Chủ tịch KGB, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Yuri Andropov: Một người chân chính

Thứ Tư, 30/07/2014, 14:00

Trung tuần tháng 6 vừa qua tại Nga đã có rất nhiều người kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Yuri Andropov (15/6/1914 – 8/2/1984). Ông từng làm Chủ tịch Uỷ ban an ninh quốc gia Liên Xô (KGB) 15 năm và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô 15 tháng. Và ông đã kịp để lại những dấu ấn tích cực trong lịch sử mà sau này, các thế lực thù địch không thể nào xóa nổi.

Con trai người Côdắc

Bản tự thuật của Andropov ghi: “Cha là người Côdắc sông Đông, làm việc trong ngành đường sắt, mẹ thuộc thành phần tiểu tư sản. Mẹ tôi mất năm 1919, khi tôi mới lên 5, còn cha mất năm 1929. Mẹ tôi không còn nhớ gì về ông bà ngoại vì ngay từ bé đã bị gửi vào nhà  thương gia Flekenstein và lớn lên ở đó cho tới năm 16 tuổi. Mẹ tôi lấy chồng sớm và sau khi tôi sinh ra không lâu đã li dị với chồng. Tôi lớn lên cùng cha dượng tới năm 1930, khi đã tốt nghiệp trường trung học đường sắt và bắt đầu sống tự lập”.

Andropov sớm giác ngộ chính trị và tham gia công tác đoàn thanh niên rất có hiệu quả. Cho tới khi cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại bùng nổ (1941), Andropov đã trở thành Bí thư Trung ương Đoàn Komsomol của nước cộng hòa vừa mới hình thành Karelia (sát biên giới Phần Lan). Trong chiến tranh, Andropov tham gia phong trào du kích và lập được nhiều công trạng. Vị thủ lĩnh Komsomol này được tiếng là người dũng cảm, can trường, đáng được ca ngợi. 5 năm sau khi chiến tranh kết thúc (1950), Andropov đã là bí thư thứ hai của tỉnh uỷ Karelia. Khi tỉnh uỷ có những vụ việc phức tạp, Y. Andropov đã biết cách xử lý những vấn đề gây tranh cãi một cách khéo léo để vừa giữ được nguyên tắc chung vừa không bị mang tiếng tiền hậu bất nhất. Năng lực, độ đằm thắm và sâu sắc cũng như nhiệt tình làm việc của người cán bộ trẻ này đã được cấp trên đánh giá đúng. Tháng 5/1951, Andropov được chuyển về Trung ương Đoàn Komsomol ở Moskva. Bắt đầu giai đoạn mới trong cuộc đời của người cộng sản đầy bản lĩnh này.

Một điều thú vị là nhiều cán bộ an ninh đầu ngành của nước Nga hiện nay cũng từng bắt đầu lập nghiệp ở Karelia.

Tình cờ với KGB

Chính Tổng bí thư  Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev đã đưa  Andropov vào vị trí Chủ tịch KGB.

Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia Nga (FSB) trong giai đoạn 1999-2008, Nikolai Petrushov, hiện là Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, trong bài viết lớn đăng báo Nước Nga ngày 15/6/2004 đã gọi  Andropov là “một nhà chính trị lỗi lạc, đa chiều và không giản đơn”. Phải, Andropov không phải là một cán bộ tác chiến an ninh thuần tuý - năm 1967, ông được Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Liên Xô cử tới công tác ở KGB.

Thực ra, làm Chủ tịch KGB không phải là một vị trí  “ngon lành”. Đây là một công việc đòi hỏi những năng lực nổi trội, một cường độ làm việc cao và những phẩm chất con người đặc biệt. Phần lớn những vị tiền nhiệm của Y. Andropov khi rời khỏi vị trí của mình đều mang theo không ít tâm tư. Thời đó, Chủ tịch KGB chưa có chỗ trong Bộ Chính trị. Chỉ với Y. Andropov, KGB mới dần dà chiếm được vị trí xứng đáng với nó trên bàn cờ chính trị Xôviết.

Khi mới về KGB, Y. Andropov mới chỉ được biết tới như một cán bộ trung thực, và không nằm trong vòng ảnh hưởng riêng biệt của một nhà lãnh đạo nào đang ở vị trí cao hơn. Ông giữ khoảng cách đều đặn ở xa họ và chỉ giao tiếp trên cơ sở công tác chung. Chính điều này lại khiến ông được các nhà lãnh đạo rất khác nhau tin cậy.

KGB dưới thời Y. Andropov đã không chỉ quan tâm tới công tác phản gián mà còn điều tra cả những vụ tham ô, hay ăn trộm tài sản xã hội chủ nghĩa... Không có gì thuộc về nhân dân mà xa lạ với KGB – đó có lẽ là phương châm hành động của Chủ tịch KGB Y. Andropov. Cho tới những năm 80 của thế kỷ trước, hầu như không có công chuyện gì quan trọng trong đời sống chính trị xã hội Xôviết lại được giải quyết mà không có vai trò nào đó của KGB...

Theo đánh giá của các chuyên gia, trên cương vị lãnh đạo KGB, Andropov biết cách tìm ra những biện pháp xử lý cứng cỏi nhưng không cực đoan cho mọi vấn đề. Ông không bao giờ phỉ báng các thế hệ lãnh đạo trước mình, ngay cả với những người mắc sai lầm nghiêm trọng. Ông cũng đủ bản lĩnh để không mù quáng té nước theo mưa trong bất cứ một vấn đề trọng đại nào. Tất nhiên, ông cũng đủ độ mềm dẻo để biết khi nào cần đưa ra ý kiến riêng của mình cho thích hợp với tương quan các lực lượng chủ đạo trên chính trường. Với cán bộ cấp dưới hay đồng cấp, ông sẵn sàng tổ chức các cuộc tranh luận, lắm khi gay gắt nhưng không bao giờ định kiến. Khi nhận thấy quan điểm mà mình ấp ủ bị phản bác, ông trở nên nóng nảy nhưng lại không bảo thủ và sẵn sàng thực hiện các quyết định chung đã được thông qua một cách nhiệt tình và trung thực như thể đấy cũng chính là ý kiến của riêng mình. Theo chứng nhận của Đại tướng Vladimir Kriuscov, người từng nhiều năm làm việc dưới sự lãnh đạo của Andropov, về sau cũng từng nắm quyền “chủ xị” ở KGB trong những năm từ 1988 tới 1991, đôi khi trong những cuộc tranh luận đã lâm vào bế tắc, Andropov thốt lên: “Thế là đủ nhé. Tôi đã sử dụng hết các từ thông thường. Đành phải dùng thứ ngôn ngữ khác thôi...”. Và ông có thể văng ra vài ba từ khá nặng. Nhưng chính vì ông chân thành như thế nên đồng nghiệp không ai hiểu sai hay giận ông cả.

Tới KGB, Andropov không đưa bất kỳ ai thuộc lớp “bạn bè” ngoại đạo của mình vào các vị trí chủ chốt. Ông không đụng tới đội ngũ chuyên môn và để họ tiếp tục làm công việc của mình. Cách hành xử như thế khiến cho cấp dưới tin cậy sự công tâm của ông hơn.

Y. Andropov rất nghiêm khắc đòi hỏi cấp dưới thực thi nhiệm vụ một cách tận tâm. Bản thân ông làm việc cũng không có ngày nghỉ.  Đòi hỏi cao ở cấp dưới nhưng ông cũng rất hiểu cấp dưới. Một cán bộ KGB nhớ lại bài học đầu tiên mà  Andropov dã dạy ông về tính kỷ luật. Một ngày chủ nhật sau khi về KGB không lâu, Andropov triệu tập các vị chỉ huy các tiểu ban tới họp. Không phải ai cũng tới được vì lý do đơn giản: họ đang nghỉ ở trại ngoại ô mà tại đó, họ không có điện thoại liên lạc. Thế là ngay ngày hôm sau, họ không chỉ nhận được kèm theo lời khiển trách vì  vắng mặt ở cả máy điện thoại công vụ lẫn dân sự ở nhà và ở trại nghỉ. Và trên xe công vụ của họ rồi cũng được lắp máy điện thoại... Biết đòi hỏi ở cấp dưới nhưng cũng cần lo cho cấp dưới phương tiện để hoàn thành nhiệm vụ, - đó là cách làm điển hình của Andropov.

Andropov không bao giờ xổ toẹt những ý kiến khác mình, ngay cả khi ông đưa ra những quyết định không giống ai cả. Nhưng nếu người đối thoại đúng, thì ông lập tức công nhận sai lầm của mình ngay. Đấy chính là cách mà Andropov thu phục được lòng tin của các cán bộ KGB kỳ cựu. Trong đánh giá cán bộ, ông trông vào công việc chứ không nghe theo những lời xúc xiểm. Mọi quyết định được ông đưa ra một cách chậm rãi, nghiêm túc chứ không vội vã. Đôi khi cấp dưới thấy có vẻ như ông phản ứng chậm trễ nhưng khi mọi việc đã xảy ra, họ mới hiểu rằng, Andropov xử lý vấn đề như thế mới là đúng đắn và chín chắn, khác đi sẽ dở!

Đặc biệt, Andropov còn là người hay đưa ra những ý tưởng mới để tất cả cùng hình dung ra triển vọng của KGB. Lắm khi những ý tưởng mà ông đưa ra thể hiện được tầm nhìn xa trông rộng của một nhà chính trị không bị bó buộc bởi những thói quen chuyên môn thuần túy. Nghe cấp dưới báo cáo, ông bao giờ cũng quan tâm tới những giải pháp cho các vấn đề được nêu ra. Với ông, chỉ phát hiện ra vấn đề thôi thì chưa đủ, cần phải tìm được cách giải quyết chúng. Biết nhiều thông tin mà làm gì nếu không biết sử dụng những thông tin ấy để gỡ rối!

Một trong những yêu cầu đầu tiên mà Andropov đặt ra cho công việc là phải “sạch sẽ”, phải hợp pháp, phải chính danh. Cán bộ KGB phải mẫu mực trong việc thực thi luật pháp (Có lẽ thấm nhuần tinh thần này nên đương kim Tổng thống Nga, một cựu đại tá KGB, có lần tâm sự, đôi khi ông cũng gặp những tình huống bực mình tới mức muốn bước ra khỏi mọi ranh giới cho nó có hiệu quả, nhưng nhớ tới “bài học KGB” thời Andropov thì ông lại tự nhủ, kiểu gì thì cũng phải làm đúng luật!). Bản thân Andropov rất nghiêm túc chịu trách nhiệm trước BCH TW Đảng và chính phủ về mọi hoạt động của KGB. Ông không khuyến khích việc che giấu những công việc chuyên môn của KGB, những lỗi lầm mắc phải. Để việc thực thi luật pháp được nghiêm, ông đã hạn chế quyền hạn của cấp địa phương trong việc khởi tố hình sự theo điều 70 Bộ Luật hình sự Liên bang (về tội tuyên truyền và cổ động chống chế độ). Những việc như thế chỉ có thể làm với sự thông qua của cấp Trung ương.

Andropov chấp nhận giải quyết hậu quả cả những sự cố xảy ra trước khi ông về làm Chủ tịch KGB. Ông không muốn những công việc dở dang của quá khứ làm ảnh hưởng tiêu cực tới hiện tại. Có giai đoạn ông đã rất áy náy trước hiện tượng một số nhà lãnh đạo lảng tránh những vấn đề thiết thân đối với quần chúng hay “mũ ni che tai” trước một số hiện tượng không lành mạnh nảy sinh tại địa phương như quan hệ sắc tộc căng thẳng, nạn tham nhũng gia tăng trong bộ máy cầm quyền, sự chênh vênh trong phát triển kinh tế hay việc che giấu sự thật của một số cơ quan thông tin... Theo ông, tất cả những điều này đe dọa nghiêm trọng sự ổn định của quốc gia. Đối với ông, toàn bộ hoạt động của KGB phải phục vụ cho mục đích an dân trị quốc,  củng cố vững chắc vị thế của Liên bang Xôviết trên trường quốc tế.

An ninh “vị nghệ thuật”

Có thể Andropov khi mới về KGB chưa hình dung hết vai trò của công tác tuyên truyền về ngành an ninh nhưng ông đã bắt đầu công việc của một Chủ tịch Uỷ ban an ninh quốc gia bằng một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ về các chiến sĩ trên mặt trận âm thầm và đầy bí ẩn này. Theo ông, làm việc tốt rồi chưa đủ, còn cần để mọi người hiểu được công việc được thực hiện tốt của ta nữa. Andropov thực sự thích thú nghệ thuật và biết cách chơi với văn nghệ sĩ. Nhà văn Yulian Semeniov chẳng hạn, là một tác giả chuyên viết sách trinh thám giỏi nên có quan hệ trực tiếp với Chủ tịch KGB. Chính Y. Andropov đã cho lập Trung tâm báo chí của KGB và lập ra giải thưởng văn học nghệ thuật về chủ đề an ninh quốc gia. Đích thân Andropov đã gặp huấn luyện viên đội hockey quốc gia Victor Tikhonov và gặp cả nhà thơ Evgueni Eutushenko trò chuyện về mọi thứ trên đời... Theo Andropov, công việc của các cán bộ an ninh phải trở nên gần gụi dễ hiểu với nhân dân. Không ngẫu nhiên mà ông để cho các cán bộ KGB thường xuyên đi tiếp xúc với mọi tầng lớp nhân dân, diễn giải quan điểm của mình và tìm hiểu quan điểm của họ...

Yêu người, người không phụ, các văn nghệ sĩ lỗi lạc ở Liên Xô cũ đã lao động hết mình cho một hình ảnh KGB hợp lòng dân. Trong một thập kỷ liền, hàng loạt những bộ phim hay như Mùa chết, Sai lầm của điệp viên, Thiếu tá Bão lốc, Thanh kiếm và lá chắn, và đặc biệt là 17 khoảnh khắc của mùa xuân ... đã khắc sâu trong lòng người dân một hình ảnh mã thượng, có tâm, có tình, có trí của người chiến sĩ an ninh Xôviết (Đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kể lại rằng, khi còn là cậu bé đang ngồi trên ghế nhà trường, ông đã mơ ước gia nhập KGB sau khi xem bộ phim Thanh kiếm và lá chắn)...

Andropov thích đọc thơ và thích cả làm thơ. Ông từng bắt tay vào viết cả trường ca. Xem lại thơ ông, dễ dàng thấy rằng trong bất cứ bài nào cũng có một hai từ trái khoáy khiến cho nó không thể nào công bố trên sách báo được. Thế mới hay chứ!

Ông cũng thích nghe chuyện tiếu lâm về mình và bạn bè. Nếu chuyện không có ác ý mà chỉ đơn thuần giễu cợt vui, ông cười rất sảng khoái.

Suốt đời, Andropov được tiếng là nghiêm ngắn và ít giao du. Ông không mời ai về nhà mình, cũng ít tới chơi nhà ai, chỉ thỉnh thoảng cùng một số uỷ viên Bộ Chính trị tới đón năm mới tại nhà Tổng bí thư Leonid Brezhnev. Ông không uống rượu vodka, không hút thuốc, nếu cần thì chỉ nhâm nhi một chút bia hay rượu vang.

Tuy nhiên, Andropov vẫn được các đồng nghiệp kính trọng bởi tư duy nhanh nhạy với thời cuộc, biết rõ nhân dân cần gì trong từng giai đoạn. Lãnh đạo một cơ quan cần “hoài cổ” nhất nhưng ông lại biết cách đưa ra những quyết định mang hơi thở mới để tránh cho xã hội những xung đột không cần thiết.

Nỗi đau dang dở

Xét theo hành trình đã rõ của Liên bang Xôviết trong thế kỷ XX, không thể nói là Andropov đã hoàn thành  sứ mệnh của ông như ông mong muốn. Khi lên được đỉnh cao quyền lực chính trị ở Liên Xô, ông đã không có đủ thời gian để huy động những tiềm năng sáng tạo trong lòng xã hội Xôviết để thực hiện những nhiệm vụ đã đặt ra. Ông đã rất muốn cải cách mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và đã ủng hộ những chính khách có tư tưởng cải tổ. Thế nhưng, cũng những chính khách mà ông gửi gắm lòng tin ấy đã làm tan vỡ sự nghiệp mà ông suốt một đời theo đuổi. Thành công và thất bại của ông là bài học lớn cho không chỉ riêng ai!

Nhà báo bất thành

Yuri Andropov thời trẻ.

Năm 1945, Yuri Andropov chút nữa đã được đưa về làm việc ở tòa soạn báo Komsomolskaya Pravda. Mới đây, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Andropov, ban biên tập báo Nga Komsomolskaya Pravda đã tìm ra trong kho lưu trữ một tài liệu thú vị. Đó là lá thư của Bí thư Thứ nhất BCH TƯ Đoàn Thanh niên Cộng sản Liên Xô (Komsomol) Nikolai Mikhailov gửi Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Toàn Nga (tiền thân của Đảng Cộng sản Liên Xô) Georgi Malenkov ngày 31/5/1945. Trong đó có đoạn:

“...Vì hoàn cảnh bó buộc về đội ngũ nhân sự lãnh đạo của báo Komsomolskaya Pravda, BCH Trung ương Komsomol đề nghị đồng chí cho phép cử công tác đồng chí Y.V. Andropov, Bí thư Thứ hai Thành ủy Petrozavodsk thuộc đảng Cộng sản Karelia – Phần Lan để đưa vào vị trí Phó tổng biên tập báo Komsomolskaya Pravda...”.

Vì một số lý do nào đó mà yêu cầu của BCH TƯ Đoàn Komsomol khi đó không được giải quyết. Và Andropov vẫn phải tiếp tục làm việc thêm hai năm nữa trên cương vị Bí thư Thứ hai Thành ủy. Tới năm 1947, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Thứ hai  BCH TƯ Đảng Cộng sản Karelia – Phần Lan.

Khó có thể nói rằng số phận của Andropov đã xảy ra như thế nào nếu khi đó ông trở thành Phó tổng biên tập báo Komsomolskaya Pravda.

Tuy nhiên, tài liệu trên vẫn trở thành cái cớ để bắt đầu câu chuyện giữa phóng viên báo với một trong những  cộng sự gần gũi nhất của Yuri Andropov,  Trung tướng An ninh, Tiến sĩ Sử học,  nguyên Phó Tổng  cục trưởng Tổng cục 1 KGB, cựu giám đốc Trung tâm phân tích thông tin KGB Nikolai Leonov.

- Ông từng thường xuyên gặp gỡ với Yuri Vladimirovich Andropov, ông  ấy có bao giờ kể lại chuyện rằng ông ấy đã có thể về làm tại Komsomolskaya Pravda năm 1945 hay không?

- Không, cá nhân tôi chưa từng được nghe về câu chuyện này. Nhưng ông ấy rất quan tâm tới tất cả các ấn phẩm dành cho giới trẻ. Và luôn luôn để ý tới tính chất của các bài viết, các định hướng của chúng – đó là điều mà ông ấy luôn luôn nhớ.

- Đã bao giờ ông nhìn thấy trên bàn ông ấy tờ Komsomolskaya Pravda không?

- Tôi chưa bao giờ nhìn thấy...

Câu chuyện về việc KGB đã qua mặt Mỹ ở Việt Nam.

- Ông Nikolai Sergeyevich, xin ông vui lòng giải thích về Tổng cục 1 KGB mà ông đã từng là lãnh đạo?

- Kể từ khi cái tên này xuất hiện thì nó đã được dùng để chỉ cơ quan tình báo đối ngoại.

- Điều đó có nghĩa là khi nói về phản gián, thì ông đã là cánh tay phải của Andropov?

- Nếu nói về toàn bộ Tổng cục thì đúng là như thế, phát biểu trong quản lý nói chung có. Và cá nhân tôi đã giám sát bán cầu Tây từ Alaska đến Cape Horn, Canada, Hoa Kỳ, tất cả châu Mỹ Latinh - đó là phạm vi của tôi.

- Andropov đã có rất nhiều các điệp viên ở nước ngoài?

- Những con số dạng này, theo đúng tuy tắc, thuộc loại thông tin tối mật.

- Và bây giờ chúng ta sẽ không tiết lộ chúng ra?

- Chúng không bao giờ được tiết lộ. Nói chung số lượng các điệp viên  luôn luôn được xác định, như người ta vẫn nói, bởi các nhu cầu của tình hình quốc tế và khả năng của nhà nước.

- Tồn tại nhiều huyền thoại về sự toàn năng của KGB thời Andropov. Và không chỉ trong các vấn đề đối nội mà còn trên trường quốc tế. Có thật như thế không?

- Thôi nào, chúng ta là những người thực tế: không có ai toàn năng cả. Nhưng đã có những tình huống, khi mà lời nói phát ra từ Andropov đã tạo ra tác động mạnh mẽ nhất đối với việc thông qua các quyết định quan trọng. Ví dụ, vào năm 1975 trong  thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng Việt Nam.

Khi đó, Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh kéo dài ở miền Nam Việt Nam. Đất nước này bị chia thành miền Bắc Việt Nam xã hội chủ nghĩa với sự hậu thuẫn của Liên Xô và miền Nam. Chiến sự thoạt tiên bùng nổ ở miền Nam như một cuộc nội chiến. Sau đó thì Mỹ đã can thiệp vào.

Một bận, Andropov đã đến với cơ quan tình báo chúng tôi (ông ấy có thói quen xuống với chúng tôi chứ không cho gọi lên trụ sở KGB ở quảng trường Lubyanka) và thẳng thắn nói, các đồng chí điệp viên thân mến, các đồng chí cũng biết rằng,  ở miền Nam Việt Nam không chỉ có các du kích quân đang chiến đấu mà có cả các đơn vị quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thủ đô ở Hà Nội. Đang có mối lo ngại rằng Washington muốn thả một lực lượng đặc nhiệm lớn xuống một nơi nào đó gần Hà Nội và chia cắt hoàn toàn miền Nam Việt Nam. Hiện lãnh đạo Xôviết đang xem xét yêu cầu của lãnh đạo Việt Nam về việc đưa Hạm đội Thái Bình Dương của chúng ta tới bờ biển Việt Nam.

- Đấy là đồng chí Hồ Chí Minh yêu cầu ư?

- Đúng thế (Thực ra lúc đó, ở thời điểm đầu năm 1975, Bác Hồ đã từ trần – TG). Andropov nói: Tôi giao cho các đồng chí nhiệm vụ, xác định xem liệu Mỹ có đủ khả năng tổ chức một chiến dịch cho một đội quân lớn đặc nhiệm nhảy dù xuống Hà Nội như thế hay không? Tôi cho các đồng chí 3-4 ngày.

- Thế mà tôi đã nghĩ là chỉ cần 3-4 giây... Và khi đó các ông đã huy động toàn bộ mạng lưới điệp viên của mình? Rồi ném sang Việt Nam?

- Không. Trong ba ngày thì không đủ thời gian để ném người sang đó. Chúng tôi sử dụng mạng lưới điệp viên mà chúng tôi đang có ở phương Tây. Chúng tôi tập hợp các chuyên gia phân tích có thể dựa trên tất cả các thông tin thu thập được từ mạng lưới tình báo của chúng tôi ở nước ngoài  để có thể đưa ra một câu trả lời. Mọi yếu tố đều được tính đến: chính trị, kinh tế, những căng thẳng xã hội và ngay cả những phẩm chất cá nhân của nguyên thủ quốc gia, trong trường hợp này là Tổng thống Mỹ...

Và chúng tôi đã đi tới kết luận là, Mỹ ở thời điểm đó không thể tiến hành một hoạt động như thế, họ không có đủ lực để làm việc này - cả về phương diện đạo đức cũng không phải chính trị hoặc thậm chí quân sự. Khi chúng tôi báo cáo điều đó với Yuri Andropov, ông ấy bảo, kết luận thế thì tự tin quá. Tôi sẽ cho các anh thêm một ngày nữa để đi tới với GRU (Tổng cục Tình báo), tham khảo ý kiến của bên quân đội bởi họ có khả năng thăm dò không gian và trinh sát hàng không, rồi sẽ cùng nhau báo cáo lại với tôi thêm một lần nữa...

Chúng tôi đã tư vấn cả ngày cùng các  quân nhân, đã xem xét tất cả các khả năng, kể cả về vận tải, để thử xem người Mỹ mất bao nhiêu thời gian thì có thể tập trung được một lực lượng lớn. Các đại diện quân đội cũng đồng tình với chúng tôi rằng, Mỹ ở thời điểm đó không thể có khả năng thực thi một nhiệm vụ như thế.

Vì vậy, cả hai cơ quan chúng tôi, cùng với an ninh quân đội, đã có thể mạnh dạn báo cáo rằng, không cần thiết phải đưa Hạm đội Thái Bình Dương tới Việt Nam. Làm thế thì chúng ta hẳn đã phải xử lý thêm nhiều tình huống với Trung Quốc, nước mà ngay từ thời điểm đó đã luôn kiếm cớ dù nhỏ dù to để gây sự. Đơn giản là Moskva chỉ cần chờ đợi tới kết cục tốt đẹp của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Và khi người Mỹ bắt buộc phải hạ cờ ở đại sứ quán của họ tại Sài Gòn, chúng tôi đã mở champagne uống mừng vì đã dự báo đúng và người Việt Nam đã tự mình thực hiện được việc cần làm.

- Tại sao lại là rượu champagne? Người ta bảo là các điệp viên thường chỉ uống whisky thôi mà?

- Đó chỉ là trên phim ảnh. Trong cuộc sống thực, chúng tôi thích  rượu champagne Xôviết.

- Yuri Andropov đã để lại những ấn tượng gì đối với ông?

- Nói chung, ông ấy là một người khiêm tốn, không thích khoe mẽ về bản thân mình. Tôi nhận thấy điều này từ năm 1963, trong chuyến thăm Liên Xô của Chủ tịch Cuba, Fidel Castro. Tôi khi đó là thông dịch viên cho Fidel và Andropov đi tháp tùng với tư cách là Bí thư BCH TƯ phụ trách quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân ở những quốc gia theo chế độ dân chủ nhân dân.

Ngay từ khi đó tôi đã ấn tượng với đức tính khiêm tốn tuyệt vời của Andropov. Ông ấy không bao giờ cố gắng, như người ta vẫn nói, chơi vĩ cầm thứ nhất trong các cuộc trò chuyện với Fidel. Ông thích lắng nghe những gì các nhà lãnh đạo những nước cộng hòa mà  Castro tới thăm nói.

Andropov và tôi khi đó có hai cái mũ màu giống hệt nhau. Thì đều do nhà máy Xôviết làm ra, nên tất cả các cái mũ đều giống nhau. Và một lần khi ra khỏi máy bay ở Volgograd, ông ấy đã cầm nhầm cái mũ của tôi. Và sau đó rất lâu ông ấy cứ tự hỏi mình là tại sao mũ bỗng nhiên lại trở nên nhỏ đến thế? Hóa ra là cỡ mũ của ông ấy lớn gấp rưỡi cỡ mũ của tôi. Và khi tôi đội cái mũ của ông ấy thì nó che đến tận cằm. Tôi và ông ấy đều không đả động gì đến chuyện này. Ông ấy đã vứt bỏ cái mũ của tôi, còn tôi thì giữ cái mũ của ông ấy làm kỷ niệm...

- Bây giờ ông vẫn giữ cái mũ đó?

- Tất nhiên, vẫn giữ.

- Tại sao ông lại không mang cái mũ đó tới đây cho chúng tôi nhìn thấy nhỉ?

- Nó cũng là một cái mũ phớt bình thường thôi. Đưa ra có thể người ta bảo là đồ giả mạo. Thiếu gì thứ bây giờ người ta có thể làm giả...  Sau này, tôi cũng đã được làm việc với Yuri Andropov, khi ông ấy đã là Ủy viên Bộ Chính trị và Chủ tịch KGB. Trên những cương vị đó, ông ấy vẫn hầu như không thay đổi. Tôi đã luôn kinh ngạc trước cái tinh này của ông ấy: ham hiểu biết đến dễ sợ. Tôi nhớ có lần tôi đã kể với ông ấy về những chuyến đi của tôi tới các nước ở châu Mỹ Latinh.

- Với mục đích tình báo?

- Tất nhiên, tôi làm gì có mục đích nào khác. Và ông ấy đã hỏi tôi, theo những gì anh kể, tại sao ở châu Mỹ Latinh người ta có thái độ rất thiện chí với chúng ta, còn ở châu Âu thì toàn là những vấn đề? Tôi đáp, vấn đề là ở chỗ Liên Xô và Nga chưa bao giờ đụng đến châu Mỹ Latinh, chưa bao giờ gây ra chuyện gì, chưa bao giờ có dấu vết vũ lực nào ở đó. Tất cả các cuộc chiến tranh của Nga đều đã chỉ diễn ra ở trên lãnh thổ Đông Âu. Còn ở châu Mỹ Latinh, tất cả  đều nhìn thấy ở chúng ta một đồng minh tự nhiên chống lại Hoa Kỳ, chống lại kẻ thù và cũng là đối thủ lớn nhất của họ. Vì vậy, tôi nói, đừng nên sợ châu Mỹ Latinh, hoàn toàn có thể dựa vào đó. Và khi chúng tôi nói về Cuba, tôi bảo, Cuba sẽ không bao giờ phản bội, hãy yên tâm. Mọi sự về sau quả đúng như thế.

- Thế còn về khía cạnh đời thường, ông có nhận thấy ở ông ấy, về y phục, về thẩm mỹ, có gì đặc biệt không?

- Một lần tôi đã có ấn tượng mạnh bởi một hình ảnh hoàn toàn trực quan thôi.  Năm 1973, thời điểm diễn ra một sự kiện đáng nhớ, khi tôi được cử giữ một cương vị mang quân hàm tướng- Cục trưởng Cục Phân tích Thông tin tình báo. Andropov tới cơ quan phản gián và cho gọi tôi. Tôi vào phòng làm việc. Ông ấy thường ngồi không có áo khoác ngoài, đeo cà vạt và mặc một cái áo len ở nhà. Ông ấy ngồi chống tay lên cằm và trò chuyện. Và tôi nhận thấy ở khuỷu tay áo len có hai miếng mạng rất lớn. Có lẽ vợ ông ấy đã mạng cho chồng. Tôi nghĩ thầm, trời ơi, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch KGB mà lại mặc áo len mạng lại...

Huy Thành – Phạm Dũng
.
.