Câu chuyện thứ 22:

Chuyện của đạo diễn Công Hậu

Thứ Ba, 20/08/2013, 09:24
1. Sài Gòn độ này hay mưa. Mỗi bận mưa đêm là tôi lại thao thức, nhớ gì không nhớ, lại nhớ cái mái tôn dột nát hồi xưa. Nhà mái tôn, mưa bao nhiêu cũng thấu. 11 anh em nằm chen chúc, nghe mưa rầm rì kể chuyện vào đêm. Như đêm qua, đêm kia tôi mở cửa hít một hơi đầy hương mưa nồng nã, ký ức theo mưa len về âm ỉ.

Ba làm công chức, còn má tôi bán gạo, kèm thêm mấy thứ tạp hóa linh tinh. Hồi xưa khổ lắm, 11 anh em lận mà.

Ti tỉ thứ lo tủn mủn trong nhà ngốn trọn thời gian của má. Đến cả mái tóc má còn hiếm khi vấn được cho gọn, vậy mà anh em tôi đứa nào mọc râu, đứa nào chẳng chải đầu, thằng út mặc cái áo đi học quá hai lần, dép bà chị sứt quai… má đều biết hết. Tôi vẫn nhớ má bậm môi, lấy sức trút từng bao gạo vào thùng, bụi gạo thơm lừng bay mù mịt. Tôi lủi thủi lượm gạo rớt, bỏ vào miệng nhai lóc cóc.

Má ngừng tay, vén lại mớ tóc lòa xòa: “Hậu, đừng nhai gạo sống, đau bụng à con”. Dù bận đến đâu má cũng ngưng lại, ngó đứa này một xíu, nhìn qua đứa kia một lượt, nhắc chị rửa tay, nhắc anh đừng để em dang nắng. Tôi còn nhỏ, thấy má giống như bà tiên, làm “tối mắt, tối mũi” mà cái gì cũng thấy, cái gì cũng nghe được. Có điều, tại sao má không biết bụi gạo ám trắng cả một vạt tóc, đóng thành vòng xuyến trên chiếc cổ cao cao, để mỗi khi rảnh rỗi hiếm hoi, chạm vào má lại thấy bụi trắng rơi lả tả, bụi thơm như một thứ nhiệm màu.

Lớn lên một chút, tôi phụ má đưa gạo cho người ta. Bạn hàng bảo má: “Thằng Hậu dòm cũng ngon trai”. Má cười lấp lánh, mấy chị hùa vào chọc quê, thằng tôi mới lớn, cun cút lủi vào nhà, ôm đàn gảy tưng tưng. Thường, khi tôi đàn là cả nhà lại im bặt, không biết tại vì lắng nghe hay bởi lý gì mà lúc nào cũng vậy. Tôi học xong phổ thông, đã cao gần rướn tới cái xà nhà. Chị Hai xúi: “Thằng Hậu đi thi trường Sân khấu cho rồi, mày mê văn nghệ quá mà”. Má cười cười, gật đầu phụ họa. Vậy là tôi đi thi.

Năm đó, tôi nhớ là có khoảng 800 mấy hồ sơ đăng ký, mà chỉ tiêu của trường có 50 thôi, 25 người vào lớp diễn viên và nửa còn lại là lớp đạo diễn. Biết tin, tôi về nhìn mặt chị buồn xo. Má đổ vạ: “Con Hai xúi dại em nó, mà thôi, thằng Hậu buồn làm gì, thua keo này mình bày keo khác”. Buổi chiều má nấu nồi chè, mua nải chuối van vái ông làng, ông địa. Nhìn má khúm núm, lạy lạy, xin xin mà tôi đâm ra xót, má ơi, rớt thì con về bán gạo với má, có sao đâu.

Má nói: “Bậy nào, cho bây ăn học kiếm cái chữ, rồi sau này đi làm việc nhà nước đỡ cực cái tấm thân”. Ba nghe má nói vậy, thì cười cười: “Bà này, làm công chức nghèo như tui vậy hả?”. Má đuối lý, cãi cố: “Thì cũng giống giống như vậy, nhưng mà lớp trẻ nó phải khác chớ… Với lại giống như ông thì vẫn tốt mà…”. Nhìn má lỏn lẻn khen ba, mấy anh em bụm miệng cười len lén, tôi thì nghe hương gạo ngào ngạt khắp nhà.

2. Kể ra thì mấy chén chè của má chắc động lòng bề trên, ông làng, ông địa phù hộ thế nào mà tôi được đậu. Lúc nghe tin, tôi mừng không lời nào tả xiết, bụng bảo dạ, rồi mai mốt đây được làm diễn viên sẽ bớt khổ cho coi. Nhưng hiện tại, vẫn cứ khổ trước cái đã.

Nhà tôi có cái mền nhung, rất đẹp, đó là chiếc mền cưới của ba má. Chỉ dịp lễ, Tết má mới lấy ra, giặt sạch sẽ rồi trải lên chiếc giường ngoài. Hết Tết, lại giặt một lần nữa, xếp vuốt phẳng phiu rồi đem cất. Với má, chiếc mền nhung không phải là cái mền nữa, nó riêng thuộc về má, là minh chứng cho thời thanh xuân của má.

Và với anh em tôi, cái mền rực rỡ đó là thứ đẹp đẽ nhất trong nhà. Tết về, mỗi lần hàng xóm qua chúc xuân, ngó cái mền khen đôi ba câu qua quýt lại thấy má lóng lánh tự hào. Tự nhiên tôi vui lây nỗi vui đó hồi nào không biết. Vậy mà má lấy đem bán đi…

Má bán cái mền, mua cho tôi chiếc xe đạp cũ. Tôi làu bàu, trời ơi, tự nhiên đem bán… định nói là “sao lại bán kỷ vật của ba má”, nhưng tôi thấy chạnh lòng quá nên sửa lại thành… “rồi Tết lấy cái gì ra mà trải”. Má cười cười, ơ cái thằng, không chịu ngồi lên đạp thử coi chiếc xe có ngon không, ngồi đó càm ràm, cái mặt nhăn như khỉ ăn ớt.

Công Hậu vai Tuấn trong phim Nước rút.

Vừa nói, má vừa đưa tay vén mớ tóc lòa xòa trước mặt, tôi biết má đang giấu đôi mí mắt rưng rưng. Bán đi cái mền, là má bán đi thứ cuối cùng má dành cho riêng má. Tôi lủi xe, đạp một vòng phố, thấy đời chật hẹp. Tôi trở về, dựng xe cái kịch: “Má ơi, xe đạp ngon quá má”. Tóc má tôi kẹp gọn tự bao giờ, má nhìn tôi, mừng mừng. Vậy hả, vậy à, xe ngon, mai mốt đi học đỡ mệt ha.

Vậy mà có khi tôi đã tính bỏ học. Ròng rã mấy năm trời tôi chỉ có một bộ đồ ngon lành đến lớp. Chiều về tất tả thay ra, giặt, hong, rồi sáng mai mặc tiếp. Má biết hết, đầu đứa nào chưa chải má còn biết mà, huống hồ chi… Nhưng má ba chỉ biết nhìn nhau cười buồn. Tôi đi học, nhịn đói là thường xuyên. Có những buổi tập kịch, tôi mệt, nói chẳng ra hơi, thầy quở sao không nhiệt tình, tôi chỉ biết cười trừ, chẳng lẽ lại rên, thầy ơi tại em đói quá.

Phần tôi cũng chạy vạy, làm thêm đủ thứ, cứ định bụng, tháng này lãnh lương ra chắc đỡ khổ hơn tháng trước, để rồi tháng nào cũng vậy. Sao cứ khổ hoài. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, má hay dúi chút đỉnh tiền cho tôi, nhưng tôi biết má chưa no, còn các em thì rõ ràng là đói, vậy thì biểu tôi cầm tiền, là cầm làm sao. Nên tôi thường nói dối là có tiền, để rồi nhịn đói triền miên.

Mệt mỏi, tôi quyết định bỏ học, đi tìm việc gì đó làm kiếm tiền lo lắng cho gia đình. Nhưng mỗi lần nhìn má hớn hở hỏi, con học diễn viên ra làm sao, có khó không, còn ba cười cười không giấu vẻ tự hào, mai mốt lên ti vi chắc là oai lắm à, … Nhiêu đó thôi, khiến tôi không lỡ bỏ.

3. Tôi ra trường, sân khấu thời ấy cũng khó. Anh em nghệ sĩ cố gắng lắm cũng chỉ vừa đủ vun vén được cơm hai buổi qua ngày. Rất nhiều người, tối diễn, sáng phải mũ nón lụp xụp, đi làm thêm nọ kia mà cứ sợ người ta biết. Nghệ sĩ, dẫu sao vẫn cố giữ cho được hình ảnh, đó là sĩ diện đặc thù của riêng chúng tôi. Tôi nghĩ, ai cũng hiểu mà.

Rồi tôi chạm ngõ điện ảnh, mặt tôi hiền queo vầy mà đạo diễn cho đóng vai ác. Tôi hào hứng lắm, bởi đã làm diễn viên thì phải thử sức ở nhiều thể loại vai. Nào ngờ, chắc tôi diễn ác quá hay sao mà một loạt phim sau đó, tôi toàn đóng vai ác. Kể cũng ngộ, dân mình hay có cái kiểu nhập tâm, tôi ra đầu ngõ mua đồ, thấy chị tạp hóa không dưng bực dọc rồi liếc xéo lẩm bẩm: “Ác quá mà, ác gì mà ác dữ vậy”.

Đi đóng phim, người ta thấy tôi, tự nhiên hùa vào rủa xả, ức chế lắm, nhưng cũng quen. Chỉ đến khi má buồn buồn gọi lại: “Hậu, con đóng gì toàn vai ác, má nghe hàng xóm nói hoài, buồn ghê”. Nhiêu đó thôi, mà tôi quyết tâm không đóng vai ác nữa. Cho đến khi được chọn vào vai Thạch Sanh, đóng chung với anh Thành Lộc thì má mới cười cười, bà con trong xóm nhìn mình cái mặt cũng giãn ra gấp mấy phần. Kể, cũng ngộ ghê.

Số đời con người, được cái này, mất cái kia, ông trời cho tôi một gia đình ấm êm hạnh phúc thì đổi lại, tôi trắng tay vẫn hoàn tay trắng. Nhưng cái thời sức dài, vai rộng tôi đâu có nghĩ được như vậy. Cứ loay hoay trong cái vòng luẩn quẩn nghèo vẫn hoàn nghèo. Công danh như phù du lẫn tan trong nước, có những lúc thấy mình đã ở giữa dòng rồi mà sao nắm bắt không được, chạm vào là vỡ tan.

Đó là thời kỳ phim điện ảnh Việt Nam mà thời bây giờ vẫn gọi là “mì ăn liền” sụp đổ. Tôi lui về rong ruổi chạy sô ca nhạc từ Nam chí Bắc, nhờ vài ngón đàn, nhờ gương mặt người ta vẫn còn nhớ, còn thương mà tôi sống được bằng văn nghệ cho đỡ nhớ nghề. Tôi thấy mình còn may mắn hơn bạn bè cùng trang lứa, là nghề lại một lần nữa chọn tôi.

Linh tính của tôi rất nhạy, nên sợ lắm mỗi lúc mình bất an. Mà nỗi bất an thường trực lại luôn gắn với má. Má mắc bệnh nan y, loại bệnh có tiền thì kéo dài sự sống, hết tiền thì… là hết. Tủi cực cho tôi, bởi má chẳng khi nào được một ngày sung sướng.

Có những đêm nằm nhọc nhằn cơn ác mộng, nghe văng vẳng tiếng ai gọi tan tác: “Má ơi”, mà sợ đến không dám ngủ nữa. Một năm ròng má chống chọi với hàng trăm cơn đau, như giằng, như xé, vậy mà má vẫn cười cười: “Má sống cho bây vui vậy chớ, đau quá như vầy, má chịu có nổi đâu”. Vợ tôi nói, má đi vậy là dứt được cơn đau, anh đừng nên quá đau buồn mà linh hồn má siêu sinh không nỡ. Thì tôi cũng biết là vậy, nhưng mà ruột thịt bị chia cắt bởi cái lẽ tử sinh, nó là nỗi đau rất khó diễn tả bằng lời.

Má mất được ít lâu, thì ba cũng đau buồn mà theo má. Ba má hay nói, thằng Hậu vậy được rồi, lo cho ba má chi nhiều, ba má có cần đâu. Nhưng mà bao nhiêu cho vừa, cho đủ hả má ơi. Thế nên, những đêm Sài Gòn mưa vần vũ, tôi vẫn thường mở cửa nhìn mưa, nghe kí ức ùa về thê thiết. Ký ức của những ngày nằm chen chúc, ngó mái tôn nghe mưa rơi ồn ã. Má nhỏ nhẻ vén lại góc mùng hỏi nhỏ: “Sao chưa ngủ, Hậu ơi?”.

Còn má, má thức làm gì mà chưa ngủ. “À, má phải canh chừng mấy bao gạo, để mưa dột, mốc hết lấy gì nấu cơm cho Hậu ăn”. Má đưa tay vuốt tóc tôi, rồi vén tóc má lòa xòa, bụi gạo từ vai, từ tóc má chờn rờn trong giấc ngủ, thơm như một thứ nhiệm màu

Hồ Ngọc Giàu
.
.