Chuyện của diễn viên Lý Hùng

Thứ Ba, 29/01/2013, 11:00
Có thể, bây giờ làng giải trí đã khác so với cái thời diễn viên Lý Hùng còn làm mưa làm gió trong giới điện ảnh. Ngày tôi còn bé ở quê, mỗi khi Tết về, nhà nào cũng cố kiếm cho được một tờ lịch có hình của Lý Hùng đang tạo dáng bên xe moto, người đẹp… hay đơn giản chỉ có mỗi Lý Hùng.

Lý Hùng là một đẳng cấp rất khó tìm ra thêm một lần nữa. Anh nổi tiếng lâu, lâu đến mức cho đến lúc này anh… vẫn cứ nổi tiếng. Những bạn diễn cùng thời với Lý Hùng, còn sót mấy người đâu. Mà có sót, thì cũng chỉ phảng phất hào quang ngày cũ.

Và khi Lý Hùng trải lòng về những khúc ngoặt của đời mình, thì chính là lúc anh có thời gian để làm sống lại hồi ức về một miền tươi đẹp.

1. Tôi không còn nhớ rõ những ngọt bùi thời thơ ấu. Mỗi khi mường tượng lại, độc nhất, chỉ có tiếng đồng vọng từ võ đường thuở xa xưa dội về. Cha tôi là một võ sư có tiếng. Tiếng tăm của ông buộc tôi – đứa con trai út trong gia đình phải đổ mồ hôi trên sàn tập khi chỉ vừa thôi để chỏm.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên ba dắt tôi đến võ đường, bàn tay tôi nhỏ xíu nằm gọn trong lòng tay ba to dày, ba buông tay tôi ra và nói: “Khoảng sân này là một phần cuộc đời của ba và ba tin nó cũng trở thành máu thịt của con”. Lời ba nói, nhớ nhớ quên quên. Nhưng cái cảm giác vừa run sợ, vừa phấn khích lại vừa nôn nao như thể, kể từ đây vận mệnh của mình sẽ gắn chặt với nơi này luôn khắc sâu trong tôi suốt những năm tháng tuổi thơ và mãi cho đến bây giờ. 6 tuổi, tôi thấy mình “lớn lên” khá sớm.

Ba tôi trở thành diễn viên nổi tiếng, đi nước ngoài đóng phim nhưng cảnh nhà vẫn nghèo hiu hắt. Dậy từ thật sớm, tôi cùng anh trai Lý Sơn dẫn nước tắm cho bầy heo vốn là tài sản quý nhất của cả gia đình đến 6 người con. Mẹ nấu cơm ăn sáng, xong đâu đấy, mấy anh em dắt díu nhau đi học. Nhà có một chiếc xe đạp thôi, nên ai đi học xa thì được cưỡi, trường tôi gần nên cứ thế chạy bộ đến lớp.

Học về, cơm nước xong xuôi, nghỉ trưa một tí là phải lao vào võ đường tập luyện với ba. Luyện suốt từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối, rồi về lo học bài. Nửa đêm, tôi và anh trai Lý Sơn thay phiên nhau chở mẹ trên chiếc xe đạp rệu rã, len lỏi từng ngóc ngách của khu Chợ Lớn để bỏ mối bút bi. Tuổi thơ nhọc nhằn cứ thế dần trôi.

2. Rồi một ngày ba biểu: “Hùng thay bộ nào coi được được, rồi ba dắt lên phim trường chơi”. Tôi mừng như con sẻ non được mẹ mớm mồi, hai chân líu ríu bước bên ba mà mấy lần vấp té. Không hiểu sao tôi vui đến vậy, như tiềm thức mách bảo, rồi đây, nơi này mới chính thực là chốn cháy bỏng đam mê của cả đời mình, (hình như ý nghĩ của tôi hơi... sến).

Phim trường đang quay bộ phim Phượng của đạo diễn Lê Văn Quyên. Ông thấy tôi mặt mày kháu khỉnh liền vui miệng biểu ba cho tôi diễn một phân cảnh rất nhỏ. Đó là vai thằng bé bán báo, cầm ná thun, bắn viên đá vào mông một tên lính ngụy đang trấn áp sinh viên yêu nước. Tưởng gì chứ bắn ná thun là “nghề của chàng”.

Đạo diễn vừa dứt hiệu lệnh, tôi làm vẻ mặt vừa căm ghét vừa lém lỉnh, căng ná, bắn cái chóc, trúng phóc vào mông diễn viên Nguyễn Cung – vai tên lính ngụy. Đang còn chưa kịp mừng vì tài thiện xạ, đã thấy chú Nguyễn Cung đỏ mặt tía tai nhào đến tôi, rượt tôi chạy lòng vòng. Ra là tại tôi làm thiệt quá, khiến chú đau, chú giận, tới lúc đó mới biết mình gây nên họa. May mà đạo diễn Lê Văn Quyên đến hòa giải, sau, biết tôi là con của Lý Huỳnh, nên chú Nguyễn Cung cũng vui vẻ cho qua.

Nhờ cái phân cảnh nhỏ ấy, mà tôi được nhắm vào vai chính Dũng lì – thằng bé bụi đời trong phim Đàn chim và cơn bão của đạo diễn Cao Thụy. Nghe đóng phim thì thấy vui vui, chứ tôi đâu biết nghiệp diễn cũng cơ cực không kém gì luyện võ. Phim quay tại Đồng Nai, suốt 3 tháng trời tôi phải ăn ngủ, sinh hoạt trong trại giáo dưỡng trẻ bụi đời ở Long Thành. Một thằng nhóc 12 tuổi, xa gia đình và phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn chưa từng gặp, tôi không biết lúc ấy mình đã vượt qua bằng cách nào.

Phim được nhiều người đón nhận, thấy tôi có năng khiếu, gia đình hướng tôi theo nghiệp diễn. Tôi thi vào Trường Đại học Điện ảnh Việt Nam tại TP. HCM và đậu vào ngành diễn viên khóa 1. Con đường sự nghiệp của tôi có vẻ như rất suôn sẻ khi chỉ mới học năm thứ nhất, tôi đã trở nên nổi tiếng với vai chính Phạm Công trong phim Phạm Công – Cúc Hoa.

Sau đó là một loạt phim ăn khách như Người không mang họ, Truy nã tội phạm quốc tế, Thăng Long đệ nhất kiếm, v.v. Vì tôi toàn được đóng vai chính diện, dũng mãnh, hào hoa nên được các em học trò thời bấy giờ gọi là Bạch mã hoàng tử. Thời trẻ trai mà, được khen ai không thích. Nhưng nói thiệt, ra đường nghe người ta gọi vậy, vui thì cũng vui vui nhưng ngượng ngùng lại nhiều gấp bội.

Báo chí ưu ái gọi tôi là “bảo chứng phòng vé”, hình ảnh tôi cặp cùng các diễn viên nữ cũng đình đám không kém như Diễm Hương, Lý Hương, Y Phụng, Việt Trinh... phổ biến đến từng nhà dân. Tôi thấy mình đang ở đỉnh cao của danh vọng. Nhưng rồi...

Thập niên 90, các nhà làm phim nhận thấy điện ảnh như món mồi béo bở nên nhảy vào đầu tư rầm rộ. Những bộ phim được làm chóng vánh, hậu kì dễ dãi, mô típ sáo mòn liên tục được ra rạp khiến khán giả ngày càng chán ngán. Dòng phim vẫn được gọi là “mì ăn liền” tuột dốc không phanh. Như một nghịch cảnh, tôi đành ngậm ngùi rời xa sự nghiệp diễn xuất khi trong mình độ rực lửa đam mê đang bùng cháy hơn bao giờ hết.

3. Tôi buồn chán, trống rỗng, hụt hẫng. Như người đang vô tư đuổi hoa, bắt bướm bỗng hụt chân rớt xuống hố sâu. Tôi lao đầu vào luyện tập võ thuật. Tôi đắm chìm vào những đòn quyền, thế đá như để quên đi ánh hào quang quanh mình bỗng nhiên vụt tắt. Tôi tập như để trả thù bản thân, nhiều khi ngã vật ra vì kiệt lực.

Thấy tôi đang sai đường, một lần nữa, ba lại bước đến bên tôi. Trong võ đường vắng lặng, ba ngồi trang nghiêm, bệ vệ như một người thầy, hỏi: “Còn đam mê nghệ thuật không con? Còn muốn được vui buồn, khóc cười với khán giả không con?”. Mồ hôi rớt xuống miệng tôi mặn đắng, tôi khép mắt gật đầu. Ba cười, cười như kiểu: “Vậy là thằng này còn xài được”.

Có vậy thôi mà tôi vực mình dậy rồi đi học hát, nghe có ngớ ngẩn quá không. Học ngót nghét gần 2 năm, tôi ra nghề rồi đi diễn. Thuở ấy, nghe tôi đi hát, người ta gièm pha nhiều lắm. Nhưng tôi mỉm cười bước qua tất cả. Bởi, tôi không hát để chinh phục thứ danh vọng phù hoa.

Tôi hát, vì khán giả còn ái mộ một Lý Hùng đã lui vào quá vãng. Tôi hát, vì những đêm vùng núi Trà My, Quảng Nam mưa trắng xóa trời, khán giả đội tấm nylon rách bươm chờ Lý Hùng xuất hiện. Tôi hát cho cụ già yếu chân ở Trà Vinh, không thể đi xem được tôi diễn, đành nhờ con cháu lấy ghế chặn đường để mời tôi chén cháo, lót dạ buổi đêm khuya. Tôi hát cho em gái Sơn La, biết Lý Hùng kẹt giữa rừng liền băng núi đồi, gọi bà con đến giúp...

Bao nhiêu thâm tình của khán giả đã giúp tôi cháy hết mình trên sân khấu âm nhạc ròng rã 8 năm trời. Nhưng cứ mỗi đêm, giữa giấc ngủ chưa nồng, những Phạm Công chính trực, Trương Sỏi oai hùng, cậu bé Dũng lì bất hạnh,... cứ lần lượt chập chờn, xoay vòng trong những giấc mơ tôi. Tôi nhớ phim trường, nhớ vai diễn, nhớ một cái gì đó rất khó gọi tên...

4. Nói như vậy, không phải là tôi không có phim để diễn. Nhiều đạo điễn vẫn ưu ái cho gọi tôi, nhưng như có một bức tường vô hình khiến tôi không dám bước qua cái ranh giới mong manh đó để trở về với nghiệp diễn, dù là xao xác nhớ, dù là âm ỉ khát khao. Giống như tôi đang hài lòng với cuộc sống hiện tại, và không còn sức để đổi thay. Nhưng thật sự không gì là quá muộn...

Lần ấy, tôi đang lưu diễn tại Pleiku. Đêm phố núi mờ sương, tôi tràn trề hưng phấn sau một đêm được khán giả tán thưởng cuồng nhiệt. Đang lui cui dọn đồ về khách sạn thì có số điện thoại lạ gọi đến, đó là đạo diễn Cảnh Đôn. Anh hồ hởi bảo tôi: “Hùng ơi, có vai này hay lắm”. Như một phản xạ lặp đi, lặp lại trong 8 năm ròng đi hát, tôi trả lời như một cái máy: “Anh Đôn ơi, em nghỉ một thời gian”.

Vị đạo điễn vẫn tự tin chắc nịch trong từng câu nói: “Vậy để mình gửi email kịch bản, đọc xong rồi tính”. Kịch bản đúng là lời chiêu dụ đầy thuyết phục. Tôi đắm chìm, tư tưởng tự hóa thân vào nhân vật Đại úy Nguyễn Trực mà tôi được giao trong kịch bản phim Đô la trắng. Nhìn lại mình, tôi giờ đã cận kề cái ngưỡng tứ tuần, tôi có bụng và nặng đến 82 kí. Nguyễn Trực dũng mãnh hào hoa, Nguyễn Trực trẻ trung phong nhã. Không. Tôi không thể phá hủy hình ảnh đó được. Thức tròn một đêm tôi gật đầu với anh Cảnh Đôn.

Còn chưa đầy 1 tháng nữa phim bấm máy, tôi lao đầu vào luyện tập ép cân. Những hôm tôi mồ hôi mướt người, môi tái nhợt, rệu rã trở về nhà bỗng thấy mẹ len lén chấm nước mắt vì thương con, ba chậm rãi hớp ngụm nước trà mà đôi mày thoáng cau lại. Tôi biết ba mẹ đang vô cùng lo lắng cho mình. Bản thân tôi cũng vậy, tôi lo lắng vì đây là bộ phim đầu tiên tôi trở lại với công chúng sau 8 năm vắng bóng. Tôi hồi hộp vì một nỗi khát khao mơ hồ như cái bóng luôn quẩn quanh tôi trong suốt 8 năm qua. Tôi sút liền 7 cân trong vòng hơn nửa tháng. Đến phim trường, tôi tiếp tục giảm thêm vài kí nữa để có một ngoại hình cân xứng với nhân vật trên phim.

Sự trở lại của tôi được khán giả đón nhận, tôi vỡ òa hạnh phúc. Nếp nhăn giãn ra trên trán ba, nụ cười trở về trên khuôn mặt mẹ. Điều này, dân trong nghề hay gọi là “nghiệp đãi”. Mà có lẽ, đời tôi nghiệp đãi là thật

Hồ Ngọc Giàu
.
.