NSND Doãn Hoàng Giang bình luận World Cup 2010:

Chiến thắng luôn cao quý, nên tôi cần chiến thắng

Thứ Bảy, 10/07/2010, 16:00
Tại sao lại nói, trận chung kết trong mơ là trận chung kết giữa Brazil và Argentina. Điều đấy hoàn toàn có thể diễn ra trên thực tế, cần gì mộng mơ. Mơ là hướng đến những điều khó thành hiện thực. Với tôi, trận chung kết trong mơ phải là trận đấu có sự góp mặt của Mỹ, Mexico hoặc Slovakia, Hàn Quốc…

Như thế, vẻ đẹp của bóng đá sẽ được hiển hiện toàn phần. Một vẻ đẹp diễm lệ chứa đựng sự bất ngờ, vượt thoát khỏi mọi dự đoán… Cổ động viên "số 1" của bóng đá, NSND Doãn Hoàng Giang tiếp tục bình luận về World Cup, về những trận đấu đang cực kỳ gay cấn trên các sân cỏ Nam Phi…

- PV: World Cup 2010 vừa đi qua 1/2 độ dài thời gian. Và ông, như từng nói, vẫn không bỏ lỡ một trận đấu nào?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Chắc chắn rồi. Tôi xem tất cả các trận. Thức ròng rã, nhưng sáng ra tôi vẫn tươi rói như bình thường, sắc sảo như bình thường, không cáu giận như bình thường. Đã yêu thì phải dâng trọn mình cho tình yêu ấy, vui vẻ dốc sức cho tình yêu ấy. Đêm xem bóng đá mà hôm sau lại mệt mỏi, chán nản, bất mãn, phờ phạc thì vứt đi. Trong tôi luôn có một nguồn sức mạnh tinh thần vô biên, chính mình cũng không mường tượng được. 

- PV: Chưa có một World Cup nào lại kỳ lạ như ở Nam Phi lần này. Cả đương kim vô địch lẫn á quân thế giới đều xách va ly về nước ngay sau vòng đấu loại. Đây là kết cục hoàn toàn xứng đáng với Italia và Pháp, thưa ông?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Rất hợp lý. Nhưng cũng rất bất ngờ. Và đó chính là vẻ đẹp lớn nhất của bóng đá, vẻ đẹp của sự bất ngờ. Xem bóng đá mà đoán trước kết quả thì chả ai xem làm gì. Đằng nào cũng Brazil thắng, Aghentina thắng, Anh thắng, Đức thắng, Ý thắng… thì thôi, gọi các cầu thủ đến trao huy chương, trao cup rồi về. Với tôi, đó là vẻ đẹp tàn bạo của bóng đá.

- PV: Triết gia Pháp Jean Paul Sartre từng nói: "Trong bóng đá, mọi vấn đề trở nên phức tạp vì sự hiện diện của một đối thủ". Tuy nhiên, đối thủ lớn nhất luôn là chính mình. Đương kim vô địch Italia và á quân Pháp đã thua chính mình, trước khi bị đo ván bởi SlovakiaNam Phi?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Chưa bao giờ tôi thấy một đội Pháp, Italia bạc nhược, xập xệ như thế. Cả giải đấu, họ không có một trận bóng nào ra hồn. Anh, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan… cũng chưa được như kỳ vọng. Đây một phần do lỗi của truyền thông. Báo chí luôn nống lên quá đáng.

Điều này khiến các đội bóng được tán dương trở nên chủ quan, vênh vang, kiêu ngạo. Ngược lại, các đội bóng nhỏ, khi lâm trận với những "ứng cử viên" vô địch đều cẩn thận hơn, cố gắng vượt trên sức mình. Slovakia, Nam Phi, Thụy Sỹ khi giáp mặt Italia, Pháp, Tây Ban Nha đã rất háo hức. Họ đá nhiệt tình, đá dữ dội, đá máu lửa hơn bao giờ hết.

Trước đây, huấn luyện viên Calisto từng thắc mắc, sao đội nào đối đầu với Đồng Tâm Long An cũng đá hay thế. Đơn giản bởi hồi đó, Đồng Tâm Long An là "con cưng" của truyền thông, luôn được báo chí coi là số 1.  

- PV: Bóng đá đúng là nghiệt ngã. Cổ động viên khát khao chiến thắng, nhưng luôn đòi hỏi thắng phải đẹp. Nhiều fans hâm mộ than thở, thất bại ê chề của đội tuyển Pháp là tất yếu, một kiểu "nhân nào quả nấy", vì họ đã thiếu fair play trong trận play off với Ireland. Hẳn ông còn nhớ, bàn tay "ma quái" của Henry đã chuyền bóng cho Gallas ghi bàn vào lưới Ireland, giành vé tới Nam Phi?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Không hẳn thế. Cái chính là đội Pháp đã thua. Nếu ngược lại, Pháp thắng như chẻ tre, người ta quên ngay. Dư luận có khi lại hồ hởi "cảm ơn" bàn tay của Henry đã đưa một đội bóng đá hay như thế đến World Cup. Bóng đá, quan trọng nhất là chiến thắng.

Kết quả biện minh cho các phương pháp. Kết quả tốt, nghiễm nhiên mọi việc đều tốt. Chiến thắng, thì ai nói gì cũng được. Không vẻ đẹp nào có thể lấn át được khuôn mặt của người chiến thắng. Ở Việt Nam mình lại có câu: "Được làm vua, thua làm giặc". Anh thắng, tôi tôn sùng anh luôn.

- PV: Với riêng ông, ông hướng tới mục tiêu nào? Chiến thắng bằng mọi giá, đem lại niềm vui cho triệu triệu người hâm mộ hay chơi đẹp, chơi công bằng để rồi thua cuộc?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Tôi cần chiến thắng. Có khát vọng chiến thắng thì mới có mục tiêu để phấn đấu. Người ta hay nói, tôi sẽ chiến thắng bằng bàn tay sạch sẽ. Tôi lại muốn nói, chiến thắng luôn là cao quý, nên tôi phải thắng cái đã. --PageBreak--

- PV: Nếu suy tính thực dụng như thế, liệu bóng đá đẹp, bóng đá nghệ thuật và hoa mỹ đã làm nên bản sắc của Brazil, Argentina có bị triệt tiêu không?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Cái đẹp không thể mất đi nếu thích ứng được với cuộc sống hiện đại. Xem bóng đá, là ta xem một trận đấu. Đã đấu, là có thắng, có thua. Nếu chỉ đơn thuần thưởng thức nghệ thuật, xin mời hãy tới nhà hát xem ballet, xem múa…

Bóng đá là cuộc chơi của những người đàn ông dữ dội, chứ không phải những vũ công. Bóng đá hiện đại không phải là thứ bóng đá biểu diễn đơn thuần. Tính mục đích luôn là cao nhất, và được đặt lên hàng đầu. Đội tuyển Brazil dưới thời huấn luyện viên C. Dunga là ví dụ.

Đội bóng này vẫn có những cầu thủ tài năng xuất chúng, kỹ thuật cao cường, mang đặc trưng của bóng đá Nam Mỹ. Huấn luyện viên Dunga đã thổi vào đó thêm khối óc của châu Âu, sự kỷ luật, chặt chẽ và ý thức tôn trọng chiến thuật của người châu Âu.

- PV: Vậy những điều mà dư luận thường xưng tụng như: đội bóng có phong cách hồn nhiên, hoang dã, bay bướm, chả nhẽ lại chịu sự lấn lướt, lép vế trước một lối chơi đầy lý tính?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Hoang dã là biểu hiện của một nền bóng đá tầm thường. Bóng đá của những con người văn minh phải có chiến thuật, đầu óc. Hồn nhiên, tưng bừng chỉ là những trận cầu của con trẻ, của tuổi thơ. Nhiều người không thích chiến thuật phòng ngự mà huấn luyện viên Jose Mourinho áp dụng ở Câu lạc bộ Inter Milan.

Tôi thì rất khâm phục. Ông Mourinho quá thông minh nên mới tổ chức đội bóng và xây dựng chiến thuật của từng trận đấu cực kỳ khoa học, chuẩn xác, hiện đại. Bóng đá bây giờ, không chấp nhận quan niệm sự thông minh toát ra từ bắp thịt nữa. Nếu không dùng đầu óc, anh sẽ thua.

Thế mới có chuyện tiếu lâm, một thương gia đi mua não. Người bán hàng giới thiệu não của một nhà khoa học, một nghệ sỹ và một cầu thủ bóng đá rồi phát giá, não của cầu thủ bóng đá đắt nhất. Vị thương gia phản ứng, người bán hàng bèn giải thích: Giá cao vì não còn nguyên vẹn, chưa dùng vào việc gì.      

- PV: Chứng tỏ, cách thức giã biệt World Cup sớm của Italia, Pháp  có nguyên nhân từ sự bảo thủ, trì trệ của Marcello Lippi và Raymond Domenech?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Đúng thế. Người Italia, người Pháp quá tin tưởng vào các ông Lippi và Domenech. Cả hai vị huấn luyện viên lão luyện này đều qua thời của mình từ lâu. Họ không còn tiếp cận được với cuộc sống hiện đại, với khoa học kỹ thuật. Tôi nhấn mạnh lại, không thay đổi, không bắt khoa học kỹ thuật quay lại phục vụ mình, anh sẽ luôn trắng tay.

- PV: Có công bằng không khi dư luận mãi thổn thức vì sự ra đi của những đội bóng lớn. Lẽ ra phải mừng vì những cái tên không được đánh giá cao đã vùng lên, thể hiện mình đúng thời điểm? Thi đấu mà  mạnh được yếu thua thì mất hứng quá?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Kệ dư luận. Có thổn thức thì cũng phải chấp nhận. Tôi mong, World Cup 2010 sẽ bùng nổ thêm những bất ngờ nữa. Tôi muốn đội Mỹ vô địch. Điều này cực kỳ tốt cho bóng đá. Nếu đội Mỹ giành Cup, người Mỹ sẽ quan tâm đến bóng đá hơn, yêu bóng đá hơn.

Người Mỹ đã làm gì là làm đến nơi đến chốn. Họ sẽ đầu tư cho bóng đá, mang lại cho bóng đá một khuôn mặt mới. Có thể họ sẽ sản sinh ra cho thế giới những đội bóng hùng vĩ, như họ đã làm được với bóng rổ, bóng đá Mỹ. Hơi tiếc là người Mỹ chưa yêu bóng đá nhiều như cần phải có.

- PV: Chắc chắn sau này, hai hình ảnh được nhớ mãi sẽ là: những giọt nước mắt đầm đìa trên gương mặt tuyển thủ CHDCND Triều Tiên Jong Tae Se khi hát Quốc ca và cung cách huấn luyện viên Pháp Domenech từ chối bắt tay chúc mừng huấn luyện viên người Brazil của Nam Phi Carlos Alberto Parreira?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Chàng trai Jong Tae Se một cá tính kỳ lạ. Anh ta sinh ra ở Nhật Bản, chơi bóng ở Nhật Bản, nhưng chọn đầu quân cho đội tuyển của Tổ quốc mình. Không khí hoành tráng đặc biệt của một trận đấu World Cup, biển người lộng lẫy trên sân vận động đã khiến Jong Tae Se choáng ngợp, ngây ngất. Jong Tae Se khóc, cả thế giới xúc động theo.

Đối lập với ký ức đẹp về Jong Tae Se là phản ứng không thể chấp nhận được của huấn luyện viên Domenech. Dư luận có quyền lên án, cười cợt Domenech. Nhưng đấy cũng là một phần của bóng đá. Bóng đá bất ngờ cả trong những bi kịch không bao giờ đoán định được. Bóng đá phải trả giá bởi chính việc, nó là môn thể thao được hâm mộ nhất, yêu thích nhất.

- PV: Thực lòng thì ông có chịu được tiếng kèn vuvuzela khi theo dõi các trận bóng qua truyền hình không?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Tôi không rõ kèn vuvuzela có phải là bản sắc dân tộc của người Nam Phi không. Với tôi, bản sắc nếu là có thật, mà không thích hợp được với cuộc sống đương đại, cũng nên để nó thoái hóa. Đôi khi chúng ta dùng cụm từ "bản sắc dân tộc" như một thói quen sáo mòn, cũ kỹ.

Cái gì của dân tộc, người hiện đại không còn yêu nữa, bỏ đi cũng chẳng sao. Răng đen là "bản sắc" đấy, ai dám cãi nào. Nhưng, các thiếu nữ xinh mấy thì xinh, nhưng nếu nhuộm răng đen, cánh đàn ông sẽ chạy mất dép ngay. Áo dài của phụ nữ Việt Nam quá đẹp, nên nó tồn tại được với đương thời.

Còn áo dài khăn đóng các cụ ông ngày xưa thường mặc, đàn ông bây giờ chui vào, tôi khiếp vía, trông phản cảm lắm. Tóm lại, ta không nên lợi dụng các khái niệm một cách dễ dãi, máy móc và thiếu trách nhiệm nữa.

- PV: Vâng, quả có thế thật. Trân trọng cảm ơn ông

Ngô Hương Sen
.
.