào không ít. Nhiều kẻ ngó bộ làm từ thiện dễ, lại rủng rỉnh tiền người này gởi người kia gởi, đơm đặt bảo ông vụ lợi. 

Chị Nhàn bức xúc: “Người ta nói vậy mà hổng sợ mang tội! Tui ở đây bao nhiêu năm, dù ít nói chuyện với chú nhưng tui dám khẳng định, chú chỉ có bỏ thêm vô chứ chưa bao giờ ăn bớt ăn xén gì dù là một miếng nhỏ nhất. Cả gia đình tui rất mang ơn chú, ngày xưa, anh tui mất, chính chú là người tất tả lo trong ngoài”. 

Hỏi ông, người ta đồn vậy, buồn nhiều lắm không? Ông cười: “Người ta nói gì thì nói, chứ biết làm sao bây giờ”.

Niềm an ủi nhất của ông chính là, bên cạnh sự nghi kỵ vẫn có biết bao tấm lòng thấu hiểu và chia sẻ cùng ông, người góp công, người góp của. Tuy nhiên, đáng quý nhất có lẽ là tấm lòng người bạn đời của ông. Bà song hành cùng ông, không chỉ trong cuộc sống mà trong cả hoạt động thiện nguyện. 

Bà là tay bếp chính mỗi suất từ thiện, bà theo phụ ông tang ma nhà này nhà kia. Sau thấy vợ mệt, ông thương nên quyết không cho theo nữa. Bà làm công nhân vệ sinh, hễ thấy ở xóm có ai cần việc làm thì giới thiệu vào làm cùng, chẳng mảy may suy nghĩ, đắn đo.

Một ngày của ông Út bắt đầu từ hơn 5 giờ sáng cho tới hơn 6 giờ chiều. Lóc cóc xách theo bình trà to chảng miễn phí. Ngày nào chạy xe khá khá, ông kiếm được chừng trăm rưỡi, hai trăm. Ông Út hào hứng kể, mấy nay vợ ông vừa dừng việc, lên Bình Dương học trồng rau sạch đặng về phụ cô em ở Hóc Môn.

Trước ngày phát bún định kỳ, bà lại lóc cóc bắt xe xuống Sài Gòn. Còn ông thì coi như “gắn chặt với con hẻm này rồi”. Mong cho giấc mơ của vợ chồng ông lần này nảy nở vuông tròn và tỏa bóng.

Hoàng Dung
.
.