Câu chuyện thứ 41

Chuyện của danh hài Nhật Cường

Thứ Hai, 11/08/2014, 16:00

Lâu lắm mới có người hỏi tôi chuyện xưa, kỷ niệm cứ ùa về từng lớp rồi lật mở, xáo trộn cảm xúc. Có những đoạn buồn không dám nhớ, còn bè bạn, còn gian truân phải nâng niu để đi đúng con đường mình đã chọn. Nghệ thuật, nói cho cùng, bắt nguồn từ đời sống và sự đam mê.

1. Lâu lâu gặp tôi, cánh phóng viên thường hay hỏi: “Anh sống bên này một mình, vợ con ở mút bên kia (bà xã và con trai duy nhất của Nhật Cường sống ở Mỹ-NV), sao chịu nổi hay vậy?” Thiệt ra, mới đầu cũng buồn thí mồ. Nhưng cuộc sống là phải lựa chọn, được cái này thì mất cái kia. Vợ chồng tôi đã thỏa thuận, mục đích cuối cùng đều vì tương lai của con. Còn chuyện sống gần hay sống xa không quan trọng bằng việc có niềm tin tuyệt đối dành cho nhau hay không. Với lại, bây giờ đâu phải như hồi xưa nữa. Phương tiện thông tin liên lạc phát triển quá chừng. Sáng nào ngủ dậy chưa bước xuống giường không gọi con thì con gọi, không gọi vợ thì vợ gọi rồi. Bữa nào nhớ vợ, nhớ con quá thì mở webcame nhìn mặt. Rồi trên facebook, vợ con cập nhật hình ảnh liên tục. Đâu có gì xa xôi nữa đâu. Thằng nhỏ giống tôi như lột, từ hình dáng đến tính tình, cách ăn cách uống. Cũng hiếu động, nghịch ngợm và có khiếu hài lắm nghen. Được cái nó học giỏi toán hơn tôi hồi xưa. Tôi không muốn áp đặt con theo cái khuôn nào hết, chỉ muốn nó lớn lên trong yêu thương, được vẫy vùng với ước mơ của nó. Như ngày trước ba má tôi để tôi tự do với lựa chọn của cuộc đời mình vậy.

Nhà tôi hồi đó đủ ăn đủ mặc nhờ nghề làm bánh của má. Má tôi khéo tay lắm. Bánh gì cũng biết làm. Trong nhà lúc nào cũng thơm mùi bột, mùi trứng, sực nức mùi bánh nướng. Bánh má làm ngon có tiếng nên được nhiều người chuộng. Những chuyến xe giao bánh của ba thêm nhiều. Ba tôi là người lạc quan, vui vẻ và ca hát suốt ngày. Có lẽ, cái máu hài của tôi chịu ảnh hưởng từ ba. Má tôi thì nghiêm khắc và hay rầy tụi tôi lắm do sợ lũ con nghịch ngợm sinh hư. Má hay nói: “Đừng bao giờ bênh con để con lờn mặt”. Vậy chớ má chưa bao giờ đánh đòn tụi tôi hết. Có lần, nửa đêm tôi trổ nóc nhà đi với 2 thằng bạn trong xóm ra sau chùa gần nhà hái trộm dừa. Con nít ở quê mà, đứa nào chẳng có vài kỷ niệm đáng nhớ kiểu đó. Với hình như, trái cây ăn trộm bao giờ cũng thấy nó ngon hơn hết trơn. Khốn nổi cái tội ham ăn, thay vì hái vài trái ăn chơi thôi, đây hông, 3 đứa tôi đem theo dây, leo lên chặt nguyên buồng dừa kéo xuống rồi vác về trước cửa nhà tôi chia. Đúng lúc đó thì má tôi ra, 2 thằng bạn hoảng hồn bỏ chạy mất dép, còn tôi đứng như trời trồng với buồng dừa. Má nhìn tôi không nói tiếng nào hết, khệ nệ khiêng buồng dừa ra sau hè. “Con thèm dừa phải hôn? Vô đây má chặt cho con uống”. Trái đầu tiên, uống ngon vô cùng. Trái thứ 2 vẫn còn ngon. Trái thứ 3 thì ngán ngộp. Tới trái thứ 4 thì trời ơi, chịu hết thấu. Tôi bắt đầu hối hận, quỳ xuống rối rít xin lỗi má. Từ đó về sau cứ nhìn thấy dừa là tôi ớn. Sợ tới mức bỏ luôn cái tật đi hái trộm trái cây.

2. Xếp bánh, đổ khuôn, bắt bánh kem, tôi làm gọn ơ. Ba má cũng tính truyền nghề nhưng thấy tôi hổng mê nên thôi. Lúc đó, hấp lực duy nhất của tôi là trống. Thấy ai đánh trống ở đám tiệc trong xóm, tôi bu theo ngó không biết mệt. Tự hỏi dàn trống có quá nhiều cái vậy mà sao người ta đánh được hay thiệt. Thế là, tôi mon men đi chôm mấy cái thùng thiếc về kiếm cây gõ inh ỏi. Ba má thấy vậy bèn cho tôi đi học trống. Ai dè đâu vô nhà văn hóa thiếu nhi, coi người ta diễn kịch câm, tôi mê sái cổ. Không thể nào quên được cái cảm giác choáng ngộp lẫn ngạc nhiên, vì sao sân khấu trống không vậy, cũng chẳng có ai nói câu nào ráo trọi mà người xem hiểu hết điều người ta muốn diễn đạt. Tôi quên trống như người ta hết mặn mà với một mối tình, nhảy qua học kịch câm. Nhờ có khiếu, với cái tính hay tạo bất ngờ bẩm sinh nên đi học tôi được bầu làm lớp phó văn thể mỹ và thường xuyên tham gia sinh hoạt ở nhà văn hóa thiếu nhi. Sau này lên cấp 3 rồi, tôi vẫn được các thầy cô trong nhà văn hóa phân công hướng dẫn các em nhỏ sinh hoạt, tham gia nhiều chương trình trại hè và đi diễn ở các chương trình giao lưu. Mà tham gia vui là chính, chứ tôi có biết làm diễn viên là gì đâu. Thậm chí tôi còn không biết là có trường đào tạo diễn viên nữa.

Học hết 12, tôi thi vô khoa Điện trường Đại học Bách khoa. Do không đủ điểm vô nên tôi bị đánh rớt xuống lớp trung cấp Xây dựng ở quê. Một bữa ghé qua nhà văn hóa thiếu nhi, thấy đông nghẹt. Tôi chen vô coi thì nghe người ta kháo nhau tỉnh đang tuyển diễn viên. Thấy vui vui, tôi nhào vô thử mà chưa kịp làm hồ sơ. Thi xong, mấy thầy trong ban giám khảo mới kêu tôi ra ngoài đăng ký. Nghe ngóng, tôi mới biết tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Sông Bé kết hợp với Trường Nghệ thuật sân khấu 2 tổ chức khóa đào tạo diễn viên cho các tỉnh. Mỗi tỉnh chỉ tuyển có 7 người, vị chi cả lớp là 14 bạn. Mà hồi đó dự tuyển ghê thiệt. Riêng tỉnh tôi không đã lên tới gần hai ngàn thí sinh. Chia làm 3 vòng, vòng 1 tỉnh tuyển. Từ hai ngàn lấy 400. Vòng 2 thì chính các thầy trong Sài Gòn ra tuyển, lọc lại chỉ còn 50 người rồi gạn lại còn đúng 7 người. May mắn là có mặt tôi trong top 7 đó. Cho tới lúc ấy, tôi mới nghĩ, thôi dẹp trung cấp xây dựng, vô Sài Gòn học diễn viên. Ba má biết tôi có khiếu nên cũng không cấm cản.

3. Tháng 4 năm nay tôi vừa viết kịch bản, kiêm đạo diễn, sản xuất và giữ một vai trong phim Bí mật lại bị mất. Không ít người bảo tôi là tay ngang, không biết gì về phim mà liều nhảy vô làm phim, rồi nhờ ăn may mà thắng lớn. Cũng phải, vì xưa nay khán giả vốn biết Nhật Cường chủ yếu từ sân khấu hài và các vở kịch truyền hình của chương trình Trong nhà ngoài phố như: Con ma pháo, Hung thần khu phố,…

Văn Ruy, Nhật Cường, Phước Sang, Hữu Nghĩa thời ở sân khấu 135.

Thiệt ra thì hồi đó tôi bén duyên điện ảnh trước. Khóa của tôi là khóa diễn viên – đạo diễn. Nhưng học hết năm thứ nhất thì tôi chuyển hẳn qua khóa diễn viên luôn. Vì tôi nghĩ học đạo diễn chưa chắc mình đã làm diễn viên được, còn theo nghề diễn viên thì trong môi trường đó mình sẽ được  tiếp xúc cận kề với các đạo diễn, những diễn viên đàn anh đàn chị để mình học hỏi. Tôi được cái may mắn là gia nhập điện ảnh sớm nhờ nhiều yếu tốá khách quan đưa đến. Lúc đó thầy Huy Thống chủ nhiệm lớp tôi là diễn viên rất nổi tiếng, chuyên đóng vai chánh không hà. Thấy tôi năng nổ nên thầy giới thiệu cho những bậc cha chú như cô Việt Linh, chú Hồng Sến, Hồ Quang Minh, Hồ Ngọc Sum, Lưu Huỳnh, Khương Mễ,… để thâm nhập nghề sớm. Tôi được cho làm kịch vụ chuyên kêu gọi và tìm diễn viên cho đoàn, rồi đóng vai quần chúng. Đóng quá trời quá đất mà toàn thấy lưng hoặc xa xa nhìn thấy cái dáng thôi hà. Phim đầu tiên tôi được vai thứ nhỏ xíu khoảng 5, 6 phân đoạn gì đó là của đạo diễn Khương Mễ. Làm kịch vụ cực nhưng mà vui và tích lũy được nhiều kinh nghiệm lắm.

Tới đầu năm 90 thì tôi được tin tưởng giao vị trí phó đạo diễn trong nhiều phim như: Lệnh truy nã, Nước mắt học trò, Mảnh tình nghiệt ngã, Về trong sương mù,… Thời gian sau, tôi với Phước Sang, Lê Tuấn Anh và Lê Công Tuấn Anh có hợp tác sản xuất cái phim đầu tay có tên Cô gái điên. Phim do tôi viết kịch bản, thành quả của 6 tháng loay hoay ở Đà Lạt. Phim đầu tay mà có lời nên mấy anh em vui lắm. Bảo may cũng chỉ là một phần. Phần còn lại, phải thú nhận là, anh em tụi tôi tính dữ lắm, phải chắc mới dám làm. Vì tôi quan niệm, đã kinh doanh thì phải tính để thu hồi vốn. Tất nhiên, tôi biết phim của mình ở mức nào và tôi cũng biết, làm phim không dễ vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

4. Học cùng lớp với tôi ngày đó có Hoàng Sơn. Phước Sang dưới tôi một khóa nhưng mấy anh em thân nhau lắm. Để kiếm thêm tiền trang trải việc học, tôi với Hoàng Sơn lén nhà trường lập nhóm tấu hài đi diễn lót ở các tụ điểm. Thời điểm ấy, nhóm hài Bảo Quốc – Duy Phương tên tuổi lẫy lừng. Tụi tôi chỉ biết ngồi nhìn, lòng ngưỡng mộ vô cùng. Hổng hiểu sao câu nào mấy anh nói ra người ta cũng cười rần rần hết. Tôi với Hoàng Sơn tính kế mượn câu chuyện của đàn anh về diễn lại. Khốn nỗi, nói rả cái miệng mà khán giả cứ im ru. Hai thằng toát mồ hôi mẹ mồ hôi con. Suất thứ 2, rồi suất thứ 3 mà tình hình chẳng có gì cải thiện. Lúc đó hai đứa mới ngẫm ra, diễn hài quan trọng nhất là cái duyên của mỗi người. Cái duyên ấy kết hợp từ vóc dáng, giọng nói và những nét đặc trưng của mình, không ai lẫn với ai thì khán giả mới thích, mới nhớ. Đi diễn phải hóa trang cho bắt sân khấu, song phấn trang điểm hồi đó tệ quá, tôi là con trai nên cũng xuề xòa, thế là cái đám ấy nó thi nhau hoành hành cái mặt tôi. Bạn bè gọi Cường “mụn” riết chết tên luôn.

Mải lo việc bên phim với việc học ở trường nên hai đứa cũng chẳng có dấu ấn gì mấy cho đến khi lập nhóm hài Tuổi đôi mươi gồm bộ 3: Nhật Cường – Phước Sang – Hoàng Sơn ở sân khấu 135 Hai Bà Trưng. Cái tên Tuổi đôi mươi là do cố đạo diễn Huỳnh Phúc Điền đặt, còn cái sân khấu ra đời là nhờ Phước Sang với thầy Hữu Luân. Tôi theo được nghề tới giờ cũng là nhờ cái duyên với sân khấu 135.

Do là sinh viên của tỉnh nên tốt nghiệp xong, tôi được phân công về đoàn kịch nói Nha Trang – Khánh Hòa. Dự được một mùa liên hoan, không biết vì lý do gì đoàn rã. Hồi đó muốn đi diễn là phải có cơ quan, đoàn thể chứ đâu như bây giờ. Nằm chèo queo ở nhà, tôi buồn, nghĩ chắc thôi kiếm nghề khác làm để sống là vừa. Chợt nhận được điện tính của Phước Sang kêu vô Sài Gòn gấp. Tôi ăn nhờ ở đậu tại nhà Phước Sang để theo nghề. Hai thằng như hình với bóng, nó đi đâu làm gì là tôi theo đó. Nghĩ lại thấy hồi đó cực quá trời mà vui dễ sợ. Bữa nào có cơm được ăn bằng thau là mừng rớt nước mắt, còn thì toàn khoai lang, khoai mì, bánh mì nước tương. Vậy đó mà diễn say mê. Liên hoan sân khấu hài toàn quốc lần thứ nhất, những giải thưởng quan trọng đều được trao cho Tuổi đôi mươi. Có hạnh phúc và sung sướng nào bằng? Về sau, 135 có thêm nhiều gương mặt trẻ nổi bật nữa, khiến sân khấu ngày càng rực rỡ như: Hữu Nghĩa, Hữu Châu, Hồng Vân, Lê Vũ Cầu, Minh Nhí,… Song song với diễn hài, tôi vẫn đảm nhận nhiều vị trí bên điện ảnh. Tới năm 1996 khi Lê Công Tuấn Anh mất, tôi bàng hoàng, giã từ luôn giấc mơ phim ảnh. Một năm sau, tôi lập nhóm hài Nhật Cường đi diễn cho tới hôm nay.

Lâu lắm mới có người hỏi tôi chuyện xưa, kỷ niệm cứ ùa về từng lớp rồi lật mở, xáo trộn cảm xúc. Có những đoạn buồn không dám nhớ, còn bè bạn, còn gian truân phải nâng niu để đi đúng con đường mình đã chọn. Nghệ thuật, nói cho cùng, bắt nguồn từ đời sống và sự đam mê

Hoàng Dung
.
.