Câu chuyện thứ 33: Chuyện của diễn viên Mai Thu Huyền

Thứ Ba, 25/03/2014, 14:52

1. Sài Gòn không có mùa đông, nhưng có thứ gió lẻ tự dưng ở đâu về xao xác, rồi mưa đêm bất chợt rỉ rả kể chuyện vào khuya, thành phố bê tông cốt thép vẫn thừa vài góc vàng vọt, hắt hiu lọt thỏm giữa những tòa cao tầng, những đèn led tưng bừng xanh đỏ… Và bấy nhiêu thôi, cũng đủ đưa đường cho nỗi nhớ. Tôi nhớ Hà Nội – nơi mà cuống nhau của tôi giờ đã tan thành một phần của đất…

Hà Nội khắc sâu trong tôi chưa hẳn là bông sấu muốt trắng giữa hè, chưa hẳn là màu thu biếc xanh trong vắt, mà là một Hà Nội rét tím môi… Có thời, nhà tôi nghèo lắm. Lúc đó, mẹ mới sinh được hai chị em, sau này mới thêm đứa em trai nữa; nhà khó quá, phải gửi chị lên nhà ngoại, tôi còn nhỏ nên được ở với bố mẹ. Mùa về, Hà Nội rét lắm, đắp mấy lớp chăn, rúc đầu vào người mẹ, vẫn nghe hơi lạnh luồn qua thớ vải, sắt se trên da thịt. Mẹ dậy từ rất sớm, thổi cơm, rồi ủ thức ăn trong chiếc chăn dạ cũ, vì chỉ cần thiếu hơi lửa thì thứ rét ngoài trời sẽ làm bữa cơm sáng nguội ngắt ngơ.

Cứ đúng 5 giờ sáng, mẹ lại đạp xe đưa tôi lên nhà ngoại. Nhà ngoại xa, xa lắm. Trời thì rét mướt, mù mịt sương, sương cuộn dưới bánh xe, bảng lảng trước mặt. Tôi ngồi sau, ôm ghì lấy lưng mẹ, nghe hơi ấm phả đều theo nhịp thở, lưng mẹ rất thơm… là mùi sương. Tôi líu ríu hỏi mẹ có lạnh không? Phía trước, mẹ nở một nụ cười nhẹ cũng như sương, rằng, “Mẹ đạp xe rồi thì không lạnh nữa”. Mùa đông, mặt trời dậy muộn, đường hun hút, cây cỏ là những vệt đen ngòm, tiếng côn trùng rả rích và chiếc xe đạp run rẩy gõ nhịp vào khuya… Vừa lúc hưng hửng sáng thì đến được nhà bà ngoại, mồ hôi như một thứ trang sức, lấm tấm, óng ánh trên làn da trắng xanh của mẹ. Mẹ rất đẹp. Chưa thở cho xong cơn mệt, mẹ siết lại khăn choàng, vội ra đầu đường đón xe buýt lên Mai Dịch, rồi lại tất tả đến nhà in cho kịp giờ làm. Cho đến bây giờ, thảng hoặc, tôi vẫn thèm được nghe thứ mùi sương man mác tỏa ra từ lưng mẹ, mỏng manh, mơ hồ mà tôi nhớ thành vết, thành hằn.

Tấm lưng ướt đẫm mồ hôi của bố cũng là một mảng màu vẽ lên thứ ký ức rực rỡ trong tôi. Tôi học giỏi, nên thường được cử đi thi học sinh giỏi môn nọ, môn kia, vẫn chiếc xe đạp đó, bố đưa tôi đi, rồi hồi hộp đứng trước cổng trường đợi đón tôi về. Bố tôi mê điện ảnh, mê làm phim tài liệu nên theo học quay phim rồi ra nghề. Ngặt nỗi, văn nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật thời ấy đều rất khó, bố không sống nổi với nghề đã đành, lại càng không thể để gia đình thiếu đằng trước, hụt đằng sau. Nghĩ như vậy, nên bố bấm bụng bỏ nghề. Rồi bố khuyên mẹ nghỉ việc, về cùng kinh doanh. Nhà tôi khấm khá lên dần, bố mẹ mua căn nhà chung cư, đón chị tôi về.

Còn nhớ năm lớp 9, tôi đạt giải nhất cuộc thi Vẻ đẹp tuổi 15 của thành phố Hà Nội. Lúc bước lên bục đăng quang, như một quán tính tôi dõi mắt về phía bố, thấy bố khóc, tự nhiên nước mắt tôi đuổi nhau lăn tròn trên má… Tự nghĩ, những dữ dội của cuộc đời chưa một lần khiến đôi vai mạnh mẽ của bố xuôi đi, mà hôm nay, chỉ vì đứa con gái bé bỏng chạm được vào một vinh quang nho nhỏ, bố đã khóc. Hôm ấy, nhìn con, chưa nói gì, bố đã khóc…

Cùng năm ấy, tôi bệnh nặng, cơn bạo bệnh đến trùng với kỳ thi chuyển cấp. Trong khi bạn bè gấp gáp ôn luyện, để mong mỏi vào được những trường danh giá nhất, thì tôi phải nằm trên giường bệnh, tay chân yếu ớt, hơi thở cũng xanh xao. Bố thức trắng cùng tôi trong những đêm như thế. Nhiều buổi khuya oi nồng tôi choàng tỉnh, thấy bố rạc đi trong cơn ngủ chập chờn. Ngày thi cận kề, mà bác sĩ vẫn chưa cho xuất viện, tôi xin bố hay là cứ trốn viện để đi thi. Điểm của tôi đủ để tuyển thẳng, nhưng tôi mơ ước được học ở trường Hoàn Kiếm, bởi ở trường này học sinh nữ được mặc áo dài trắng đến trường. Tôi nói với bố, mắt mơ màng về tà áo lụa mịn màng bay bay trong gió. Tôi thấy mình trắng muốt, tinh khôi dưới nắng nhẹ đầu thu… Bố thương quá, nên gật đầu, bố con cùng trốn viện… đi thi. Năm ấy tôi đậu cao.

2.Tuổi thơ tôi ngọt ngào, yên ấm. Mà cả khi lớn lên, va chạm với đời, với nghề tôi vẫn thấy đời mình yên ấm. Tôi yêu và cưới mối tình đầu. Nhiều người bảo “sao vội cưới mối tình đầu”, tôi chỉ cười. Vì nghĩ cũng lạ, chẳng phải mọi người đều ca ngợi tình đầu là tình đẹp nhất, vậy thì tôi đến được với người yêu đầu tiên chẳng phải là thứ hôn nhân viên mãn nhất hay sao. Và cho đến bây giờ tôi vẫn chưa bao giờ phải lăn tăn suy nghĩ về việc đã cùng anh ấy bước đi chung trên một đoạn đường khá dài. Và chúng tôi sẽ cứ mãi đi chung như thế.

Tôi đóng phim từ năm lớp 11, nhưng lại không theo học nghệ thuật vì như tôi đã nói, gia đình tôi người làm nghệ thuật rất nhiều mà tựu trung lại đều không muốn cho con cháu theo nghề, bởi… “cái nghề nó bạc”. Tôi thi đậu vào Học viện Quan hệ quốc tế, vừa đi học vừa trích thời gian ra để đóng phim. Tôi trực tính, làm việc gì cũng hết sức và nghiêm túc, nên bố mẹ rất tin tưởng, chưa bao giờ lo lắng rằng tôi vì cái này, cái kia mà xao nhãng việc học. Vả lại khi làm việc gì tôi cũng suy nghĩ cặn kẽ từ nhiều phía, tôi giống tính bố. Ngay cả sau này, khi đã mở công ty và tự mình điều hành, thì bố luôn là chỗ dựa rất vững chắc, bố luôn là quân sư mỗi khi tôi cần người cho lời khuyên bảo. Lúc trước khi gia đình còn khó khăn, bố phải gạt bỏ đam mê để mưu sinh, để gia đình đỡ vất vả. Nên câu cửa miệng của bố thường là: “Sau này có nhiều tiền, bố sẽ làm một phim tài liệu để đời”. Vậy mà khi sắp chạm tay đến ước nguyện, thì bố tức tưởi ra đi.

Bận ấy, đại gia đình tôi và gia đình chồng lên kế hoạch đi Phan Thiết nghỉ mát. Cận ngày đi thì bố bị đau. Gia đình tôi đưa bố vào viện thì họ chẩn đoán bố bị đau ruột thừa, phải mổ. Tôi còn nhớ lúc ở bệnh viện, bố vẫn còn khỏe lắm. Tôi đã không định đi Phan Thiết, nhưng bố bảo, “có mẹ và chị gái kề bên rồi, vết mổ ruột thừa cũng êm rồi, con nên đi bởi gia đình bên nội cũng mong, mà các cháu nhỏ lại càng háo hức chuyến đi biển này”. Vậy mà đang khuya, mẹ nhắn: “Bố nguy cấp rồi, về mau con ơi”. Tôi và chồng tôi tức tốc trở về thì bố đã tàn hơi. Nhìn bố như đang ngủ, và như qua cái đêm này, tới rạng sáng ngày mai bố lại ngồi dậy, thong dong tập dưỡng sinh trước nhà. Tôi ôm bố, còn ấm lắm. Tôi vùi mặt mình tìm kiếm hơi thở của bố lẩn khuất trong lòng bàn tay ram ráp, trên đôi vai chưa bao giờ xuôi đi vì cực nhọc… Tất cả đều im lìm, tắt lịm.

Bố tôi mất, mất rất oan khiên. Vết mổ ruột thừa trong bụng bố tôi không ngừng chảy máu. Bố kêu đau, cả nhà kêu bác sĩ, nhưng họ bảo rằng mọi việc vẫn ổn. Bố vẫn đau, vẫn ngày càng suy kiệt. Sau, bệnh viện yêu cầu gia đình tôi phải chuyển bố sang bệnh viện khác, đến lúc này họ mới bắt đầu quan tâm đến trường hợp của bố. Nhưng mà, bố đã không thể qua khỏi. Bố tôi bị chảy hết máu mà chết. Gia đình tôi kiện bệnh viện tắc trách. Vụ kiện kéo dài nhưng chúng tôi chưa bao giờ từ bỏ.

Bố ra đi, gia đình tôi như con tàu bị gãy mất cột buồm, không nương theo được hướng gió mà tròng trành, chếnh choáng giữa biển khơi. Chỉ thương cho mẹ, nỗi mất mát như vết dao sắc lẹm, phứt mất một phần sống của mẹ. Giờ mẹ chỉ sống có một nửa thôi, buồn đẫm lên màu mắt. Mẹ giống như loài dây tơ hồng, xanh tươi rực rỡ, ràng rịt lấy cội cây. Rồi bão giông kéo đến, cây không còn nữa, dây tơ hồng ngã rạp, héo hắt, xác xơ… Đám tang bố, mẹ lịm đi theo tiếng nấc, qua cái giỗ đầu rồi mà buồn vẫn đẫm trong mắt mẹ. Ngay cả khi mẹ cười, đôi mắt cũng chẳng biết vui.

Tôi bây giờ làm việc, nghĩ mình đang làm cả phần của bố. Thắp cho bố nén hương, nhìn khói hương bảng lảng nương theo gió hút về trời, lại nhớ tấm lưng mướt mồ hôi mỗi bận chở con gái đến trường thi; cũng tấm lưng này che cho con bao bận mưa rào, từng sợi mưa xiên xéo vào nhau hoảng loạn. Con nép vào lưng bố, chỉ thấy nghiêng nghiêng một nỗi bình yên; tấm lưng đó nồng rực vị mồ hôi mà thơm như hơi sương sớm thường quẩn quanh lưng mẹ. Bố đi rồi, con làm việc vì những di nguyện của bố vẫn còn dở dở dang dang …

Đắng cay, mất mát… Nhưng dẫu sao, nhìn lại đoạn đường đã đi tôi vẫn thấy nó rất êm đềm. Đời mà, ai chẳng phải vài lần kinh qua những sóng lớn. Ánh trời quang sau khi tan cơn bão dữ luôn là màu trời đẹp nhất
Hồ Ngọc Giàu
.
.