Câu chuyện thứ 28:

Chuyện của diễn viên - đạo diễn Mai Dũng

Thứ Năm, 28/11/2013, 14:25

Không biết có phải vì mê võ thuật mà tôi nghiền phim Hồng Công rồi đâm ra mê điện ảnh luôn? Tôi khoái coi phim tới mức hễ rạp chiếu là tôi canh me ở cổng, coi có người lớn nào đi một mình là tôi ba chân bốn cẳng chạy lại nắm tay đi ké vào.

1. Tuổi thơ tôi là những ngày rong ruổi, bôn ba theo những chuyến hàng bán chén dĩa kiểu của má, khi thì Bồng Sơn, Quy Nhơn, ít bữa lại vô Sài Gòn rồi ra tận Nha Trang. Má tôi đi như con thoi, sợ mấy anh em tôi không ai trông nom nên đi tới đâu, má đều cố kiếm nhà người quen gởi tới ấy rồi lại tất bật bán buôn. Ba tôi tham gia cách mạng, ít khi về nhà, thành ra, chỉ có mấy anh em tự trông nhau mà lớn. Có lẽ, do là dân Bình Định nên tôi mê võ từ hồi nhỏ xíu rồi theo học được vài chiêu, lấy đó làm oách lắm.

Cũng nhờ vài thế võ “lượn rồng lượn rắn” ấy mà khi vào Sài Gòn, tôi múa may quay cuồng khiến bọn con nít trong xóm “lác mắt”. Tôi hay đầu têu nghịch ngợm, khoái nhất là mấy trò đánh nhau như trong phim Hồng Công, đứa nào thua phải chui qua chân đứa khác. Tụi nó thua miết, uất quá, mét với anh tôi. Mấy lần vậy, anh tôi đều quất cho một trận nhừ tử. Từ nhỏ tới lớn, tôi chưa bị ba má đánh lần nào, chỉ toàn bị anh đánh đòn thôi, vì anh tôi nghiêm khắc lắm. Giờ nhớ lại, tôi thấy biết ơn những trận đòn đó, bởi nhờ nó mà tôi nên người.

Không biết có phải vì mê võ thuật mà tôi nghiền phim Hồng Công rồi đâm ra mê điện ảnh luôn? Tôi khoái coi phim tới mức hễ rạp chiếu là tôi canh me ở cổng, coi có người lớn nào đi một mình là tôi ba chân bốn cẳng chạy lại nắm tay đi ké vào. Mấy lần đầu trót lọt, nhưng dần dần, bảo vệ biết mặt, hễ thấy tôi là dí chạy có cờ! Nhưng tôi đâu có sợ. Bị phát hiện, tôi lánh đi xa xa chút rồi lại canh lúc họ không để ý, tôi lén nắm đại tay ai đó đặng chui vô rạp.

Hồi đó tôi mới chừng 4, 5 tuổi, coi phim đâu có hiểu cái gì, chỉ thấy mấy màn đánh võ đùng đùng là thích thôi. Nhiều phim coi đi coi lại tới 5, 6 lần vẫn không thấy chán. Cái máu “lì” đó hình như ăn sâu đến sau này tôi học ở Trường Sân khấu – Điện ảnh. Mỗi lần có đoàn kịch từ Hà Nội vào, không có tiền mua vé, tôi với mấy đứa bạn quyết chầu chực ở ngoài, năn nỉ ỉ ôi; riết, bác bảo vệ lắc đầu: “Thôi vô đi mấy cha!”.

2. Ngày còn đi học, tôi là một cây văn nghệ xông xáo của trường. Chỉ cần hô viết kịch, diễn kịch là có mặt tôi. Mà, mê vậy thôi chứ tôi đâu có nghĩ mình sẽ trở thành diễn viên gì đâu. Học xong 12, tôi đăng kí thi vào khoa Tài chính kế toán, nhưng rớt. Để bớt buồn, tôi xin vào làm cảnh vệ ở sân bay. Đâu chừng năm mấy thì tôi nghe Trường Sân khấu – Điện ảnh tuyển diễn viên. Được mọi người động viên, thế là tôi liều một phen đăng ký thử, ai dè trúng tuyển. Thời điểm ấy, như nhiều gia đình khác, nhà tôi cái ở đã khó, cái ăn còn khó hơn.

Gia đình Đạo diễn Mai Dũng trong một chuyến du lịch.

Để ba má đỡ nặng gánh, tôi xin vào trọ trong ký túc xá của trường. Cùng học với tôi có Huỳnh Phúc Điền, Lê Viễn, Phước Sang,... Điền vẽ đẹp lắm. Tôi nhớ có lần, mấy anh em thèm thịt quá, Điền lấy phấn vẽ mấy cái đùi gà to tổ chảng trên nền nhà, anh em cứ thế mà thả hồn tưởng tượng nuốt dĩa cơm chang nước mắm pha. Tụi tôi đương sức trai, một dĩa cơm như muối bỏ biển, ăn rồi mà vẫn thấy đói deo đói dắt…

Nói vậy chứ, bữa nào ăn được mỗi đứa một dĩa cơm đã là hạnh phúc lắm. Có khi, vét tiền mua vé coi kịch, chỉ đủ tiền cho 2 suất cơm, năm sáu đứa chia nhau, đứa này nhường đứa kia, nhớ mà rớt nước mắt. Thế nên mỗi lần hay tin đứa nào về thăm nhà là tụi tôi “mặt dày” đu theo đặng được ăn ké!

4 năm học ở trường Sân khấu, tôi toàn đóng chính kịch và được giao vai kép đẹp. Tự dưng hôm tập vở tốt nghiệp, bạn tôi nói: “Trước giờ mày toàn đóng vai chính, nay mày đổi cho tao đóng vai chính một lần nghen!” Ờ, đóng thì đóng, tập thôi mà. Vậy là tôi nhận vai thái giám. Chẳng biết tôi tung tẩy thế nào mà các bạn diễn vỗ tay ầm ầm.

Thầy Giàu lúc ấy cũng ngồi xem, bảo, thầy sẽ lấy vai này làm vai tốt nghiệp cho tôi. Rồi thầy khuyên tôi nên đi theo hài kịch vì tôi thực sự có khiếu. Người ta nói, mọi thứ đều bắt nguồn từ một chữ duyên, có lẽ, điều ấy đúng với tôi. Hay cũng có lẽ, chất hài trong tôi, đợi đến đúng hôm ấy mới được phát lộ? Giờ kêu tôi đóng lại chính kịch chắc tôi phải gồng dữ lắm, nếu không tôi lại làm đoàn phim cười vỡ bụng mất.

Tốt nghiệp, tôi theo vợ về đoàn ca múa tỉnh Vĩnh Long. Lúc ấy, cải lương đang xuống dốc, còn kịch cọt khán giả cũng chẳng mấy mặn mà. Có đêm diễn khán đài vắng hoe, ngó qua ngó lại thấy toàn anh em trong đoàn. Cầm cự được ít lâu thì đoàn rã. Tôi và vợ lại dắt díu nhau về nương nhờ nhà ba má. Căn nhà vốn đã chật chội với 3 gia đình, nay thêm vợ chồng tôi, càng trở nên ọp ẹp.

3. Nhiều đêm nghĩ tới tương lai mà không ngủ được, nhìn mấy ngón tay xương xương của vợ, tôi thương vô cùng. Lại nghĩ tới ba má đang ngày một lớn tuổi… tôi tự nhủ, thôi thì, không sống được với nghề đã học thì ráng kiếm chuyện khác làm để lo cho gia đình. Vậy là, tôi đu theo mấy người bạn đang làm màn ni-lông ở Tân Bình học ké. Được mấy bữa, thạo cách kéo cuộn ni-lông, mắc màn lên thanh gỗ, tôi về xin má nửa phần mặt tiền trước nhà mở tiệm. Một bành ni-lông nặng hai ký làm ra cũng được năm, mười tấm màn.

Cả ngày vợ chồng tôi làm được hai bành. Làm miết mà chẳng thấy dư được đồng nào, tôi bèn tìm cách học lóm nghề thổi sơn trang trí lên màn. Bí quyết trong nghề, người ta đâu có chịu chỉ cho mình, nhưng thấy tôi lân la hỏi miết, người ta thương tình chỉ cho. Thế là, tôi về mày mò cắt giấy làm họa tiết rồi thử phủ sơn. Suốt ngày, từ đầu tới chân tôi, sờ đâu cũng thấy sơn.

Một bữa đang phủ sơn, mặt mày nhìn muốn không ra thì Phước Sang tới tìm tôi. Thấy bộ dạng tôi tèm lem, Phước Sang xót: “Cứ kiểu này chắc mày chết sớm quá!” rồi rủ tôi về nhóm hài Tuổi đôi mươi do thầy Hữu Luân thành lập ở sân khấu 135 của Nhà văn hóa Thanh niên. Nghĩ tới việc được sống với nghề là tôi sướng rơn, nhưng giờ đã có gia đình, làm gì cũng phải đắn đo chứ đâu thể đùng cái buông ngay được.

Thành ra, ban ngày ở nhà tôi phun sơn làm màn, tối lại lên sân khấu diễn. Bữa nào tập căng quá, tôi chia giờ chạy tới chạy lui coi sóc công việc. Thương tôi vất vả, vợ tôi quyết định gác lại nghiệp diễn ở nhà coi việc cho tôi được sống với nghề. Nhiều khi nghĩ, số tôi may mắn lắm mới lấy được vợ tôi, vừa đảm đang, vừa cảm thông và thương chồng đến thế! Đâu chừng bảy, tám năm, thấy tiệm làm ăn thua lỗ nhiều quá, tôi dừng hẳn việc làm màn.

4. Ngoài giờ tập ở Tuổi đôi mươi, mấy lúc rỗi, tôi hay tót ra café Điểm hẹn gần trường sân khấu ngồi… hóng coi có ai kêu đi phim không. Vai đầu tiên tôi đóng là vai quần chúng trong Bản lĩnh anh hùng, có Châu Nhuận Phát đóng. Nhưng nhớ nhất là vai anh chàng đang chạy xe đạp thì gặp người đẹp, mê mẩn ngó rồi đâm xe vô gốc cây trong phim Cô người mẫu của tôi.

Cảnh đó, tôi phải té 3 lần mới đạt. Quay xong, đứng dậy thì cánh tay tôi chảy máu ròng ròng. Tiền cát-sê cho vai ấy tôi được 70 ngàn Đạo diễn Đào Bá Sơn thấy thương quá, trả thêm 50 ngàn nữa để tôi mua bông băng thuốc đỏ! Kể cũng lạ, tôi đóng nhiều vai hài nhưng không hiểu sao khi nhắc tới tôi, khán  giả lại bắt chết cái tên Mai Dũng “dê xòm”. Vai “dê” đầu tiên tôi đóng là trong vở Thị Mầu lên chùa.

Tôi chỉ xuất hiện duy nhất trong phân đoạn đầu vở làm nền cho nhân vật thằng Nô, không thoại thiếc gì hết, chỉ độc tiếng cười “nham nhở” của tên “dê” sấn hết cô này tới cô kia thôi mà tôi bị khán giả… nhớ mặt. Kinh khủng hơn là khi tôi đóng phim Cây tre trăm đốt rồi vai gã công tử bột tráo trở, sở khanh trong Cánh buồm ảo ảnh, đi tới đâu mà bị khán giả nhận ra thì y như rằng tôi ăn mắng tơi tả. “Cha nội này nè, cái mặt mới dòm đã thấy ghét. Cái giọng cười gớm quá!”.

Ai theo nghiệp diễn mà không mong được khán giả yêu thương, bởi những lúc khốn khó nhất, diễn viên tụi tôi toàn bấu víu vào tình thương đó để gượng dậy. Khi không bị ghét cay ghét đắng, tôi buồn hiu hắt. Lúc đó, thằng trẻ trai trong tôi khờ dại nghĩ, sau này ai mời vai gì cũng được, nhưng vai “dê”  thì nhất quyết không đóng nữa. Lăn với nghề, được nhiều người động viên, tôi vỡ lẽ, đóng vai đó bị ghét là đã thổi được cái hồn của nhân vật tới người xem.

Làm diễn viên được ít lâu, anh Trần Văn Hưng của VTV3 kêu tôi về diễn cho một chương trình của đài. Thấy tôi làm được, anh Hưng nhiệt tình chỉ dẫn rồi giao cho tôi làm cộng tác chương trình Những ước mơ xanh. Quan sát, mày mò học thêm, tôi được anh em trong nghề thương quý, tin tưởng mời về hãng phim Cầu Vồng làm phụ tá đạo diễn. Nghề dạy nghề, nhờ quan sát, học hỏi và sự tận tình của các anh, tôi bước chân vào con đường đạo diễn.

Mới đầu, tôi cũng băn khoăn, không biết có làm được không rồi tôi đánh bạo từ chối hết vai diễn chờ phim thích hợp để thử tay nghề đạo diễn. Nếu như làm diễn viên, tôi chỉ cần tập trung cho tròn vai thì làm đạo diễn, tôi phải bao quát cùng một lúc rất nhiều việc. Trước làm diễn viên, tôi chẳng bao giờ kén vai, ai kêu gì tôi đóng đó, còn khi làm đạo diễn, tôi luôn cân nhắc để chọn. Không phải tôi chọn diễn viên mà là chọn kịch bản, bởi tôi nghĩ, mỗi bộ phim đều phải gởi gắm một thông điệp nào đó giúp người xem cảm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mà, diễn viên hay đạo diễn thì cũng đều gắn bó với phim ảnh cả thôi, chỉ cần được sống với nghề là tôi hạnh phúc lắm rồi. Biết đâu, một ngày gần đây, khán giả sẽ lại thấy tôi trong một vai “dê” nào đó?

Dũng Hoàng
.
.