Chuyện của Tiến trọc

Thứ Sáu, 14/10/2016, 10:23
Tôi lên cao nguyên LangBiang, hi vọng sẽ tạm quên những chuyện bức xúc hiện thực hôm qua, hôm nay, ngày mai... ngày nào cũng có. Tôi viết về hắn, một người lính, một nhà văn, một người tử tế cho nhẹ lòng!

Tôi gặp hắn từ bao giờ, ở đâu, chả nhớ. Lần gặp lại gần nhất để kết bạn với nhau, cách đây hơn năm. Bình Ca rủ uống rượu, bàn về chuyện có nên và nếu nên thì chọn êkíp nào viết kịch bản cho cuốn Quân khu Nam Đồng - hiện tượng xuất bản năm 2015. Địa điểm gặp nhau ở Lý Quốc Sư, con phố nhỏ, một chiều, hai bên san sát hàng quán. Tôi mắc việc, đến muộn. Đã có người về. Gọi chai bia, ngồi uống luôn ngoài sân, bỗng lác đác mưa...

Là kiếm cớ gặp nhau rượu chè vui thế thôi. Sách mới ra đã tái bản mấy lần. Nhà xuất bản yêu cầu để họ bán sách một thời gian rồi hãy tính chuyển thể sang kịch, phim truyền hình hay phim nhựa. Đi đâu cũng thấy mọi người bàn tán về một hiện tượng xuất bản mà có lẽ rất nhiều năm rồi mới có.

Hắn bảo, chắc chắn tôi đã ngồi uống rượu với ông ở đâu đó rồi. Chả quan trọng, miễn hắn là bạn của Bình Ca và DzungArt Nguyen.

Biết hắn là nhà văn, tôi đã như bị hắn mê hoặc rồi.

Thú thật, do đặc điểm nghề nghiệp, nhà thơ, nhà văn, nhà báo - những người làm nghề sáng tác, với tôi lúc nào cũng là cái gì đó rất cao sang, chỉ dám nhìn từ xa, ngưỡng mộ.

Tôi luôn hình dung, nhà báo thì sẽ nói hay, sắc sảo, lại xông xáo như người lính dũng cảm, lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu. Còn nhà thơ, nhà văn thì tóc tai phải lòa xòa, rũ rượi, quần áo phải lôi thôi, vẻ mặt phải huyền bí, trừu tượng, còn tâm hồn thì lúc nào cũng phải hơi lơ mơ, bay bay.

Tôi đã xem phim Chuyện làng Nhô - một bộ phim Việt hiếm hoi gây ấn tượng. Tôi không thích nên ít xem phim Việt mới. Thỉnh thoảng, khi chợt nhớ một thể loại điện ảnh ngô nghê, buồn cười, hoặc xem những vai diễn ai đóng cũng được, diễn như kịch, như tuồng, tôi mới dừng ở kênh phim Việt. Chuyện làng Nhô là một ngoại lệ. Phim mô tả khá trần trụi, vừa gần, vừa sát thực với bộ mặt của nông thôn mới ngày nay.

Đã có lúc, tưởng hắn là tác giả. Giờ mới biết, hắn chỉ là người viết kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng của Nguyễn Quang Thiều. Truyện Thiều viết thực ra chưa đọc, chỉ xem phim Chuyện làng Nhô.

Gặp hắn, được ngồi uống bia, được nói chuyện như đàm đạo, tôi coi đó là một cơ may, vinh dự, dù hơi muộn.

Trước khi về, không biết có phải vì 3 cái đầu trọc không, thằng DzungArt còn nhờ cô bạn của Bình Ca chụp tấm hình chỉ có 3 thằng. Trao đổi số điện thoại rồi hẹn sớm gặp lại. Cảm giác cuộc gặp với hắn rất cởi mở và dễ chịu.

Đêm ấy, trở về nhà, tôi trằn trọc mãi mới ngủ được. Bạn gái nằm cạnh còn ngờ, hay tôi đang tương tư, nhớ ai. Cứ loanh quanh với ý nghĩ, sao là nhà văn mà hắn lại để đầu trọc, mặt mũi nhìn hơi bặm trợn, cụ thể, thiếu chất trừu tượng, khó hiểu, như xưa nay tôi vẫn hình dung.

Chơi với nhau, tôi bắt đầu tìm hiểu về hắn. Hắn để tên tuổi thật trên Facebook. Mặt trông ngầu ngầu, đầu trọc lốc thế thôi, hắn có nụ cười khá hiền. Đã thế, hắn chịu khó viết. Văn của hắn khô cứng, cộc và chân thật. Tôi âm thầm theo dõi từng bài viết của hắn, như một độc giả. Thấy hắn tham gia chương trình Cơm có thịt rất nhiệt tình, cùng Trần Đăng Tuấn, kêu gọi tài trợ, trực tiếp lăn lộn nhiều chuyến đi lại vùng cao trao quà cho các cháu, trong thâm tâm tôi lại càng thêm nể phục.

Một hôm, hắn gọi điện rủ tôi đến nhà uống rượu. Đến nhà hắn, tôi phát hiện thêm một điều, hắn khá giả chứ không như tôi hình dung về cuộc sống phải hơi khó khăn, thiếu thốn của nhà văn.

Nhà hắn mới xây, sạch sẽ, đẹp, những mấy tầng lầu. Ngôi nhà này, giá như đừng ở xa, bê về đặt ở phố cổ, chắc phải tiền triệu đô. Nhà cạnh sân tennis, có cả bãi để ô tô rộng, cây cối um tùm. Ngồi trên lầu uống rượu, cạnh cửa sổ có cái ao bèo, không biết có phải của gia đình hắn không. Nghe như hắn kể lúc say, có lần uống xong, bạn bè về hết, hắn buồn quá ném hết li tách, bát, chén xuống ao, rồi nằm lăn kềnh ra sàn, cô đơn khóc mình.

Hắn uống rượu với bạn bè hết sức nghiêm túc, nhiệt tình, mâm nào cũng cụng li tanh tách, cũng trăm phần trăm. Mọi người về gần hết, hắn loạng choạng lên gác, trở xuống cầm trên tay mấy cuốn sách hắn viết về thiếu nhi, kí tặng con gái tôi. Hắn khoe mới được thằng em mời đi Singapore. Có bao tiền, hắn mua rượu hết. Cứ nằng nặc đòi mở thêm chai rượu nữa, uống chưa hết nửa chai, hắn đi đứng như thằng say rượu. Hihi.

May mà, hắn có cô vợ làm nghề y, lúc hắn say, cô ấy "như từ mẫu". Vợ hắn tên thoảng như mây, tuổi Mão, nhỏ nhắn, xinh xắn, hiền lành. Vợ chồng hắn đẻ rất giỏi, hai lần, một gái, một nữ, đều tuổi Mão.  Hắn tự nhận nhà có ban nhạc "Ba con mèo".

Hôm ấy vui quá, hắn say, say quắc cần câu. Vân bảo, anh Tiến nhà em uống rượu hôm nào chả vui. Nghe hắn líu lưỡi gọi Vân ơi, Vân ơi..., rồi em Vân dìu hắn xuống nhà tiễn khách, thấy đôi này ổn phết.

Một đêm, hắn viết cái gì đấy về chuyện giày. Tôi đọc xong, inbox cho hắn, hứa tặng hắn một đôi Lambroghini thể thao, có thể dùng trong nhiều hoàn cảnh, trừ mặc comple. Có lẽ, ít thằng đàn ông nào mê giày như hắn. Mấy hôm sau, hẹn hắn đến nhà tang lễ Phùng Hưng, tiễn mẹ một người bạn chung đi xa. Tôi nháy hắn ra xe, giao cho hắn đôi giày.

Khó tả về nét mặt sung sướng, mãn nguyện của hắn. Tôi nhìn đôi giày da màu vàng nâu sờn hết mép của hắn rồi bảo, vứt đi, cũ lắm rồi. Hắn bảo còn tốt để kiếm thằng nào cho. Nét thỏa mãn của hắn thật khó diễn tả. Trong vai người tặng, có thể nói đây là lần tôi cảm thấy hạnh phúc nhất.

Hắn mê giày như mê gái, mê rượu và lưu giữ cả kho kỉ niệm về giày. Tôi tặng hắn 3 đôi, để đi trong những hoàn cảnh khác nhau. Hắn là một kẻ vừa đơn giản, vừa rộng rãi, chẳng giữ được lâu. Mê thế thôi, nhưng em út, bạn bè khéo nịnh, hắn lại cho. Kiến thức về giày của hắn bằng không. Đối với hắn, chỉ có đôi giày Ecco là chúa tể của các loại giày. Kể ra, cứ thế, có khi hắn hạnh phúc hơn những thằng đang sở hữu cả vài chục đôi giày.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến trên đường xuyên Việt bằng xe đạp.

Những thằng đàn ông được đi học, có giáo dục, hầu hết đều biết tôn trọng và yêu thương phụ nữ. Quan điểm cá nhân, cộng với xét thành tích bản thân, tôi cho rằng tất cả đàn ông đều yêu những người phụ nữ của mình. Mức độ yêu sẽ chuyển dần sang sợ khi đối tượng chuyển từ yêu thành vợ. 

Tôi đã nhiều lần tìm cách lí giải điều phi lí này. Và tôi nhận ra, nguyên nhân chỉ bởi hầu hết lũ đàn ông, quá đơn giản và nhiều ưu điểm và vô tích sự. Cái cần tránh như rượu chè, cờ bạc, bàn đèn, đàn đúm thì rất giỏi. Cái cần nhớ như sinh nhật, kỉ niệm ngày cưới, kì lương, tiền thưởng và cả trách nhiệm làm chồng thì hay quên. Không ít thằng còn vô tư, cứ ra khỏi nhà, gặp gái đẹp lại quên rằng đang có vợ...

Có lần, một thằng bạn trong nhóm mới xách một chai rượu khói hơn 60 độ từ London về, nhân lúc vợ đi vắng, mời bạn bè đến nhà uống rượu. Vợ hắn bận trực ở bệnh viện, đến muộn. Hắn nhấp nhổm không ngồi, lúc lại rút điện thoại ra to nhỏ, alo, alo. Chỉ hơn nửa tiếng, hắn gọi vợ hơn trăm cuộc. Bọn tôi mời kiểu gì hắn cũng dứt khoát không đụng đũa. Rượu ngon là thứ hắn mê, như gái, như giày, vậy mà hắn cũng dứt khoát chờ vợ, không uống.

Hai thằng DzungArt, Minh "gù" còn nghi, hay là hắn ăn rồi. Tính hắn la cà, nhiều bạn, một ngày chạy show bốn năm độ, ăn no mới đến độ sau là bình thường.

Nghe tiếng chuông, dù không phải chủ nhà, hắn bật dậy, lật đật chạy ra cổng. Mặt hắn rạng rỡ, em Vân, em Vân đến rồi đấy. Hắn vừa đi, vừa nói rất to, anh ra đây, anh ra ngay đây. Chết cười.

Từ lúc vợ đến, hắn thành người khác, nói luôn mồm, uống như thuồng luồng, say, may có em Vân chở về.

Yêu thương đạt đến độ kính trọng vợ như hắn, quả là điều kì diệu hiếm thấy.

Sau trận đó, thực sự hắn được cả hội… phong thánh. Những nỗ lực phấn đấu suốt bao năm qua của tôi và cả đám bạn giờ xếp cạnh hắn thành vô nghĩa, lại thô thiển. Mừng cho vợ chồng hắn thì ít, tủi thì nhiều. Điều đáng ngại với bọn tôi, hóa ra lại là việc để các gia đình gặp nhau thường xuyên.

Phụ nữ nói chung, nhất là các và vợ, luôn giỏi nhất trong việc tìm gương, cả gương soi lẫn gương "người tốt, việc tốt, chồng tốt, hàng xóm tốt".

Năm nay hắn nghỉ hưu. Nhận sổ hưu xong, hắn có một quyết định vô cùng dũng cảm: đạp xe xuyên Việt một mình.

Xin nhắc lại, đạp xe xuyên Việt một mình. Thử vào Facebook của hắn xem những hình hắn lang thang trên đường, lúc mưa rát mặt, lúc nắng như thiêu, lúc hắn ngồi ăn một mình trên bãi biển, lúc ngủ nhờ qua đêm... 

Trên đường, hắn ghé biển Hà Tĩnh. Đọc đoạn hắn viết về bà con ngư dân 4 tỉnh miền Trung đang ngơ ngác nhìn ra biển sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra mới hiểu hắn đang xót xa, đang đau đáu nỗi đau đồng loại, đang bất lực chia sẻ với những nỗi đau của người dân.

Hắn là nhà văn, là một người đã từng cầm súng, đầy trải nghiệm, không màu mè.

Hắn cũng bất lực như chúng tôi.

Là một thằng bạn, tôi theo dõi hằng ngày xem hắn đi như nào, đang ở đâu. Ngoài chuyện yêu quý, tôi sợ hắn gặp rủi ro dọc đường. Hơn hai ngàn cây số, ròng rã cả tháng trời, ở một đất nước giao thông "tuyệt vời" cả về hạ tầng lẫn ý thức của người tham gia như chúng ta, chả có điều gì là không thể.

Là một người mê xe đạp, tôi không giấu giếm là tuy vô cùng ngưỡng mộ tinh thần dũng cảm của hắn, song cảm giác ghen tị là có thật. Chặng đầu, hắn về quê nội ở Ninh Sở, Thường Tín. Hôm, hắn bảo "đi nào, chặng cuối cùng Đất Mũi".

Bây giờ thì tôi đã thở phào để nói câu, chúc mừng bạn Tiến trọc đã làm được điều phi thường, tuyệt vời và bình an trở về.

Vẫn dành 2 chai rượu khói chờ Tiến trọc. Xin phép em Vân đi, ngày giờ, địa điểm do "anh hùng xa lộ" quyết định.

Lại thêm bắt đầu từ hôm nay, tôi cài đặt chế độ tự động like bất cứ tút nào có hình ảnh và tên Phạm Ngọc Tiến, để biểu thị sự ngưỡng mộ và ghen tị.

Bùi Huy Hội
.
.