Câu chuyện thứ 51: Chuyện của nghệ sĩ Quốc Thuận

Thứ Tư, 07/01/2015, 23:38
Anh Quốc Thuận hẹn tôi gần xưởng dựng phim. Hai anh em lang thang suốt mấy quán café quanh đó mới tìm được chỗ tạm ưng ý. Không phải anh Thuận sợ khán giả nhận ra mà vì anh ngại người khác nhìn thấy những giọt nước mắt…

1. Sáu giờ sáng, tôi giong xe ra đường. Sương phố vẫn chưa kịp tan. Kêu một ly café vỉa hè ngồi đợi nắng lên. Cái nắng lành lạnh của mùa cuối năm hanh hao như nắng Hà Nội vào thu. Tự dưng tôi nghĩ, nếu kỷ niệm có màu chắc cũng đẹp như màu nắng sáng nay. Có những cuốn phim xem qua. Để quên đi. Cũng có những cuốn phim tua đi tua lại cả chục bận, lòng vẫn trào lên những xúc cảm mới mẻ. Những xúc cảm có tên hoặc không tên, chỉ biết mỗi lần chạm vào, một cái gì đó bừng dậy, mắt rưng rưng.

Cuộc đời mỗi người, nhìn theo góc nào đó cũng là một cuốn phim đủ sắc màu, âm thanh và ánh sáng. Có thời đoạn người ta cần quên đi. Và cũng có đoạn theo thời gian càng thêm lóng lánh. Trong vô vàn sắc màu ấy, mãnh liệt nhất có lẽ là ký ức về một miền ấu dại. Nghĩ cũng ngộ, hồi đó còn nhỏ xíu, có biết cái gì đâu. Vậy mà cái gì đọng lại thì trí nhớ non nớt vẫn khắc như in. Hay tại trong mỗi người trưởng thành luôn cất giữ một phần thơ trẻ?

Ấu thơ tôi là những tháng ngày êm ả trôi theo con kênh ăm ắp nước sau nhà. Con kênh mà có lần khoảng năm, sáu tuổi, tôi ngồi đó ngắm ngôi nhà xập xệ che bằng phên, nứa của ba ý (ý có nghĩa là má-NV) rồi ngủ gật và té ùm xuống nước. Ba đang lúi húi dọn hàng trong nhà, nghe tiếng nước choảng lớn, hoảng hốt nhảy xuống vớt tôi. Tôi tỉnh dậy thấy cả nhà vừa ôm tôi vừa khóc. Không hiểu tôi bị sao mà có tật ngủ gật từ đó tới giờ. Mấy đận từ quê lên phố học, tôi ngồi xe đò còn ba lui cui chạy xe máy theo đặng lên trên này có chân đi tới đi lui.

Là mống con trai duy nhất trong nhà có 3 chị em nên yêu thương cả gia đình dồn hết cho tôi. Có cái gì ngon, cái gì đẹp, bà ngoại với chị hai đều cắc củm để dành cho thằng “cục bột”. Với tôi, may mắn lớn nhất trong đời này là được làm con của ba ý, làm cháu của ngoại và làm em của chị. Trong ký ức tuổi thơ tôi, chị lúc nào cũng mạnh mẽ và sẵn sàng xù lông bảo vệ thằng em nhạy cảm, dễ bị bắt nạt. Thậm chí chẳng ngán choảng nhau với bất cứ thằng con trai nào trong xóm.

Ngày chị lập gia đình cũng là lúc tôi lên Sài Gòn học. Vậy mà, lần nào hay tôi về, chị cũng đạp xe cọc cạch tới nhà ngó mặt mũi rồi dấm dúi cho ít tiền “để lên trên đó, em thèm ăn gì thì ăn”. Cho tới bây giờ, dù tôi đã thành danh, có gia đình riêng thì tình thương chị dành cho tôi vẫn vẹn nguyên như thuở nhỏ. Nhớ, thấy khóe mắt cay cay, rồi nghĩ thương con út. Nó sinh cách khá xa nên tuổi thơ nó chẳng được chị, chẳng được tôi bảo bọc, chở che…

2. Một bữa, tôi đang chạy nhong nhong chơi thì nghe ba gọi. Ba hỏi chớ con có muốn lên Sài Gòn học hôn? Hồi nhỏ, đôi lần tôi được ba cho theo lên phố đi sở thú, đi công viên Kỳ Hòa vui lắm. Nên nghe được lên Sài Gòn tôi khoái chí gật đầu cái bụp liền. Con nít, đang tuổi ham ăn, ham chơi mà, nghe đi xa đứa nào hổng khoái.

Dường như ba đoán được hình dung của tôi nên kêu tôi ngồi xuống võng cạnh ba, nhắc rõ ràng từng chữ: “Ba muốn con suy nghĩ cho kỹ, lên Sài Gòn để đi học nghen con”. Nhưng cái viễn cảnh được đi xa và đến một nơi mới lạ đã chiếm hết tâm trí tôi. Tôi thu vén vài bộ quần áo lên phố học cấp 3 nhẹ tênh.

Ngày tôi ngồi xe đa-su (một dạng xe gần giống xe lam-NV) ra thị xã Long Xuyên, ngoại với dì tư nước mắt ngắn dài, không muốn buông tay. Ý không khóc, chỉ im lặng đứng nhìn rồi dặn, lên đó ráng học nghen con. Xe ra khỏi xóm mà vẫn thấy cái chấm nhỏ xíu xiu phía sau kính mờ bụi… Ý biết mọi người trong nhà thương tôi, sợ tôi hư nên ý ít khi biểu lộ tình cảm ngọt ngào, dịu dàng. Nhưng, tôi biết, ý thương tôi lắm. Những khó khăn, lo toan trong cuộc sống, tôi chưa bao giờ nghe ý than thở câu nào. Lúc nào ý cũng thầm lặng vun vén.

Ngày tôi đậu vô trường sân khấu, để tôi tiện việc học hành, ý giấu tôi mượn của người ta 3 chỉ vàng mua cho tôi chiếc cup cánh én. Món tiền mà ý phải hì hụi, chắt mót từ tiệm tạp hóa nhỏ suốt hai năm sau mới trả được. Tình thương của ý như khói bếp len trong ánh trời chiều, mà tôi thì đôi khi vô tâm quá chừng…

Lo xong chỗ ăn ở, học hành cho tôi, ba trở lại về quê. Ở nhà một mình, lần đầu tiên trong đời tôi biết giặt một cái áo, biết mó tay lo chuyện cơm nước. Nỗi buồn lúc này mới bắt đầu ngấm. Chiều hôm đó, trời tầm tã mưa, nước ngập dâng trắng xóa không thấy mặt đường. Tôi nằm trên gác, ngó mưa qua cửa sổ, nước mắt tuôn rơi. Không biết ba tôi đã về tới nhà chưa, giờ này chắc ý tôi đang nhóm bếp.

Bà ngoại với dì tư có còn khóc nhớ thằng cục bột không? Càng nghĩ tôi càng khóc tợn. Nỗi nhớ cồn cào, quặn thắt. Chịu không nổi, tôi đội mưa, lội nước ra bưu điện gọi về cho ý. Vừa nói vừa khóc, nằng nặc đòi về nhà. Bên kia đầu dây, tiếng ý nghèn nghẹn, “Ráng lên con, từ từ sẽ quen…”. Tôi không nhớ mình đã khóc như vậy trong suốt bao nhiêu buổi chiều. Cho đến khi năm học mới bắt đầu, tôi tập trung vào học, rồi dần có bạn bè, nỗi nhớ gia đình nguôi ngoai phần nào. Vậy chớ cũng có lúc thấy bạn bè được ba mẹ đón đưa, nước mắt tôi rớt hồi nào không hay.

Người ta nói đàn ông khóc thì yếu đuối lắm. Nhưng mà, hễ nhắc nhớ gia đình là tôi không cầm lòng được. Đã là con người thì ai không cần những lúc ủi an, xoa dịu phải thế không? Làm gì có nỗi buồn, có những yêu thương phân chia giới tính? Sau này, theo nghề, bị người ta ức hiếp, tôi cũng chỉ biết khóc. Không vì yếu đuối, vì sợ hãi mà vì buồn, vì bất lực, vì không thể nào lý giải được tại sao người ta lại đẩy mình vô hoàn cảnh như vậy…

Quốc Thuận và vợ.

3. Tôi có khiếu hài hước, sự lanh lẹ và lém lỉnh từ nhỏ. Năng khiếu ấy, theo thời gian càng bộc lộ rõ. Trong một đám nghịch ngợm, bày trò gây cười thì tôi là đứa đầu têu ở trường. Tôi mê hát lắm. Cũng có lúc tôi mơ mình trở thành ca sĩ, đứng hát cho nhiều người nghe chắc là đã lắm! Tôi liều đăng ký đi thi Tiếng hát Truyền hình nhưng rớt ngay từ vòng gởi xe. Nghe bạn bè xúi, thấy có lý, vậy là tôi theo học khoa diễn viên ở trường sân khấu.

Học hết năm thứ nhất, tôi bắt đầu có những vai diễn đầu tiên. Vai quần chúng thôi nhưng nó rèn cho tôi nhiều kỹ năng và kinh nghiệm xử lý sân khấu lắm. Thành ra ai kêu gì tôi cũng nhận, nhiều khi chỉ chạy ra chạy vô suốt, không có câu thoại nào. Tôi nghĩ, cái gì cũng phải đi từ thấp tới cao, tuần tự đàng hoàng. Miễn mình chịu khó thì nghề không phụ mình. Đóng vai phụ vậy chứ tôi đã có thể tự trang trải cuộc sống, không phải để ba ý lo lắng nữa.

Quãng đường đi học và làm nghề của tôi, thoạt nhìn coi bộ trơn tru, bằng phẳng lắm. Nhưng cái gì cũng có bề nổi và phần chìm của nó mà, phải không? Tôi may mắn hơn các bạn đồng trang lứa ở chỗ tôi ít chông chênh hơn. Còn đã trót theo nghiệp diễn thì thể nào cũng phải đôi ba bận nước mắt nước mũi hòa cùng chén cơm. Tốt nghiệp, tôi xin gia nhập nhóm hài của một đàn anh có tiếng trong nghề. Tuổi trẻ, háo thắng khi diễn tôi tham lam lấn vai của anh. Tôi biết sai, xin lỗi thiếu điều chỉ còn quỳ lạy anh nữa thôi nhưng ảnh im re. Lần nào tôi hỏi tối nay diễn gì, anh đều bảo không có show.

Cho đến khi hay tin nhóm diễn ở Nhà hát Bến Thành, tôi mới biết người ta gạt mình ra. Hôm đó, tôi đứng giữa nhà hát khóc như một đứa trẻ bị người ta giật mất đồ chơi. Khóc đã rồi lủi thủi đi về. Lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu thế nào là sự bơ vơ, bất định và nghiệt ngã. Ngoại hay hỏi tôi: “Làm nghệ thuật khó không con?”. Rồi ngoại mở đường, nếu mà khó quá thì thôi về quê bán bánh kẹo nghen. Lời động viên của ngoại đã tiếp thêm cho tôi động lực để đứng dậy và “chiến đấu” tiếp tục. Bởi, tôi nhận ra, mình thực sự yêu cái nghề này.

May sao, tôi gặp anh Quốc Thảo và được anh tin tưởng giao vai Bảy Tửng trong vở Yêu thầy diễn cùng các anh chị đã thành danh trong nghề như Việt Anh, Hồng Vân, Minh Nhí, Cát Phượng… Phải nói, tôi mang ơn anh Quốc Thảo vô cùng. Nếu không có anh, tôi không biết mình sẽ đi đâu về đâu và có bám nghề được đến hôm nay. Tôi lập nghệ danh bằng cách giữ tên mình và mượn chữ đầu trong tên anh để nhắc nhớ về người đã thắp cho mình một ngọn nến trong lúc tối trời. Sau đó, tôi kết hợp diễn hài với Thúy Nga.

May mắn đã mỉm cười khi chúng tôi nhận được giải “Nhóm hài được yêu thích nhất” tại Gala cười 2003 với vở Bà già Yamaha. Rồi sau đó là với Cát Phượng, cái tên Quốc Thuận được khán giả trong Nam ngoài Bắc nhớ mặt, biết tên.

Chuyện qua như lá theo mùa. Và, tôi xem những dấu lặng là đúc rút cho mình, để nhắc nhớ bản thân nếu ở vào vị thế đó phải biết hành xử cho đúng mực. Bài học gia đình dạy từ nhỏ thấm vào máu thịt tôi. Bài học mà sau này chắc chắn tôi sẽ dạy lại cho con. Không cần phải làm ông nọ, bà kia. Chỉ cần sống thật đàng hoàng, tử tế.

Hoàng Linh Lan
.
.