Cha tôi, nhà thơ Lưu Quang Thuận

Thứ Sáu, 07/08/2009, 09:56

Cha tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng. Ngôi nhà của ba má ông nằm kề ngay trên bờ biển. Sau này khi đã chọn Hà thành làm nơi sinh sống và lập nghiệp ông vẫn luôn mang nặng trong lòng nỗi nhớ "mảnh đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm".

Suốt những năm dài đất nước chia cắt, không có dịp về thăm quê nội, nhưng chúng tôi vẫn "nhìn thấy" nó thật rõ rệt qua lời kể của ông. Sông Hàn, bãi biển Mỹ Khê, Chợ Cồn, Cổ Viện Chàm, Non Nước, Ngũ Hành Sơn... những địa danh ấy đã trở nên quen thuộc trong ký ức tuổi thơ của chúng tôi.Cha tôi học tiểu học ở Đà Nẵng, lớn lên một chút ông xa nhà ra Huế trọ học. Ông học giỏi từ nhỏ, có năm đã từng đoạt giải Pháp văn của mấy tỉnh Trung Kỳ.

Cha tôi thường nói rằng một trong những nỗi bất hạnh nhất của đời ông là sớm thiếu vắng tình mẫu tử. Bà nội tôi mất năm 1937. Khi đó cha tôi 16 tuổi, sau ông còn 3 người em trai nữa, cậu em trai Lưu Quang Lũy (tức nhà thơ Lưu Trùng Dương sau này) ngày ấy mới 6 tuổi. Sau khi mẹ mất được ít lâu, cha tôi vào sống tự lập ở Sài Gòn, vừa đi học vừa đi làm và bắt đầu viết truyện, làm thơ đăng báo. 

Năm 1941 cha tôi viết vở kịch đầu tay: Chu Du đại chiến Uất Trì. Đây là vở kịch vui một màn. Vừa ra đời vở kịch đã được Hội Hướng đạo học sinh sinh viên Đà Nẵng dàn dựng và biểu diễn nhiều lần ở Đà Nẵng, Hội An. Năm 1945 vở này còn được diễn ở Hà Đông. Năm 1942 tập thơ Tóc thơm được xuất bản. Thành công bước đầu tuy hết sức nhỏ bé, nhưng cũng đã giúp ông có thêm niềm tin để tiếp tục thực hiện những ước mơ nghệ thuật của mình.

Năm 1943 cha tôi quyết định ra Hà Nội, Thủ đô văn hoá của toàn Đông Dương lúc bấy giờ. Lăn lộn với cuộc sống, có lúc ông đã làm chân kéo màn ở một rạp hát. Nhưng cũng chính vào thời kỳ này niềm say mê sáng tạo của ông mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Chỉ trong vòng khoảng 2 năm, ông đã sáng tác hàng loạt vở kịch thơ như: Lữ Gia, Lê Lai đổi áo, Người Hoa Lư, Kiều Công Tiễn, Yêu Ly...; kịch nói như: Phượng Trì thôn, Hoàng Hoa Thám, Quán Thăng Long... Hầu hết các vở này đã được các ban kịch tài tử và đoàn học sinh hướng đạo công diễn ở Đà Nẵng, Huế, Hà Nội... Một số vở được Báo Tri Tân ấn hành như Lê Lai đổi áo (1943), Yêu Ly (1945).

Năm 1944 ông tham gia Ban kịch Anh Vũ do Thế Lữ chủ trì. Không chỉ say mê với công việc sáng tác, ông còn chủ trương thành lập Tạp chí Sân khấu và Nhà xuất bản. Ông mong ước những người làm sân khấu sớm có một tổ chức để cùng giúp đỡ nhau hoạt động.

Năm 1945 ông mở Nhà xuất bản Hoa Lư, với mục đích chính là để in ấn xuất bản những tác phẩm của bạn bè. Tuy chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn khoảng hơn một năm từ sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công cho đến ngày toàn quốc kháng chiến 12/1946, nhưng Nhà xuất bản Hoa Lư cũng cho ra đời được một số tác phẩm, chủ yếu là kịch.

Những vở kịch có giá trị như Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, Lam Sơn họp mặt của Nguyễn Xuân Trâm, Người điên (Kiều Loan) của Hoàng Cầm... đã được in lần đầu tiên tại Nhà xuất bản Hoa Lư. Các nhạc phẩm của Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát cũng được ấn hành tại đây. Cuốn sách cuối cùng được in ở Nhà xuất bản Hoa Lư là tác phẩm Nhập vào đám đông của Nguyễn Văn Bổng.

Sách vừa mang ở nhà in về chiều ngày 18/12/1946 thì sáng hôm sau tất cả đã tản cư đi kháng chiến. Cha tôi đã cho in hai tác phẩm của mình là Yêu LyQuán Thăng Long ở Nhà xuất bản Hoa Lư. Vở kịch dã sử Quán Thăng Long đã được biểu diễn nhiều lần trong những năm đầu Cách mạng.

Trong đời thường, cha tôi có hai niềm say mê lớn, đó là bóng đá và thiên nhiên. Ông yêu thiên nhiên theo cách riêng của mình. Cha tôi có mấy giò phong lan và chậu cây đặt ở khoảng sân hẹp trước hiên nhà. Những lúc rỗi rãi, cha tôi lúi húi rất lâu trước mấy chậu cây, buộc buộc cắt cắt. Ông chú ý từng lá non, từng chồi cây mới nhú.

Cha tôi yêu thích bóng đá một cách kỳ lạ. Hầu như cha tôi rất ít khi vắng mặt trên sân vận động Hàng Đẫy mỗi khi có trận thi đấu. Có lần ông bị ốm không đi xem được, phải ngồi nhà nghe tường thuật qua đài truyền thanh. Nghe được một lúc không thấy cha tôi đâu. Mẹ tôi đi tìm thì thấy ông đang đứng ở góc phố nghe loa công cộng cùng với những người qua đường hâm mộ. Ông bảo nghe thế mới có "không khí bóng đá".

Tôi thấy cũng lạ, cha tôi là một người sống lặng lẽ, đơn giản, khiêm tốn. Ông rất yêu chiều và tôn trọng con cái, không bao giờ áp đặt một điều gì. Thế nhưng ở con người ông lại có một sức hút rất lớn. Chúng tôi đã lớn lên và chịu ảnh hưởng ở ông rất nhiều. Cha đã dạy chúng tôi yêu đất nước, yêu nghệ thuật bằng những điều thật cụ thể và gần gũi.

Mỗi khi cho các con đi rạp hát về, cha tôi thường giảng giải, phân tích những cái hay, cái đẹp của vở diễn, nhận xét về diễn xuất của diễn viên. Ngay từ hồi chúng tôi còn nhỏ, cha tôi đã dạy cho chúng tôi biết cách phân biệt các làn điệu chèo. Cha tôi lấy vở Tấm Cám của mình ra làm ví dụ. Có hôm thuận tiện, ông mời một cô diễn viên về nhà, hát minh họa cho chúng tôi nghe.

Nhiều năm qua rồi nhưng chúng tôi vẫn không quên cảm giác lâng lâng êm ả khi nghe điệu Chức cẩm hồi văn của Tấm (trong lốt cây xoan đào) ru hoàng tử, điệu Ru xuân đầy cảm khái khi hoàng tử trở về làng Mai, điệu Con gà rừng gấp gáp như tiếng reo đắc thắng của mụ Cám khi đẩy được Tấm xuống ao, điệu Làn thảm rơi nước mắt của Tấm khi bị dì ghẻ ngược đãi, hay như màn hát Giao duyên đằm thắm của các liền anh, liền chị trong ngày hội làng.

Năm 1969, anh Lưu Quang Vũ đang là bộ đội phòng không. Trong kì hội diễn của toàn binh chủng, anh đã viết vở chèo Đôi bạn quê hương. Vở diễn được anh em bộ đội hoan nghênh và đã giành được giải cao. Khả năng ấy có lẽ đã được cha tôi vun đắp từ những ngày anh tôi còn nhỏ.

Anh đã viết thư về cho cha tôi: "Sau kỳ hội diễn, vở của con là tiết mục duy nhất vẫn còn tiếp tục diễn phục vụ các đơn vị và bà con nơi đóng quân. Bà con nông dân và bộ đội rất thích chèo bố ạ. Con không ngờ những điều học lỏm được của bố từ trước bây giờ lại có kết quả như vậy. Anh em phấn khởi và con cũng vui lắm. Khi nào được về nhà con sẽ kể chuyện sau...".--PageBreak--

Cha tôi luôn luôn là người chia sẻ với con cái từ những niềm vui nhỏ bé cho đến những thành bại lớn trong đời. Vào thời gian cuối đời bộ đội, anh Vũ tôi gặp một số điều trục trặc. Cha tôi đã viết thư động viên anh: "... Con là con trai lớn của bố mẹ. Con ra đời gặp sóng gió, bố mẹ rất đau lòng. Nhưng bố mẹ luôn mong mỏi và tin rằng con sẽ vượt qua. Một lần vấp ngã là một lần rút ra bài học cho mình. Cốt nhất là con không được buông xuôi, không được chán nản. Vẫn phải tin, vẫn phải làm việc, vẫn phải hi vọng, ngay cả trong những lúc mà chỉ sống thôi cũng đã là một việc khó khăn...".

Cha tôi cất giữ cẩn thận những bức thư của các con gửi cho mình. Ông coi đó là những kỉ niệm quý báu của gia đình. Ông có thói quen đánh số và ghi ngày tháng nhận được vào mỗi bức thư. Khi cha tôi mất, bên cạnh các bản thảo, ghi chép, nhật ký của ông để lại còn có rất nhiều thư từ của bạn bè, người thân.

Trong đó có tập thư của mấy anh em tôi, ông đã lưu giữ trong mấy chục năm, từ lúc chúng tôi mới bắt đầu tập viết nét chữ bằng mực tím nguệch ngoạc, xiêu vẹo cho đến những năm sau này khi đã khôn lớn, có chút tên tuổi, có gia đình riêng, đi học nước ngoài, đi chiến đấu ở chiến trường xa... Đối với các con dâu, cha tôi cũng hết lòng yêu quý. Mỗi khi đi công tác về, bao giờ ông cũng dành phần quà chu đáo, đều khắp cho các con.

Cha tôi thường nói với mẹ tôi: "Mình phải yêu quý con dâu vì không mất công đẻ, không mất công nuôi bỗng dưng lại được thêm một đứa con". Mỗi khi chị Xuân Quỳnh có tập thơ mới ra đời, cha tôi là người sưu tầm cất giữ những bài viết về các tập thơ còn cẩn thận hơn cả chị. Có lần đi công tác ở Hội An, tình cờ đọc tờ báo cũ thấy có bài phê bình về tập Lời ru trên mặt đất, cha tôi đã ngồi chép lại để gửi về nhà cho chị (ngày ấy chưa có photocopy). Chính chị Quỳnh đã nói với tôi rằng về nhiều mặt, chị thấy gần gũi và thân thiết với cha tôi còn hơn cả bố đẻ của chị.

Cha mẹ tôi sống với nhau được 35 năm. 35 năm ấy có biết bao là gian nan vất vả, có cả những khi thiếu thốn cơ cực, nhưng cuộc sống của hai người rất hạnh phúc, lúc nào cũng đẹp, cũng ngọt ngào. Cha tôi đã dành cho mẹ tôi một tình yêu hết sức trẻ trung và mãnh liệt.

Những bức thư cha tôi viết cho mẹ tôi thật nồng nàn và cảm động: "... Khánh ơi, nếu anh nhớ không sai thì chính vì Quán Thăng Long mà em đã đủ mức cảm tình để nhận lời anh khi anh hỏi em làm vợ. Anh nhờ ngòi bút mà có được em. Anh sẽ chỉ cậy vào ngòi bút mà làm cho em lo ít vui nhiều. Hạnh phúc lớn nhất của đời anh, có lẽ là được mở trang giấy ngồi viết bên cạnh em, và đêm khuya mỏi vai mệt đầu được xếp giấy bút lại mà gối đầu lên tay em. Đêm nay anh tâm sự với em, và phút bỗng tìm ra một điều giản dị: em là người tri kỷ hiểu anh nhất trên đời. Và nếu kiểm kê tài sản của đời anh, chắc chắn em là cái gì quý giá nhất mà anh đã tìm được và suốt đời yêu quý mãi".

Vào những năm cuối đời, ông vẫn làm tặng mẹ tôi những câu thơ đẫm tình, da diết. Tình yêu của cha tôi đã có sức nâng đỡ rất lớn cho mẹ tôi trong những lúc khó khăn nhất. Cuộc đời mẹ tôi phải gánh chịu những nỗi đau khổ thật kinh khủng nhưng cũng có những niềm tự hào thật lớn lao. Chỉ một thời gian ngắn trong tháng 9 năm 2000 bà đã mấy lần bước lên sân khấu Nhà hát Lớn thành phố để nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho chồng, cho con dâu Xuân Quỳnh và Giải thưởng Hồ Chí Minh cho con trai Lưu Quang Vũ.

Suốt đời cha tôi sống với những niềm vui bình dị. Khiêm tốn, chan hoà, tử tế với tất cả mọi người. Không biết đã bao nhiêu lần tôi được nghe những người bạn trong và ngoài giới văn nghệ nói về cha tôi:  "Bố cháu là người sống rất tình nghĩa"... Ngày cha tôi mất, nhà văn Nguyễn Thành Long viết cho mẹ tôi: "... Người bạn mà tôi kính trọng nhất không còn nữa. Cứ nghĩ đến cái chết của Thuận, tôi lại nhớ đến câu nói của nhà văn Mỹ Mắc Tu-oen: Hãy sống làm sao để khi chết, người đóng đinh vào quan tài cũng phải khóc vì ta". Lúc sinh thời cha tôi thường nói: "Làm sao khi chết đi vào ngày thứ hai thì chủ nhật vẫn còn được đến sân Hàng Đẫy xem đá bóng, để khỏi phải làm phiền đến vợ con bạn bè".

Cha tôi ra đi nhẹ nhàng, thanh thản đúng như ông ao ước. Khi mất đi trong túi áo cha tôi chỉ có vài hào lẻ và một tấm vé đá bóng. Cha tôi mất tối thứ bảy, ông không kịp xem trận bóng đá cuối cùng vào chiều chủ nhật. Cũng như ông đã không kịp làm nốt những công việc còn dang dở, không kịp nhìn thấy sự khôn lớn, trưởng thành của chúng tôi - những đứa con mà ông hết lòng yêu quý.

Cha tôi không phải là một người thật nổi tiếng. Cuộc đời ông không có gì chói chang đặc biệt. Điều lớn nhất ông để lại cho chúng tôi là nhân cách của người nghệ sĩ một đời lao động, một đời trong sạch. Tình yêu và niềm tự hào về cha mình đã đi theo chúng tôi suốt đời. Ngay cả khi cha tôi đã mất, chúng tôi vẫn cố gắng sống và làm theo những điều mong mỏi của ông.

Điều an ủi lớn nhất là cha tôi mất đi nhưng đã để lại những điều tốt đẹp trong tư tưởng và tâm hồn mình cho những người quen biết và yêu quý ông. Đối với chúng tôi, kỷ niệm về cha mình đã trở thành những dấu ấn của một thời và mãi mãi. Như những câu thơ anh Lưu Quang Vũ đã viết: Cha vẫn còn kia như sông nước hiền hoà/ Vẫn ở quanh con như ánh sáng trong nhà/ Trong mỗi chúng con, trong mỗi ngày đang sống/ Trong hoa trái của cuộc đời bất tận/ Ngỡ cha gọi ngoài kia/ Như chiều ấy ghé về/ Đồi cọ mờ sương khói/ Cha mở cửa áo ướt đầm mưa núi/ Nụ cười vui như ngọn lửa hồng.

PGS.TS Lưu Khánh Thơ
.
.