Cây ghi ta cự phách và các giải thưởng về tranh tượng

Thứ Tư, 06/07/2005, 08:27

Nghệ sĩ Tạ Tấn được biết đến không chỉ là cây ghita tài danh, một nhà giáo ưu tú có công lớn trong việc sáng lập ra bộ môn ghita cho Nhạc viện Hà Nội, mà còn là một nhà điêu khắc, một hoạ sĩ với nhiều giải thưởng. Ở tuổi 80, Tạ Tấn ít sáng tác và biểu diễn âm nhạc nhưng ông vẫn đam mê vẽ và vẽ khỏe hơn.

Đầu năm 2005, ông cùng con trai - họa sĩ Tạ Hùng - đã tổ chức triển lãm tranh, tượng ngay tại gia đình ở ngõ 477 Kim Mã, Hà Nội.

Sinh trưởng trong một gia đình làm nghề buôn bán nên ngay từ khi còn nhỏ, Tạ Tấn đã được bố mẹ hướng theo nghiệp này. Thế nhưng càng lớn, Tạ Tấn càng tỏ rõ năng khiếu và niềm đam mê âm nhạc của mình. Bố mẹ ông lo lắng, thậm chí cấm đoán không cho Tạ Tấn theo đuổi cái nghề mà theo họ là “xướng ca vô loài”.

Tuổi mười bốn mười lăm, Tạ Tấn đã dám tự chọn cuộc sống cho mình, chấp nhận sự miệt thị của người thân, đi bán báo, đánh giày để tự kiếm sống và mua một cây đàn. Song, tiền ông tích cóp mãi cũng chỉ đủ mua một cây Tây Ban Cầm, loại đàn rẻ nhất thời bấy giờ. Trước sự cứng đầu của con trai và tình thương yêu lâu nay kìm nén trong lòng, cha mẹ ông đành phải chịu thua, cho ông theo học đàn ghita do một người Nhật Bản và một người Philipin dạy.

Những năm bốn mươi của thế kỷ XX, tiếng đàn du dương réo rắt và phong cách biểu diễn thật lãng tử của Tạ Tấn đã làm xiêu lòng bao thiếu nữ Hà Nội, trong đó có vợ ông bây giờ. Vợ ông tên là Quan Ái Kim, người Việt gốc Hoa. Thời ấy, nhà hai người cách nhau vài dãy phố. Nhà bà Kim có nghề truyền thống làm con giống ở phố Hàng Buồm. Đúng thời điểm chuẩn bị tổ chức đám cưới, chỉ còn sáu ngày nữa là họ nên vợ nên chồng thì toàn quốc kháng chiến. Tạ Tấn thuộc Trung đoàn Thủ đô rút khỏi thành Hà Nội đi chiến đấu, bà Kim là người Hoa nên ở lại. Một năm, hai năm rồi ba năm, Tạ Tấn bặt âm vô tín. Đến năm thứ tư, bà Kim gần như vô vọng về đám cưới của mình thì Tạ Tấn trở về.

Kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta thắng lợi, Tạ Tấn mở xưởng sản xuất đàn và mở lớp dạy ghita. Bà Kim đã giúp chồng quản lý cửa hiệu đàn. Năm 1959, khi đã có một gia tài đáng nể trên đất Hà thành, ông tự nguyện đem hiến cửa hiệu của mình để góp phần xây dựng Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Nhạc viện Quốc gia Hà Nội. Kể từ đó, cuộc đời của nhạc sĩ Tạ Tấn gắn chặt với sự nghiệp đào tạo của Nhạc viện Quốc gia Hà Nội. Vợ ông cũng được nhận vào làm công nhân ở xưởng đàn của Nhạc viện ngay từ thời gian ấy.

Nhắc đến Tạ Tấn, người ta không quên nói tới công lao của ông trong việc đặt nền móng cho việc dạy và học môn ghita ở Việt Nam. Ba mươi năm đứng trên bục giảng, người nghệ sĩ ấy vẫn nhớ như in tháng ngày cả thầy trò phải dạy và học trong căn hầm tối tăm, chật hẹp, với những bữa ăn chỉ độc nắm mì hẩm “không người lái”. Vậy mà có bao thế hệ học trò ngày đó đã thành danh:  Trần Văn Thân, Ngô Đăng Quang, Nguyễn Lương Bình, Nguyễn Đức, Đặng Ngọc Long… trong số họ, Đặng Ngọc Long đã đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi ghita quốc tế Villa - Lobos gồm 30 nước tham dự tại Hunggari và giữ chức Phó Chủ nhiệm khoa Ghita Nhạc viện Berlin CHLB Đức.

Hơn thế nữa, nhiều công trình nghiên cứu về bộ môn ghita của Tạ Tấn đã đóng góp phần không nhỏ cho sự nghiệp âm nhạc nước nhà. Gần đây, cuốn  “Phương pháp học ghita” của ông đã được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Có lẽ do tâm hồn luôn rung động trên sáu dây ghita ấy nên Tạ Tấn đã nghĩ tới việc chuyển soạn dân ca cho cây đàn ghita, một thủ pháp mà chưa một ai làm với thể loại nhạc cụ này. Ông miệt mài đọc sách báo, đi thực tế tìm hiểu đặc điểm dân ca từng vùng miền để khai thác những thủ pháp kỹ thuật luyến, vuốt, tơrêmôlô thay đổi độ cao dây đàn, bồi âm, tỉa nốt, bịt tiếng… cho phù hợp với từng bài dân ca. Chẳng hạn, “Xe chỉ luồn kim”, “Inh lả ơi, xòe hoa”, “Trống cơm”, “Lý cây đa”, “Lưu thủy”…

Ở bài “Lưu thủy” (soạn từ Chèo cổ), ông đã thay đổi cách lên dây truyền thống và sử dụng thủ pháp diễn tấu đàn Nguyệt bằng cách thực hiện pizzicato (đè nhẹ cùi tay phải lên ngựa căng dây, ngón cái tay phải gảy làm tiếng đàn phát ra không có tiếng ngân). “Lưu thủy” đã giành Huy chương Vàng tại Hội diễn mùa xuân năm 1962.

Tạ Tấn được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1990. Đến năm 1995, ông được trao tặng huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”.

Ngoài giảng dạy, Tạ Tấn từng đi biểu diễn trên khắp mọi miền đất nước, từ Lạng Sơn đến Vĩnh Linh tuyến lửa. Những chuyến lưu diễn tại Cuba, Nga, Bungari, Ba Lan, Rumani… đã gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế, đặc biệt là năm 1978, khi ông biểu diễn điệu “Chặt mía” trong Liên hoan sinh viên và thanh niên thế giới tại Thủ đô La Habana của Cuba.

Tạ Tấn bảo: “Học ghita để đánh chơi thì dễ nhưng học chuyên tu thì cực khó, đòi hỏi người học phải tu luyện kiên trì”. Ông mong sao nước ta có thật nhiều cây ghita giỏi, tiếp tục hướng dẫn, giảng dạy cho các thế hệ tiếp sau.--PageBreak--

Kể ra cũng lạ, thông thường khi nói tới nhạc, người ta thường nhắc đến thơ. Còn đối với Tạ Tấn, không phải vậy. Nhạc và họa mới là mối “nhân duyên” tồn tại song hành. Ông đến với mỹ thuật cũng thật tình cờ. Năm 1965, giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, một lần tránh bom dưới hầm nhìn thấy có một gốc sắn đen nhẻm, trong ông bỗng bất thần lóe lên một ý tưởng. Thế rồi khi trời đất trở lại thanh bình, ông cầm gốc sắn về, cặm cụi đục đẽo, gọt giũa, sau một tháng tượng “Ông thọ” hoàn thành.

Tác phẩm đầu tay được nhiều người khen, khích lệ ông tiếp tục sáng tác. Từ những gốc sắn già màu nâu sẫm, xù xì, tưởng chỉ để làm một công việc đun nấu, Tạ Tấn đã khéo léo biến chúng thành những bức tượng đẹp và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: “Múa dân tộc Tây Nguyên”, “Thạch Sanh”, “Thánh Gióng”, “Kiều gảy đàn”… Chỉ trong vòng bốn năm sơ tán ở Bắc Giang, ông đã có 250 tác phẩm làm từ gốc sắn. Những đứa con tinh thần cứ thủng thẳng ra đời, mỗi tác phẩm đều gắn với một sự kiện hay một kỷ niệm nào đó: “Chiến sĩ Đồng Tháp Mười”, “Nữ du kích miền Nam”, “Anh Giải phóng quân”… chẳng hạn, bức “Chiến thắng B52” ra đời trong hoàn cảnh khá đặc biệt: Khi B52 rải thảm, đến thăm nhà người bạn, thấy cảnh hoang tàn chỉ còn trơ trọi gốc cây ổi. Đột nhiên, ông nghĩ tới ý tưởng tạc một cô gái bay vút lên trời xanh…

Có một tác phẩm ông không đặt tên, bởi nó ra đời sau trận giội bom của Mỹ ngay tại khu nhà mình, cây xà cừ đầu ngõ cháy chỉ còn một cành ngắn ngủn, đen sạm, bác sửa xe đạp chạy sơ tán chậm, suýt mất mạng còn run lẩy bẩy. Cứ thế, Tạ Tấn say sưa kể về dấu ấn những tác phẩm của mình. Những dấu ấn cũng hết sức bình dị như con người ông.

Một số tác phẩm điêu khắc của Tạ Tấn: “Đôi nai”, “Bắt sống phi công”, “Bắn cung Tây Nguyên bất khuất”… Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mua để trưng bày. Còn phần lớn được bán cho các bạn nước ngoài khi ông tham gia triển lãm ở Đức. Bây giờ ngẫm ông thực sự nuối tiếc. Hiện tại trong nhà ông có khoảng hơn chục bức tượng, bốn mươi tranh sơn dầu nhưng ông bảo, thích thì cứ vẽ thôi chứ nhất định không bán nữa.

Phải thừa nhận rằng con người Tạ Tấn đã theo đuổi cái gì thì làm cho bằng được, chẳng thế mà sau ba mươi năm kể từ khi ông bước chân vào cái nghề “đục đẽo”, năm 1995 Tạ Tấn mới chịu lấn sân sang hội họa. Năm đó ông vẽ “Múa trống dưới trăng”, trên chất liệu lụa. Điều đặc biệt là, cả ở lĩnh vực điêu khắc và hội họa, ông đều giành được giải thưởng giá trị. Mấy năm gần đây, ông thiên về vẽ tranh sơn dầu. Trước giao thừa của năm con Gà này, Tạ Tấn đã hoàn thành tác phẩm sơn dầu “Cuộc đời”. Có thể nói nhìn “Cuộc đời”, người ta hiểu ngay được số phận của người nghệ sĩ lấy cây đàn làm hạt nhân, lẽ sống mà hội họa, điêu khắc đóng vai trò làm nền, để cho cuộc sống vốn đã từng thăng- trầm - hùng - bi thêm nhuần nhụy và có nghĩa hơn

Thương Huế
.
.