Chín năm và hai giấc mơ “Bầu” Đức

Thứ Năm, 17/10/2013, 10:09
*Tôi nhớ mãi buổi chiều sân Pleiku  ngày 11/12/2004, khi Hoàng Anh Gia Lai đá trận đầu tiên tại AFC Cup với Makassar của Indonesia và đại thắng 5 bàn. Chiến thắng oanh liệt ấy mở ra một giấc mơ lớn cho ông bầu Đoàn Nguyên Đức: giấc mơ đưa Hoàng Anh Gia Lai vượt trận đồ bóng đá Việt Nam để vươn ra biển lớn.

*Bây giờ, đúng 9 năm sau buổi chiều mơ mộng ấy, bầu Đức lại mơ một giấc mơ mới cùng các cầu thủ U.19 Việt Nam, mà nòng cốt là các học viên của Học viện bóng đá trẻ Hoàng Anh Gia Lai JMG: mơ về một thế hệ có thể giúp bóng đá Việt Nam vô địch SEA Games rồi vươn lên tầm châu lục.

*Chín năm và hai giấc mơ cuộc đời, nó giống và khác nhau những gì?

1. Buổi chiều sân Pleiku ngày 11 tháng 12 năm 2004 ấy, khi Dusit vung chân từ cự ly 20m, phá tan mành lưới Makassar thì gần 10.000 con người ngồi chật kín sân vận động tưởng như có thể nổ tung vì hạnh phúc. Từ hàng ghế VIP, bầu Đức chạy xuống đường piste với tốc độ của một vận động viên điền kinh. Vẫn cái quần bò thô kệch, cái áo da màu đen và cái mũ trắng, bầu Đức dang rộng hai cánh tay chao lượn ở khu kĩ thuật của đội mình. Hạnh phúc, hạnh phúc đến không kiềm chế nổi cảm xúc – đó là điều mà người ta có thể cảm nhận rõ rệt ở ông bầu này. Khi 90 phút trận đấu khép lại, một Hoàng Anh Gia Lai với sự góp mặt của bộ ba người Thái Kitatisak – Dusit – Tawan thắng đậm tới 5-1 thì bầu Đức hân hoan phát biểu: “Chúng tôi đủ sức chinh chiến ở đấu trường châu lục”.

Nhưng chỉ ngay ở lượt đấu thứ hai của đấu trường châu lục, khi bộ lông óng ả của con chim Hoàng Anh bị các cầu thủ Krung Thai Bank dội cho một gáo nước lạnh bằng trận thua 1-2 ngay tại Pleiku thì bầu Đức đã bắt đầu nghĩ lại. Và tiếp nữa, khi Hoàng Anh thua Đại Liên (Trung Quốc) trên sân khách, đồng nghĩa với việc cánh cửa vào vòng trong hoàn toàn khép lại thì ông bầu giàu mơ mộng đã thực tế nhận ra rằng: “Hoá ra chúng tôi vẫn chưa đủ lực ra biển lớn”.

"Xin đừng tâng bốc các em"

Thực tế thì với cả một núi tiền được vung ra, Hoàng Anh Gia Lai thời điểm ấy là nơi tập hợp của cả một dàn sao Việt lẫn sao Thái. Nhưng có lẽ ngay từ thời điểm ấy bầu Đức cũng đã nhận ra một đội bóng được thành lập chóng vánh bởi nhiều ngôi sao xét cho cùng cũng chỉ đoạt được những thành tích chóng vánh ở giải quốc nội mà thôi. Muốn vượt tầm thực sự và vươn xa thực sự, người ta cần một thế hệ các cầu thủ được uốn nắn, vun trồng từ nhỏ. Và đấy phải là một thế hệ được uốn nắn, vun trồng bởi một công nghệ đào tạo giàu chất lượng.

Đấy chính là lý do mà 3 năm sau ông đã quyết định phá đi cả chục hecta cao su để xây dựng một học viện bóng đá hoành tráng ở Hàm Rồng - Pleiku. Và bây giờ thì nó – những sản phẩm của một  học viện bóng đá được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu đang hứa hẹn sẽ giúp ông có thể tự tin bước vào một lần mơ mộng thứ hai. Lần mơ mộng có chân đế căn cơ, bền vững, chứ không chóng vánh nhất thời, dễ đến dễ đi như lần thứ nhất.

2. Tất cả những ai xem Đội tuyển U.19 Việt Nam với nòng cốt là quân bầu Đức thi đấu tưng bừng ở giải U.19 Đông Nam Á lẫn vòng loại giải U.19 châu Á đều phải trầm trồ khen ngợi. Cả hai giải đấu này, trải qua tổng cộng 10 trận đấu, các em chỉ một lần duy nhất bị thẻ vàng – một dấu hiệu cho thấy các em đã được dạy đá bóng có văn hoá và phải biết ứng xử có văn hoá ngay cả khi đối phương “chơi xấu” như thế nào.

10 trận đấu ấy, tôn chỉ tấn công được đặt ra rõ ràng, và chúng ta công trước những đối thủ ngang tầm như Thái Lan, Malaysia, Indonesia lẫn những đối thủ trên tầm như Australia. Khi U.19 Việt Nam đại thắng U.19 Australia 5-1, tạo nên một cú sốc thực sự trong đời sống bóng đá trẻ châu Á thì chính thầy trò Australia đã phải ngả mũ trước lối chơi tấn công nhịp nhàng, giàu tốc độ của chúng ta.

Rõ ràng, những mơ mộng của bầu Đức về việc thế hệ U.19 hôm nay có thể giúp bóng đá Việt Nam vô địch SEA Games vào 3,4 năm nữa (xin nhấn mạnh là 3,4 năm nữa, chứ không phải bây giờ) là có thật. Và những mơ mộng xa xôi hơn về việc thế hệ này có thể giúp bóng đá Việt Nam mở mày mở mặt ở đấu trường châu lục cũng là điều có thật. Việc bầu Đức đề nghị báo chí đừng quá tâng bốc các em, rồi lại đề nghị VFF không thưởng các em dù chỉ là một xu cũng chính là một biện pháp hữu hiệu giúp cho giấc mơ được hiện sinh.

Nhưng cũng phải nói rằng nếu chỉ có một mình bầu Đức mơ mộng và chiến đấu cho sự mơ mộng ấy, mà không có sự chung tay góp sức của cả một cộng đồng bóng đá nói chung thì không loại trừ khả năng sẽ xảy ra tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược, để lại những hậu quả tiêu cực trong quá trình phát triển. Đơn cử như việc trong khi bầu Đức kêu gọi “đừng tâng bốc các em” thì một bộ phận truyền thông dư luận không ngừng đưa các cầu thủ tuổi 19 lên mây.

Tôi đã nghe đâu đó tại các diễn đàn bóng đá và đã đọc đâu đó ở những trang báo bóng đá rằng “Đội tuyển U.19 đá hay hơn cả Đội tuyển U.23”, rằng “nên đưa Đội tuyển U.19 đi dự SEA Games 27 cuối năm nay thay Đội tuyển U.23”, và rằng: “Một cầu thủ X ở Đội tuyển U.19 (xin lỗi, tôi không muốn nhắc tên em – PV) đang trở thành Hồng Sơn thứ hai của nền bóng đá…”.

Trời đất ơi, nghe đến cụm từ “Hồng Sơn thứ hai” tôi lạnh người nhớ đến cái tên tài danh một thời: Phan Như Thuật. Vòng chung kết U.16 châu Á năm 2000, khi Thuật chơi xuất sắc ở hàng tiền vệ Đội tuyển U.16 Việt Nam thì người ta cũng ví em như một Hồng Sơn thứ hai. Bây giờ thì “Hồng Sơn thứ hai” đang ở đâu và làm gì?

Xin thưa: em đã xuống phong độ tới mức thường xuyên ngồi ghế dự bị ở đội bóng hạng Nhất Bình Định, rồi lại thường xuyên về Nghệ An quê mình, tham gia đá phủi. Chính cái áp lực và những sự tô vẽ thái quá mà người ta “vẽ” cho Như Thuật, Văn Quyến ngày nào đã khiến họ thực sự không còn là họ nữa. Mong là cầu thủ X ở Học viện Hoàng Anh Gia Lai JCM  không nghe thấy những ví von về một “Hồng Sơn thứ hai” kiểu này, hoặc có nghe thấy thì cũng cố phải quên ngay, quên không thương tiếc.

Cách đây 1 năm, tôi đã từng lên khu huấn luyện Hàm Rồng của học viện Hoàng Anh Gia Lai JGM để “thử” ăn, “thử” tập và “thử” ngủ cùng các em. Cảm nhận rất rõ: đấy là một khu vực tách biệt hoàn toàn với sự sống bên ngoài – một sự sống vốn cũng chẳng lấy gì làm sôi động của một Pleiku nhiều đá núi. Những cậu bé 16,17 lớn lên ở cái sự sống tách biệt, cái thế giới tách biệt ấy chắc chắn là những đứa trẻ trong sáng, hồn nhiên.

Bây giờ thì chúng đột nhiên được “thả” tới những nơi sôi động như Indonesia, như Malaysia, như TP Hồ Chí Minh, như Hà Nội…, và ở những nơi sôi động ấy những đứa trẻ lại trở thành tâm điểm trên nhiều mặt báo – tâm điểm tới mức mà một người trong số chúng đã được ví von như một “Hồng Sơn thứ hai của bóng đá Việt Nam”. Vậy thì liệu chúng có vững vàng được không? Liệu có đủ nội lực và kinh nghiệm để miễn nhiễm với những lời khen thái quá và những thứ giá trị không có thật mà ai đó cứ cố “áp” vào mình được không?

Sau 6,7 năm được nuôi nấng ở một thế giới biệt lập, bình yên, giờ mới là lần đầu tiên những đứa trẻ được “thả” vào sự sống – một sự sống đúng nghĩa với hai mặt trắng – đen đúng nghĩa của nó. Thành thử mọi phản ứng thái quá hướng về chúng, dẫu là khen thái quá hay chê thái quá đề rất dễ làm hỏng chúng.

3. Chín năm về trước, giấc mơ vượt ngưỡng của bầu Đức đã gãy rất nhanh chỉ sau vài lần thử súng. Chín năm sau chắc chắn giấc mơ sẽ không gãy nhanh như thế, vì nó được xây dựng bởi cả một chiến lược, với một nền tảng căn cơ trải dài nhiều năm, chứ không đơn thuần được xây dựng theo kiểu vung tiền mua sao và chấm hết.

Nhưng nếu chỉ có như vậy, chỉ có sự vào cuộc của một mình bầu Đức và thì giấc mơ còn lâu mới trở thành hiện thực. Rất cần sự chung sức của tất cả các đối tượng bóng đá trong một hệ thống bóng đá, mà ở đó dư luận, truyền thông có vai trò mũi nhọn.

Xin đừng giết sự hồn nhiên của những đôi chân 19, và cũng giết giấc mơ của bầu Đức bằng những lời có cánh

Phan Đăng
.
.