Chuyện của nghệ sĩ Xuân Hương

Thứ Hai, 27/07/2015, 10:07
Cuộc đời Xuân Hương, mỗi bước đi là mỗi giọt nước mắt. Gió từ đám rau, ruộng cải, từ bụi chuối sau hè chưa kịp hong khô, nước mắt đã nối tiếp nhau rớt sát gót chân. Lạ là, trong cái bi đát của đời mình, Xuân Hương luôn nhìn thấy những điều đối nghịch. Có lẽ vì vậy mà tiếng cười của Xuân Hương sắc và bén nhọn, khiến người xem thon thót giật mình.

1. Thời gian, theo cơn mưa mùa hạ về muộn, hằn dấu vết qua con tim mỏi mệt, kéo mòn người ta về ký ức của những tháng ngày xưa cũ - ngày thơ ấu nặng nề.... Sáu tuổi tôi đã phải xa mẹ để đi học. Mười mấy năm trời sống cảnh ăn nhờ ở đậu, đứa con nít ăn chưa no lo chưa tới phải nai sức gồng gánh bao nhiêu chuyện nhà chuyện cửa không tên và có tên, chịu bao nhiêu đớn đau, đắng cay, khóc biết bao nhiêu nước mắt để bám lấy con chữ. Mấy lúc, trong giấc ngủ ê ẩm mình mẩy, tôi chỉ mong có một ngày được bị bệnh để được nghỉ ngơi, nhưng “ước mơ” vẫn không thành.

Cuộc sống của tôi khi ấy là hai thế giới hoàn toàn cách biệt nhau. Một thế giới tối tăm, tù túng, sợ sệt, dè chừng, luôn nhìn sắc mặt người khác để sống. Ở đó, tôi sống trong im lặng với vẻ mặt cam chịu và rười rượi buồn vì luôn bị những người ruột thịt xúc phạm. Thế giới thứ hai là thế giới của nụ cười như cá gặp nước, như rồng gặp mây, thế giới của trường lớp, thầy cô, bè bạn - là khoảng trời tôi nâng niu, trân trọng vô cùng vì nhờ đó mà tôi được những phút giây được làm người.

Nhiều lúc má tôi xót con, kêu thôi nghỉ về với má, có rau ăn rau, cháo ăn cháo, chứ chưa chắc chữ nghĩa đã đem đến cho tôi điều gì ích lợi mà trước mắt chỉ là sự đớn đau. Tôi nuốt nước mắt, năn nỉ má cho tôi học thêm một năm nữa thôi. Rồi cứ như vậy mà nước mắt rơi theo từng năm học cho đến khi tôi cầm được mảnh bằng tú tài.

Thi thoảng, tự dưng dĩ vãng kéo nhau ùa về trong ký ức. Đời người ta có tuổi thơ cho dù khổ cực, vất vả cũng là được gần bên cha bên mẹ nên người ta nhớ đã đành. Còn mình, nụ cười và niềm vui tuổi thơ là cái gì xa xỉ lắm, đầu tắt mặt tối, quần quật từ sáng chưa tỏ mặt người đến tối mịt mà mình cũng thương, cũng nhớ…

Nỗi nhớ như một nỗi đau, một nỗi ám ảnh khôn nguôi trong tâm hồn tưởng chừng không bao giờ xoá nhoà. Mọi chuyện như thể đang diễn ra ngay trước mắt chứ không phải ngày hôm qua, ngày hôm kia. Người đời hay bảo càng lớn tuổi thì người ta thường sống bằng ký ức, sống với ký ức, dẫu ký ức đó không có gì vui mà toàn là những buồn đau dù không phải mình cố lưu giữ để làm gì.

Nhưng nhớ chỉ là nhớ vậy thôi, bởi nó đã trở thành một phần máu thịt của cuộc đời mình. Nhất là nhờ những thương đau đó mà mình đã có được những bài học cay đắng và giá trị nhất để mình có thể thành người không sống hèn như ngày hôm nay. Và những bất công, những nghịch lý, những gì tôi đã phải hứng chịu đã trở thành một hướng đi trong nghệ thuật của tôi về sau nầy.

2. Tôi thương má, nhưng lại chịu ảnh hưởng nhiều ở ba do hai cha con được cùng làm một nghề và có cùng quan điểm sống. Tôi yêu cách sống phóng khoáng, lạc quan, không tơ hào một cây kim sợi chỉ của ai của ba. Tính cánh đó của ba ăn sâu vào cách sống của tôi. Kiến thức của ba rất rộng, ăn nói hoạt bát, có duyên thu hút rất nhiều người. Nhưng ba cũng rất chung thủy với má. Chính những lẽ đó khiến tôi rất tự hào về gia đình mình vì có được người cha người mẹ để lại niềm tự hào cho con cái.

Ba tôi theo kháng chiến biền biệt, từ thuở tôi mới lọt lòng đến lúc tất tả xuôi theo dòng đời, chưa bao giờ tôi được gặp mặt ba. Không biết ba là “cái gì”, tròn méo, xanh đỏ ra sao. Có lần, tụi con nít trong xóm í ới khoe nhau rằng “ba mua cho tao cái này, ba tao mua cho tao cái kia”. Tự ái của đứa con nít nổi lên. Tôi ức quá, vỗ ngực khoe: “Ba tao lớn  lắm mậy! Bằng tao vậy đó!”. Tụi nó cười một trận đã đời. Tôi lủi thủi về nhà nói lại với má. Má quay mặt, giấu nước mắt…

Năm tôi lên 14. Một ngày nọ, bỗng dưng tôi thấy chị Tư (dâu của người cậu bà con) ẵm cậu con trai 4 tuổi bước vào nhà. Đã lâu rồi không gặp chị và gia đình chị sống ở Ba Thu thuộc vùng đất của Campuchia. Linh tính mách bảo tôi về một điều bất thường gì đó nên bụng dạ tôi không yên, cứ thấy lòng nôn nao khó tả. Chị Tư cho hay ba về trên đó. Tối ấy, tôi nằm trằn trọc, vừa vui vừa lúng túng, cảm giác thật khó tả về những giây phút trọng đại nhất trong đời tôi. Tôi không hình dung được phút giây trùng phùng của gia đình tôi sẽ diễn ra như thế nào.

Suy nghĩ miên man nối tiếp trong những khoảng trống, không hình ảnh, không ký ức, không cả một âm thanh, giọng nói về ba thì gà gáy khuya. Hai má con lục tục dậy cùng với chị Tư đi sớm lên Ba Thu. Hết đi xe tới đi bộ. Tôi đã từng trải qua bao nhiêu khổ cực mà không hề than vãn. Nhưng cuộc lội bộ hôm đó đã cho tôi những ký ức không thể nào quên. Đi bộ suốt một ngày trời, nhá nhem thì tới nơi. Hai cái chân cứng như gỗ, cổ họng khát khô tới đắng nghét. Từ xa tôi thấy một người đàn ông to lớn đứng chờ ngay đầu ngõ mà tôi đoán chắc đó là ba tôi. Tôi khóc òa như một đứa trẻ thơ... Đó có lẽ là lần đầu tiên trong đời, tôi khóc vì mừng.

Nghệ sĩ Xuân Hương trong vở “Buồn ơi, chào mi”.

3. Ba tôi là đạo diễn sân khấu, tốt nghiệp tại Praha (Tiệp Khắc). Trong thâm tâm tôi biết ba tôi rất muốn tôi theo nghề vì lần đầu cha con gặp nhau, nghe tôi hát hò ba thích lắm, thậm chí còn có ý định bắt ra Bắc học hành đàng hoàng. Đận đó, tôi thương má, thương ngoại nên không đi.

Sau này hai ba con gặp lại, ba ướm hỏi: “Con có muốn theo nghề này không?”. Vừa nghe tôi nói “Dạ muốn!” Ba xệ cặp kính xuống: “Đâu con nhìn trong kiếng coi sắc đẹp con ra sao?! Muốn vô nghề này phải có tài, có sắc đẹp. Con nhìn cô Thanh Nga, cô Kim Cương đi! Còn con, năng khiếu không biết có hay không, lấy đâu nói tới tài. Thôi con làm nghề khác đi! Còn thích thì cứ làm nghiệp dư. Nếu như đến khi con 50, 60 tuổi mà người ta thấy con có tài, người ta vẫn mời con vô nghệ thuật. Bỗng dưng tôi thấy một chút bực mà cũng vừa buồn cười. Tự dưng ba hỏi chi rồi làm cho mình một “tăng” cho nản lòng.

Tôi yên tâm theo học ngành kỹ thuật âm thanh điện ảnh. Nghĩa là sử dụng máy móc để thu tiếng động, nhạc, tiếng nói... cho phim. Trời xui đất khiến mỗi lần có phong trào là tôi viết kịch, tự nhiên cái máu trào phúng có sẵn trong người dâng lên. Viết hết kịch bản này đến kịch bản khác, cái nào cũng phải có nhấn nhá cười cười mới chịu. Đã không biết gì hết, tôi còn đứng ra làm đạo diễn, rồi lên diễn luôn. Nó như một dấu hiệu báo trước sau này theo nghề tôi đảm đương luôn 3 việc trong cùng một lúc.

Điện ảnh với sân khấu cũng gần nhau, mấy chú đi họp gặp ba mới nói: “Anh cho con Hương qua bên anh đi, nó có khiếu lắm, để bên đây uổng!” Một lần ba nghe rồi thôi, hai lần, ba lần rồi nhiều lần khác, ba mới cho tôi thi vô trường sân khấu. 

Hôm thi, ba nói với hội đồng giám khảo: “Các chú, các anh phải truy nó cho dữ. Nếu được thì cho vô học, không thì đánh rớt. Để nó khỏi nói tôi ém tài nó”. Tôi biết ơn ba vì sự nghiêm khắc đúng đắn đó. Bởi nếu mình làm nghề gì không hợp, mình đã làm hư chính mình, hoài phí cuộc đời, thậm chí làm hại đến người khác, đến xã hội nữa.

4. Chính hoàn cảnh éo le, sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của những người quanh tôi được tôi phát hiện từ thuở nhỏ đã rèn cho tôi tính lạc quan, lúc nào cũng nhìn sự việc ở góc độ hài hước. Sau này đi học, tôi dần dần phát hiện khả năng trào phúng của mình nên đã thể hiện “sở trường” của mình qua từng tiết mục và từng vai diễn. Lâu dần tôi đã tạo được dấu ấn riêng cho mình trong con đường nghệ thuật. Thêm vào đó, 6 năm theo học ở Liên Xô, thú vị là ông giáo chủ nhiệm của tôi hồi đó cũng rất thích hài châm biếm. Và mũi nhọn của tạp kỹ cũng là hài châm biếm. Như cá gặp nước, tôi tha hồ vẫy vùng, phát huy khả năng tiềm ẩn.

Về nước, tôi tham gia nhóm Tuổi Trẻ Cười Sống, được diễn nhiều vai trong các tiết mục từ những câu chuyện của báo Tuổi Trẻ Cười. Nhờ đó tích lũy thêm kinh nghiệm. Năm 1988 tôi và anh Thanh Bạch được mời qua Tiệp Khắc dự Festival các trường nghệ thuật. Năm sau tôi sinh con rồi cũng bắt đầu từ đó chúng tôi đi diễn hằng đêm, chính thức bắt đầu con đường nghệ thuật của mình. 

Qua mỗi tiết mục, chúng tôi đều thể hiện được những điều mới lạ trong cách hình thành kịch bản, trong diễn xuất và nhất là đã nhìn thấy những điều mà công chúng đang quan tâm. Và “sự lạ lẫm” đó đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Tới lúc này, tôi mới nhận ra, mình đã hình thành được phong cách cho riêng mình. Lúc nầy tôi mới nhớ lại lời nói của Ba tôi thường dạy ngày xưa, rằng “Trong nghệ thuật, người nghệ sĩ phải tạo ra dấu ấn riêng qua tác phẩm của mình. Đó là phong cách riêng của mỗi người nghệ sĩ”.

Khổ nỗi, châm biếm thì đụng chạm tới nhiều người. Và đúng như những gì mà ngày xưa thầy chủ nhiệm bên Liên Xô thường nói, rằng “Nghề châm biếm là một nghề dành cho những ai dũng cảm. Nhưng đó cũng là một nghề dễ đụng chạm nên những ai theo nghề châm biếm thì phải coi chừng nồi cơm của mình”. Tôi không ngờ lời nói ngày xưa của thầy tôi đã là “điềm linh ứng” cho mình về sau nầy. Nhưng dẫu sao thì đó là con đường tôi đã chọn. Tôi thấy vui và tự hào về những gì mình đã làm. Và chương trình Những người thích đùa là một thành quả cho những gì tôi đã làm được.

Sau nhiều biến cố, tôi tạm xa sân khấu để tìm bình yên cho bản thân, cũng là để chống chọi với những mỏi mệt, những câu nệ hình thức, phù phiếm, những đổ vỡ niềm tin nơi con người.

Bây giờ tôi thấy bình yên khi được chơi với cây cảnh, với những món đồ tự mua cho mình. Có chua chát không khi tôi nói, hình như, gần cuối đời, tôi mới biết sống cho riêng mình. Ngày xưa tôi cứ nghĩ “sống cho người khác là niềm hạnh phúc”. Và tôi đã sống những năm tháng dài như vậy. Để lúc chua chát nhất, cay đắng nhất, mình mới nhận ra rằng, sống cho người khác không phải lúc nào cũng là điều tốt nhất…

Hoàng Linh Lan
.
.