Câu chuyện thứ 30: Chuyện của diễn viên Bảo Trí

Thứ Sáu, 10/01/2014, 13:30

1. Người ta thường bảo mọi thứ đều có duyên có số của nó. Ngẫm lại những gì đã trải, tôi càng thấm thía đúc kết ấy. Có nhiều cái, hình như đã được sắp đặt sẵn, lúc nào đến sẽ đến, không thì có muốn cũng chẳng được.

Chính nhờ duyên mà tôi bén hơi sân khấu hồi 12, 13 tuổi rồi đâm nghiền lúc nào không hay. Thiệt ra, hồi còn đi học, tôi tập tễnh làm ca sĩ, nhưng cậu tôi làm chương trình văn nghệ quần chúng ở huyện Bình Chánh kêu tôi xuống chơi. Mấy chị cũng nói vô: “Ở dưới có mấy đứa nhỏ nhỏ bằng tuổi mày mà ca hay lắm!” Tò mò, tôi xin má xuống coi cho biết. Thấy mấy bạn chỉ cỡ mình mà hát cải lương nghề quá, tôi thích mê tơi, xin cậu cho hát thử. Sân khấu quần chúng mà, ai thích thì cứ mạnh dạn tham gia.

Tôi đăng ký ca thử bài Mỗi bước ta đi. Ngồi thập thò trong cánh gà coi mấy bạn ca, tôi hồi hộp quá thể. Tới phiên, bước ra sân khấu, hai chân tôi muốn quíu lại, hai tay cầm cái micro sao nghe nặng trịch, rồi tay cũng như chân, run lật bật. Càng nhìn khán giả tôi càng run, vậy là tôi dòm bắt chết cái đèn chiếu sáng như mặt trời rọi thẳng vô mặt mà ca. Không ngờ, khán giả vỗ tay rần rần, tôi khoái quá chừng. Thấy vậy, cậu tôi hỏi có thích cải lương không? Dĩ nhiên là tôi thích nhưng tôi nghĩ có biết miếng nhịp, miếng đờn nào đâu, toàn ca theo bản năng, sao mà thành? Hôm sau, cậu dẫn tôi tới gặp thầy Hoàng Nô.

Thấy thầy dạy các bạn nhỏ trong đoàn, tôi bắc ghế học lỏm rồi lân la hỏi thầy bài gì, ca ra làm sao, bắt nhịp như thế nào. Thầy nói tới đâu, tôi nắm được tới đó. Mấy bữa vậy, thấy tôi có khiếu lại mê nghề, thầy gọi tôi lại tập cho vai Thoát Hoan trong vở Tiếng thét ngang trời. Diễn xong, “máu” quá, tôi về xin má theo đoàn. Mới đầu, má nghe tưởng tôi nói chơi, song thấy tôi nghiêm túc, má phát hoảng, rồi cấm tiệt. Má sợ tôi còn nhỏ, sốc nổi, vì một chút ham vui mà bỏ dở chuyện học hành, tương lai không đâu tới đâu. Tôi nằn nì mãi, má giận quá thiếu điều muốn từ tôi luôn. Nghĩ má dọa cho sợ, ai dè má làm thiệt, không thèm ngó ngàng gì tới tôi.

Đã vậy, tôi càng nung nấu chứng minh cho má thấy. Tôi cuốn vội vài ba bộ đồ, cùng với mấy bạn mê hát trong đoàn lập một nhóm nhỏ vô danh, đi lưu diễn suốt. 6, 7 tháng sau, nhớ má quá, tôi mới ghé về nhà mà không dám vô. Thoáng thấy tôi, má mừng mừng tủi tủi rồi trách sao bỏ má đi biền biệt. Tôi nghe muốn rớt nước mắt mà ráng kiềm. Tôi thương má lắm, nhưng tôi cũng yêu nghề nữa… Thấy tôi quyết tâm, má hiểu không thể nào ngăn được thằng con trai út cứng đầu cứng cổ.

Bảo Trí trong vở “Cuộc chiến sui gia”.

Bác Mười Tiến ở Công ty mua bán đồ cũ trực thuộc Sở Công thương vốn mê cải lương, lại thấy đoàn tôi thương quá nên kêu về hát cho công ty. Nhờ có bác mà tụi tôi được đi lưu diễn khắp trong Nam ngoài Bắc. Đến đâu, cũng được khán giả đón chào nồng nhiệt. Chú Tâm ở Sở VH-TT tỉnh Phan Thiết thương tụi tôi tới mức, xin Sở cho nhận đỡ đầu đoàn. Đoàn đổi tên thành Xuân Mới. Cứ mỗi tết là thẳng tiến ra Phan Thiết hát thôi.

Tiền lương của tôi hồi đó đủ mua được ổ bánh mì không chan ké thêm tí nước thịt vào mỗi buổi sáng. Vậy mà, tôi hăng say, ca hát suốt ngày. Vui nữa là, trong đoàn mọi người sống như anh em vậy, không có kép chính, kép phụ, hay binh sĩ gì hết. Mấy anh em thay nhau đóng hỗ trợ bất cứ vai nào còn khuyết. Cho nên, có vở, tôi làm kép, nhưng cũng có vở tôi làm lính, xách ghế chạy vòng vòng. Cũng nhờ bác Mười kết hợp với bên trường sân khấu, tụi tôi mới được cô Thu Vân và thầy Hiểu dạy diễn, dạy vũ đạo.

Lúc coi tôi diễn, cô Thu Vân có nói: “Em diễn tốt quá, sao không về trường học? Chớ vầy thì uổng quá!” Nghe cô Vân khuyên, tôi băn khoăn vô cùng. Suy đi tính lại, tôi quyết định ở lại đoàn. Phần vì, tôi nghĩ vất vả lắm tôi mới đứng được trên sân khấu, giờ bỏ việc đi học, tới lúc ra trường, liệu tôi có tìm được việc không? Phần vì, ở đoàn tôi toàn đóng kép độc, la hét um trời nhưng đều có dấu ấn khá đặc biệt. Tôi đi rồi liệu có tìm được người thay thế không hay lại đẩy đoàn vào bế tắc? Nhưng, tôi chỉ trụ lại được ít lâu thì xin rời đoàn.

2. Rời Xuân Mới, tôi bắt đầu bước chân vào các sân khấu chuyên nghiệp. Vì đa phần là các đoàn tư nhân trong khi tôi cũng chưa có gì định hình nên mỗi đoàn vậy, tôi ở lại khi thì hai, ba tháng, khi thì năm, sáu tháng. Tôi chuyển qua đóng hề cũng nhờ một cái duyên lúc ở đoàn Tinh hoa Vũng Tàu của cô Mười Cơ. Trước đó ở đoàn Tuổi Trẻ, tôi đóng vai kép độc trong Tình ca biên giới, hát rất mệt, diễn rất cực.

Nhưng hễ gặp tôi là khán giả mắng không thương tiếc. “Cha này nè, ác lắm, chuyên đi phá hoại tình cảm người khác!” Trong khi vai hề diễn ít vất vả hơn, bước ra sân khấu là khán giả vỗ tay rần rần. Tôi còn quá nhỏ để hiểu được đó là sự thành công. Lúc đó, tôi chỉ có một thắc mắc duy nhất là sao tôi diễn cực hơn, mệt hơn mà khán giả vẫn cứ ghét tôi?

Tôi mê nghề cũng chỉ nương nhờ vào tình thương của khán giả. Bị khán giả ghét, tôi buồn hắt buồn hiu, có khi chực trào muốn khóc. Tôi bặm gan xin bác ba Trần Nam Vân chuyển sang đóng hề nhưng bác ba cương quyết không cho. Nên tôi canh hễ không có bác ba, lại len lén xin đóng hề nhì cho biết.

Về Tinh hoa Vũng Tàu, ban đầu tôi cũng chỉ đóng kép độc. Trong một lần hát ở Bình Định, anh hề chánh trúng thực, bị đau bụng, không đóng nổi. Tôi được kêu đóng thay, mừng mừng nhưng cũng canh cánh lo không làm tròn vai. May là, tính tôi lanh lẹ, bắt chước cũng giỏi nên ban đầu tôi nương theo lối diễn của anh hề chánh rồi từ từ xây dựng cách diễn riêng cho mình. Vai diễn thành công ngoài mong đợi. Bà bầu chấp nhận cho tôi chuyển sang đóng hề nhì luôn từ đó. Mỗi khi hề chánh bận, tôi lại được thế vai, rồi dần dần chia vai với hề chánh ở các bến diễn.

Sau tôi được mời đóng thế hề chánh cho anh Tẩu Tẩu đột ngột rời đoàn Sông Bé 2. Anh Tẩu Tẩu có cái rơ hài bỏ nhỏ độc đáo cực kỳ, tôi theo mãi không được, đành diễn theo cách của tôi. Thế nên lúc nào tôi cũng có cảm giác không thâm nhập được vai của anh. Ít lâu sau, anh Tẩu Tẩu trở lại đoàn. Anh thương tôi, nói, thôi anh em chia nhau, đêm anh hát, đêm tôi hát. Tôi nghĩ, dù sao, anh cũng là đàn anh của tôi, đây là sân khấu của anh.

Trước, anh đi thì tôi đóng thế, nay anh về, tôi phải trả sân khấu lại cho anh chứ đâu có làm như vậy được. Còn anh hề nhì trong đoàn thì chỉ đóng cố định được ở mỗi vai đó, nếu tôi nhảy xuống, chẳng khác nào hất chén cơm của người ta. Nghĩ không đặng, tôi nhảy về diễn kép độc lại.

Lại tiếp tục hò hét, tiếp tục khan tiếng. Nhiều đêm diễn xong, mệt quá, tôi thở không ra hơi. Đêm gác tay lên trán, thấy đời mình sao chênh vênh quá! Tương lai là cái gì đó rất xa vời và mơ hồ. Tôi nhớ má, nhớ nhà vô cùng. Vậy là, tôi lang bạt về Sài Gòn, ráng xin vào một đoàn nào đó ở thành phố.

3. Lê la ở thành phố từ đoàn này sang đoàn khác, từ cải lương sang kịch nói, rồi sân khấu tạp kỹ, ai kêu gì tôi làm nấy để tích lũy kinh nghiệm. Cơ duyên đưa đẩy, tôi về coi sân khấu và chỉ huy đêm diễn cho đoàn Hương Bưởi rồi gặp bà xã tôi sau này. Tôi làm bằng tất cả sự nhiệt tình, chấp nhận nhiều thua thiệt nhưng tôi nhận ra, hình như tôi không có gì cả.

Có chỉ huy đêm diễn nào như tôi, kép chánh tới trễ giờ làm ảnh hưởng đến các diễn viên khác trong đoàn, tôi cũng không được nhắc nhở. Sự nhiệt tình của tôi bị mài mòn từ từ. Nản quá, tôi buông! Hai vợ chồng tôi dắt díu rời đoàn, tiếp tục bôn ba.

Vét hết tiền từ hồi đi hát, hai vợ chồng tôi sắm cái xe honda làm phương tiện di chuyển cho đỡ cực. Nhưng cải lương đang độ thoái trào, vai diễn ngày một ít dần, vợ chồng tôi cũng thưa dần trên sân khấu. Bữa nào may mắn có vai lại hồi hộp đứng sau cánh gà kéo rèm coi khán giả tới có đông không. Đời sống ngày càng chật vật, vợ chồng tôi tằn tiện lắm mà vẫn không tránh khỏi cơn túng quẫn. Tụi tôi đành đem bán cái xe kỷ niệm, lấy tiền trả nợ.

Trả dứt, còn dư được đúng năm phân vàng, vợ tôi lấy đó làm vốn, mở hàng ăn sáng. Tội nghiệp vợ tôi, trước giờ đi hát, chỉ biết gương lược, phấn son, có biết nấu nướng là gì. Vì thương tôi, vợ tôi mới học nấu đủ thứ món. Rồi cũng vì thương tôi, vợ tôi bươn bả bán buôn. Sáng nào cũng vậy, vợ tôi dậy thiệt sớm, đi chợ lấy thịt, rau củ, còn tôi thì nhóm bếp, quạt than, rồi bưng bê, dọn dẹp, rửa chén bát.

Hàng ăn sáng của vợ chồng tôi hồi đó thuộc loại độc nhất vô nhị ở chợ Hòa Bình. Vì vợ tôi đổi món liên tục, nay bún bò, mai bún thịt nướng, bữa kia lại cháo lòng, bữa nọ bún riêu,... Mấy người khách quen lúc nào ghé cũng phải thăm chừng coi bữa nay vợ tôi nấu món gì! Có bà khách bảo: “Từ trước tới giờ, tui đi ăn bao nhiêu quán mà chưa thấy quán nào đổi món như vầy hết trơn!”

Hai vợ chồng tôi lấy vai diễn làm nghề nên có biết bán buôn, tính toán lời lỗ gì đâu, thành ra bữa nào lời được năm ngàn thôi là tụi tôi mừng húm luôn. Nhưng, đâu thể mãi như vậy được. Tụi tôi nhớ sân khấu, nhớ khán giả quay quắt mà không biết làm sao. Đúng lúc ấy, một cơ duyên mỉm cười với tôi, đưa cuộc đời tôi sang một bước ngoặt khác, vinh quang hơn nhưng cũng cay đắng nhiều hơn. (Còn tiếp)

Hoàng Dung
.
.