Chảy đi sông ơi

Thứ Năm, 21/08/2008, 09:00
Anh nói với tôi về những đời sông, những con sông cổ xưa nhất Hà Nội giờ chỉ còn trong ký ức xa xăm, hay chỉ còn cái tên gọi mơ hồ trên tấm bản đồ Hà Nội cổ. Những dòng sông ấy nay đã bị dòng chảy thời gian xóa sạch, phủ mờ. Ngay cả trên bản đồ Hà Nội thời nay cũng đâu còn lưu giữ. Tôi đọc thấy trong tâm can anh một nỗi nhớ thương vời vợi, một nỗi xót xa day dứt không chừng. Như thể, những đời sông ấy, những dòng sông ấy là duyên phận của anh, từ muôn kiếp trước.

Người Hà Nội bất chợt nhận ra anh, biết tên anh và chú ý đến anh nhiều hơn như một người kỳ lạ đã hiến kế diệu kỳ để cứu dòng sông Tô Lịch, một trong những con sông cổ của Hà Nội đang lay lắt sống trong bùn lầy và ô nhiễm nặng. Con sông Tô Lịch của chốn Hà thành, của mảnh đất thanh lịch ngàn năm văn hiến chứa đựng một đời sống lịch sử thăng trầm từ ngàn xưa của đất kinh thành giờ đang oằn mình thoi thóp trong dòng nước đen và nặng nhọc thở.

Anh, người đàn ông sinh ra ở Đan Phượng, Hà Tây, lớn lên bên Hà Nội và vắt cuộc đời binh nghiệp của chiến sỹ Công an thời bình gắn bó nơi rẻo đất này, ngay bên cạnh một con sông đang ốm nặng và bốc mùi khủng khiếp chứa gần như toàn bộ chất thải, nước thải của người dân Hà Nội. Thương dòng sông đang chết dần, thương những người dân Hà Nội ven sông Tô Lịch đang phải ngày đêm hứng chịu cuộc sống nơi ao tù nước đọng, Trung tá Đào Văn Hà đã như một người một mình với một con đường, những lúc nghỉ ngơi, những dịp rảnh rỗi, anh chạy ngược quá khứ, chạy để đi tìm đời sông, để biết được dòng sông đau ốm nơi nào, để hiểu được sông cần gì để sống, để cứu sông không thể chết như những dòng sông cổ của Hà Nội giờ đã chìm vào sự quên lãng của thời gian.

Dự án đào kênh đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch để cứu con sông xanh trong thanh lịch của đất kinh thành Thăng Long xưa của một người cán bộ Công an trên trận tuyến thầm lặng đã nhận được giải khuyến khích cuộc thi "Môi trường và Phát triển 2007" của Bộ Tài nguyên - Môi trường, Cục Bảo vệ môi trường và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức.

Dẫu không được nhận giải cao nhất của cuộc thi, nhưng ý tưởng nhằm "cứu chữa" dòng sông ô nhiễm bằng cách đào kênh dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch đã và đang có sức thuyết phục rất cao đối với người dân Hà Nội nói chung và những người làm khoa học, môi trường nói riêng về tính khả thi của dự án, vừa ít gây tốn kém, vừa mang lại hiệu quả thiết thực cho dòng sông Tô Lịch đang bị ô nhiễm nặng.

Để nghiên cứu và hoàn tất dự án này, người cán bộ Công an đã mất tới 4 năm lần theo dòng chảy của sông Tô Lịch và những con sông khác trên địa bàn Hà Nội để nghiên cứu, tìm ra mạch nguồn, dòng chảy của sông Tô Lịch, để xác định được nguyên nhân của sự tắc nghẽn, ô nhiễm nặng đang dần dần giết chết những dòng sông cổ của Hà Nội, trong đó có dòng sông Tô Lịch. Anh đi theo các con sông, hí húi ghi chép, tính toán, tìm hiểu, thường xuyên, và nhiều đến nỗi vợ con anh, gia đình anh bảo là anh "hâm", còn người dân ven sông Tô Lịch thì hào hứng đón chào mỗi khi anh lại tới.

Thực ra, Đào Văn Hà không phải là một nhân vật tự nhiên từ trên trời rơi xuống và trở nên tiếng tăm bởi dự án cứu sông Tô Lịch. Căn nguyên của đời anh với đời sông hình như đã có duyên kiếp trước. Anh sinh ra và lớn lên ở làng Thúy Hội, xã Tân Hội, Đan Phượng, Hà Tây, nơi cái nôi của làn điệu hát chèo Tàu mà vì tình yêu văn học, văn hóa, lịch sử, đã khiến cho người con làng Đan Phượng mặc dầu tham gia thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc nhưng nghe lời khuyên của cha mẹ muốn anh thi vào Công an để rèn luyện bản lĩnh hơn người.

Tốt nghiệp Đại học An ninh năm 1982, Đào Văn Hà từng kinh qua nhiều đơn vị và vị trí công tác: Công an Hà Tây, Khoa Nghiệp vụ 3 của Trường Đại học An ninh, cán bộ Cục Tham mưu Tổng cục 1, Bộ Công an, rồi trở về công tác ở Công an TP Hà Nội, ở lĩnh vực nào, anh cũng là người cán bộ Công an chuyên cần phá án sắc sảo. Cứ tưởng thể xác và tâm hồn anh vĩnh viễn thuộc về ngành Công an, thuộc về những vụ án với những lần phá án thành công…, nhưng hóa ra, trong tận sâu cõi của định mệnh, số phận anh đã gắn với mảnh đất Hà Tây nơi anh sinh ra, và Hà Nội nơi anh sinh sống, trải nghiệm và tìm tòi tận cùng những cảm xúc tâm linh của mình. Ít ai ngờ rằng, đằng sau vẻ lạnh lùng khô khan, phía sau đôi mắt sâu ẩn dưới gò má xương xương ấy là một tâm hồn cao rộng và niềm đam mê tìm hiểu nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, địa lý và cả văn học một cách am tường.

Đào Văn Hà chính là tác giả, người tìm ra nguồn gốc của điệu hát Chèo Tàu trên đất Tân Hội, Đan Phượng, Hà Tây. Đam mê tìm tòi nghiên cứu chèo Tàu, giờ đây anh là thành viên ban tổ chức của Hội hát chèo Tàu hằng năm vào dịp đầu xuân. Ba năm trời để tìm tòi nghiên cứu về Hội hát chèo Tàu, Đào Văn Hà đã tìm ra mạch nguồn của dân ca Bắc Bộ. Không chỉ mê chèo Tàu, lao tâm khổ tứ để tìm ra nguồn gốc của chèo Tàu mà sự đọc, sự học của Đào Văn Hà là mênh mông, anh thích viết văn, làm thơ, chụp ảnh và là ủy viên Ban Chấp hành CLB văn nghệ sĩ xứ Đoài, thành viên sáng lập của Câu lạc bộ thơ Xứ Đoài, huyện Đan Phượng. Ngôi nhà nơi anh ở, là nơi tụ tập của bạn bè văn chương mến mộ nhau trong tình hữu hảo.

Đào Văn Hà có một nơi yên tĩnh để tiếp bạn hiền, những nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ có tiếng ở đất Hà thành. Nhà văn Hồ Phương, nhà thơ Phan Văn Đà, họa sĩ Tôn Đức Lượng, nhạc sĩ Đoàn Bổng, nhạc sĩ Hoàng Lân, nhà nghiên cứu văn học dân gian Minh Nhương, tiến sỹ Nguyễn Hồng Dương v.v... Bạn bè tìm đến Đào Văn Hà như tìm đến một người bạn trẻ có một vốn hiểu biết về văn hóa rất đáng tin cậy và nể trọng. Đào Văn Hà tìm đến những người bạn lớn kia như một sự sẻ chia giao thoa tiếp nối về chiều sâu văn hóa giữa hai thế hệ. Ham đọc sách và yêu văn học, nhưng món duyên nợ với những dòng sông cổ ở Hà Nội đặc biệt là sông Tô Lịch lại bắt đầu đến với anh chừng 5 năm nay.

Như một sự dẫn dắt kỳ lạ của số phận, Đào Văn Hà kể rằng: Cứ hằng năm, đón giao thừa xong, sáng mồng 1 Tết đi chúc xuân gia đình và hàng xóm bạn hữu xong, bao giờ anh cũng đạp xe lang thang cùng con lên Hồ Tây và đi miên man theo cánh đồng phía Tây Bắc Hồ Tây. Mỗi một lần lên Hồ Tây, anh như đứng trước mênh mông những bí ẩn của lịch sử Hồ Tây mà chưa ai lý giải nổi. Cơ duyên đến với anh vào chiều mồng 1 Tết cách đây chừng chục năm, khi đi dạo ở Hồ Tây, anh đã gặp một cụ ông râu tóc bạc phơ ngồi bên hồ trong ánh chiều tà trông như một tiên lão. Nhìn thấy cụ già trầm ngâm bên hồ, Đào Văn Hà dừng xe rảo bước đến bên và ngồi xuống thăm chuyện cùng cụ. Cụ đưa tay chỉ phía những trụ gạch còn sót lại bên vệ nước hồ phía đường Lạc Long Quân mà rằng: Đây chính là cửa của 1 đường hầm được xây dựng từ thời nhà Hồ. Nhà Hồ xây đường hầm này phòng khi xảy ra chiến sự. Ngày xưa, ngựa chạy rầm rập dưới đường hầm.

Đào Văn Hà nghe say sưa như uống lấy từng lời cụ kể. Thế rồi, từ buổi chiều cơ may ấy, Tết năm nào, Đào Văn Hà cũng lên tìm ông cụ mà anh chưa kịp nhớ tên và địa chỉ. Không bao giờ anh còn nhìn thấy cụ già ấy bên bờ Hồ Tây nữa, nhưng những cụ ông mà Đào Văn Hà gặp sau này cũng mang lại cho anh những câu chuyện thú vị về sự bí ẩn của Hồ Tây.

Hồ Tây xưa là một rừng lim bạt ngàn, hang động rất nhiều. Có một trận vỡ đê đã xoáy vùng rừng lim này thành một cái rốn đựng lũ. Cho đến bây giờ, người dân ở Hồ Tây có người khi xây nhà còn đào lên được những súc gỗ lim to, dày, có tuổi hàng trăm năm. Từ đó nảy sinh trong anh một đam mê tìm hiểu và nghiên cứu về sông hồ. Tết năm 2003, đầu xuân, Đào Văn Hà đến đền Đôi ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy thấy một anh công nhân mồng 3 Tết đã chèo thuyền vớt rác trên sông Tô Lịch.

Anh hỏi chuyện người công nhân sao đi làm sớm thế, người công nhân quệt mồ hôi trán ngậm ngùi: "Hôm nay, công ty bắt đầu đi làm. Biết việc này nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng mà nghèo quá, khổ quá nên cam phận. Ở trong công ty, ai đi vớt rác trên sông Tô Lịch cũng bị các chứng bệnh về phổi, đường hô hấp. Cứ trông nước sông sánh đến mức chuột chạy hàng đàn trên nước như chạy trên mặt bùn, tôi đeo 3 lần khẩu trang rồi mà mùi hôi thối vẫn xông lên nồng nặc".

Ngậm ngùi chia sẻ với người công nhân trong buổi sáng đầu xuân ấy, Đào Văn Hà quyết tâm đi tìm mạch nguồn của dòng sông Tô Lịch để trả lời câu hỏi vì sao nước sông Tô Lịch ô nhiễm nặng, dòng sông đang chết dần. Từ đó Đào Văn Hà tích lũy các sách, tài liệu về các dòng sông cổ ở Hà Nội. Biết anh đam mê, bạn bè cũng vào cuộc tìm tòi và góp cho anh những bản đồ cổ thời vua Tự Đức, Minh Mạng, hay những cuốn tài liệu cũ viết về các dòng sông cổ của Hà Nội.

Không biết bao nhiêu bận trong suốt 4 năm ròng, nhờ công tác chuyên môn khiến anh thông thuộc đường ngang ngõ tắt của Hà Nội, Đào Văn Hà trở thành khách du lịch đi bằng xe máy và đường bộ thân quen của người dân ở ven bờ sông Tô Lịch. Không chỉ đi dọc sông Tô Lịch, Đào Văn Hà còn đi theo vết tích của sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu. Và anh sung sướng nhận ra rằng, long mạch của Thủ đô Hà Nội là sông Tô Lịch. Cánh đồng Noi Cáo thuộc thôn Bái Ân, Nghĩa Đô chính là vết tích của dòng sông cổ Thiên Phù, hiện nay dòng sông Thiên Phù không còn trên bản đồ Việt Nam nữa.

Đào Văn Hà cũng nhận ra một nguyên lý rằng sông nào còn cửa sông để nước sông Hồng chảy vào thì nước sông còn đỏ, còn sự sống, đó là sông Đáy, sông Nhuệ. Và ngược lại sông Từ Liêm nhánh cửa Trung Châu, sông Thiên Phù, sông Tô Lịch đều không còn cửa thông với sông Hồng thì nước sông trở thành màu đen, tù đọng. Đây là điểm mấu chốt để cứu dòng sông đen Tô Lịch đang chết dần, chết mòn. Nhưng ý tưởng của anh đã có, đã được công nhận, còn tính toán để cứu dòng sông Tô Lịch lại nằm ngoài khả năng của Đào Văn Hà.

Hà Nội một ngày mưa giông giữa hạ, Đào Văn Hà say sưa chia sẻ cùng tôi có đến 3 dự án lớn anh đang nghiên cứu, trong đó trăn trở nhất là dự án làm sao để giải quyết tình trạng úng ngập sau mưa ở Hà Nội bằng cách xử lý tốt tất cả các cống tự nhiên quay về phía Nam, và dự án tái tạo năng lượng của Thủy điện Hòa Bình. Những tìm tòi nghiên cứu về khoa học tự nhiên, môi trường, địa lý đã giúp cho Đào Văn Hà có được một chiều sâu trong vốn kiến thức văn hóa, và quan trọng là để giúp anh viết văn, nghiên cứu những thứ về văn hóa mà anh yêu thích.

Dường như câu chuyện miên man, không còn đâu bóng dáng của người cán bộ Công an mực thước và nghiêm ngắn. Đào Văn Hà như một nhà Hà Nội học thực sự khi kể về cánh đồng Noi Cáo, về rừng lim ở Hồ Tây, về dòng sông Thiên Phù, và về những giếng cổ cạnh hồ, hay cạnh những con sông mà sự biến thiên của thời gian, con người vì sinh tồn đã vô tình vi phạm vào chiều sâu của long mạch, đã đào lấp đi những long mạch bí ẩn dưới lòng đất, gây nên những sự ly tán dòng chảy của những con sông kia

Dương Thục Anh
.
.