Cặp đôi hoàn hảo

Thứ Năm, 12/04/2012, 15:00
Trong một lần tiếp xúc với báo chí, khi được hỏi “Ai điều hành đất nước khi cả ông lẫn Tổng thống đều ngủ?”, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã trả lời thẳng thắn: “Chúng tôi ngủ thay phiên nhau. Mọi việc đều được kiểm soát, quý vị có thể yên tâm là như thế”.

Tháng 5 tới, sau khi chính thức nhậm chức Tổng thống Nga, ông Putin chắc vẫn giữ được tâm thế ấy, bởi lẽ, thay ông cai quản “Nhà Trắng” (trụ sở của chính phủ Nga) sẽ là người tiền nhiệm của ông trong Điện Kremli Dmitry Medvedev. Hai nhà lãnh đạo hàng đầu này của nước Nga có những nét tính cách chủ đạo rất giống nhau.

Tổng thống Nga đương nhiệm Dmitry Medvedev sau khi lên thay ông Putin làm chủ Điện Kremli đã tự nhiên có những nét hành xử nhang nhác giống ông Putin, từ những khẩu ngữ thường dùng hay những động tác hình thể khi xuất hiện trước công chúng. Đó là nhận xét của nhiều bình luận viên chính trị ở Nga. Nói vậy nhưng ông Medvedev không có gì phải “giật thột” vì suy cho cùng, một phong cách tốt không bao giờ là có hại. Ông Putin đã có một phong cách tốt mà nếu những người gần gụi biết tiếp thu đúng mức sẽ chỉ càng làm cho công việc chung trở nên hiệu quả hơn.

Nhìn từ góc độ này, những sự giống nhau trong phong độ lãnh đạo của ông Medvedev và ông Putin đã giúp họ trở thành một cặp đôi hoàn hảo trên cương vị “đứng mũi chịu sào” hiện nay, cả khi ông Medvedev làm Tổng thống, còn ông Putin là Thủ tướng, cũng như khi hai người đổi vị trí cho nhau trong tương lai gần. Việc nhận diện những đặc điểm nổi bật trong phong cách đã trở thành quen thuộc của ông Putin sẽ càng giúp hiểu rõ hơn điều này.

Theo nhà nghiên cứu Roy Medvedev trong cuốn sách Thời của Putin?, thành công của V. Putin trên cương vị người chèo lái con thuyền quốc gia vào loại cường quốc lớn nhất thế giới thực sự  đã là một sự bất ngờ lớn đối với những ai không kịp thời tiên liệu chân dung một chính khách lớn ở người viên chức lúc nào cũng chỉ toát lên không khí thường thường bậc trung này. Năm 2000, đã có nhà nghiên cứu môn chính trị học ở Nga đưa ra quan điểm cho rằng, Vladimir Putin không phải là chính khách mà chỉ là “một tân nhân thuộc thê đội viên chức hạng hai, được đề cử chỉ vì bộ máy của Yeltsin đã hoàn toàn bị kiệt quệ các “ngôi sao” trong kho dự trữ nhân sự của mình”.

Sự thật hóa ra không phải như vậy. Chỉ trong vòng vài ba năm, ông Putin đã từ một viên chức bình thường luôn biết thân biết phận đã trở thành một chính trị gia tầm cỡ thế giới với một phong cách tự tin nhưng không ngạo nghễ, giản dị nhưng vẫn thanh lịch, biết tìm ra những mối lợi cho quốc gia mình từ những tình huống quốc tế tưởng chừng như bế tắc.

Nói một cách công bằng, việc ông Putin trở thành chủ nhân của Điện Kremli đã không phải là một sự kiện không có tiền lệ trên chính trường thế giới. Khi một quốc gia chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang một cơ chế năng động hơn, trước các viên chức “ngoan ngoãn” của thời cũ đã mở ra những cơ hội mới giúp họ, nếu thực sự có năng lực, có thể thi thố được sở trường của mình hơn.

Hãy thử nhớ lại nước Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chẳng lẽ Konrad Adenawer, người đã trở thành vị Thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Liên bang Đức khi đã bước sang tuổi 73, chẳng đã chỉ là một viên chức tầm tầm dưới thời Hitler sao? Thế nhưng, khi đã nắm được bộ máy điều hành trong tay, Adenawer đã có dịp bộc lộ tầm cỡ một nhà cải cách xuất sắc nhất thế kỷ XX.

Ludvig Erhard, người được coi là cha đẻ của phép lạ kinh tế CHLB Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng chỉ là một nhà nghiên cứu khiêm nhường tại Nuremberg trong chế độ Hitler. Thời đại mới đã giúp họ lên được những tầm cao mới mà trước đó chẳng mấy ai ngờ. Không ngẫu nhiên mà trong các bài trả lời phỏng vấn, chính ông Putin trước yêu cầu nêu tên những chính khách mà ông cảm thấy thú vị nhất đã nhắc tới De Gaulle và Erhard...

Dưới chế độ bao cấp, những người hoạt động chính trị, ngay cả ở thê đội một, cũng không cần phải quá quan tâm tới dáng vẻ bề ngoài, tuổi tác, cách ăn mặc, khả năng hùng biện, thậm chí cả năng lực trí tuệ của mình. Mọi việc thăng tiến đều do “tổ chức” lo và quan trọng là biết cách tìm lối đúng lúc lọt vào “cơ cấu”. Nhưng trong cơ chế thị trường, những yếu tố  dân túy và khả năng thực chất của các chính khách đã trở thành những đòi hỏi rất quan trọng vì chúng có ảnh hưởng rất lớn đến sự tín nhiệm của dân chúng đối với họ.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, không thể nào mở lớp đào tạo ra những chính trị gia đích thực trong các nhà trường hay học viện. Có thể đào tạo ra những kỹ sư, bác sĩ. Cũng có thể dạy dỗ nên những viên chức tốt... Tuy nhiên, không ai đào tạo được những thị trưởng, tỉnh trưởng, thủ tướng hay tổng thống, tức là không ai đào tạo được những người mà chức phận chủ yếu của họ là chịu trách nhiệm về mọi sự và biết tự đưa ra những quyết định cá nhân một cách đầy trách nhiệm trong những tình huống bất ngờ nhất. Khi bầu hoặc cử ai đó vào những vị trí như vậy, lý do chính chỉ là sự hy vọng vào tài năng của người được lựa chọn, vào những tinh anh còn chưa kịp phát tiết ra ngoài của người ấy. Nếu tài năng và những tinh anh bên trong đó không được thể hiện vào thực tế thì kết cục là xã hội không có được một chính khách lớn mà chỉ được nhận thêm vào một viên chức bậc cao nữa.

Ông Putin là một trường hợp may mắn vì ở ông đã có kho dự trữ năng lực cá nhân rất lớn của một thủ lĩnh quốc gia mà trước đó, ở những vị trí thấp hơn, ông đã khôn khéo không bộc lộ ra ngoài để khỏi rơi vào tình trạng “cầm đèn chạy trước ô tô”. Hay hơn nữa là khi đã trở thành một nhà chính trị lớn, ông Putin vẫn không bị “quan liêu hóa” và vẫn giữ được những phẩm chất của một viên chức kiểu mẫu. Chính điều này đã xác định một phong cách Putin trong công việc chuyên môn và những mối quan hệ với thuộc hạ, với các cộng sự và với các công dân Nga theo yêu cầu nhìn nhận tổng thống hay thủ tướng không phải như một vị cứu thế mà như một người được xã hội “thuê” làm nhà điều hành cao cấp.

Ông Putin, như thực tế nước Nga trong những năm qua cho thấy, không thích hứa nhiều nhưng luôn giữ lời đã hứa. Ông biết cách làm mọi việc tới cùng kể cả những việc khó chịu nhất. Là cấp trưởng nhưng ông không dưa cho cấp phó làm những việc cần làm nhưng bản thân ông cảm thấy khó chịu. Ông biết cách xử sự cứng rắn và cương quyết để đạt được mục đích của mình nhưng không phải là người thích bẻ hành bẻ tỏi và không thích những cuộc cãi cọ ầm ĩ. Ông thích đạt được mục đích đã đặt ra không phải bằng đối đầu mà bằng con đường điều hòa các lợi ích.

Ngay sau khi giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, ông đã tuyên bố ngay rằng, ông sẽ áp dụng những điểm tích cực trong chương trình vận động tranh cử của những ứng cử viên đối lập vào đường lối an dân trị quốc sắp tới của mình. Ông không coi mình là duy nhất đúng mà rất biết cách tiếp thu những dấu cộng ở ngay cả những lực lượng đối lập vào công việc của ông…

Vốn từng là một vận động viên chuyên nghiệp, một võ sĩ judo có hạng, lại hơn hai mươi năm phục vụ trong cơ quan an ninh, ông Putin đã rèn luyện được một bộ thần kinh thép ngay từ thời thơ ấu. Người ta kể lại rằng, khi còn học phổ thông, để đánh cuộc với bạn bè, cậu bé Volodia đã bám vào song sắt  ban công tầng bốn để treo mình ra ngoài... Ông Putin cũng là một nhà tổ chức tốt, có tinh thần kỷ luật cao. Ông luôn tỏ ra thận trọng và không thích những quyết định nhanh chóng và ngẫu hứng. Vì thế chơi xỏ ông là việc hầu như không thể. Nhưng những khi cần, ông cũng có thể đưa ra những quyết định tức thì lắm khi trái ngược với sự trông đợi của đa số.

Người ta kể lại rằng, mùa thu năm 1999, khi ông Putin còn là Thủ tướng, tới dự lễ kỷ niệm Nhà hát châm biếm nổi tiếng do cố NSND Arkadi Raikin rất lừng danh lập ra hơn 60 năm trước, bất ngờ ngoài hành lang gặp ngay diễn viên nam ăn khách Shirvindt đang chân đăm đá chân chiêu. Anh diễn viên ngà ngà say nên coi trời bằng vung, chìa ngay tay cho V. Putin và tự giới thiệu một cách suồng sã: “Tôi là Shura!”. “Còn tôi là Vôva!”- ông Putin trả lời ngay không khách khí. “Có lẽ, ta đi làm một ly mừng ngày làm quen nhỉ?”- Shirvindt hỏi. “Ừ, sao lại không nhỉ?”- ông Putin điềm nhiên trả lời rồi cùng Shirvindt rẽ vào quầy ăn trước sự ngạc nhiên đến nín thở của đông đảo người chứng kiến hành động có vẻ như phạm thượng này của anh nghệ sĩ say đối với Thủ tướng...

Cách ứng xử linh hoạt và không trịch thượng này đối với văn nghệ sĩ chỉ càng giúp ông chiếm thêm được cảm tình của xã hội. Trước họ, ông là một chính khách vừa dân chủ, vừa khiêm nhường nhưng cũng đầy tự trọng, không xun xoe trước người trên, nhưng không hống hách với kẻ dưới.

Cũng bằng câu trả lời “Ừ, sao lại không nhỉ?” mà ông Putin đã khiến cho các phóng viên phương Tây phải ngẩn người ra khi họ định dồn ông vào thế bí với câu hỏi: “Liệu ông có muốn nước Nga gia nhập NATO không?”. Trong buổi thảo luận của Duma quốc gia để phê chuẩn ông vào cương vị Thủ tướng, một số thủ lĩnh phe đối lập định hạ nhục ông bằng cách cố tình nói sai tên đệm của ông, ông Putin đã đáp lại bằng cách lên phát biểu cảm ơn, đặc biệt nhắc tới “thịnh tình” của họ nhưng cũng cố tình nói sai tên đệm của những người này...

Ông Putin tỏ ra mình là người luôn “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, không quay mặt trước những người ngã ngựa. Trước đây, khi vị Thủ tướng LB Nga Yevgueni Primakov bị ông Yeltsin cho về vườn, chỉ một ngày sau đó, ông Putin, mới đang là Giám đốc cơ quan an ninh, đã cùng thuộc cấp của mình tới tận nhà nghỉ ngoại ô của ông Primakov để cảm ơn những việc mà ông này đã làm trên cương vị đứng đầu nội các cho sự nghiệp an ninh quốc gia (cần nhớ rằng khi ông Primakov còn thịnh trên cương vị đứng đầu nội các Nga, ông Putin không phải là người được Thủ tướng sủng ái)... Ông  Putin cũng đã có cách đối xử đầy ân nghĩa với những nhà lãnh đạo KGB cũ, chứ không bạc bẽo và trở mặt như nhiều chính trị gia làn sóng mới ở Nga...

Tất cả những nét trên đã tạo ra một phong cách Putin, rất có ích cho nước Nga trên chặng đường mới đầy khó khăn để tìm lại vị trí xứng đáng với mình trên bàn cờ chính trị thế giới trong sự hòa hợp với người bạn vong niên Medvedev. Hai ông không là sự cạnh tranh mà là sự bổ sung tuyệt vời cho nhau trên chính trường Nga

Nguyễn Trung Tín
.
.