Chịnh trị gia người Gruzia, Eduard Shevardnadze: Vật đổi sao dời

Chủ Nhật, 03/08/2014, 09:00
Eduard Shevardnadze từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô trong giai đoạn cải tổ, từ tháng 7/1985 tới tháng 12/1990. Ông cũng là người đứng đầu nước cộng hòa Gruzia thời hậu Xôviết, từ tháng 11/1992 tới tháng 11/2003... Ngày 7/7/2014, Eduard Shevardnadze đã trút hơi thở cuối cùng tại biệt thự riêng ở thủ đô Tbilisi, thọ 87 tuổi. Đám tang của ông đã diễn ra ngày 13/7. Cuộc đời ông, như báo chí Gruzia và nước ngoài nhấn mạnh, đã chứa đầy những sự kiện phức tạp và bi thảm, như hầu hết các nhà lãnh đạo cao cấp nhất thuộc thế hệ cuối cùng của Liên bang Xôviết.

Tinh thần đoàn viên

Eduard  Shevardnadze sinh năm 1928 trong một gia đình giáo viên dạy tiếng Nga và văn học Nga. Anh ruột ông là liệt sĩ hy sinh ngay trong trận chiến đấu đầu tiên ở pháo đài Brest ngày 22/6/1941. Ông tốt nghiệp xuất sắc Trường Kỹ thuật y khoa nên đủ điều kiện để vào học đại học mà không cần thi. Tuy nhiên, khi nhận được đề nghị giữ chức Bí thư Chi đoàn thanh niên Komsomol, Shevardnadze đã đồng ý ngay và từ bỏ giấc mơ làm bác sĩ. Khi đó, ông mới chỉ gần 17 tuổi. Và phải nói rằng, Shevardnadze cũng đã sớm bộc lộ được những năng lực khá xuất sắc của mình. Công tác Đoàn đã để lại dấu ấn sâu đậm trong phong cách của ông, Tuy nhiên, chính lĩnh vực hoạt động này, rất đáng tiếc, đã không chỉ tác động tới phong cách làm việc của ông theo những hướng tích cực mà lại ở cả những nét tiêu cực.

Shevardnadze cũng đã dám sống thật với chính bản thân mình. Ông xuất thân là người tộc Gurie (miền Tây Gruzia), vốn nổi tiếng có tình đồng hương rất sâu đậm. Tuy nhiên, ông lại sợ bộc lộ những mối quan hệ có tính địa phương chủ nghĩa. Lúc nào ông cũng sợ là thiên hạ nghĩ về ông không trong sáng nên luôn cố gắng tỏ ra vô tư. Khi còn làm Bộ trưởng Nội vụ Gruzia, ông đã cho em trai mình, một sĩ quan có số, rời khỏi lực lượng Công an vì không muốn mang tiếng là o bế người nhà. Làm tới chức quan to ở Moskva rồi nhưng khi nghe tin một người bạn thân của mình ở Tbilisi bị hàm oan, ông cũng không dám ra tay giúp đỡ...

Biết cách lấy lòng cấp trên và rất tích cực trong các hoạt động dân tuý, Shevardnadze đã thăng tiến rất nhanh trên hoạn lộ. Theo đường cán bộ Đoàn dần trưởng thành lên, tới tuổi tam thập, ông đã trở thành Bộ trưởng Nội vụ Gruzia. Năm 1972, khi bước vào tuổi 44, Shevardnadze đã được bầu làm Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản nước Cộng hòa Gruzia và ngự ở vị trí này tới 13 năm liên tiếp tới năm 1985, khi được Mikhail Gorbachev cử làm Ngoại trưởng Liên Xô dù trước đó ông không hề có chút kinh nghiệm chuyên môn gì trong lĩnh vực này. Tính toán của “cha đẻ cải tổ” Gorbachev là chỉ có một người không dây mơ rễ má gì với  thượng tầng Bộ Ngoại giao Xôviết mới có thể tạo được bước ngoặt trong chính sách đối ngoại mới, từ chỗ đối đầu với phương Tây sang thân thiện với các kẻ thù cũ.

Trên cương vị là người cầm trịch ở Bộ Ngoại giao Liên Xô, Shevardnadze đã rất nỗ lực ủng hộ Gorbachev trong mọi công việc, từ bắt đầu cải tổ tới phê phán Boris Yeltsin. Chính vì thế nên Gorbachev đã giữ ông làm Ngoại trưởng Liên Xô 5 năm liền. Nói chung, cho tới hôm nay, Gorbachev vẫn đánh giá cao Shevardnadze: “Một chính khách tinh tế và bạo dạn”. Khi hay tin Shevardnadze qua đời, Gorbachev cũng đã nói rằng, Shevardnadze là “một người độc đáo, tài năng, biết tìm ra tiếng nói chung với nhiều lớp người, cả già lẫn trẻ...”. Cũng chẳng có gì lạ vì nếu hai người này không bênh nhau thì sẽ còn ai bênh cho công việc mà họ đã từng làm trong thời cải tổ?!

Từ hy vọng thành thất vọng

Năm 1992, sau khi Liên Xô tan rã (có phần trách nhiệm không nhỏ của chính Shevardnadze), thất thế ở Moskva vì “người bảo trợ vĩ đại” Gorbachev đã bị nhà chính khách bạo gan Yeltsin tống cổ về vườn,  cựu Ngoại trưởng người Gruzia đã phải trở về nước trên cương vị Chủ tịch Hội đồng an ninh. Điện Kremli (nằm trong tay Yeltsin)  lúc đó dù không thích  Shevardnadze nhưng vẫn ủng hộ ông ở một mức độ nhất định vì người Nga lo ngại làn sóng dân tộc cực đoan và bài Nga dâng cao do người trị vì Gruzia lúc đó là Tổng thống Zviad Gamsakhudia khuấy động. Vốn quen đổi màu theo thời thế, Shevardnadze không cảm thấy ngượng ngùng khi phải lội qua con sông cũ hai lần. Trả lời phỏng vấn tờ The New York Times, ông đã thả cho trí tưởng tượng bay bổng: “Picasso có những giai đoạn khác nhau, một số chính trị gia cũng như vậy. Tôi từng phạm những sai lầm, đôi khi tôi cũng đã tỏ ra không công bằng. Nhưng ở đời làm gì có ai nắm tay được từ sáng tới tối? Tất cả chúng ta đều thay đổi”.

Nói một cách công bằng,  Shevardnadze đã ngăn chặn được thảm họa nội chiến ở Gruzia. Khi ông trở về Tbilisi, dự trữ thực phẩm của nước cộng hòa chỉ còn đủ cho vài ba ngày. Những thế lực đen ở nước cộng hòa đã coi ông là kẻ tử thù. Và ông không chỉ một lần bị mưu sát. Xe ôtô chở ông bị ném lựu đạn và đặt bom... Tuy nhiên, Shevardnadze đã trụ lại được trên vị trí của mình. Năm 1995, E. Shevardnadze được bầu lần đầu làm Tổng thống Gruzia. Năm 2000, ông lại tái đắc cử...

Tuy nhiên, bi kịch là ở chỗ,  Shevardnadze không bao giờ là người cộng sản đích thực, cũng không bao giờ là một nhân vật mang tư tưởng tư bản tới tận cùng. Ông bị giằng xé giữa hai dòng nước xoáy của hai hệ tư tưởng, địch nghĩ là ta, ta nghi là địch. Một tình cảnh trớ trêu của những kẻ chiêu hồi trong tư tưởng...

Dưới thời quản lý của Shevardnadze, nền kinh tế Gruzia gần như bị tê liệt. Ngân sách được lấp chủ yếu do viện trợ Mỹ. Lương tháng trung bình 15 USD một tháng, người nghèo có khi phải sống với 2 USD một tháng... Trong khi đó gia tộc  Shevardnadze lại bị nhấn chìm vào xa hoa và tham nhũng. Cháu ông đã kiểm soát toàn bộ ngành dầu mỏ và thuốc lá, con rể chiếm giữ lĩnh vực béo bở là điện thoại di động. Thông gia làm chủ cảng Poti, bác sĩ riêng của vợ ông được đặt vào ghế Bộ trưởng Bộ Y tế... Tệ nạn tham nhũng đã trở nên nặng nề tới mức phe đối lập rất dễ dàng dùng những khẩu hiệu mị dân về chống tham nhũng là đủ tập hợp một lực lượng đông đảo dân chúng tụ lại cùng nhau chống lại vị Tổng thống cao niên.

Giữa hai làn nước

Sai lầm lớn nhất của Shevardnadze là ở chỗ ông đã không thật lòng với quốc gia láng giềng Nga La Tư. Năm 1970, khi còn ở vị trí một quan chức cấp nước cộng hòa, để lấy lòng nhà lãnh đạo tối cao là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brejniev, ông đã thốt lên rằng: “Đối với người dân Gruzia, mặt trời bao giờ cũng mọc lên từ Moskva”. Thế nhưng, chính Shevardnadze là người mà về sau đã góp tay cùng Mikhail Gorbachev làm tan vỡ Liên Xô. Trong hơn một thập niên ngồi trị vì tại Tbilisi, Shevardnadze cũng tiến hành một chính sách “mua anh em xa, bán láng giềng gần” đầy ác cảm với Moskva.

Tuy khiên, khi tỏ ra xa lánh Moskva, Shevardnadze đã “bé cái nhầm” khi chọn bạn mới. Trong thời cải tổ,  đã có lúc Shevardnadze làm ra vẻ mình đã có  được một tình bạn thân thiết với các chính trị gia Mỹ. Ông từng gọi George Shults, Ngoại trưởng Mỹ thời Tổng thống Ronald Reagan, một cách thân mật là “Gioóc”. Ông cũng từng tưởng mình có ông bạn Jim trong gương mặt James Baker, Ngoại trưởng Mỹ thời Bush - cha... Thế nhưng, ông đã không ngờ rằng với Washington, mọi việc chỉ hay khi ông còn có ích cho những toan tính chiến lược và chiến thuật của họ. Người Mỹ không có bạn mà chỉ có quyền lợi, vật đổi sao dời rất nhanh nếu quyền lợi trở nên khác đi.

Shevardnadze đã bị quá đà trong những nỗ lực lấy lòng Mỹ. Ông từng chiều Mỹ hết lòng. Ông đã lên tiếng yêu cầu kết nạp Gruzia vào NATO. Washington cần được ủng hộ trong cuộc chiến Iraq, Tbilisi đã lên tiếng “Oke” ngay lập tức. Mỹ đã giúp Gruzia xây dựng quân đội, tuy nhiên, cho tới nay, đó vẫn là một lực lượng yếu ớt. Quốc hội Gruzia đã từng thông qua một đạo luật cho phép các quân nhân Mỹ có thể dạo chơi ở mọi nơi với vũ khí trong tay...

Và càng lụy phương Tây bao nhiêu,  Shevarnadze càng tự tay “chăm bón” cho sự ác cảm của Moskva đối với bản thân ông và chính thể do ông dựng lên. Điều này đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh Vladimir Putin đăng quang trong Điện Kremli và vai trò của những chính khách Nga theo tư tưởng cũ đã gia tăng, mà họ lại là những người rất không thích, thậm chí căm thù  Shevardnadze vì những việc ông đã làm trong thời cải tổ, dẫn tới tan vỡ Liên bang Xôviết. Giới quân sự và an ninh Nga luôn coi Shevardnadze là kẻ phản bội. Moskva không thích cách Tbilisi đối xử với Mỹ “nhất bên trọng” vì những món lợi viện trợ. Hơn thế nữa, lại còn gây mâu thuẫn triền miên với người Nga. Điều mà Shevardnadze khoe khoang với phương Tây rằng ông cùng Gorbachev “đã cứu thế giới” vì dù lúc đó Liên Xô “có tới 40 nghìn xe tăng và hàng nghìn đơn vị vũ khí và chỉ trong vòng một ngày đêm là có thể đổ quân tới bờ biển Đại Tây Dương của nước Pháp” nhưng đã tự nguyện giải giáp chỉ càng làm cho sự phản bội chủ nghĩa cộng sản của Shevardnadze trở nên rõ ràng hơn...

Thất bại chính của E. Shevardnadze là ở chỗ, ông đã không điều hòa nổi mối quan hệ cân bằng với Nga và Mỹ. Cả Nga và Mỹ đều muốn kiểm soát càng nhiều càng tốt nguồn dầu khí ở vùng Kavkaz. Trong ván bài này, chính sách của bộ máy chính quyền ở Tbilisi đóng một vai trò quan trọng. Thực chất thì Washington chỉ chấp nhận Shevardnadze trên cương vị Tổng thống Gruzia cho tới khi nào họ “cấy” được một sản phẩm mới của họ vào hệ thống chính trị nước cộng hòa. Hạt giống mới đó là Mikhail Saakashvili. Đây là một người mà theo tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine, trông bề ngoài không khác gì một luật sư hay doanh nhân Mỹ, từng tu nghiệp ở New York vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước.

Và rốt cuộc là phương Tây do Mỹ đứng đầu, bằng nhiều hoạt động khác nhau, kể cả tổ chức biểu tình đường phố, tới hạ tuần tháng 11/2003, đã giúp đưa được Saakashvili lên làm Tổng thống Gruzia, loại bỏ hoàn toàn Shevardnadze ra khỏi chính trường. Kẻ thắng cuộc lúc đó đã định đưa cựu Tổng thống Shevardnadze ra vành móng ngựa với lời buộc tội hình sự... Tuy nhiên, rốt cuộc Shevardnadze đã được hưởng chế độ hưu trí dành cho nguyên thủ quốc gia, dù chỉ với những điều kiện vật chất rất khiêm tốn (có giai đoạn ông còn bị nợ lương hưu tới hai năm liền, phải sống nhờ những món tiền đã tiết kiệm được từ thời Xôviết...)

Về cuối đời, trong một bài trả lời phỏng vấn, Shevardnadze đã tâm sự: “Lớp hậu sinh sẽ quyết định xem tôi sẽ còn lại như thế nào trong ký ức, một thủ lĩnh của Gruzia hay một Bộ trưởng Ngoại giao Xôviết. Nhưng tôi chỉ biết rõ một điều: Thường thì con người chúng ta đều phải nhận những cái gì mà mình xứng đáng...”

Nguyễn Trung Tín
.
.