Chuyện của nghệ sĩ hài Thu Trang

Chủ Nhật, 21/06/2015, 16:06
1. Những sớm mai hửng nắng, tôi thường ngồi ngắm con trai thơ thẩn nhặt hoa nắng dưới tán cây. Những hồi chuông ký ức lạ lùng của tuổi nhỏ vang lanh canh đâu đó mỗi ngày một rõ hơn như thể cả tuổi thơ yên bình ùa về, ru lòng đi qua những lúc sa cơ, vấp váp, tị hiềm.

Cuộc đời có lẽ ai cũng cần phải có sóng gió, có những lúc gập ghềnh, thậm chí tưởng chừng như có thể nhấn chìm mình vĩnh viễn, tưởng chừng như mình không còn cách nào để có thể gượng dậy được. Để khi bỏ lại phía sau đoạn đường long đong, lởm chởm gai và đá nhọn lúc nào cũng chực chờ đâm nát chân mình, kiên lì đợi mình gục xuống, thỏa thuê cấu xé thịt da, giật mình không biết mình đã đi qua tháng ngày dữ dội, u ám ấy như thế nào. Chỉ biết là mình đã khác xưa rất nhiều. Những tích góp niềm tin, yêu thương tạo cho mình chiếc khiên chắn đỡ mà chính mình cũng không ngờ tới, để mình tránh xa những hoa mỹ giả tạo, những phù phiếm miệng lưỡi.

Năm tôi 19 tuổi, ba má làm ăn thất bại, gia đình tôi rơi vào cảnh khánh kiệt tới nỗi trong nhà không có lấy một hột gạo để ăn. Từ một cô tiểu thư ăn sung mặc sướng, chẳng thiếu bất cứ thứ gì bỗng chốc sống trong cảnh cùng quẫn, tôi đâm ra tự ti và tách mình khỏi bạn bè. Bạn gọi điện, thậm chí đến tận nhà hỏi thăm, tôi trốn biệt. Riết bạn biết, túc trực ngay cổng nhà chờ gặp cho bằng được.

Hết nước trốn, tôi ra gặp nói một câu buồn thiu: “Nhà tao nghèo lắm, hổng có tiền mua son phấn đi diễn nữa, lấy đâu đi chơi với tụi bây. Thôi, tụi bây về đi!”, rồi lật đật quay lưng, giấu nước mắt. Hôm sau, bạn lại đến. Lần này, bạn mang theo hộp trang điểm, mắt rơm rớm nước mắt nói: “Mày coi cần món nào cứ lấy đi nha Trang, đừng ngại…”. Rồi cả đám ôm nhau nước mắt lưng tròng.

Lần khác, tôi đi thử vai phim truyền hình, tâm trạng ngổn ngang, vừa mong trúng vai, vừa mong đánh rớt. Có lẽ Tổ thương còn nhỏ đẹt chét, lận đận hoài nên cho trúng thiệt. Khổ nỗi, nhân vật tôi nhập vai là một tay anh chị tóc vàng mà với hoàn cảnh của tôi khi đó, cái ăn đã khó xoay thì lấy đâu ra tiền để nhuộm tóc? Lòng buồn rượi, tôi lủi thủi đi ngoài đường như người mất hồn, không biết sao về được tới trường. Nhỏ bạn cùng học phổ thông với tôi ngày trước hay chuyện, trưa nắng đổ lửa, chạy xe từ Tân Bình qua tới quận 1, dấm dúi cho ít tiền bảo “đi nhuộm tóc đi” rồi vụt về.

Nếu phải đem so sánh được mất trong cuộc đời, tôi vẫn nghĩ mình là người may mắn. Bởi những lúc gian nan nhất, tôi luôn có bạn bè bên cạnh. Những người bạn yêu thương tôi như chính bản thân họ, sẵn sàng chia sớt cho tôi những gì đẹp đẽ nhất, dang tay ôm tôi vào lòng những khi khốn khó nhất. Bạn là những vật báu của đời tôi mà nếu không có họ, có lẽ, đã không có một Thu Trang của hôm nay.

2. Nhờ thương yêu và sự giúp đỡ chân tình của bạn bè, tôi mới có thể vững chân chập chững vào đời chèo chống, gánh vác cả gia đình đang mất phương hướng sau biến cố quá lớn. Ba má tôi thương con, lúc nào cũng chực nén tiếng thở dài trong lồng ngực. Nhưng nhìn ánh mắt sâu hoắm của ba, nét mặt héo hắt của má, tôi cầm lòng không đặng và tự hứa với bản thân nhất định phải làm một cái gì đó để cả nhà tạm thoát khỏi tình cảnh ấy. Rồi cũng chính lúc khốn khó nhất, tôi học được bài học vô cùng đắt giá về lòng tốt của con người. 

Thời gian đó, tôi vừa kết thúc năm nhất ở trường sân khấu. Để xoay sáu trăm ngàn học phí cho kỳ mới, ba tôi đôn đáo, năn nỉ ỉ ôi vay đầu này mượn đầu kia mà người ta cứ lảng tránh, hứa lần hẹn lữa. Tại người ta nghĩ, nhà tôi khi ấy hột gạo vét trong hũ còn không có thì biết chừng nào mới trả được.

May sao, anh Minh Béo, học trước tôi vài khóa lập nhóm hài để các nghệ sĩ trẻ có điều kiện cọ xát với sân khấu, với khán giả, tôi xin anh theo nhóm và lao đầu đi diễn. Mỗi đêm vậy kiếm được chừng 15 ngàn mua cơm cho cả nhà dằn bụng. Tôi không bao giờ quên được cái hôm diễn ở công viên Hoàng Văn Thụ. Khán giả loe ngoe, tôi ngồi đợi từ 19 giờ tới 22 giờ mới tới lượt diễn. Ba cũng ngồi đợi theo con gái, đợi tôi diễn xong thì hai ba con đèo nhau về. 

Đang diễn nhìn xuống khán giả, bất giác tôi thấy ba rớt nước mắt, cổ họng tôi nghẹn đắng lại, không thốt nên lời. Trời ơi, giá mà lúc đó tôi diễn vai bi, tôi sẽ khóc thỏa thuê. Nếu không có khán giả, tôi sẽ lao xuống ôm ba khóc cho cạn nước mắt… Ba thương tôi lắm. Cảnh nhà có túng bấn đến mấy, ba cũng dang tay bảo bọc lấy con cái, gia đình. Tôi đi học, đi diễn, ba đều cần mẫn đưa rước với cái xe máy cà tàng, ì ạch càng rồ ga càng chậm. Có lần, vừa thả tôi xuống trường, xe hết xăng, túi ba rỗng không. Để có tiền chạy về, ba vô cây xăng, xin cầm cái đồng hồ đeo tay, năn nỉ đổ cho 5 ngàn chạy đỡ về nhà lấy tiền ra trả. Người ta nhìn ba bằng nửa con mắt, miệt khinh… Má nói, bữa đó ba về kể với má mà mắt rơm rớm nước…

Ròng rã 2 năm diễn hài kiếm tiền, kinh tế gia đình tôi mới dần dần ổn định, thù lao cũng nhích dần lên; những tưởng cuộc đời đã có thể an vui nhưng rồi lại tiếp tục xô đẩy, thử thách tôi đến ngót 10 năm. Nhiều người bảo, tôi long đong là tại an phận và hiền quá! Nghề diễn phải khéo léo một chút, lanh lợi một chút, ngóng ngóng hai ba chỗ thì mới mong sung sướng được.

Mà biết làm sao được, cái tính của mình xưa giờ vẫn vậy, làm đâu thì chỉ biết chú tâm ở đó thôi. Ai học được chữ ngờ đâu. Mà thôi, chắc tại… cái số mình nó vậy. Tôi vẫn tin người dưng có nghĩa, cũng như tin vào duyên nghiệp và nhân quả. Trời thử thách để rèn mình thêm bản lĩnh. Gần 10 năm long đong, bơi hết sân khấu này tới sân khấu khác, Thế Giới Trẻ giờ là ngôi nhà thứ hai của tôi, ở đó tôi thấy mình bình yên đi về và thỏa sức làm nghề.

Có những chuyện qua rồi, mình nhớ để nhớ vậy thôi, không để hờn trách, oán giận. Chỉ là nó đã trở thành một phần ký ức của đời mình thì làm sao có thể quên được.

Vợ chồng nghệ sĩ hài Thu Trang.

3. Tôi theo nghiệp diễn từ một sự tình cờ. Rồi bén duyên hài lại là một đưa đẩy khác. Sống tựa vào gia đình trong cảnh ấm êm, tôi chưa khi nào phải suy nghĩ mình sẽ làm gì, phải làm thế nào để kiếm sống. Học xong phổ thông, chúng bạn rủ rê thi vô trường sân khấu cho biết. Ham vui, vậy là tôi đăng ký thôi, cũng chẳng biết diễn xuất, diễn viên là gì, như thế nào.

Ngày thi năng khiếu, tôi khí thế diện bộ đồ thể thao tới trường. Thầy Minh Nhí trong hội đồng tuyển chọn hỏi: “Trang ơi, em mặc đồ thể thao đẹp vậy, em có chơi môn thể thao nào không?”. “Dạ có thầy! Em tập… thể dục nhịp điệu”. Nhờ câu trả lời “khùng” hết sức đó tôi được thầy chấm đậu. Rồi cũng chính lối diễn tưng tưng, là lạ đó, bạn bè đều gọi chết tên tôi luôn bằng nickname Trang “khùng”. Thầy thấy tôi buồn, động viên: “Bạn gọi vậy là “vì thương, quý cái nét diễn lạ của em thôi. Em có duyên ở nét “khùng”. Bây giờ, bạn bè lập gia đình, con cái tay bồng tay bế, gặp lại tôi vẫn ngọt xớt Trang “khùng” như cách đây mười mấy năm.

Lối diễn đó, cũng là dấu ấn riêng tôi đọng lại trong lòng khán giả, từ sân khấu kịch cho đến phim ảnh. Nhiều nhà báo có hỏi tôi chớ lần nào bà xuất hiện cũng thấy đóng toàn vai “tăng động”, sao không chịu đóng đào đẹp, đào thương một lần coi sao. Tôi tình thiệt trả lời, hồi tôi bị người ta tranh vai, hất khỏi sân khấu kịch thành phố, thất nghiệp đi lang thang, nhắc tới sân khấu là nước mắt thi nhau rớt mà không thốt nên lời, thầy Công Ninh xót học trò, kêu tôi về sân khấu 5B giao cho vai đào đẹp trong vở Mèo hoang. Đời cô đó buồn hiu buồn hắt mà tôi diễn tới đâu, khán giả cười rần rần như chợ vỡ tới đó. Diễn liền mấy suất mà khán giả vẫn cười ngặt nghẽo, tôi đâm hoang mang, nghĩ có lẽ mình không có duyên với nghề thiệt. Một bữa, buồn chực khóc, lúi húi lấy xe về thì có khán giả thấy tôi mới tới vỗ vai nói: “Con diễn hay lắm. Nhưng mà cứ nhìn gương mặt con là… mắc cười…”.

Như một lời cảnh tỉnh đúng lúc vậy đó, tôi giật mình hóa ra đào thương, đào đẹp không phải là để dành cho mình. Trời cho mình khả năng đó, khán giả cũng thương mình ở khả năng đó, nghĩa là khán giả đã chấp nhận mình, mình càng phải ráng để phát huy; chứ không có khả năng mà nhào vô làm hỏng hết của người ta. Cho tới bây giờ, tôi cũng chưa có cơ hội gặp lại khán giả đó để nói một lời cảm ơn. Chồng tôi nói, em cứ ráng diễn cho đạt các vai hài, vai tưng em đảm nhận là lời cảm ơn giá trị nhất. Nghĩ cũng xuôi xuôi nhưng mà lâu lâu chợt nhớ, tôi vẫn ước, phải chi được gặp lại vị khán giả đó một lần, đặng cảm ơn người ta cho thỏa lòng.

Hoàng Linh Lan
.
.