Câu chuyện thứ 55: Chuyện của NSƯT Hoa Hạ

Thứ Tư, 18/03/2015, 15:43
Người trong nghề, báo giới và cả khán giả nhắc đến bà với hàng loạt thành công. Một Hoa Hạ diễn viên, ca sĩ sắc nước hương trời, giọng vi vút như gió mùa xuân, một Hoa Hạ với Lôi Vũ gây chấn động cả giới kịch nghệ lúc bấy giờ, một Hoa Hạ với những vở cải lương tiền tỉ. Mấy ai biết, đời bà như tên của một loài hoa được bà chọn làm nghệ danh, rực rỡ đó mà sầu lên môi mắt đó. Bà tên thật là Phan Thị Ánh Phượng.

1. Chiều sâu vào tối, tôi ngồi bâng quơ trên ban công nhìn ra đường. Đã bao chiều tôi ngồi như vậy. Từ ngày má tôi mất, tôi sợ cái cảm giác xuôi ngược, hối hả theo dòng xe ngoài kia. Cả những cơn mưa ở đâu thình lình kéo về. Tôi trốn chạy, hay đúng hơn, tôi chưa thể chấp nhận được khoảng trống quá lớn mà má để lại.

Ngày má mất, tôi hối hả từ nhà lên viện thì nghe tin má đã chuyển về, tôi lật bật quay xe. Thành phố ngày mới, sôi động như nó vốn có. Chỉ có tôi hớt hơ hớt hải như người cố sức bơi qua đám lục bình quện rác nặng trịch đi ngược dòng nước, tâm trí váng vất hình bóng má. Những tháng ngày cơ cực, những danh vọng rực rỡ, những giấc mơ vụn vỡ, những hiện thực bóp nghẹt niềm tin, may mà còn có má. Mất má rồi, tôi biết tựa vào đâu để bấu víu, để tựa nương?

Ấu thơ tôi mải miết theo má buôn gánh bán bưng. Hết xôi tới chuối chiên rồi khoai luộc,… rong ruổi khắp nẻo đường ra chợ. Ngày đó, 6 đứa con mà má còn trẻ măng, đẹp người lại đẹp nết, lắm người buông lời đưa đẩy, má chỉ ngó lơ. Má thường hôn lên mớ tóc khét nắng của tôi, bảo: “Má ở vậy nuôi mấy đứa ăn học nên người! Con ngoan vậy, phải hồi xưa má giận quá cho con, chắc má hối hận suốt đời”.

Đời má là chuỗi ngày cơ cực chồng vất vả. Hết lo chồng, lại tất bật chăm con. Quần quật từ ngày tới đêm. Ba theo kháng chiến, giỏi chuyên môn được cử ra công tác công khai. Ba lên Sài Gòn, đi biệt luôn. Má loáng thoáng nghe ba có người phụ nữ khác, có con lớn hơn đứa con má mang trong bụng cả 2 tuổi, má cười cười bỏ ngoài tai, không tin. Ba về, nhìn má ẵm ngửa tôi trên tay, hỏi: “Con ai vậy?” rồi đi thẳng. Khi cạn tình cạn nghĩa thì lý do nào người ta cũng có thể vấy lên nhau được! Má giận quá, đau quá, không nói được tiếng nào, nước mắt rớt ướt hai cánh tay áo. Tủi phận, má định bụng đem tôi cho người ta. Mấy anh mấy chị thấy má khóc, ỉ ôi khóc theo. Vừa khóc vừa năn nỉ vừa canh chừng, sợ má buồn quá, đem tôi cho thiệt.

Tôi chang nắng, tóc vàng hoe. Ngộ là, da dẻ cứ trắng như trứng gà bóc. Mấy đứa trong xóm hễ thấy tôi là xúm vô chọc “đồ con lai”, rồi kéo đánh hội đồng tôi thừa chết thiếu sống, mực rây khắp người. Về nhà toàn ôm cặp né má, tay che mặt trầy trụa, cà nhắc ra mé sông ngồi gụt áo. Vừa gụt vừa khóc. Đâu giấu má hoài được. Má kêu lại hỏi, hổng dám nói thiệt sợ má buồn, thành ra bị la hoài. Cái áo trắng lốm đốm mực tím mờ mờ như những giọt buồn tuổi thơ ngưng đọng.

Một bữa, bị tụi nó dí đánh dữ quá, tôi cắm đầu chạy thục mạng. Xui sao chui vào ngõ cụt, trước mặt lại có đống cát to lù lù. Tôi luống cuống chưa biết sao thì nghe tiếng tụi nó réo tới phía sau. Bụng bảo dạ, chắc đận này mềm xương. Chính trong giây phút sợ hãi đỉnh điểm đó, tôi chợt nghĩ, không lẽ để tụi nó đánh mình hoài vậy sao? Tôi quẳng bình mực và tập sách sang bên quần nhau một trận. Trận đó sứt đầu mẻ trán nhưng phần thắng đã thuộc về tôi.

Từ đấy, đứa nào hé môi kêu con lai là tôi đánh lại, kèm điều kiện: “Mày mà méc má tao, mốt tao đánh gấp đôi”. Về nhà, tôi lại là đứa con ngoan ngoãn, đau cách mấy cũng cắn răng chịu. Cái tính không thoả hiệp, dám làm dám chịu của tôi, có lẽ hình thành từ chuyện này.

2. Tôi từng ước lớn lên trở thành luật sư hoặc bác sĩ. Nhưng thời tôi, trường luật bị bãi bỏ, trường y thì học phí cao quá. Má muốn tôi học sư phạm như mấy anh mấy chị. Chiều lòng má, tôi đăng ký, cầm giấy báo danh về cho má vui. Còn tôi nộp hồ sơ vô khoa Lý-Sáng-Chỉ của Nhạc viện Thành phố. Hồ sơ yêu cầu phải có bằng trung học âm nhạc, thuyết phục người thâu hồ sơ không được, tôi cầm mấy bản nhạc viết hồi còn đi học vô đưa thầy Ca Lê Thuần coi. Số là, hồi 12, 13 tuổi tôi đã có thể chơi được guitar và sáng tác nhạc, in thành bản bán hẳn hoi cho bạn học cùng trường và trường khác.

Thầy xem xong gật đầu, nói người bảo vệ nhận hồ sơ của tôi nhưng họ vẫn kiên quyết không nhận. Tôi buồn quá lang thang theo mấy đứa bạn qua trường Sân khấu nộp thử vô khoa Đạo diễn. Giám khảo kêu hát một bài, tôi cầm đàn hát. Tới hồi thi tiểu phẩm, lớ ngớ không biết làm gì, cô Tường Trân, chủ nhiệm của tôi sau này, hướng dẫn làm như vầy, như vầy nè. Tôi làm theo gọn ơ.

Cầm giấy báo trúng tuyển thủ khoa về đưa má, má hỏi chớ học đạo diễn là học gì vậy bây? Tôi tình thiệt trả lời: “Dạ, con cũng hổng biết nữa má! Mà con lỡ thi đậu rồi, thôi má cho con học nghen. Lỡ con học dở quá thì con thi lại vô Sư phạm”. Vậy đó rồi vô trường được thầy cô hướng dẫn, dạy bảo, năng khiếu tiềm ẩn dần dần phát lộ, riết mê nghề hồi nào không hay.

Chân dung NSƯT Hoa Hạ.

Học trường có học bổng tiền mặt, rồi thịt, gạo nữa, tôi gởi hết về cho chị, do chồng chị vừa mất, một mình chị gánh gồng nuôi 3 đứa con thơ dại. Tôi lọc cọc đạp xe đi dạy hát, đóng phim, viết báo rồi xin vô mấy trường đại học dạy tiểu phẩm kiếm tiền đắp đổi qua ngày.

Có lẽ Tổ thương nên dù cực cách mấy, tôi vẫn học rất giỏi. Hết năm thứ nhất, tôi được suất học bổng đi Liên Xô. Niềm vui chưa trọn thì ban giám hiệu gọi tôi lên kỷ luật. Nguyên là nhà trường cấm không cho học sinh yêu nhau. Quen nhau thì phải đăng ký. Anh Huy Thống thường đi dạy với tôi, có đăng ký yêu một chị bạn rồi. Chỉ vì suất học bổng đó, người ta đồn tôi cặp bồ với anh, trong khi anh em tôi cực kỳ trong sáng. Lúc đó, tôi mới cảm nhận hết được những người bạn thân hại mình như thế nào. Tôi thà bị đuổi học chứ nhất quyết không nhận chuyện mình không có.

Thầy Bích Lâm – hiệu trưởng mới kêu tôi vô phòng thầy. “Em không được bỏ nghề! Nếu không đi Nga học nữa thì ở lại đây học chứ không được nghỉ! Vì thầy tin chắc rằng, em sẽ trở thành một ngôi sao”. Nói tới đó thì hai thầy trò nhìn nhau nước mắt giàn giụa. Có câu, “tái ông thất mã”, nhờ không đi Nga tôi lại được đào tạo chuyên sâu về nghề. Mà kể cũng ngộ, tôi buồn vậy chớ không sốc, không giận bạn vì tôi biết bạn rất cần suất đi đó. Một tối sắp đi, vô nội trú ngủ lại, bạn thú nhận với tôi rằng, bằng cớ “tố cáo” tôi chính là mẩu giấy hẹn giờ đi dạy của tôi chuyền tay trong buổi học chính trị.

3. Tôi đi hát, năm 1981, đoạt giải nhất “Đơn ca mùa xuân”. Sợ nhà trường phát hiện nên lấy tên Hoa Hạ. Nghệ danh đó theo tôi đến tận bây giờ. Có sắc vóc, ca hay, diễn giỏi nên vừa ra trường, Đoàn Cửu Long mời tôi về làm diễn viên liền. Vừa hát, vừa diễn, thù lao của tôi không kém cạnh những ngôi sao thời bấy giờ. Tuổi trẻ bồng bột, cũng có khi mê danh vọng, tiền tài quên đi những điều đã được định hướng.

Một hôm, hát xong đứng trong cánh gà nhìn ánh đèn sân khấu tôi chợt giật mình, nếu mình để danh vọng cuốn đi, hóa ra mình đã phụ công lao của thầy và cô. Thầy cô giống như cái lề định hướng để khi lạc bước, tôi leo trở vào và chấp nhận gian khổ. Tánh tôi vậy, đường dù khó nhưng có lề rồi thì phải theo.

4 năm sau đoàn Bông Hồng mời tôi về thế vai rồi đề nghị dựng vở. Tôi bắt đầu được biết đến với vai trò đạo diễn. Song, có tiếng vang phải đến Lôi Vũ, vở diễn mà tôi bán con xe cánh én, lấy tiền cá nhân để dựng. Cùng thời điểm đó, còn có thêm 3 đoàn đầy danh tiếng khác dựng vở này. Có người không thích tôi, tìm cách ngăn cản. Tôi “cãi” cứ để cho tôi dựng, dở thì bỏ cũng được, có mất cũng là tiền của tôi. Chứ anh em nhiệt huyết, tập tành cực khổ mấy tháng trời, nói bỏ là bỏ sao đành.

Mà quả thật, tôi và các bạn diễn hồi đó có gì đâu để mất nên cứ thế diễn với tâm trạng thoải mái nhất, hồn nhiên nhất. Tôi không có thói quen nhớ những gì mình đã dựng. Khi mỗi vở diễn, mỗi chương trình tươm tất, tôi tự trả mình về vạch số 0 để khởi động dự án mới và làm hết sức với đứa con đó. Lúc nào tôi cũng ở trong tâm thức, nếu không thành công sẽ chẳng có gì. Tuy nhiên, Lôi Vũ là một trường hợp vô cùng đặc biệt. Bởi ở đó, tôi cảm nhận được nguồn lực vô cùng mạnh mẽ của sân khấu thành phố.

Sẽ không bao giờ có được những đỉnh cao như vậy nữa. Rất nhiều vở sau này, tôi viết cho những người bạn ấy nhưng vì nhiều lý do, họ không tham gia được, tôi bỏ luôn vở, không dựng nữa. Có thể, đó là một sự thủy chung quá đáng. Nhưng, đó là tình cảm của những người bạn thân từng sống chết vì nghệ thuật.

4. Tánh tôi vốn thẳng, thấy chuyện bất bình, dù không phải là của mình cũng đứng ra can thiệp. Nhất là chuyện trong nghề nên nhiều người cạnh tranh và không ưa tôi lắm. Tôi càng không có thói quen “bợ đỡ”, “dĩ hòa vi quý”, người nào tôi không trọng là không nói chuyện, mời ly nước, bữa cơm cũng không màng. Bạn bè nhắc miết, tôi suy nghĩ nhiều lắm chứ. Tôi biết, nếu mềm mỏng, khéo léo hơn, tôi sẽ thành công và được công nhận hơn bây giờ. Mấy lúc cũng muốn đổi thay, thử bắt chuyện với họ, cả người lại nổi gai ốc. Tự dưng tôi thấy hổ thẹn với bản thân mình quá. Tội tình gì phải làm như vậy? Thôi thì cứ là chính tôi, để mỗi khi nhìn mình trong gương, có thể an nhiên mỉm cười, để mỗi khi đặt mình xuống, tôi được giấc ngủ nhẹ nhàng.

Nhờ ơn phước, Trời cho tôi được đủ đầy, nuôi sống bản thân và cả gia đình lớn bằng một nghề khác để tôi toàn tâm toàn ý với nghệ thuật. Những vở tôi dựng, má coi không sót vở nào. Từ ngày má mất, tôi không còn cảm hứng hay động lực để làm nữa. Như một kẻ lạc trong rừng sâu mất phương hướng, tôi tự hỏi, má đi rồi, mình dựng vở để ai coi?

Có lẽ, tôi cần thêm một chút thời gian…

Hoàng Linh Lan
.
.