Chuyện của diễn viên Kim Huyền

Chủ Nhật, 13/09/2015, 12:10
Kim Huyền dồn nén như những cơn mưa hè chực vỡ, như đám mây xám xịt vần vũ trên bầu trời muốn đổ ập xuống lại nặng nề bay đi. Nếu hôm đó, quán café vắng hơn, có lẽ những vỡ nát đang quẫy đạp trong lòng người đàn bà chớm tuổi 40 có đôi mắt buồn như sương như khói ấy đã bung tỏa. Những-vỡ-nát, bằng một cách nào đó cắn xé, buộc Kim Huyền phải chịu đựng, phải bất cần, phải bộc lộ như lớp vỏ cây lâu năm, thô ráp, xù xì để che giấu tâm hồn mỏng mảnh như lá thu và đầy mâu thuẫn.

1. Những cơn mưa, bao giờ cũng gợn lên trong tôi đám ký ức lộn xộn và buồn bã. Những cơn mưa khiến tôi chỉ muốn chạy thật nhanh về nhà, sà vào lòng mẹ nghe hơi thở ấm áp tỏa ra từ chiếc áo bạc thếch mùi năm tháng. Những cơn mưa khiến mẹ chạy thốc tháo với mớ rau cũ dạt oằn vai. Quang gánh mẹ nghèo, không có tiền lấy đồ ngon nên bữa nào mẹ cũng dậy thiệt sớm, quảy bộ ra chợ đầu mối. Đợi bạn hàng lựa xong, đồ bầm dập người ta gạt lại, mẹ mua rồi ngồi nhặt cẩn thận phần hư, úng, dập. Khách hàng của mẹ là những phận người chắt chiu ngày hai bữa cơm. Những cơn mưa rèn cho chị em tôi tỉnh ngủ. Đang đêm nghe tiếng mưa ồ ồ là mắt ráo hoảnh, quơ cái cặp đi học ôm khư khư, lấy người che sách vở. Mẹ kéo đầu này đầu kia tấm nilon chằng níu che một chỗ khô cho chị em tôi nằm mà không được. Ba mẹ con ngồi thu lu trên giường, mặc mưa hể hả.

Mẹ sinh tôi cũng vào một đêm mưa. Bác sĩ cho hay tôi bị viêm màng não. Ba chết đứng tại chỗ, mẹ níu vai ba khóc ngất. Đồ đạc giá trị trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Kể, ông trời nhiều khi chơi ác, thử sức chịu đựng của mẹ tôi quá! Một chiều mưa gió tơi bời, ba tôi đột ngột qua đời, không kịp trối trăn, không kịp để đứa con gái út nhớ mặt. Mẹ tôi cạn nước mắt, níu bóng mình đứng dậy. Nhắm cái gì trong nhà người ta mua được là mẹ đem bán hết. Mấy bộ quần áo đẹp nhất của mình, mẹ cũng đem đổi hy vọng cho tôi.

Tôi qua được cơn hiểm nghèo, mẹ vừa khấp khởi, vừa thắc thỏm: “Không biết sau này lớn, nó có được bình thường như người ta không?”. Người ta bày thôi đừng kêu tên thật, diêm vương bắt đi mất. Kêu bằng tên kỵ, biết đâu nó được Trời Phật che chở. Cái tên Bé Ngu được mẹ gọi trìu mến, thương yêu, khẩn cầu đứa con tong teo, bé choắt như hột mít lớn lên không bị ngờ nghệch, ngớ ngẩn. 

Trời thương, cho cái hột mít tính lanh lẹ. Học tới đâu biết tới đó. Mẫu giáo đã thuộc làu cuốn Truyện Kiều bà ngoại hay đọc cho nghe. Lớn thêm tí tuổi đã biết phụ mẹ phụ chị chăm heo, gánh nước, nấu cơm, băm bèo. Có lần, mẹ đi làm, chị Hai đi học, con lợn nghe mùi cám heo đang nấu, bụng réo ục ục, phóng vèo qua cổng chuồng tạm bợ, tót một mạch vô xóm. Cái hột mít vừa chạy theo vừa khóc, té lên té xuống, kêu heo ơi, heo ơi. Bác hàng xóm đang dở tay, dòm ra thấy, bèn gọi thêm mấy người nữa phụ bắt con lợn chứng!

2. Lo cái hột mít sức khỏe yếu nên học hết cấp 3, mẹ nó tính cho nó thi một cái nghề nào đó vừa sức, làm giáo viên như chị Hai nó chẳng hạn. Rồi lấy chồng, sanh con là hết đời người. Dè đâu, nó nói muốn làm diễn viên, mẹ nó chưng hửng, cái nghề gì lạ đời! Thi thoảng, mẹ nó coi tivi, thấy mấy người đi lại trên đó, ai cũng trắng trẻo, đẹp đẽ, còn nó vừa lùn, vừa đen nhẻm thế này, ai mà nhận! 

Kể cũng ngộ, không biết sao tôi mê cái nghề này dữ thần dù hồi đó chẳng biết diễn xuất là như thế nào. Chắc kiếp trước tôi cũng là đào, là kép gì đây, kiếp này còn nặng nợ nên Tổ cho theo nghề tiếp. Mà do kiếp trước đẹp rồi, đóng chánh rồi nên kiếp này phải nhường phần đó cho người ta.

Tôi thường nói với bạn bè, đời tôi không tự tin khi làm bất cứ điều gì, trừ lúc tôi bước lên sàn diễn. Ngày bước chân vô trường, thứ cảm giác ấy tràn lên mãnh liệt, rằng tôi thuộc về nơi này, sân khấu mới là nhà của tôi dẫu ngoại hình tôi bị nhiều người nghi ngại, giễu cợt. 

Năm đầu tiên, tôi thi rớt. Quyết thực hiện cho kỳ được ước mơ, tôi ở lại Sài Gòn học may rồi ra nghề, chờ năm sau thi lại. Lần thứ hai rớt tiếp, tôi buồn quá, cắt phăng mái tóc dài tha thướt, nâng niu từ nhỏ. May sao, năm đó trường tuyển thêm thí sinh hệ B do thầy Công Ninh phụ trách, mấy đứa “bèo dạt mây trôi” như tôi thi đậu, mừng hơn trúng số.

Khóa học kéo dài được quá nửa thì trường quyết dẹp lớp hệ B. Tôi đọc đi đọc lại thông báo cả chục lần, vẫn không tin vào mắt mình. Giá hôm đó trời mưa hay nổi gió để tôi có lý do đổ thừa mắt ướt. Đằng này, trời vẫn đẹp, người và xe vẫn nối đuôi nhau nhộn nhịp, sao lòng tôi như có cơn bão nặng nề vừa kéo qua quăng quật, tàn phá hết tất cả. Tôi thất thểu đi như tàu mất phương hướng trên biển. Mây tan thì hửng nắng hay bởi năng lượng của tuổi trẻ đủ sức chữa lành mọi vết thương? Niềm tin trong tôi thôi thúc, rằng, tôi sẽ làm được, chỉ cần tôi không ngừng cố gắng. Tôi lại lò dò tới trường, nghe ngóng, xem các anh chị tập. 

Chị Mỹ Uyên, anh Hữu Châu thương cái hột mít nhiệt tình, mê nghề nên kêu về nhà ở, đi diễn thì dắt theo, giới thiệu chỗ này chỗ kia. Sự lì lợm và tự tin của tôi còn được thầy Công Ninh, anh Thành Hội cảm động và tạo điều kiện. Tôi không ngại mình nhỏ bé, xấu xí, hễ có cơ hội nào được đứng sân khấu là tôi nắm lấy. Ai kêu gì cũng đóng, vai phụ, vai dàn bao, ai chê đều có cái hột mít sẵn sàng. Bi hài, khóc lóc, gây cười, kiểu nào nó cũng chẳng nề hà xấu xí, gian khổ. Nhờ chịu khó tìm tòi, diễn vai sau không lặp lại vai trước, tôi trụ được với nghề và bắt đầu được khán giả nhớ mặt biết tên khi về sân khấu kịch Phú Nhuận - ngôi nhà thứ hai của tôi bây giờ.

Phải chi cuộc đời mình được bình yên, che chở hoài vậy! Ai cũng cần phải va đập để trưởng thành. Song có những va đập tôi thầm ước nó chưa bao giờ xảy ra. Có những ngày ngồi tới đâu nước mắt rớt tới đó. Suy sụp tới mức không bò dậy được. Nỗi buồn không cất thành lời, chẳng vang thành tiếng, trĩu nặng vác mình đi trốn, bỏ mặc mình chìm sâu trong đó, chẳng buồn ngóc đầu lên. Bao quanh mình là nước mắt. Có những lúc bừng tỉnh, ý thức mình cần phải bước ra, thẫn thờ ngồi góc quán quen. Nỗi buồn như khói lên cao, vô hình, không tụ cũng không tan. Đôi khi, niềm tin vào lòng người đổ vỡ, lửa nghề nguội lạnh, áp lực từ đời sống áo cơm ập tới cùng một lúc, chống chọi không nổi, tôi có ý nghĩ đi đâu đó thật xa, nơi không ai có thể tìm thấy mình, như thể mình chưa từng hiện hữu trong cuộc sống này…

Tôi xách ba lô lên đi thật. Tự nghĩ, ai bảo những đứa hay rong ruổi là những đứa phơi phới, không biết buồn? Chính những chuyến đi đó giúp tôi tìm được cân bằng cho tâm hồn mình. Có lẽ tại số tôi đa đoan, sinh nhằm ngày trời mưa nổi nước. Mẹ biết tôi buồn nhiều dẫu tôi lúc nào cũng tỏ ra lạnh lùng, dửng dưng nên mỗi lần tôi về, mẹ thường vuốt tóc tôi, mắt rơm rớm xa xót: “Tại hồi xưa mẹ nghèo quá nên con gái gánh nước, nuôi heo, cực riết không được cao ráo như người ta!”.

Kim Huyền trong vai Duyên - vở Người đàn bà uống rượu.

3. Thành phố cũng như tôi, ngày đêm vẫn miệt mài dù mưa hay nắng. Vẫn phải tự nuôi lấy mình, vẫn phải tự ủi an, ru lòng qua những cơn mưa tầm tã. Có lần, tôi đi quay ở tỉnh chạy về cho kịp giờ diễn ở sân khấu. Mưa xối xả, định tấp vô đâu đó trú đỡ mà ngó đồng hồ, liệu không kịp giờ diễn, đành chạy luôn! Người tôi ướt như chuột, hai tay rút lại. Đường mênh mông nước là nước. Chạy sát lề đường chẳng khác nào lội chỗ trũng, không khéo cả người cả xe bị nước cuốn trôi mất. Chạy lên vỉa hè thì sợ sụt cống vì trời mưa người ta hay mở nắp hố ga cho nước rút nhanh. Vậy là, tôi chạy ra giữa đường, đi vào làn xe ôtô. 

Mưa càng ngày càng lớn, mỗi lần ôtô chạy qua là bao nhiêu nước dưới đường hắt hết lên người. Tôi vốn thấp nên phải há miệng ra thở, nước bay luôn vào cổ họng. Tôi không biết hôm đó bao nhiêu nước mắt hòa lẫn nước mưa. Tôi thấy thương thân mình. Tôi thấy sao mình bất lực, nhỏ bé và cô đơn đến như vậy. 

Hôm đó, tôi diễn hài, vẽ râu ria xong mà tâm trạng còn nhấp nhỏm trên con đường mù mưa. Tôi động viên mình bằng hình chụp tự sướng, viết vài câu sến sến trên facebook. Bạn bè động viên: “Ráng lên, đừng buồn nữa Huyền nha!” Nghĩ, mình viết vui vậy mà sao ai đọc cũng buồn? Như cái miệng tôi, ai cũng bảo hễ cười là tươi roi rói mà đôi mắt thì cứ vời vợi. Hay tại màu buồn đã nhuộm tím lòng mình, tan tác những chiều mưa?

Anh em, bạn bè vẫn nhắc chừng, cũng phải tính chuyện chồng con, tuổi này rồi… Biết là làm sao được, khi tính cách mỗi người thành hình sau những biến động. Chẳng ai muốn đời sống lặng yên đến nhợt nhạt song những giấc mơ dở dang khiến người ta dè chừng, sợ sệt. Ba mươi mấy tuổi, tôi mới say đắm một người. Người ta cũng yêu tôi, thậm chí còn thương tôi hơn bản thân họ. 2 năm cho một mối tình, đôi khi ngẫm lại thấy mọi thứ mong manh, mờ ảo quá. Tôi sợ tình yêu không đủ lớn để đi qua giông bão. Tôi sợ những đổ vỡ, rạn nứt mà bạn bè tôi đang trải. Tôi sợ người ta đau buồn trước những lần dậy sóng trong lòng tôi. Tôi sợ nước mắt lẻ loi, không người vỗ về, ủi an của những đứa trẻ. 

Có giấc mơ nào đơm hoa khi nỗi sợ thường trực? Tôi tin, vẫn có những trái tim đủ lớn của những người đàn ông để chở che, xoa dịu nỗi đau trong lòng người phụ nữ. Chỉ là, tôi không muốn nhìn thấy những nét mệt mỏi hằn lên đôi mắt người tôi yêu. Người tử tế luôn xứng đáng có được hạnh phúc. Hà cớ gì để họ phải dằn xé theo mình? Tôi khép lòng như người ta chặn hết mọi cánh cửa, sợ gió lạnh của những cơn mưa ngoài kia len vào…

Những cơn mưa, hơn bao giờ hết khiến tôi ù chạy về nhà, sà vào lòng mẹ, nghe hơi thở ấm áp tỏa ra từ chiếc áo nâu thơm mùi nắng. Những cơn mưa Sài Gòn ào ào mà trống trải. Chỉ còn tôi và con phố ngập nước tựa nương vào nhau. Vẫn phải mưu sinh, vẫn phải tự ủi an…

Hoàng Linh Lan
.
.