Chân quê líu ríu thị thành

Thứ Bảy, 23/04/2016, 20:18
Đức và Huyên từ quê lên Sài Gòn sau những tổn thương, mất mát. Mỗi người một con đường và tiếp tục nhận về những đổ vỡ niềm tin, những lạc nhịp trước đời sống ồn ào, tất bật ở phố.

Tưởng chừng như đã cạn cùng hy vọng thì chính phố đã tiếp cho họ sức mạnh, chia tách nhọc nhằn, vá víu buồn đau. Tình yêu nào chỉ sinh ra từ hơi ấm của ruộng đồng mà còn nảy nở trong tiếng reo của lá ở các hàng cây trên đại lộ, trong nắng chiều xiên xiên qua cửa kính các dãy nhà cao tầng.

Đức và Huyên là hai nhân vật, hai câu chuyện, hai lát cắt khác nhau, có thể rất riêng, có thể rất chung ở Sài Gòn. Sợi dây kết nối duy nhất của họ trong bài viết này là: những người quê lên phố, mang trong lòng không ít hoài bão lẫn va vấp, đổ vỡ khi kiểm chứng giữa đời thực và sách vở, giữa người ở phố và người ở quê. Điều quan trọng là, họ vui với con đường đã chọn, trụ vững và thắp lên niềm tin cho những mảnh đời từng như họ.

1. Sài Gòn trong ký ức của Huyên là những ngày túc trực bên giường bệnh của mẹ ở Bệnh viện Ung bướu. Năm đó, Huyên đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Huế. Huyên ở viện nhiều đến độ, ai là bệnh nhân cũ, ai là bện nhân mới đều biết mặt. Mọi ngóc ngách trong viện dần trở nên quen thuộc. 

Như tiếng gọi của số phận, mẹ của Huyên không qua khỏi. Sau Huyên, còn một cậu em lưng chừng học hành và một người cha với nỗi buồn trống huơ trống hoác. Có những ngày, Huyên trốn nhà ra quê, ngồi bên mộ mẹ đầy gió, mặc tình nước mắt.

Là con gái Văn khoa, học qua một khóa đào tạo báo chí cơ bản, Huyên rời Quảng Trị vào Sài Gòn như một chuyến đi trốn chạy, như níu giữ những kỷ niệm yêu dấu về mẹ và tự thắp lên ngọn lửa của tuổi trẻ, với hy vọng những chuyến đi, công việc sẽ dần bôi xóa bớt đau thương. Nhưng Sài Gòn còn đó những cạm bẫy chực chờ mà Huyên lại quá nhạy cảm.

Sau lần về miền Trung theo phân công của tòa soạn mà lại phải xòe tay “xin tiền” mới đăng bài, Huyên bỏ nghề. Với một cô gái chưa có kinh nghiệm ở mảnh đất lạ nước lạ cái này, đó thực sự là quãng thời gian không hề dễ dàng. Dội vào lòng Huyên là bóng cha héo mòn, là cậu em thơ thẩn nhớ mẹ, cầm không đặng, Huyên lội ngược ra quê, với hy vọng tìm được một chân đi dạy.

Đời sống, đâu phải cứ muốn là được, huống hồ xin vào một đoàn thể với lắm cơ chế. Không nỡ nhìn cha bán căn nhà kỷ niệm lấy tiền lo chỗ dạy cho mình, Huyên ra chợ xin bán hàng, từ sáng sớm đến tối mịt, kiếm đồng ra đồng vào. Tôi không biết có đúng không khi gọi chuyện của Huyên là bi kịch – một bi kịch kéo dài, không chỉ của riêng Huyên mà còn của rất rất nhiều người khác, trong đó có bạn bè tôi và hàng loạt câu chuyện nhan nhản trên mặt báo.

Lương bán hàng không đủ nuôi nổi mình, biết lấy gì mà hy vọng, mà nhen nhóm, chăm chút cho người thân, cho gia đình? Huyên lại đổ ngược vào Sài Gòn, xuống tận Bình Dương, đi làm công nhân, nộp hồ sơ xin thi công chức ở Sở. Ma đưa lối quỷ đưa đường, cậu bạn trai Huyên – niềm hy vọng bám víu cuối cùng – lại nảy sinh tình cảm với chính cô bạn thân của Huyên sau một lần gặp gỡ. Nếu là bạn, bạn có đau không? Nếu là bạn, bạn sẽ ứng xử như thế nào? Huyên bảo, lúc ấy, trái tim Huyên như có người bóp nghẹn, không thiết làm gì nữa!

Chỉ biết tự trách bản thân: “Lãng đãng, mộng mơ chi cho khổ dữ vầy nè!”. Khóc đến mức không còn khóc được nữa thì níu tay bạn bè đứng dậy. “Vì mình sống đâu chỉ cho riêng mình!” Như lời của một vở kịch: “Khi ta tuyệt vọng hãy nghĩ đến những người đang hy vọng về ta!”.

Huyên bây giờ, gầy hơn ngày tôi biết nhưng vui vẻ, yêu đời hơn. Đã thôi trách hờn, thôi vu vơ bảo phố ồn ào chẳng hợp. Huyên bây giờ đã biết nương vào lòng phố để sống, để nhận ra những giá trị mà lần thứ nhất ghé phố, Huyên bước quá vội vã. Niềm vui của Huyên mỗi ngày là chăm cho bầy trẻ tíu tít ở trường mầm non, nghe chúng ngọng líu kể đủ thứ chuyện trên đời, kể về ước mơ, mắt long lanh hạnh phúc khi thấy chúng ăn ngon, ngủ khỏe, biết tự chăm sóc cho bản thân. Huyên cười: “Mấy năm nữa, em mình cũng vào Sài Gòn”.

Hỏi Huyên, có nhớ, có tiếc nghề báo không? Lại cười: “Giờ chắc mình quên hết rồi, không viết được nữa đâu. Hồi đó, nhiều lúc cũng cuồng bút, cũng nhớ nghề. Nhưng, rồi quen. Nghề nào cũng được. Miễn mình sống tốt, đừng phương hại đến ai là được”. Thi thoảng, thấy bóng Huyên trong dòng người thiện nguyện ở Viện Ung bướu. Xin chụp một tấm ảnh, Huyên khoát tay: “Mình có là gì đâu mà chụp!”. Tôi cười. Cái kiểu khoát tay ấy thiệt đúng điệu dân Sài Gòn.

2. Nói mãi, Đức mới chịu gặp. Vì Đức hiếm khi ở Sài Gòn mà cũng vì “chuyện của anh có gì đâu để nói”. Không nhờ một chị bạn đồng hương của Đức nói giúp chắc là sẽ không hẹn được Đức thật. Cuộc sống của Đức như hai mảnh ghép. Một mảnh ở Đà Lạt – nơi Đức sinh ra và lớn lên. Mảnh còn lại ở Sài Gòn – nơi Đức bắt đầu lại tất cả, ôm mộng, vỡ mộng rồi lại tự đứng dậy.

Lê Minh Đức trong một chuyến thiện nguyện cùng đoàn "100 ngàn - Vạn mái ấm".

Là con út trong gia đình có 4 anh chị em, tuổi thơ Đức trống huơ trống hoác bàn tay của cha. Dẫu tình thương của mẹ, của các anh chị dồn hết cho Đức nhưng cuộc sống không vì vậy mà đỡ vất vả. Bến xe Đà Lạt những năm 80 có một thằng nhỏ đen nhẻm lang thang bán đủ thứ món. Cà rem, bánh giò, bánh mỳ, vé số,… chỉ cần kiếm được tiền là nó nhận. Phố núi mù sương, mây trời bảng lảng không xoa dịu được nỗi cơ cực và sự dữ dội của tuổi thơ.

Cái nắng, cái gió cao nguyên tôi luyện, thấm vào đường da thớ thịt của nó. Lớn hơn một chút, bắt đầu có dáng vẻ trai tráng, Đức tham gia vào đội rút cống, dọn vệ sinh ở chợ. Đức bốn mươi rồi mà mỗi lần nhắc chuyện rút cống, không hiểu sao mọi thứ cứ như mới diễn ra ngày hôm qua. Chắc có lẽ, nhờ nó mà Đức ý thức hơn việc cần phải học, gắng phải học để có cái chữ mà thoát nghèo, thoát khổ.

Tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Đà Lạt, định bụng đi dạy - tiếp cái nghề đã nuôi sống bản thân suốt những năm tháng sinh viên nhưng cảnh nhà khó quá, thương mẹ tảo tần, Đức chọn con đường khác - vào làm cho một công ty xuất nhập khẩu may mặc. Những năm đầu của thiên niên kỷ mới, ngành may rơi vào khủng hoảng.

Công ty nơi Đức đang làm việc cũng không tránh được quy luật đó. Từ 1.200 công nhân rơi rụng còn 300 công nhân cầm chừng, chờ chủ đầu tư mới. Đức chính là người đứng mũi chịu sào, gồng gánh công ty, đưa từ bế tắc, thua lỗ đến làm có lời suốt một thời gian dài, từ năm 2003 đến 2007. Chủ đầu tư mời Đức về giữ chức Tổng Giám đốc, Đức khước từ vì không quen, từ nào giờ xuề xòa với anh em.

Không lay chuyển được, công ty mẹ thuê một người nước ngoài về giữ vị trí ấy. Mọi ganh tỵ, lo lắng của người mới đến nảy sinh, còn Đức không mảy may nghi ngờ.

Sau vụ tai nạn nằm liệt giường suốt hai tháng, Đức nhận được quyết định thôi việc. “Anh hụt hẫng và uất ức, anh luôn tự hỏi mình đã làm gì mà người ta phải đối xử, phải dồn ép mình vào con đường cùng như thế? Rồi lắng lại, phân tích ra, có lẽ mình thiếu kỹ năng giao tiếp để người ta có thể hiểu được mình. Anh nghĩ, thay vì nghĩ về mình, hãy thử đặt vào vị trí của người khác để nhẹ nhàng, chấp nhận”.

Năm 2007, Đức xuống Sài Gòn với hoài bão “mang một cục kiến thức về dựng xây Đà Lạt”. Năm ấy, Đức 31 tuổi. Sài Gòn vun vén những ước mơ nhưng cũng sẵn sàng khiến những kẻ mơ mộng trả giá. Và Đức đã phải trả giá bằng tiền bạc, bằng niềm tin cho những lọc lừa ở phố. Đi đến tận cùng thì tỉnh giấc.

Đức bước tiếp con đường học vấn tại một trường đại học của Bỉ ở Sài Gòn và được trường giữ lại làm công tác tư vấn đào tạo đến nay. Chuyện đến đây thì Đức cười xòa: “Anh thấy đời mình là một vòng tròn. Ngày mới ra trường, tính đi dạy như một lời cảm ơn các thầy cô ngày xưa đã đùm bọc mình, rồi không có làm được. Thì bây giờ, anh thực hiện”.

Đức bận đến độ không có thời gian cho chuyện riêng tư. Ngày ở Sài Gòn, sau giờ tại trường, Đức lại tất bật dạy tiếng Anh cho sinh viên nghèo, mải mê với những chương trình kết nối cộng đồng, tài trợ học phí, tư vấn kinh nghiệm, chỉ dẫn cho học trò.

Đức bảo: “Ngày trước, mình lơ ngơ, mình cần và thèm được nghe những lời khuyên. Vậy thì, mình có kinh nghiệm, có kiến thức, sao không truyền lại cho người trẻ để họ tránh được những vết xe mình đã đi?” .

Rời việc, Đức lại rong ruổi trên những chuyến xe thiện nguyện đi khắp Sài Gòn, vùng sâu, vùng xa, từ vận động xây nhà tình thương, trao quà cho người già neo đơn, học sinh nghèo hiếu học, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con, trong đó nổi bật nhất là nhóm “100 ngàn - Vạn mái ấm” có Đức là thành viên thường trực. Quanh những chuyến đi, Đức có thể kể hết chuyện này sang chuyện khác. Không phải để xem Đức hay bè bạn đã làm được gì mà là nụ cười, giọt mồ hôi ấy thôi thúc họ cố gắng hơn để làm được nhiều hơn.

Tôi tự hỏi, nếu ngày ấy Đức nhậm chức ở công ty cũ thì giờ sẽ như thế nào nhỉ? Ai mà biết được, vì đời luôn có những khúc quanh, ngã rẽ bất ngờ. Đức lành tính và thật tâm như cành cây ngọn cỏ phố núi. Chính vì vậy, công việc nào Đức làm cũng nhiệt thành và chỉn chu. Như những bài ca Đức hát cho thỏa đam mê, như những bức hình Đức chụp, không cần kỹ thuật mà vẫn lấp lánh.

Hoàng Dung
.
.