Chủ tịch FIDE, Kirsan Ilyumzhinov: Nếu đúng thì phải đi tới cùng

Thứ Hai, 01/04/2013, 15:00
Doanh nhân kiêm chính trị gia Kirsan Ilyumzhinov sinh ngày 5/4/1962 tại Elist, thủ phủ của nước Cộng hòa Kalmykia thuộc LB Nga. Đây là con người tự thân lập nghiệp với nhiều tình tiết rất đáng khâm phục và hấp dẫn trong tiểu sử vượt khó vươn lên.

Xuất thân từ một gia đình bình dân ở một nước cộng hòa hẻo lánh, mới 4 tuổi, cậu bé Kirsan bắt đầu học chơi cờ. Năm 15 tuổi, Ilyumzhinov đã trở thành đội trưởng đội cờ vua người lớn của nước cộng hòa. Năm 1979, Ilyumzhinov tốt nghiệp trung học với huy chương vàng nhưng lại vào nhà máy làm công nhân rồi đi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trong những năm 1982-1989, ông đã học ở Viện Quan hệ Quốc tế (MGIMO) tại Moskva. Năm 1988, Ilyumzhinov bị một số bạn bè xấu vu cáo nên đã bị loại khỏi trường đại học và bị khai trừ đảng vì “đã uống rượu mạnh tại nơi công cộng”. Sau khi được xác minh vô tội, ông lại vào học đại học nhưng sau khi tốt nghiệp, không đi làm ngoại giao mà nhảy vào làm kinh doanh.

Năm 1990, Ilyumzhinov được bầu làm đại biểu nhân dân của nước Cộng hòa Liên bang Nga rồi được bầu vào Xôviết tối cao Liên Xô, từng là chủ tịch Ủy ban Doanh nhân Nga.  Ngày 11/4/1993, ông được bầu làm Tổng thống đầu tiên của nước cộng hòa Kalmykia và giữ cương vị này cho tới tháng 10/2010 . Từ tháng 11/1995 cho tới hiện nay, ông là Chủ tịch Hiệp hội Cờ vua Quốc tế (FIDE)….

Trong bài trả lời phỏng vấn gần đây cho tạp chí Itogi, Ilyumzhinov đã tiết lộ nhiều câu chuyện thú vị về cuộc đời và công việc. Xin trích giới thiệu.

Trong những ngày khủng hoảng Hiến pháp 1993.

- PV: Ông từng chơi cờ vua với nhiều nhân vật lừng danh, nhiều vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Đối với ông đó có phải là một phép thử hay không? Có khi nào kết thúc ván cờ xong là ông lại đúc kết những nhận định nào đó về người vừa mới chơi với mình?

- Ông Ilyumzhinov: Trước hết phải nói rằng, chơi cờ vua là một thú vui giải trí rất hay. Nhiều người chơi cờ vua chỉ đơn giản vì họ thích chơi. Có lẽ vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên mà tôi đã có dịp chơi cờ vua cùng là ông Babrak Karmal (1929-1996, Chủ tịch Hội đồng cách mạng Afghanistan trong giai đoạn từ 1979 tới1986). Khi đó tôi còn đang học ở MGIMO. Rồi sau đó tôi đã từng không chỉ một lần được “tỉ thí” với ông  Mohammad Najibullah (1947-1996, Tổng thống Afghanistan từ 1986 tới 1992) trong những lần ông ấy sang thăm Moskva…

Tất nhiên là con người  ai cũng bộc lộ mình ra bên cạnh bàn cờ vua. Về chuyện này thì tôi nhớ tới lần gặp gỡ cuối cùng với ông Muammar Gaddafi. Đó là vào ngày 12/6/2011, sau đó bốn tháng ông ấy đã bị sát hại. Chúng tôi ngồi trò chuyện cùng nhau dưới những trận oanh kích của máy bay NATO và nói chung không định chơi gì cả. Nhưng chợt tôi nhìn thấy ở góc phòng có một bàn cờ vua rất đẹp. Ông ấy dõi theo ánh mắt tôi và thốt lên: “À, tôi quên mất, anh là Chủ tịch Hiệp hội Cờ vua Quốc tế! Nào, ta làm một ván đi!..”.

Trước đấy 7 năm tôi cũng đã từng chơi cờ vua với ông ấy, khi tôi tới thăm Sirte (quê hương của Gaddafi). Ông ấy tiếp tôi trong ngôi lều của mình ngoài sa mạc và tự tay nấu chiêu đãi tôi món thịt lạc đà nướng. Và cũng ở trong lều chúng tôi đã chơi một ván cờ vua trong đêm, dưới ánh lửa… Được năm sáu nước thì ông ấy ngáp vì để hụt quân mã.

Tôi nói: “Ông đi lại đi, chứ thế thì mất con mã đó”. Ông ấy đáp: “Không, thua rồi. Đã bước chân đi là cấm kỳ trở lại…”. Một phẩm chất tuyệt vời. Khi gặp gỡ và chơi cờ vua với Gaddafi, tôi đánh giá rất cao tính cách của ông ấy và chứng kiến cảnh ông ấy tính toán tình huống và hiểu, đó là một con người không bao giờ chịu đầu hàng và đã nói thì luôn giữ lời. Tôi hỏi ông ấy: “Người ta đề nghị ông rời khỏi đất nước. Ông sẽ bỏ chức mà đi chứ?”.

Ông ấy đáp: “Anh Kirsan, chức gì? Tôi đâu phải là Tổng thống, đâu phải là quân vương, theo Hiến pháp tôi không giữ chức gì cả. Với lại, tôi sẽ bỏ đi đâu? Trong trận ném bom gần đây nhất, tôi đã bị mất hai cậu cháu, một cô cháu và một người con trai 29 tuổi.  Tất cả những người thân thuộc của tôi ở lại nơi đây, làm sao tôi lại bỏ tổ quốc mà đi được?”.

Sau cuộc gặp ấy, tôi có trò chuyện với lãnh đạo một số nước, họ hỏi tôi về Gaddafi và tôi đã nói thẳng nhận định của mình: Ông ấy sẽ chiến đấu tới cùng, cần phải thương lượng với ông ấy. Và kết cục như mọi người đã thấy: đại sứ Mỹ bị giết, các vùng biên giới đỏ lửa…

- Ai còn làm ông ngạc nhiên khi ở bên cạnh bàn cờ tướng?

- Giáo hoàng Joan Phaolo II. Tôi đã được quen ông ấy vào năm 1993.  Sau vụ Nhà Trắng Moskva bị xả súng (liên quan tới vụ khủng hoảng Hiến pháp Nga năm 1993, khi bùng nổ mâu thuẫn giữa Tổng thống lúc đó là Boris Yeltsin với Hạ viện), Giáo hoàng có mời tôi tới để trao một kỷ niệm chương. Ở thời điểm năm 1993, tôi cũng là nghị sĩ và đã có mặt ở tâm điểm của các sự kiện.

Cùng ông Gaddafi.

Khi xe tăng xả súng theo mệnh lệnh của chính phủ thì hiểu ngay ra rằng, chỉ cần một chút nữa thôi là bùng nổ nội chiến. Tôi, ông Ruslan Aushev (lãnh đạo lúc đó của nước cộng hòa Ingushetia) và hai người nữa đã lấy một mảnh rèm cửa trong văn phòng của ông Valery Zorkin (Chánh án Tòa án Hiến pháp Nga lúc đó) làm lá cờ trắng và đi xe tới  Nhà Trắng – cần phải đưa phụ nữ ra khỏi nơi đó.

Hỗn loạn, súng nổ liên hồi và phải sau những cuộc thương lượng khá dài chúng tôi mới qua được chướng ngại vật vào bên trong tòa nhà. Trong các hành lang nhá nhem, chúng tôi đã tập hợp lại được dưới tiếng súng những người phụ nữ đang hốt hoảng, đó chủ yếu là bộ phận phục vụ.

Chúng tôi dùng liên lạc vệ tinh cảnh báo với Thư ký Hội đồng An ninh Oleg Lobov rằng, chúng tôi sẽ đưa những người không mang vũ khí ra ngoài. Ở lối ra, đón chúng tôi là những quân nhân đầy căng thẳng, sẵn sàng nổ súng vào bất cứ lúc nào cùng một đám đông cuồng loạn.

Những người phụ nữ bị tống lên các xe bus, còn chúng tôi ngồi vào cỗ Linkoln của tôi. Sau này trên truyền hình chỉ đưa đi đưa lại những đoạn: Ilyumzhinov và Aushev  mang cờ trắng vào Nhà Trắng, chứ không hề có cảnh chúng tôi cứu người ra khỏi đó như thế nào…

Thế nên khi Giáo hoàng quyết định tặng tôi kỷ niệm chương, tôi đã cảm thấy ngạc nhiên một cách thú vị. Rồi năm 1995, khi tôi được bầu làm Chủ tịch FIDE, một trong những bức điện mừng đầu tiên mà tôi nhận được là từ Vatican. Tôi đến đó để bày tỏ sự cảm ơn của mình. Tôi mang tới tặng Giáo hoàng  một bàn cờ vua rất đẹp mà những nghệ nhân bản Kubatschi ở Dagestan đã làm ra.

Giáo hoàng đã xếp bàn cờ rất nhanh: “Nào, ngài Chủ tịch, đấy là nhiệm vụ cho ngài: quân trắng đi trước, chiếu tướng sau năm nước”. Tôi nhìn vào bàn cờ: Làm thế nào mà chiếu tướng sau năm nước được? Giáo hoàng thấy vậy nói tiếp: “Thôi được rồi, dù sao ngài cũng mới chỉ vừa làm Chủ tịch. Đây, có nhiệm vụ khác: chiếu tướng sau hai nước!”.

Cái này thì tôi đã đoán được. Và chỉ về sau tôi mới hay biết về thú vui của Giáo hoàng:  Chủ tịch Hiệp hội Cờ vua Ba Lan đã gửi cho tôi những mẩu bài in trên báo báo ở Krakow, đó là những nước cờ do đức giám mục Karol Wojtyla sắp đặt. Giáo hoàng rất thích chơi cờ vua và đặc biệt thích đố vui về cờ vua.

- Thế ông lần đầu tiên chơi cờ là khi nào?

- Ông nội tôi dạy tôi chơi khi tôi lên năm. Đầu tiên là chơi nhảy và chỉ sau một tuần là tôi đã bắt đầu thắng được ông.  Rồi tiếp theo tôi học chơi cờ vua. Và cũng chỉ sau một thời gian ngắn là tôi đã có thể thắng được ông tôi nên ông rất cay và rất muốn gỡ lại. Đến mức ông đã gọi điện thoại từ cơ quan về cho bà nội: “Bà hãy kêu nó ngồi ở nhà chờ, tôi sắp về tới nơi rồi…”.

Khi đó, tôi không đi nhà trẻ mà chuyên môn ra phố đùa chơi với bạn bè. Tôi muốn đi đá bóng nhưng ông nội cứ bắt tôi ngồi vào chơi cờ. Tôi hiểu ra rằng, nếu ông không thắng thì ông sẽ không thả tôi đi đâu cả. Và tôi đã tìm cách để thua. Nhưng ông nội lại không hài lòng: “Cháu phải chơi thực sự đi nào!”. Lên 5 tuổi, tôi đã trở thành nhà vô địch của khu phố và giành được phần thưởng là cả một thùng bia. Nhưng họ đã không cho tôi bia mà mua thay vào đó là một thùng nước ngọt. Lên lớp 1, tôi trở thành vô địch nước cộng hòa ở lứa tuổi học sinh. Năm 15 tuổi, tôi vô địch Kalmykia ở giải dành cho người lớn. Khi tôi thực hiện nghĩa vụ quân sự, tôi trở thành nhà vô địch Quân khu Bắc Cápcadơ. Còn khi học ở MGIMO, tôi là nhà vô địch Moskva trong giải dành cho sinh viên.

- Về cờ vua thì cần phải học theo trường lớp hay tự học cũng thành tài được?

- Nhiều chính trị mà tôi biết đã không đi học theo lớp chuyên nghiệp về cờ vua, đơn giản là được người lớn dạy chơi ở nhà nhưng theo dòng thời gian, cũng đã trở thành những kỳ thủ lão luyện. Thí dụ như Mikhail Gorbachev. Ông ấy kể cho tôi nghe là, trong thời gian quân phát xít Đức chiếm đóng, lũ trẻ không biết giải trí bằng cách gì khác nên đã tự chế con quân cờ vua bằng gỗ để chơi. Và ông ấy đã làm quen với cờ vua bằng cách đó. 

Rồi khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Gorbachev đã ngồi chơi cờ vua với các Ủy viên Bộ Chính trị và các Bộ trưởng, ở đó có nhiều người rất mê chơi cờ vua. Theo tôi cảm thấy, các chính trị gia cần phải biết những kỹ năng kỳ thủ. Một chi tiết lịch sử: khi Winston Churchill (1874-1965, Thủ tướng Anh trong nhiều năm) định mời ai đó tham gia nội các của mình thì điều đầu tiên ông ấy quan tâm là về việc liệu người đó có biết chơi cờ vua hay không…

Tôi đối với cờ vua chủ yếu với tư cách một kỳ thủ chuyên nghiệp, một dự bị đại kiện tướng, nhưng lại hay được mời chơi giải trí. Tôi nhớ, có lần vào giữa những năm 90, tôi với tư cách Tổng thống Kalmykia đã mang một danh mục rất nhiều vấn đề cần giải quyết tới gặp Viện trưởng Viện Công tố Yuri Skuratov.

Tôi vừa đặt lên bàn ông ấy danh mục thì ông ấy đã hỏi luôn: “Anh có thời gian chứ?”- “Thế có việc gì ạ?” -  “Ta đi chơi cờ vua, tiện thể cùng uống trà luôn”… Chúng tôi vào phòng giải lao, trên bàn đã có bộ cờ vua bày sẵn. Tôi nói: “Anh Skuratov ơi, thực sự là không tiện lắm vì còn nhiều khách đang chờ anh…”. Dù thế nào thì chúng tôi cũng đã chơi được một ván cờ…

Rồi có lần tôi tới gặp Bộ trưởng Bộ Năng lượng Sergei Shmatko để bàn về chuyện xây dựng nhà máy phong điện. Ở trong phòng làm việc của ông ấy cũng đã bày sẵn một bàn cờ vua… Chưa chơi được một ván thì ông ấy dứt khoát chưa chịu bàn tới công việc.

- Chơi với ai thì ông cũng thắng ư?

- Với tư cách là một kỳ thủ giàu kinh nghiệm thì tôi cũng chẳng khó gì mà không thắng. Nhưng tôi cũng hay nhường, như với Vladimir Zhirinovsky (thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do Nga) chẳng hạn.  Ông ấy chơi không tồi nhưng vẫn chỉ là dân nghiệp dư thôi mà tôi thì lại muốn làm cho ông ấy vui.

Tóm lại là khi ông ấy chiếu tướng tôi thì ông ấy nói với thuộc hạ của mình rằng, đấy, các vị hãy học cách mà anh Ilyumzhinov  anh minh làm cho tôi mát ruột mát gan đi! Tiện thể kể luôn, chính Gorbachev có lần đã làm mặt giận trước các nhà báo và than phiền rằng, cái anh Kirsan thế nào mà lại chơi hòa với tôi, anh ấy lẽ ra phải thắng cơ… Tôi đáp: Không, tôi có thắng được ông đâu, chúng ta đã  chơi hòa mà… Ông ấy cự lại: Anh thắng tôi thì có chứ hòa gì…

- Sự thật là ông đã mua quyền xuất bản hồi ký của Gorbachev?

- Phải, quyền xuất bản và chuyển thể thành phim. Hiện chúng tôi đang tiến hành đàm phán ở Hollywood  với Trung tâm sản xuất của Al Pacino. Tôi đã có một cuộc gặp ở Chicago  với  đạo diễn Oliver Stone cùng với Gorbachev. Nhiều diễn viên sẵn sàng thủ vai Gorbachev, thí dụ như Leonardo Di Caprio. Hiện giờ thì tôi chưa thể nói chắc rằng ai sẽ vào vai Gorbachev. Tôi đánh giá Mikhail Gorbachev là một trong những nhân vật nổi bật  của thời đại mình. Tôi luôn bị thu hút bởi những nhân vật có tầm cỡ  như Giáo hoàng  Joan Phaolo II, Dalai Latma, Bobbi Fischer (đại kiện tướng cờ vua người Mỹ), Saddam Husein, Gaddafi. Đó là những người đã tác động tới tiến trình lịch sử…

- Chính trị có hay can thiệp vào môn cờ vua không?

- Có thể nhớ lại sự đối đầu giữa Bobbi Fischer, đại diện cho chủ nghĩa tư bản, với Boris Spassky, đại diện cho hệ tư tưởng cộng sản chủ nghĩa. Thông qua họ người ta muốn bộc lộ xem bên nào thông minh hơn… Còn trong giai đoạn lịch sử mới đây thì có thể nhớ tới tình huống đã xảy ra với ông Saddam Hussein. Năm 1996, ông Hussein đã đề nghị tiến hành giải vô địch cờ vua thế giới ở Baghdad  và ngỏ ý sẵn sàng tài trợ quỹ giải thưởng. Ở thời điểm đó đang bị bế tắc về trận đấu giữa Anatoly Kasparov với Gata Kamsky. Kasparov sẵn sàng tới Baghdad và Kamsky cũng muốn thi đấu nhưng anh ấy đã bị người Mỹ đe dọa gây khó dễ nếu tới Iraq thi đấu. Lúc đó đã có những biện pháp cấm vận đối với quốc gia này. Tôi đã viết thư gửi tới Bộ Ngoại giao Mỹ: chúng tôi chỉ chơi cờ vua thôi chứ có đánh nhau gì đâu; chúng tôi cũng có chở vũ khí tới đó đâu mà chỉ mang bàn cờ vua tới đó… Thế nhưng lệnh cấm vận đã cấm chở tới Iraq ngay cả … bút chì! Vì trong bút chì có grafit. Có lẽ người ta cho rằng ông Hussein có thể dùng than chì để chế tạo bom nguyên tử(?!).

Thỉnh thoảng tôi lại bị người ta châm chọc rằng dường như tôi vẫn giao du với các nhà độc tài. Nhưng còn thiếu những ai nữa không ôm hôn ông Gaddafi – từ Silvio Berlusconi (nguyên Thủ tướng Italia) tới Nikolas Sarkozy (nguyên Tổng thống Pháp)… Kondoleeza Rice (nguyên Ngoại trưởng Mỹ) cũng từng sang thăm ông ấy. Vậy mà bỗng nhiên ông ấy bị coi là bạo chúa. Thế nhưng người ta đã không thể tìm ra một nhà tù chính trị nào, một tù nhân lương tâm nào ở đất nước đó. Đó đã là một quốc gia phồn thịnh: mức lương thấp nhất dưới thời ông Gaddafi là 1.000 USD, các dịch vụ công cộng đều miễn phí, các cặp vợ chồng trẻ được cấp 64 nghìn USD để mua nhà ở. Tôi đã gặp nhiều người ở đó, tôi biết rõ điều này…

- Ông thường có mặt ở những quốc gia đang diễn ra chiến sự hay các cuộc xung đột nào đó. Ông tới những nơi đấy với tư cách gì?

- Để bàn chuyện cờ vua thôi. Năm 2011, tôi đã tới 108 nước, còn năm  2012 – hơn 60 nước. Rất nhiều nước mời tôi tới. Mùa xuân năm 2012 chẳng hạn, tôi đã tới Seoul tham gia một cuộc hội nghị quốc tế và tại đó, bên cạnh những vấn đề khác, tôi đã đưa ra vấn đề thống nhất hai miền nam bắc Triều Tiên. Tôi đã có một bài phát biểu ở đó.

- Thế liệu ở đó có mau thống nhất hai miền không ông?

- Tôi đưa ra sáng kiến để họ đặt trên cây cầu mà lực lương quân sự LHQ đồn trú các bàn cờ vua để đưa 100 em học sinh từ CHDCND Triều Tiên và 100 em học sinh từ Hàn Quốc tới thi cờ vua với nhau. Tôi đã thảo luận về ý tưởng này với ông Lee Myung-bak (Tổng thống Hàn Quốc khi đó). Ông ấy là bạn tôi từ những năm 90, khi ông ấy còn là Chủ tịch Hãng Hyundai, còn tôi là đại diện của hãng này trên lãnh thổ Liên Xô cũ. Sau đó ông ấy đã trở thành Thị trưởng Seoul rồi Tổng thống Hàn Quốc. Và tôi đã đề nghị Tổng thống Hàn Quốc sẽ đi nước đầu tiên trước, rồi lãnh tụ CHDCND Triều Tiên đi nước tiếp theo… Phía Hàn Quốc đã chấp nhận sáng kiến này nhưng tiếc thay đúng vào thời điểm đó, lãnh tụ CHDCND Triều Tiên lại từ trần…

Tôi còn có một sáng kiến nữa: xây dựng giới tuyến hòa bình giữa vùng biên giới Israel – Arab.  Tại đó có một bức tường 6m, còn ở những nơi chưa xây tường thì đặt vào hàng nghìn bàn cờ vua để trẻ em thi đấu với nhau.

Tôi đã thảo luận về ý tưởng này với thủ lĩnh của người Palestine,  Mahmud Abbass và ông ấy ủng hộ cả hai tay. Phía lãnh đạo Israel cũng có vẻ như không phản đối. Việc còn lại là bắt tay vào thực hiện… Cũng có thể làm tương tự như thế với khu vực Nagornyi Karabakh để trẻ em Azebajan chơi cờ với trẻ em Armenia

Vậy đấy, cờ vua có thể đóng vai trò sứ giả hòa giải. Từng có một truyền thuyết như thế này. Ngày xưa có hai  lãnh chúa Ấn Độ thường xuyên thù địch với nhau. Và một bận, khi lực lượng của hai lãnh chúa này chuẩn bị lại giao chiến thì một nhà hiền triết đã tới bảo: trước khi phân thắng bại về sức mạnh trên chiến trường thì hãy thử phân thắng bại xem ai khôn ngoan hơn trên bàn cờ. Và hai lãnh chúa ngồi vào thi đấu cờ. Họ chơi mãi, chơi mãi vẫn bất phân thắng bại. Đám lính tráng dưới  quyền chờ lâu quá đã bỏ hết về nhà lo việc đồng áng… Thế là thôi không ai đánh nhau với ai nữa…

- Bằng cách nào mà ông, xuất thân từ một gia đình bình thường ở Kalmykia, lại được vào học ở MGIMO, một học đường dành cho giới tinh hoa. Và tại sao ông lại lựa chọn tiếng Nhật Bản làm chuyên môn của mình?

- Cờ vua dạy tôi thi đấu và chiến thắng. Tôi tốt nghiệp trung học với huy chương vàng và từng là người chiến thắng tại nhiều cuộc thi  quy mô nước cộng hòa và liên bang về toán học, vật lý, hóa học và văn học. 

Năm 1979, nhân kỷ niệm 180 ngày sinh của Puskin, người ta đã tổ chức cuộc thi viết ở quy mô thành phố, rồi nước cộng hòa rồi toàn liên bang. Và tôi đã là tác giả của bài viết hay nhất  với đặc quyền là được nhận vào Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Lomonosov (MGU). Cũng ở thời điểm đó, tôi tình cờ đọc cuốn sách Cành hoa anh đào của nhà báo Vsevolod Ovchinikov mà trong đó viết rất hay về Nhật Bản.

Ngay từ lúc còn trên ghế trường phổ thông tôi đã mê karate và muốn tìm hiểu sâu hơn về triết học phương Đông. Tôi tìm hiểu ngay ra là tiếng Nhật chỉ dạy ở Trường Đại học tổng hợp Á – Phi, MGIMO và trường đại học quân sự thuộc Bộ Quốc phòng. Nhưng tôi đã không vào đại học ngay sau khi tốt nghiệp trung học. Trước đó, tôi đã làm việc ở nhà máy một năm. Cũng chỉ là tình cờ mà tôi đi làm công nhân thôi, vì thực ra tôi  với kết quả tốt nghiệp trung học của mình đã được nhận vào thẳng đại học mà không cần thi. Nhưng có một lần tôi đang đi cùng với một người bạn ở Elist và trên đường gặp một cán bộ làm công tác Đảng ở nhà máy chế tạo công cụ Zvezda. Anh ấy bảo: “Tới nhà máy làm đi, chúng tôi thiếu nhân lực lắm…”.

Tôi trước đó từng là bí thư đoàn trường, chỉ huy lực lượng đoàn viên thành phố, từng vận động đoàn viên đi làm ở nhà máy. Nếu bây giờ từ chối lời mời thì cũng bất tiện, hóa ra mình chỉ kêu gọi người khác, còn mình thì lại lảng tránh… Thế là tôi tới nhà máy Zvezda xin vào làm, hơn nữa, tôi cũng muốn thử sức mình… Tất nhiên, cả ở nhà lẫn ở trường đều không có ai hiểu tôi cả, cho là tôi bị chập mạch…

Thế rồi tôi học nghề và trưởng thành rất nhanh, chẳng bao lâu sau đã có thể làm gấp đôi định mức. Tôi được chọn làm đội trưởng đội công nhân đoàn viên cộng sản. Và được nhận mức lương 220 rub một tháng, trong khi mức lương của mẹ tôi, một bác sĩ thú y, chỉ là 140 rub, còn của cha tôi, một kỹ sư, chỉ là 200 rub... Rồi một năm sau, tôi có giấy gọi đi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Lại phải nghĩ: đi hay không? Và tôi đã đi. Tôi được đưa tới  Quân khu Bắc Cápcadơ. Và tôi đã trưởng thành từ lính trơn lên thượng sĩ, trung đội phó. Đầu tiên thì cũng nặng nề lắm, bị “ma cũ” bắt nạt. Phải chống lại thôi…

Ngay cả áp lực cũng lớn. Hãy thử tưởng tượng xem, phiên trực bếp ăn: hơn hai nghìn năm trăm con người mà chỉ có tốp trực năm người chúng tôi phải rửa sạch bát đĩa, rồi còn phải gọt khoai tây từ 3 giờ sáng tới 6 giờ sáng. Tôi không giấu là khi đó có nhiều lúc tôi tự trách  mình: ngu thật, lẽ ra có thể không đi bộ đội mà vào đại học và giờ thì được đi vũ trường giải trí … Rồi dần dà tôi cũng quen, dạn dần…

Tôi cho rằng, tôi đã được rèn luyện chu đáo trong quân đội. Khi xuất ngũ, tôi đã thi vào MGIMO. Tôi đã muốn chứng minh rằng, trong bất cứ tình huống nào thì tôi đều có thể vươn lên hàng đầu và làm được tối đa. Và thế là trong trường đại học, tôi đã được chen vai thích cánh cùng với đội ngũ con ông cháu cha, thí dụ như cháu nhà lãnh đạo Brezhnev, con trai ông Babrak Karmal…

- Và trong môi trường đó đã xảy ra câu chuyện với việc bị tố lên KGB?

- Chuyện bị tố xảy ra rất vớ vẩn. Hôm đó bọn tôi làm sinh nhật của tôi trong  ký túc xá. Tất cả ngồi vào một cái bàn dài, chế biến món cơm rang, uống cùng nhau và trò chuyện trên giời dưới bể… Và sau một ngày thì xuất hiện những bức ảnh ở cơ quan KGB. Hóa ra người ta cho rằng chúng tôi đã uống rượu vodka… Tôi nhớ, có một vị đại tá hỏi tôi: Các cậu có uống rượu không? Tôi bảo, có uống rượu nhẹ… Nhưng trong ảnh lại có một chai vodka Stolichnaya, cạnh đó là tôi ngồi cùng Kala Karmal (con trai nhà lãnh đạo Afghanistan)… Thực ra tôi cũng không thích vodka lắm nhưng mọi sự đã xảy ra như thế.

- Thời ấy uống vodka trong lễ sinh nhật của sinh viên cũng bị phạt vạ ư?

- Đó là vào giữa những năm 80, ở đỉnh điểm cuộc vận động đấu tranh chống rượu. Thêm vào đó, tôi khi ấy là Phó bí thư chi bộ về công tác tư tưởng. Thế là bị xỉ vả, đồng chí đã không gương mẫu… Rồi tôi bị loại ra khỏi trường đại học, bị khai trừ đảng… Bị khiển trách nặng nề… Rồi người ta còn định mở một cuộc điều tra ngỡ như tôi là gián điệp, nghiện hút…

KGB lúc ấy rất có quyền lực nhưng tôi vẫn quyết định đấu tranh để bảo vệ sự thật. Tôi viết thư gửi lên Chủ tịch KGB Chebrikov, nói rằng tôi không phải là gián điệp. Với tư cách đảng viên tôi đã viết thư lên Hội nghị BCH TW lần thứ XIX… Tôi còn viết thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó là Eduard Shevardnadze. Trong lá thư nào tôi cũng nhấn mạnh rằng tôi chỉ là một sinh viên bình thường, con nhà bình dân, không có tiền bạc gì cả…

Tôi nghĩ, một khi đã sa cơ lỡ vận như thế thì phải đấu tranh mà chứng minh sự vô tội của mình. Câu chuyện bắt đầu từ tháng 4 thì tới tháng 9 người ta đã mời tôi trở lại MGIMO  và nói rằng, họ đã kiểm tra, sự thật không phải như thế… Và tôi lại được vào học lại vào đúng khóa của mình… Tôi tin rằng, một khi mình đúng thì mình phải đi tới cùng. Trong cuộc đời này tôi chẳng sợ gì cả…

- Trên cương vị Chủ tịch FIDE hiện nay, ông đặt cho mình mục tiêu gì?

- Hiện nay trên thế giới hoàn toàn không yên tĩnh: khủng hoảng tài chính, xung đột, chiến tranh… Tại sao lại xảy ra như thế? Không phải vì trên hành tinh không đủ tài nguyên vì cả than, cả dầu mỏ, cả khí đốt vẫn còn đủ cho rất lâu dài. Nhà khoa học  Tsiolkovsky  từng nói rằng, trái đất đủ sức nuôi tới 50-60 tỉ người.

Cái gì và những ai đang thiếu ở ngày hôm nay? Đó là những con người biết suy nghĩ. Tôi có một mơ ước – làm tăng số lượng những người biết suy nghĩ lên tới 1 tỉ. Phép tính đơn giản: trên hành tinh hiện có 7 tỉ người, trong đó có 600 triệu người chơi cờ vua. Lev Tolstoi từng viết về ảnh hưởng tốt đẹp của cờ vua tới quá trình phát triển trí tuệ của con người, còn Lênin thì cho rằng, cờ vua, đó là môn thể dục đối với trí tuệ.

Có lần phóng viên BBC hỏi Albert Einstein: “Ngài cầm cờ vua làm gì?”, thì nhà bác học vĩ đại đã đáp: “Chàng trai trẻ ơi, tại sao anh cho rằng cần phải rèn luyện cơ bắp chân tay thôi chứ không cần rèn luyện cơ bắp của đầu người? Phương pháp duy nhất để rèn luyện cơ bắp của đầu người là chơi cờ vua”.

Khi nào có tới 1 tỉ người chơi cờ vua thì tức là chỉ số IQ chung của nhân loại sẽ  được nâng lên. Điều đó có nghĩa là xác suất của việc từ một tỉ người đó sẽ có nhiều hơn các nhân vật thông minh có mặt trên chính trường, tham gia nội các… Điều đó có nghĩa là những quyết định sai lầm sẽ trở nên ít hơn. Và nhờ thế, sẽ ít hơn các cuộc chiến tranh và các cuộc khủng hoảng…

Đinh Cường – Thế Long
.
.