Câu chuyện thứ 38

Chuyện của diễn viên Kim Khánh

Thứ Tư, 23/07/2014, 08:00

Nhiều người bảo giải thưởng Á khôi cuộc thi “Khỏe-Đẹp-Thời trang” mở cho tôi cánh cửa vào nghệ thuật. Song thật ra, nó chỉ là cột mốc giúp tôi được khán giả biết đến nhiều hơn thôi. Tôi đóng phim trước khi đoạt giải thưởng đó vài tháng. 

1. Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Mảnh đất này tuy thân thuộc nhưng tôi vẫn cảm thấy nó mới mẻ và luôn khao khát khám phá từng ngày. Tôi thường mặc quần jeans, áo thun, đi giày bata, đội chiếc nón lưỡi trai để lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn. Tôi yêu nhịp sống nơi đây. Cái nhịp sống tưởng chừng như lúc nào cũng tất bật, cuốn, xoáy con người ta theo những vòng xe mà thật ra lại thong thả đến mức bất ngờ. Như ánh chiều trôi chầm chậm trên con sông Sài Gòn giăng mắc những ghe, xuồng thương hồ. Như hàng cây đứng gió mùa tháng 5 vẫn thản nhiên thả những bông hoa dầu xíu xiu xuống mặt đường. Như những đôi bạn, những đôi tình nhân tíu tít hoặc lặng im ngồi bên nhau giữa công viên thành phố. Song có lẽ đúng hơn khi nói, có một Sài Gòn tĩnh lặng trong một Sài Gòn ồn ã, bộn bề. Tôi đặc biệt thích ngồi một góc đằng sau Nhà hát Lớn hoặc bưu điện thành phố ngắm nhìn các bạn trẻ ngồi ăn uống, “tò mò” nghe những câu chuyện của họ. Đơn giản, đó chỉ là một sở thích, một thú vui thôi. Một thú vui khó tìm được người đồng hành và cũng ít ai ngờ đó là cách sống của tôi. Nó cho tôi nhiều năng lượng khi trở về nhà.

Nhiều người nói tính tôi giống tính ba. Thích tự do, phóng khoáng nhưng cũng rất nghiêm túc và hay thử thách chính mình. Thì ba là người ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của tôi nhiều nhất mà. Ba ít nói nhưng cách quan tâm của ba đến gia đình, con cái vô cùng đặc biệt. Lúc nào cũng âm thầm dõi theo, ân cần động viên và ủng hộ mấy chị em tôi. Còn má tôi là người tỉ mẩn, khéo tay và thương con hết mực. Ba tôi mê đọc sách lắm nên trong nhà lúc nào cũng có đủ loại sách. Từ truyện kiếm hiệp, binh thư cho đến sách dạy làm người, sách lịch sử, khoa học,… vớ được là tôi đọc nhẵn. Mặc dầu một con bé mới bảy, tám tuổi đầu như tôi có hiểu gì đâu. Dần dần trở thành thói quen, tôi đắm chìm hàng giờ bên tủ sách của ba. Sách càng khó nuốt tôi lại càng phải đọc. Với tôi, sách không hẳn chỉ để giải trí mà còn là nguồn vui, mang đến nhiều sắc màu cho cuộc sống của tôi. Sau ba má tôi thì sách là người bạn đường chân thành và đáng tin cậy, giúp tôi nên người.

Thời thiếu nữ, tôi hay đọc Quỳnh Dao, lại mê những cảnh lãng mạn kiểu leo lên cây đọc sách, leo nóc nhà ngắm diều và mơ hoàng tử. Tôi cũng bắt chước những quyển sách Tự lực văn đoàn lấy nhang làm má hồng, vò nát cánh hoa hồng tô môi thắm. Nhớ lại thấy mắc cười ghê. Mà thiệt ra, nhờ sách nên tôi coi tiền bạc như phù du vậy. Người nào, việc gì cảm thấy thích, tôi mới quen, mới làm chứ chẳng đặt nặng chuyện giàu có hay không. Hồi đó, có anh chàng gia đình thiệt giàu thích tôi lắm, tới tận nhà gặp ba má xin làm quen tôi cho kỳ được nhưng tôi không có chịu. Ảnh tặng quà tôi cũng không nhận. Không phải tôi làm cao, tại tôi nghĩ mình không thương người ta, đừng gieo hy vọng, tội nghiệp. Giờ ảnh là bạn rất thân với tôi. Lâu lâu ảnh nhắc chuyện xưa, nói: “Hồi trẻ tụi mình hổng có duyên hay bây giờ mình thử yêu nhau đi?”. Tôi cười đáp: “Mắc cười quá, hồi trẻ anh đẹp trai gần chết không yêu, giờ yêu chi?”. Ảnh nghe chắc cũng buồn nhưng biết sao được. Thâm tâm tôi quý ảnh như anh trai mình vậy, sao yêu được?

2. Nhiều người bảo giải thưởng Á khôi cuộc thi “Khỏe-Đẹp-Thời trang” mở cho tôi cánh cửa vào nghệ thuật. Song thật ra, nó chỉ là cột mốc giúp tôi được khán giả biết đến nhiều hơn thôi. Tôi đóng phim trước khi đoạt giải thưởng đó vài tháng. Lớn lên trong cảnh nhà sa sút, gia đình lại đông anh em nên bản thân tôi luôn tự dặn mình phải cố gắng làm nhiều việc để sớt bớt nỗi lo cho ba má. Tôi học thể thao rồi ra làm huấn luyện viên erobic, làm người mẫu, đi múa minh họa cho các ca sĩ. Một bữa nghe tin đạo diễn Châu Huế đang tuyển diễn viên phim nhựa Người hát rong, thấy thích thích, tôi với mấy cô bạn rủ đi thử cho vui. Ai dè, tôi trúng vai thiệt (nhân vật phản diện, tên Trầm – NV). Tôi vừa vui vừa run vì được diễn cùng những diễn viên nổi tiếng như chị Thu Hà, anh Trần Lực. Lúc phim ra rạp, tôi hào hứng rủ một người bạn đi xem. Đến đoạn Trầm nhục mạ chồng, bỗng một khán giả trong rạp la lên: “Phải con nhỏ đó mà ở đây là tôi tát vô mặt nó rồi”. Nghe hết hồn! Canh lúc phim gần hết, tôi rón rén kéo bạn về trước cho chắc ăn.

Tôi yêu ca hát từ nhỏ và lúc đó vừa là Á khôi, vừa là diễn viên điện ảnh, mỗi lần giao lưu khán giả thường yêu cầu tôi hát. Vậy là tôi đi hát luôn. Hồi đó ở Sài Gòn, một buổi tối chạy 8, 9 show, vừa vũ trường vừa sân khấu, chưa kể những chuyến ra Bắc giao lưu biểu diễn với Lý Hùng, Diễm Hương… Thời điểm đó ba tôi đang bị ung thư, mỗi bận đi show về có tiền đưa cho má, tôi vui lắm. Ngày ba tôi mất cũng là lúc công việc của tôi thăng hoa rực rỡ. Hôm tôi chụp ảnh lịch, bộ hình mà Tết năm đó bán rất chạy với nụ cười đẹp nhất của tôi, ba tôi đang hấp hối. Không ai trách tôi nhưng tôi luôn tự trách mình, tại sao tôi lại tươi cười hớn hở lúc ba đối diện với cái chết? Suốt 2 năm sau sự ra đi của ba, tôi không bao giờ dám nghe bản “Sillk road” ba từng nghe. Khi nhận ra tự mình trói buộc ý nghĩ của mình, tôi tua đi tua lại bài hát đó hàng trăm lần. Vừa nghe vừa khóc. Đối diện với chính mình và nỗi ám ảnh bấy nay, để sống tốt với những gì ba tôi tin tưởng và kỳ vọng.

Người ta thường hỏi tôi, làm nghệ thuật, mất gì và được gì? Thì cũng có lúc này lúc khác, bị người này ghen người kia ghét, cả hãm hại nhưng tôi vẫn thấy mình may mắn vô cùng. Tôi được sống với nghề, được làm nghề nghiêm túc, chỉnh chu và học được tính kỷ luật ngay từ vai diễn đầu tay. Như tôi đã nói, tôi hơi bản năng và không quá đặt nặng chuyện tiền nong nên tôi chỉ nhận những vai tôi thật sự thích. Và đã thích thì sẽ làm đến tận cùng. Tôi đóng nhiều phim nhưng vai diễn tôi thích nhất có lẽ là Thảo Linh trong Lưới trời. Không phải vì phim được đề cử tham gia LHP Quốc tế Fukuoka (Nhật Bản) hay được giải Mai vàng cho vai nữ chính năm 2003, mà vì nó gắn liền với tình yêu của ba má tôi. Thứ tình yêu của sự ngưỡng mộ mà má luôn dành cho ba. Ngày gia đình còn khá giả, nhà tôi có tới hai người giúp việc nhưng mỗi lần ba đi xa về, má vẫn tự tay pha nước ấm rửa chân cho ba. Tay vừa tháo giày vừa lột vớ vừa nhăn mặt, miệng càm ràm... nhưng tôi biết má yêu ba mãnh liệt.

Và tôi cũng từng ước, sau này mình có một tình yêu đẹp vậy để tôn thờ…

3. Nhiều người thấy tôi đóng phim, làm người mẫu chụp hình bốc lửa rồi nghĩ tôi dễ dãi, yêu nhanh, quen nhanh. Nhưng thật ra, tôi là người trầm tính. Trong tình yêu, tôi rất khó tính và cổ điển, không thích thay đổi. Ở cái tuổi môi còn thắm, má còn hồng, nhiều mơ mộng, tôi cứ nghĩ nếu mình yêu ai đó, nhất định mình sẽ lấy người đó làm chồng. Yêu thương mà, ai không mong tình đầu là tình cuối. Nhưng… đâu phải cứ muốn là được. Mối tình đầu của tôi đổ vỡ chỉ vài tháng trước khi cưới và sau 9 năm yêu nhau. Đớn đau hơn, cay đắng hơn khi biết người con gái đó lại là bạn thân của mình… Suốt sáu tháng trời, tôi nhốt mình trong nhà, bỏ bê ăn uống. Cứ mở mắt nhìn lên trần nhà và khóc. Khóc đến tê dại, tưởng như thân thể chực chờ tan ra thành nước mắt. Tôi thấy cuộc sống lúc ấy sao mà bế tắc quá, khắc nghiệt với mình quá.

Mà thôi, chuyện cũng qua lâu rồi. Nhắc lại làm gì. Tôi tin vào số phận. Cuộc sống này vẫn màu nhiệm lắm. Dù có chuyện gì xảy đi chăng nữa thì bên trong mỗi người chúng ta luôn tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt. Khi người ta đi đến tận cùng của nỗi buồn, của khổ đau, bội bạc, người ta sẽ vỡ lẽ ra rằng, càng trốn chạy, nỗi buồn càng ám ảnh, đọng mãi trong lòng. Phải bước ra để thấy nhịp sống vẫn hối hả, hoa vẫn tỏa hương, cây vẫn xanh, chim vẫn líu lo ca hát. Cuộc đời mỗi người đều có những khúc quanh mà mình chẳng thể nào mình lường trước được. Hãy cứ sống, cứ yêu, cứ khát khao và cứ dại khờ. Vì cuộc sống thú vị lắm.

Tôi vẫn chưa kết hôn không phải vì tiêu chuẩn nào hết. Nhưng tôi thấy đàn ông hay gia trưởng và dễ đổi thay. Với lại, cuộc sống hôn nhân của những người tôi quen khiến tôi không còn tin vào hôn nhân nữa. Tôi không thích lấy chồng, lấy vợ cho có để rồi bí mật với cuộc tình khác. Dù vậy tôi vẫn mơ một đám cưới đẹp như cổ tích, vẫn mơ một ngày tìm được người đàn ông để rửa chân như má rửa chân ba hồi xưa. Nhưng... ước mơ đó cứ mờ dần mờ dần. Mất mát, thất vọng hay bị bội phản, tôi nếm đủ rồi. Với tôi bây giờ mọi thứ là tùy duyên. Tôi nghĩ không có gì vĩnh cửu và tình yêu cũng không ngoại lệ. Làm gì có chuyện “Yêu mãi ngàn năm dòng tóc em buồn” như nhạc sĩ họ Trịnh đã thi vị hoá. Mọi thứ chỉ là tương đối thôi. Nghĩ vậy để thấy lòng nhẹ nhàng hơn, để biết quý trọng những gì mình đang có. Cái gì đến được rồi cũng sẽ ra đi như lẽ thường tình. Cứ sống và yêu trọn vẹn, không phải sợ hãi mất gì hết, mà được niềm vui cho chính mình.

Cuộc sống này, quan trọng nhất không phải là niềm vui sao?

Hoàng Dung
.
.