Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Chính sách "Ba mũi tên" và học thuyết "không khoan nhượng"

Thứ Hai, 29/09/2014, 09:00

Không phải ngẫu nhiên khi giới phân tích chính trị trong và ngoài nước đánh giá Thủ tướng Shinzo Abe là người theo đường lối dân tộc nhất của Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua. Khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa đang là một chất liệu đặc biệt làm nên phong cách lãnh đạo của ông trên chính trường vốn nhiều biến động, và được chính vị Thủ tướng tài năng này vận dụng để viết lại lịch sử Nhật Bản với một bản hiến pháp hoàn toàn mới.

Có thể nói, sự trở lại chính trường của ông Shinzo Abe từ tháng 12/2012 đã đem lại những chuyển biến mới cho Nhật Bản. Ông đã tiến hành hàng loạt các chính sách cải cách mang đậm màu sắc cá nhân, đánh dấu sự hồi sinh của đất nước “mặt trời mọc” sau thời kỳ giảm phát kéo dài và tăng trưởng trì trệ gần 20 năm - mà nổi bật nhất là chính sách phục hồi kinh tế “Ba mũi tên” Abenomics.

Trong lần đầu tiên dự Đối thoại Shangri-La 13 (Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á) vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản tỏ rõ sự không khoan nhượng trước chính sách “Nước lớn” của Trung Quốc. Ông Abe đã công bố “Học thuyết Abe” (Abe Doctrine) trong đó có những tuyên bố cứng rắn về an ninh khu vực, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN. Đây được coi là tuyên ngôn của Nhật Bản đối với vấn đề an ninh quốc tế trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có những hành động đơn phương mang tính khiêu khích nhằm áp đặt chủ quyền của mình đối với khu vực Biển Đông - những hành động thậm chí còn đang bị nghi ngờ là nhằm tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực với mục tiêu ám muội.

Nhật Bản đang hồi sinh nhờ… Abenomics

Gần hai năm trước, ông Shinzo Abe tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng lần thứ hai, trở thành người quyền lực nhất nước Nhật. Từ đó tới nay, chính khách này đã làm được khá nhiều việc dựa trên nền tảng cốt lõi là hệ tư tưởng bảo thủ, dân tộc kết hợp với chủ nghĩa thực dụng. Điều này cho phép ông thực hiện cam kết chấm dứt hai thập niên nền kinh tế lớn thứ ba thế giới rơi vào tình trạng giảm phát và bị Trung Quốc qua mặt. Con người dân tộc của Abe thể hiện qua việc diễn giải lại hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản và thái độ của ông đối với quá khứ chiến tranh trong quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Chiến lược “Ba mũi tên” trong học thuyết kinh tế của Thủ tướng Abe xuất phát từ ý tưởng và cách gọi từ câu chuyện trong truyền thuyết Moori Motonari của Nhật Bản. Theo đó, Moori là một danh tướng tài ba luôn biết chuẩn bị chu đáo để giành thắng lợi. Ông dạy ba người con trai mình rằng: “Một mũi tên thì có thể dễ dàng bị bẻ gãy, nhưng hợp ba mũi tên cùng nhau thì không thể bị bẻ gãy”.

Abenomics ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tế, trong bối cảnh kinh tế Nhật đang chìm trong khó khăn và cần phải có một “liều thuốc mạnh mẽ và hiệu quả”. Đặc trưng của chính sách kinh tế học Abe là nhằm xây dựng và triển khai chiến lược “kiềng ba chân”, bao gồm chính sách tiền tệ mạnh mẽ, chính sách tài khóa linh hoạt và chiến lược tăng trưởng khuyến khích đầu tư tư nhân. Bằng cách thực hiện đồng thời các biện pháp kinh tế mạnh nêu trên, Chính phủ Abe hướng tới mục tiêu biến chuyển xu hướng co lại cố hữu của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra nhiều việc làm hơn.

Trên thực tế, những mũi tên trong chiến lược “kiềng ba chân” của ông Abe đã và đang được tích cực triển khai ở Nhật và mang lại thành quả đáng khích lệ. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm chống giảm phát. Theo đó, đặt mục tiêu đưa lạm phát lên 2% trong vòng 2 năm thông qua tăng cường mua trái phiếu chính phủ và các tài sản tài chính có sự rủi ro hơn như các quỹ đầu tư tín thác. Giữa tháng 5-2014, Chính phủ đã kích hoạt khoản ngân sách khổng lồ 906,2 tỷ USD, tập trung vào các công trình công cộng sẽ tạo đòn bẩy giúp phục hồi nền kinh tế. Thành công đầu tiên của Abenomics tính đến thời điểm này là chiến lược trên đã tạo cho người dân “cảm giác kỳ vọng về sự tái sinh của nền kinh tế Nhật Bản”.

Tại Shangri-La 13, Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ trích thái độ hiếu chiến của Trung Quốc và dẫn lại "Học thuyết Abe" không khoan nhượng với chính sách "Nước lớn" mà Bắc Kinh đang theo đuổi (ảnh trái: Tướng Phó tổng tham mưu trưởng Vương Quán Trung).

“Mũi tên thứ ba” còn bao hàm cả các chính sách mang màu sắc Abe. Theo ông Abe, để khai phá những thị trường mới, chính phủ nước này cam kết sẽ thực hiện các giải pháp tăng cường nguồn nhân lực có khả năng hoạt động hiệu quả ở nước ngoài và tạo môi trường làm việc tốt hơn cho phụ nữ. Sau này, ông Abe đã dùng thuật ngữ “Womenomics” để nhấn mạnh tới vai trò rất quan trọng của phụ nữ trong công cuộc tái thiết nền kinh tế Nhật Bản, cùng cam kết: Ưu tiên - trao quyền cho phụ nữ trong lao động. 

Chính sách “kiềm tỏa” Trung Quốc

Không chỉ để lại dấu ấn về chính sách kinh tế, dưới sự điều hành của ông Shinzo Abe, một loạt thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách đối ngoại và quốc phòng đang từng bước giúp Nhật giành lại vị thế quan trọng của một cường quốc trên bản đồ thế giới. Từ khi trở lại cương vị Thủ tướng, ông Abe luôn đưa ra những tuyên bố cứng rắn liên quan tới tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Không chỉ vậy, Thủ tướng Abe còn thực thi hàng loạt các biện pháp chính trị và quân sự để đương đầu với sự lấn lướt của Trung Quốc. Trong “Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản” vừa được công bố, tài liệu dày 450 trang này đặc biệt nêu lên các hoạt động của Trung Quốc như “xâm nhập lãnh hải Nhật Bản, vi phạm không phận Nhật Bản và cả những hành động nguy hiểm có thể gây ra sự cố với hậu quả khôn lường”.

Sau nửa thế kỷ tự kiềm trong chính sách hiếu hòa, Nhật Bản bắt đầu chuyển mình để đảm nhận vai trò của một đại cường quốc kinh tế và quân sự. Thủ tướng Shinzo Abe thông báo ông muốn “tu chỉnh bản hiến pháp” được soạn thảo dưới sức ép của Mỹ từ năm 1947, để phù hợp với tình hình hiện tại. Theo đó, chính quyền Abe đang nỗ lực sửa đổi điều 9 của hiến pháp theo hướng “cho phép quyền tự vệ tập thể” - hay nói cách khác là quyền được tham gia chiến tranh - mà bước đầu tiên đã được tiến hành từ tháng 1-2007 khi Nhật nâng cấp Cục Phòng vệ thành Bộ Phòng vệ.

Dù vậy, rõ ràng khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa của Thủ tướng Abe không hề thay đổi. Hiện nay, Thủ tướng Abe và Đảng Dân chủ tự do chủ trương sửa đổi hiến pháp bằng một quá trình từ từ, kiên trì và nhẹ nhàng. Đây chính là điều khiến chính quyền Bắc Kinh lo ngại. Giới quan sát cho rằng dù Nhật không thay đổi bản hiến pháp chủ hòa nhưng nếu họ gia tăng sức mạnh quân sự thì quân đội Trung Quốc cũng sẽ khó lòng đóng vai trò trấn áp ở châu Á.

Chỉ chưa đầy 5 tháng sau khi lên cầm quyền, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã tiến hành một loạt động thái chinh phục cảm tình của các quốc gia hoặc là láng giềng, hoặc lân cận và đang có mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc. Những động thái này được giới phân tích quốc tế đánh giá là nằm trong chiến lược “Định vị hướng Nam” của Tokyo mà ông Abe gọi là “Chiến lược an ninh dân chủ kim cương”, trong bối cảnh sự trỗi dậy của Trung Quốc đang tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, an ninh, xã hội và quân sự trong khu vực. Ông Abe muốn liên kết tất cả những quốc gia từ Ấn Độ kéo dài xuống Đông Nam Á và đến tận Australia vì có cùng một mối quan ngại chung: bị sức mạnh quân sự của Trung Quốc đe dọa.

Trong cốt lõi, ông Abe nói rằng, thái độ quyết liệt, hung hăng của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và biển Đông đã tạo ra sự “ưu tiên” cho chính sách ngoại giao của Nhật Bản, và Nhật Bản phải mở rộng tầm nhìn chiến lược. Cũng theo ông Abe, Nhật Bản là một cường quốc hàng hải và dân chủ lâu đời nên sự lựa chọn chiến lược của Nhật Bản cũng phản ảnh thực tế đó: bốn nước Australia, Ấn Độ, Mỹ và Nhật hợp thành một chuỗi kim cương kiềm tỏa Trung Quốc hiếu chiến, bảo vệ tài sản chung của nhân loại, bảo vệ tự do giao thông hàng hải trong khu vực Thái Bình Dương và  Ën Độ Dương.

Tại Đối thoại Shangri-La 13 (diễn ra từ 30/5 tới 2/6/2014), tuy không nêu đích danh, nhưng những gì ông Abe thể hiện trong “Học thuyết Abe” và bài phát biểu tại Shangri-La cho thấy sự cảnh giác cao độ và mối lo ngại sâu sắc về những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc và sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các nước ASEAN. Thủ tướng Abe chính thức tuyên bố: “Nhật Bản không ngần ngại và luôn sẵn sàng hỗ trợ, viện trợ các nước ASEAN bao gồm Việt Nam và Philippines  trong những nỗ lực nhằm bảo đảm an toàn và tự do hàng hải, hàng không”.

Liên quan đến tình hình căng thẳng leo thang tại khu vực Biển Đông do những hành động sai trái mang tính khiêu khích bạo lực và vô nhân đạo của Trung Quốc, Thủ tướng Abe không ngần ngại chỉ trích: “Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực và đe dọa trong những tranh chấp chủ quyền là hành động không thể biện hộ. Không thể dựa vào bạo lực, vào áp bức mà phải dùng những biện pháp hòa bình để giải quyết xung đột”. Ông Abe cũng thẳng thắn yêu cầu Trung Quốc phải giải quyết vấn đề theo luật pháp quốc tế và đề nghị ASEAN và Trung Quốc cần sớm soạn thảo và ký kết Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC).

Theo giới phân tích, “Học thuyết Abe” được đánh giá là “dây cương cho cỗ xe ngựa đang hùng hổ xông tới từ phương bắc”.Trong khi đó, lời tuyên bố đầy cương quyết của lãnh đạo một nước vốn theo đường lối ôn hòa như Nhật Bản có thể được coi là “lời tuyên chiến đối với những hành động chính trị, ngoại giao cường quyền”. Bởi, đây mới là lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham dự Đối thoại Shangri-La. Và ngay trong lần đầu tiên này, ông đã thể hiện thái độ không khoan nhượng đối với chính sách “Nước lớn”.

Tựu chung lại, đây có thể coi như là những phản ứng chiến lược hợp lý của Nhật Bản đối với sự trỗi dậy đang là mối đe dọa với khu vực của Trung Quốc. Tầm nhìn của Thủ tướng Shinzo Abe đại diện cho quá trình tiến triển tự nhiên của một trật tự khu vực châu Á hiện tại và sự đoán biết tương lai - nơi các nền dân chủ tự do của châu lục chia sẻ trách nhiệm lớn hơn với Mỹ trong nỗ lực gìn giữ hòa bình chung của thế giới…

Trần Quân - Lê Nam - Anh Doãn
.
.