Cảm tình Mai Hồng Phong

Thứ Năm, 18/07/2013, 15:36
Không kể xấu, Mai Hồng Phong đã xấu rồi! Tự họa cái vẻ bên ngoài của mình, Mai Hồng Phong nói: “Ai cũng tưởng là đạo diễn là phải chững chạc, bề thế, hoặc là đẹp trai như Victor Vũ, xù xì như Bùi Thạc Chuyên… thế nhưng tôi không đặc biệt được vậy. Mỗi khi gặp người lạ, giới thiệu về phim, về chính tôi thì, tất cả mọi người đều “mắt tròn, mắt dẹt”. Trông tôi gầy gò, cong queo, thân xác “khô kiệt”. Ra ngoài hay đi làm, tôi hay mặc áo đen, nâu, tím… cực kì tối màu cho một làn da tối màu. Tôi có hai cái điện thoại. Bây giờ mắt yếu hơn, đi ra đường phải mang theo kính đen. Và vì mang trong người nhiều thứ lỉnh kỉnh nên phải vác thêm cái túi chéo bên người…”.

Mai Hồng Phong không cố tình làm cho mình trở nên đặc biệt hay xấu xí, nhưng anh vẫn gây chú ý. Ngồi ở cà phê ven hồ, lúc co chân lại bẽn lẽn, lúc lại xoạc chân ra huếch hoác, lúc lại co hết 2 chân lên ghế chênh vênh… Có quá nhiều sắc thái cảm giác và biểu hiện đi qua bộ não nhạy sóng của người đàn ông ấy trong một sáng mùa hè.

Quần áo mặc ở bên ngoài…

Trước khi gặp đạo diễn Mai Hồng Phong, tôi từng có một cuộc điện thoại rất dài rộng với anh. Anh có nói nhiều về gái xinh và gái xấu. Kiểu nói của anh dễ khiến phụ nữ mất tự tin. Thế nên ngay sau khi gặp anh, tôi đánh bạo: “Anh cũng xấu trai mà dám phân loại phụ nữ mình gặp. Thôi thì với em, anh cứ xem như là không được gặp hoa hồng đỏ rực, hoa lan thơm phức, hoa huệ dịu dàng thì anh được gặp “hoa cứt lợn”.

Rồi tôi hỏi: “Anh có biết thứ hoa ấy là hoa gì?”. Mai Hồng Phong trả lời “không biết” kèm lời giải thích: “Chắc nó là thứ hoa rất đẹp mọc ra ở một nơi xấu xí, bẩn thỉu”. Tôi cười to và giải thích như để kéo điểm chung của hai người mới gặp: “Nụ hoa màu tím xinh xinh, khi nở hoa dần chuyển sang trắng, thơm lạ và có ích”.

Nếu nói về vai “diễn” trong đời làm truyền hình thì có lẽ Mai Hồng Phong diễn được nhiều vai. Anh vừa quay phim giỏi vừa được đặc cách làm đạo diễn mà không phải có bằng cấp đào tạo. Với vai “quay phim” Phong kể: Có lần, tôi đi quay một chương trình ở Nhà hát Lớn, tôi loay hoay chuyển máy để quay… Say sưa quay, cứ xoay cứ chuyển thế nào mà tôi đã ra giữa sân khấu.

Bất ngờ có hai bàn tay lớn túm nhẹ vào eo mình rồi nhấc xềnh xệch ra khỏi sân khấu. Tôi còn chưa hiểu chuyện gì thì bảo vệ đã nhắc: “Ông ơi, tôi chịu ông. Ông đã mặc quần sooc, đi giày khủng bố, cái chân ông vừa cong, vừa nhỏ thế mà ông lại ra giữa sân khấu, hí hoáy chổng mông vào hàng trăm con người… Ông ra đây quay cho tôi nhờ”. Tôi cười ngu ngơ. Tôi cũng ngại thật, nhưng việc quay của tôi cũng xong rồi. Cái đoạn cần quay cũng quay được rồi”.

Đi Nhật cũng vậy, thấy điều lạ ở xứ người, cái máy quay mini trong tay của Mai Hồng Phong hoạt động không ngừng, anh lao vào giữa đám đông tác nghiệp, mọi diễn biến trong khuôn hình và sự đầy đặn của nó làm anh mê mải. Đến khi đám bảo vệ xì xồ đuổi thì anh mới nhận ra là mình phải chạy, chạy không thì bị giữ lại.

Mặc quần áo để biết chính xác mình là ai. Với Mai Hồng Phong cũng không ngoài ngoại lệ ấy. Trong ảnh ở phim trường, trong khi đi hẹn hò trò chuyện, tôi thấy anh thường xuyên mặc quần sooc, áo phông có cổ. Anh làm cho mình trở nên đơn giản. Thế nhưng khi đến những sự kiện lớn, anh cũng làm tóc đẹp, có áo sơ mi đẹp, vest đẹp... Một con cá đổi màu, nhiều phong cách chính là anh - Mai Hồng Phong.  

Tâm can như phù thủy…

Mai Hồng Phong bảo rằng, nói chuyện về phim thì không phải lúc nào cũng có hứng nói. Nên có lúc anh nói “văng miếng” nhưng lại có lúc lặng thinh. Khi trò chuyện lúc anh lặng thinh là lúc tôi ngượng ngùng…

Mai Hồng Phong trấn an: “Em đừng nghĩ anh không nghe những lời em nói. Chỉ là bản năng nghề nổi lên, anh sắp đặt tất cả các ý em nói, thành những đoạn, những cảnh, anh sẽ nhớ, nhớ mãi mà thôi…”. Một người đàn ông chủ động với chi tiết mình thu lượm được trong cuộc đời, luôn có ý tưởng để biến hóa nó. Anh hiện nguyên hình, một người đàn ông soi xét như “phù thủy”.

Với “vai” đạo diễn, người ta biết đến anh qua những bộ phim như Luật đời, Cầu vồng tình yêu, Vòng nguyệt quế, Những ngọn nến trong đêm… Và đặc biệt hai phim nói viết về nghề báo là Đèn vàng và Mặt nạ da người. Ở hậu trường làm phim, nhiều đồng nghiệp trẻ gọi anh là “Mai Sư Phong” vì anh vừa khó tính vừa nghiêm khắc. Ở ngoài đời, Mai Hồng Phong là người đàn ông mạnh mẽ, anh luôn biết chính xác về quãng đường mình đi.

Nói về mình, anh tâm sự: “Tôi là người của công việc, tôi có khát vọng. Tôi nghiêm khắc với công việc của mình đang làm, tôi cảm thấy vì sự khó tính và nghiêm khắc ấy mà nhiều người bị làm khổ”. Nghe anh nói chuyện, xem phim anh làm thì tôi thấy sự khó tính và cẩn trọng ấy là cần thiết bởi như anh tự nhận “Làm nghệ thuật bị suy diễn nhiều chiều nên phải thật cẩn thận”.

Mai Hồng Phong là đạo diễn khôn khéo, anh để lửa nghề và khát khao trách nhiệm của nghề truyền thấu qua các nhân vật trong phim của mình. Anh gửi những phát ngôn của mình vào một vai nhà báo, nhà văn, nhà thơ, người làm chính trị… Để họ nói ý kiến của mình. Có nhân vật trong phim Đèn vàng đã day dứt:  “Tại sao đặt tên báo là Sự thật? Tại sao chúng ta không đi đến cùng của sự thật?”. Hay “Tại sao báo ở ta, ít có ai thật sự giỏi làm Tổng biên tập. Mà các Tổng biên tập lại từ Đoàn sang?”.

Khi trò chuyện, tôi thấy Mai Hồng Phong hay mủm mỉm cười. Vô duyên một cách cố ý, tôi nói tràn đi sự mủm mỉm ấy. Mai Hồng Phong phán rằng: Nghe em nói, anh hình dung về một một vai diễn nặng nợ về cuộc đời trong phim của anh. Đó là hình ảnh của Đông Bích, nhà văn trong phim. Đông Bích được một thanh niên ở trọ, ham thích thơ, nghiện ngập yêu…

Hai đứa nó suốt ngày mơ mơ màng màng, say xỉn trong thơ ca, văn nghệ. Chúng làm ra những câu thơ hay kinh khủng Nắng sớm em từ đâu đến/ Tại sao em đẹp đến bất ngờ. Thơ thẩn chán, chúng dẫn nhau ra cây cầu ở gần nhà. Một đứa uống trà đá, một đứa hút thuốc lào say bét nhè và nói với nhau những điều ước.

Đông Bích bảo: Anh có biết bây giờ em đang ước ao điều gì không? Em ước, em có một khẩu súng thật trong tay em sẽ lia một vòng, bắn bùm bùm chết hết những kẻ không đáng sống… Trước hàng triệu người xem truyền hình, nhân vật trong phim của Mai Hồng Phong truyền những thông điệp sống. Đó là một bộ phim anh làm vì giới trẻ, mong giới trẻ thức giấc.

Phải nén lại nếu không sẽ vỡ òa…

Trên phim, Mai Hồng Phong thường dựng lên một nhân vật với cái xấu điển hình - một cái xấu khiến người ta cực kì kinh sợ, để người ta ghê tởm mà tránh xa. Nhưng anh cũng luôn đặt cạnh cái xấu ấy một cái tốt, người tốt. Anh quan niệm người tốt là người biết ghê tởm cái xấu. Ngoài đời, khi nói về con người, Mai Hồng Phong rất thênh thang, rộng lượng.

Anh bảo: Con người sẽ vẫn có những vấn đề của họ như xác thịt, ham muốn, tham lam, thực tế… Mai Hồng Phong hỏi tôi: “Em nghĩ gì về những người phụ nữ hút thuốc? Những phụ nữ ham muốn?” Anh hỏi rồi tự trả lời. Anh nghĩ họ là con người. Anh cũng kể bóng gió cho tôi về “người tình” bí mật của mình… Tất cả đó, như một cách thú nhận cái xấu có thật trong con người mình.

Mai Hồng Phong hay nói về cuộc “khẩu chiến” giữa anh và cha. Mỗi người đại diện cho một thế hệ, một niềm tin và cách nhìn riêng. Cha tham gia kháng chiến chống Pháp, là thế hệ cán bộ đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Cầm kịch bản phim của con trai mình, có lần ông đã nói: “Đây là kịch bản phản động”, hay anh làm thì sẽ bị ông từ mặt. Mai Hồng Phong thì đa chiều và sắc cạnh hơn. Anh nói với cha: “Con làm phim cho VTV, phim chiếu trên VTV là phim truyền hình của Nhà nước… Con làm phim về tất cả mọi thứ trong đời sống”.

Sau này xem phim anh làm về đề tài nóng, nhưng những vấn đề tiêu cực nhưng không phải để tất cả mọi người ghê tởm và tránh xa... mà là để mọi người nhìn lại nhân vật, soi lại bản thân mình. Cha anh đi sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí nghe người ta bàn về phim của con làm đã trở về, lặng lẽ không nói gì. Với cha anh, như thế đã là sự thuyết phục, anh biết chắc dù không thuyết phục được cha ngay từ đầu nhưng sau đó cha đã “nở mày nở mặt”. Anh bảo: Anh khác cha vì thế hệ anh thực tế hơn nhiều…

Đã xem nhiều phim của Mai Hồng Phong làm, tôi đều thấy kết thúc phim rất có hậu. Hỏi Mai Hồng Phong, sao hay làm phim có hậu? Anh nói: Thực ra chuyện đời thực tôi hiểu. Có những đau đớn, khổ sở, bế tắc mà tôi không dám đối mặt để nhìn. Bởi chỉ nhìn thôi, tôi đã sợ mình sẽ vỡ òa.... Và nếu thực tế như thế nào mà đưa vào nhân vật như thế thì không phải điện ảnh. Ai cũng có ước mơ, ai cũng có hoài bão…

Những nhân vật chính diện đều phải trải qua những thời khắc ngặt nghèo. Tôi muốn họ đổ những giọt nước mắt đau khổ, rồi nở những nụ cười sung sướng… có hậu.

Mai Hồng Phong cùng đoàn làm phim của Trung tâm phim truyền hình Việt Nam vừa làm xong bộ phim Lời thì thầm từ quá khứ. Anh tin có một anh sâu sắc trong bộ phim ấy. Phim chắc chắn sẽ bị “ném đá”, sẽ có những ý kiến nhiều chiều, sẽ có khen chê… nhưng Mai Hồng Phong rất lạc quan, anh tin mỗi tiếng nói đều có ý nghĩa trong cuộc đời

Mộc Chi
.
.