Kỷ niệm 25 năm ngày mất của nhà thơ Thế Lữ (6-1989 – 6-2014)

Cha và con và... sân khấu

Thứ Tư, 23/07/2014, 11:30

“Liệu con có thể làm sân khấu được không? Cái nghề này cần quá nhiều cảm xúc!”- người con có lần đã hỏi cha mình như vậy. “Làm được!”- người cha quả quyết. “Vì sao hả bố?”.”Vì nghe con nói chuyện bố biết là con không phải là người lý tính. Thứ hai, con đã hiểu được rằng làm sân khấu hoàn toàn không phải là một nghề dễ dàng”. Quả thực, về sau người con, đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đình Nghi (1928-2001) cũng như cha mình là nhà thơ, Nghệ sĩ nhân dân Thế Lữ (1907-1989), đã trở thành một trong không nhiều những gương mặt sân khấu tiêu biểu nhất của nước ta trong thế kỷ XX.

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”

Thời trẻ Thế Lữ yêu thích hầu hết các môn nghệ thuật. Ông đã học đàn và hát. Rồi ông vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông được văn học sử nước nhà ghi công trước tiên là một thi sĩ ở cái thời “Thơ mới vừa ra đời” và ông “như vầng sao đột ngột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam” (chữ của Hoài Thanh và Hoài Chân trong tập Thi nhân Việt Nam). Trong thơ Thế Lữ ta có thể thấy cả tâm trạng  bi phẫn đầy sôi sục của hùm thiêng lúc sa cơ: “Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả, cây già/ Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi/ Với khi thét khúc trường ca dữ dội/ Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng/ Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng/ Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc...” lẫn một không khí thiên đàng buồn dịu ngọt “Tiên nga xõa tóc bên nguồn/ Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu/ Mây hồng ngừng lại sau đèo/ Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi...”.

Thế Lữ còn nổi tiếng như một nhà báo sắc sảo trên tờ Ngày nay của Tự lực văn đoàn và một cây viết truyện trinh thám đầy kỳ thú với bút danh Lê Ta... Tóm lại, ông là một người đa tài nhưng hình như ông không thích dừng tài năng của mình ở đâu đó quá lâu. Ngay đối với Thơ mới thì tới đầu những năm 40 của thế kỷ trước, các tác giả của Thi nhân Việt Nam cũng đã phải kêu lên rằng: “Thế Lữ cơ hồ đã đi theo phần đông thi sĩ trong Văn đàn bảo giám”, tức là lại “lối cũ ta về”.

Nhưng đấy là lúc Thế Lữ đã dồn lòng mình cho một lĩnh vực nghệ thuật khác. Ở cuối mùa Thơ mới, người nghệ sĩ giàu say mê này đã đặt chân vào một bộ môn nghệ thuật đầy quyến rũ và mới mẻ đối với Việt Nam: sân khấu. Thực ra thì công chúng Việt Nam đã bắt đầu được làm quen với kịch nói từ đầu thế kỷ XX và bản thân Thế Lữ cũng đã  từng diễn kịch với mục đích từ thiện từ năm 1928, khi còn học năm thứ ba thành chung. Cậu học sinh Nguyễn Thứ Lễ đã được tác giả Tố Tâm Hoàng Ngọc Phách hướng dẫn vào vai lão Quý trong vở Lọ vàng phóng tác từ kịch nước ngoài. Và với năng khiếu bẩm sinh cậu đã thể hiện rất tốt vai diễn này.

Thế rồi từ thuở đó “khách tình si” đầy mơ mộng đã phải lòng cái không khí giả tưởng sống động của sân khấu. Và ông đã tìm được nơi thể hiện tình yêu của mình ở ban kịch tài tử Tinh Hoa, hình thành ở Hà Nội vào những năm 1936-1937. Thế Lữ tham gia Tinh Hoa cả với tư cách “nhà dàn cảnh” (tức là đạo diễn) lẫn diễn  viên, bên cạnh những tên tuổi như Vũ Đình Hoè, Nguyễn Lương Ngọc, Đoàn Phú Tứ... Tuy nhiên, do những khó khăn vật chất mà Tinh Hoa buộc phải yểu mệnh. Thế Lữ cùng bạn bè tâm huyết lại mang ngọn lửa sân khấu của mình xuống thành phố cảng thân thuộc với mục tiêu sẽ tạo dựng nên một đội kịch mang tính chuyên nghiệp hẳn hoi. Phải nói là ông rất có năng khiếu tụ hợp các tài danh và những mạnh thường quân yêu nghệ thuật.

Và giời đã không phụ người có tình, vở kịch dài Kim tiền mà nhóm kịch của Thế Lữ trình diễn năm 1937 đã là một thành công đáng nhớ của kịch nói Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám, bước đầu khẳng định sự hiện hữu vững chãi của một đạo diễn Việt Nam có cái tên Thế Lữ... Theo hồi ức của những bạn hữu  từng một thuở sát cánh với Thế Lữ trong buổi đầu của kịch nói Việt Nam mà nhà thơ Lưu Quang Vũ sau này ghi lại, mặc dù chỉ là đạo diễn tự học nhưng ngay từ khi vừa bước chân vào sân khấu, Thế Lữ đã có tác phong chuyên nghiệp.

Bằng vốn văn hóa và sự mẫn cảm của mình, ông tự đúc rút những kinh nghiệm nghề nghiệp và hướng dẫn cho các cộng sự cùng thực hiện. Là nhà thơ nhưng ông rất nghiêm túc khi dựng vở, luôn đề nghị các diễn viên làm đúng yêu cầu của ông trong từng cử chỉ, từng câu nói trên sân khấu. Ông đề cao vai trò của diễn viên như một nghệ sĩ cần phải có khiếu thẩm âm không kém gì nhạc sĩ, có khiếu thẩm mỹ không kém gì họa sĩ hay nhà điêu khắc, phải có sự nhạy cảm về ngôn từ như những nhà văn, nhà thơ... Theo ông, người diễn viên phải hiểu biết cuộc đời cặn kẽ thì mới mong làm cho người xem tin những hình ảnh mà mình tạo dựng trên sân khấu. Bản thân Thế Lữ khi làm diễn viên cũng đã cố gắng bộc lộ những phẩm chất này nên các vai diễn của ông thường rất sống động, chân thực mà vẫn bay bổng và hấp dẫn vì giàu có chi tiết...

Và cứ thế lửa gần rơm, Thế Lữ càng ngày càng bén duyên kịch. “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” của kịch nói Việt Nam không dễ dàng gì. Những sức ép xã hội là vô cùng to lớn. Không phải không có những người  muốn gièm pha chuyện một nhà thơ tài danh như lại thích thú với việc đào kép xướng ca, nhưng Thế Lữ bằng tất cả sự mẫn cảm và nhiệt huyết của mình, đã thuyết phục được không ít bạn bè tin vào công việc mà ông đang làm. Ông không hề hoài nghi rằng, rồi sẽ có ngày kịch nói có được vị trí xứng đáng là một bộ môn nghệ thuật sáng tạo.

Năm 1942, Ban kịch Thế Lữ ra đời với ngân quỹ do tiền quyên góp của chính các thành viên tham gia. Thế Lữ phải bán mảnh đất mà bà mẹ dành cho anh ở Hải Phòng để lấy một nghìn đồng Đông Dương góp cho ban kịch. Kịch mục của Ban kịch Thế Lữ lúc này đã khá phong phú với hàng chục vở... Rồi do những khó khăn, o ép xã hội từ phía chính quyền thực dân, Ban kịch Thế Lữ phải chuyển thành Đoàn Anh Vũ nhưng vẫn do Thế Lữ giữ vị trí linh hồn nghệ thuật. Cũng trong đội hình Đoàn Anh Vũ, những nghệ sĩ về sau trở thành những tên tuổi lớn của nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam như Thế Lữ và bạn bè ông đã chào đón mùa thu độc lập năm 1945.

Thế Lữ (hàng đầu bên phải) năm 1960 tại Hà Nội.

Đến với cách mạng, con đường sân khấu của Thế Lữ đã có một bước ngoặt căn bản. Nền sân khấu cần những cảm hứng mới và Thế Lữ, vượt lên trên mọi toan tính thời cuộc, đã hòa mình vào không khí chung với ước vọng được góp tay vào xây dựng một nền sân khấu mới của người Việt. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc về sân khấu Việt Nam và kế hoạch xây dựng nền tân kịch năm 1946, Thế Lữ đã say sưa đọc bản báo cáo đề ra những kế hoạch cụ thể cho sự phát triển nền kịch nói nước nhà. Ông đã tinh tường nhận ra rằng, muốn có một nền sân khấu theo đúng nghĩa của nó, cần phải làm sao để có  kịch bản hay, diễn viên giỏi và công chúng tốt. Thiếu một trong ba khâu này thì không thể nó gì tới việc tạo ra những thành tựu cho sân khấu. Thiết nghĩ, tới hôm nay, đó vẫn còn là những chuyện thời sự của những người làm sân khấu nước nhà...

Vào kháng chiến rồi  trong những năm hòa bình lập lại ở miền Bắc và sau năm 1975, Thế Lữ đã khẳng định được vai trò “trưởng lão” của mình trong nền sân khấu cách mạng. Những đóng góp to lớn của ông đã được Nhà nước ghi nhận với danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và giải thưởng Hồ Chí Minh. Thế Lữ đã góp phần tạo nên những thế hệ đạo diễn, diễn viên chủ chốt của sân khấu nước nhà, trong số đó có con trai ông, đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đình Nghi.

Khát vọng nghiêm trang

“Cha tôi đã dạy tôi những điều không trường lớp nào dạy nổi”. Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đình Nghi đã đúc kết vậy. Chính Thế Lữ đã giúp cho con trai mình tự tin hơn để nối nghiệp cha. Ông biết cách nhìn con trai mình một cách tỉnh táo và công bằng. Mỗi khi Nguyễn Đình Nghi hoài nghi vào khả năng sân khấu của anh thì cha anh đã là sự kiểm chứng đáng tin cậy nhất để anh lấy lại phong độ đi tiếp con đường đã chọn. 

Theo lời Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Dung, người bạn đời của đạo diễn Nguyễn Đinh Nghi, nhà thơ Thế Lữ đã truyền cho con mình một tình yêu sân khấu đến say đắm. Cả hai cha con đều có “tật” là chỉ quan tâm tới những ý tưởng nghệ thuật của mình, chứ không màng những phù hoa vật chất, danh lợi. Thích thì mang cả của nhà ra góp làm, không thích thì có dụ bằng hàng núi của cũng không. Thế Lữ rất chăm chú theo dõi những bước đường nghề nghiệp của con trai mình. Khi sức khoẻ còn cho phép, bất cứ khi nào và ở đâu, dù Thái Nguyên hay Hải Phòng, trình diễn vở kịch mà đạo diễn Nghi dàn dựng là hai vợ chồng Thế Lữ và Song Kim đều đi tàu hoặc xe khách  tới xem. Xem để biết con mình làm như thế nào, xem để về nhà cùng đàm đạo về nghề... Cả những bài dịch về sân khấu của đạo diễn Nguyễn Đinh Nghi khi anh còn dạy trong Trường Sân khấu cũng được cha mình xem và góp ý.

Có lẽ dưới ảnh hưởng sâu sắc của người cha mà phong cách đạo diễn của Nguyễn Đình Nghi cũng rất nghiêm trang và tỉ mỉ. Mặc dù là một con người nhạy cảm và rất nhiều mộng tưởng trong tình yêu, nhưng anh lại rất khắc nghiệt với bản thân mình và nghiêm khắc với đồng nghiệp trong công việc chuyên môn. Anh dựng vở rất kỹ. Diễn viên nào muốn trưởng thành về nghề nghiệp và thực tâm muốn học hỏi vươn lên thì rất thích làm việc với anh. Cũng theo nhận xét của NSƯT Mỹ Dung, đối với Nguyễn Đình Nghi, cái gì anh đã nghĩ trong đầu thì anh sẽ cố gắng làm bằng được, tức là nếu như diễn viên này có kém thì anh cũng phải tìm mọi cách để nâng lên. Đấy chính là cái mà nếu người diễn viên muốn học hỏi rất thích... Không ngẫu nhiên mà nhiều lớp diễn viên ở ta, từ những thế hệ thứ nhất trong trường sân khấu như Doãn Hoàng Giang, Nguyệt ánh, Thế Anh đến những diễn viên trẻ mới vào nghề đều trìu mến và ngưỡng vọng gọi Nguyễn Đình Nghi là thầy...

Với Nguyễn Đình Nghi, kịch cốt tinh chứ không cốt nhiều. Là một người được đào tạo bài bản ở cả Trung Quốc lẫn Liên Xô, ông chủ yếu dựng những vở cổ điển, như thể muốn tạo dựng một nền móng căn bản cho sân khấu nước nhà. Những khát vọng sân khấu rất nghiêm trang luôn ở trên mức đời thường của Nguyễn Đình Nghi đã khiến anh đôi khi có dáng vẻ của một “người lữ hành cô độc” trong nghề. Tuy nhiên, đó có lẽ cũng là số phận của những tài năng có nhân cách lớn. Họ có thể hạnh phúc trong cuộc sống gia đình nhưng họ khó có thể tìm thấy sự bình an trong nghệ thuật

Đặng Trinh
.
.