Các Tổng thống Mỹ và chuyện nói vậy nhưng không phải vậy

Thứ Ba, 02/12/2008, 10:30
Dù muốn hay không thì cũng phải công nhận rằng, trên chính trường của một siêu cường như Mỹ, những câu "nói vậy nhưng không phải vậy" của các nhà lãnh đạo luôn là một phần tất yếu của cuộc sống. Và không ít lần những câu nói như thế đã tác động cực kỳ mạnh mẽ tới không chỉ bản thân người Mỹ nói riêng mà cả cộng đồng quốc tế nói chung.

Đời không thể khác

Theo một cuộc thăm dò dư luận do hãng Ipsos-Reid tiến hành (tư liệu của website Washprofile), có khoảng 52% số người Mỹ được hỏi ý kiến cho rằng, không thể biện minh cho những lời nói dối trong bất cứ tình huống nào. 42% tin chắc rằng, trong nhiều trường hợp thì lời nói dối có thể là có lý. 93% cho rằng, không bao giờ được nói dối khi đóng thuế.

90% theo quan điểm, không được nói dối trong quan hệ giao tiếp vợ chồng (hay với những bạn tình ổn định)... 88% hoàn toàn không chấp nhận lời nói dối khi kê khai về nhân thân để xin việc. Nhưng chỉ có 66% số người Mỹ được hỏi ý kiến không đồng tình với việc nói dối sếp rằng mình đang bị mắc một chứng bệnh tưởng nào đó để khỏi phải đi làm. 63% lên án việc nói dối về lứa tuổi.

59% không cho rằng, cha mẹ có quyền nói dối con cái về những sai lầm trong quá khứ của mình. 56% không chấp nhận những điều sai sự thật trong các tư liệu báo chí.

Chỉ có 34% số người Mỹ lên án lời nói dối để cứu nhau. 39% số người Mỹ được hỏi ý kiến khẳng định rằng, họ không bao giờ nói dối. 52% cho rằng họ ít khi nói dối. 8% - thỉnh thoảng mới nói dối, còn 1% thì tiết lộ rằng mình thường xuyên nói dối...

Đấy là trong đời thường. Còn trên chính trường Mỹ, mọi sự u ám hơn nhiều, ít ra là trong cách đánh giá của các chuyên gia. Theo nhà nghiên cứu Eric Alterman, tác giả của công trình "khi các vị Tổng thống nói dối" (When Presidents Lie), các chính trị gia và các nhà lãnh đạo quốc gia về mặt nguyên tắc đã không có quyền hoàn toàn cởi mở trước công chúng.

Một vị Tổng thống muốn làm tốt chức phận của mình thì không thể và không được trình bày chi tiết trước các công dân mọi tinh tế trong chính sách mà ông đang tiến hành: nhiều phán quyết của Tổng thống chỉ có thể là việc hiểu được đối với các chuyên gia.

Chính vì thế nên các bài phát biểu của các chính khách trước công chúng thường được gọt giũa cẩn thận, các lập luận được đơn giản hoá, trọng tâm được nhấn không phải vào các sự kiện mà vào các cảm xúc có thể khuấy động lên sự hào hứng đang lại từ phía những người nghe...

Nhà nghiên cứu Benjamin Ginsberg, tác giả cuốn sách "Lời nói dối Mỹ" (The American Lie: Government by the People and Other Political Fables), chứng minh rằng, toàn bộ nền chính trị ở nước này, theo đúng định nghĩa của nó, được xây dựng trên cơ sở các lời nói dối và chỉ các lời nói dối:  "Chính trị - đó không phải là cuộc chiến đấu vì sự thật, lẽ công bằng và các nguyên tắc. Điều quan trọng hơn nhiều, đó là cuộc chiến đấu vì tiền bạc, quyền lực và quy chế".

Theo quan điểm của các chuyên gia về khoa học xã hội ở Mỹ, rất khó có thể hình dung ra được cảnh, các chính trị gia ở nước này lại tốn nhiều sức lực và năng lượng đến thế chỉ vì họ khao khát đạt được mục tiêu duy trì chế độ trả lương hưu nghiêm chỉnh. Ông Ginsberg thậm chí còn nặng lời phán rằng, không có những lời nói dối thì không thể có nền chính trị Mỹ, thậm chí, không thể có cả bộ máy quyền lực Mỹ!

Tất nhiên, không phải lời nói không tuân theo sự thật nào của các Tổng thống Mỹ cũng nhất định là tiêu cực. Cũng có những lời nói dối mang tính chiến thuật, tương đối vô hại. Cũng có cả những lời nói dối để làm lạc hướng đối phương không phải phe chính nghĩa để cuối cùng ủng hộ cho những việc chính nghĩa... Nhưng những lời "nói vậy nhưng không phải vậy" ở dạng này là rất ít trong hành trang của các Tổng thống Mỹ.

Nói vậy không phải vậy

Nhà nghiên cứu Laurence Vance, tác giả cuốn sách "Thiên Chúa giáo và chiến tranh" (Christianity and War and Other Essays Against the Warfare State), đã công bố bảng xếp hạng những lời nói dối mà ông cho là "hoành tráng" nhất trong lịch sử nền chính trị Mỹ. Ông Vance đã phân tích các bài phát biểu của các Tổng thống Mỹ, những hành động tiếp theo của họ cùng những sự việc diễn ra sau đó.

Theo nhà nghiên cứu này, lời nói dối số 1 trong lịch sử chính trường nước Mỹ thuộc về Tổng thống Mỹ thứ 16, Abraham Lincoln (1861-1865). Trong diễn văn nhậm chức lần đầu ngày 4/3/1861, Lincoln đã nhấn mạnh: "Các cư dân ở các bang miền Nam đang lo sợ rằng, việc chính quyền của đảng Cộng hòa lên nhậm chức đe dọa tài sản của họ, sự bình an và an toàn của cá nhân họ.

Những nỗi lo sợ này hoàn toàn vô căn cứ. Quá rõ ràng là những sự việc chứng minh điều ngược lại. Tôi xin một lần nữa được trích dẫn lại lời mình đã nói: Tôi hoàn toàn không có ý định trực tiếp cũng như gián tiếp can thiệp vào chế độ nô lệ ở các bang mà nó đang tồn tại. Tôi không có quyền hợp pháp để làm việc này và dĩ nhiên là không có ý định làm việc này...".

Thế nhưng, cũng chính trong năm 1861 đó, đã bắt đầu cuộc nội chiến nồi da nấu thịt rất đẫm máu ở Mỹ. Và năm 1863, Tổng thống Lincoln đã ký vào đạo luật giải phóng những người nô lệ và huỷ bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ.

Nhìn trên góc độ nhân văn, lời "nói vậy không phải vậy" trong diễn văn nhậm chức năm 1861 là có thể chấp nhận được vì nó nhằm tới mục tiêu chính đáng. Cũng phải nói thêm rằng, Tổng thống Lincoln là một người được đánh giá là luôn trung thực và thẳng thắn, thẳng thắn tới mức ít ai có thể giận ông được...--PageBreak--

Trong bảng xếp hạng của nhà nghiên cứu Vance, lời "nói vậy không phải vậy" đứng hàng thứ hai trong lịch sử chính trường Mỹ thuộc về vị Tổng thống thứ 28 Woodrow Wilson (1913-1921). Năm 1917, Tổng thống Wilson đã có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ để thuyết phục các ông nghị tin vào việc, Mỹ cần phải tham gia vào cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất.

Ông tuyên bố: "Thế giới cần phải là nơi an toàn đối với nền dân chủ. Các nguyên tắc hòa bình cần phải được xây dựng từ những cơ sở đã được thử thách của sự tự do chính trị. Chúng ta không theo đuổi những mục tiêu vị kỷ. Chúng ta không tìm kiếm mục tiêu xâm chiếm hay thống trị.

Chúng ta không tìm kiếm bất cứ sự bồi hoàn nào cho những thiệt hại hay sự đền bù vật chất cho những mất mát mà chúng ta chấp nhận phải chịu. Chúng ta là những người đi đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền con người và chỉ có thế chứ không hơn...".

Tổng thống Wilson cũng như nhiều thủ lĩnh khác của các quốc gia sống trong cơ chế tư bản chủ nghĩa thời đó đã cố gắng mô tả chiến tranh thế giới như một cuộc chiến tranh chống lại cường quyền và tàn bạo nhằm bảo vệ tự do, chấm dứt mọi bạo lực...

Thế nhưng, thực tế cho thấy, quốc gia tham chiến nào cũng có những mục tiêu vị kỷ nên thế giới cho tới ngày hôm nay vẫn chưa được sống theo đúng những nguyên tắc mà ông Wilson từng cao giọng nói...

Vị trí thứ ba trong danh sách của nhà nghiên cứu Vance thuộc về Tổng thống Mỹ thứ 31 Herbert Hoover (1929-1933). Năm 1928, trước khi đắc cử Tổng thống, ông Hoover đã tuyên bố: "Hôm nay chúng ta ở nước Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã lại gần với chiến thắng cuối cùng chống lại nghèo đói.

Đói nghèo và bần hàn đang rời bỏ chúng ta. Chúng ta vẫn chưa còn đạt được mục tiêu nhưng việc tiếp tục chính sách của 8 năm gần đây đã cho phép đảm bảo rằng, chẳng bao lâu nữa, với sự giúp đỡ của Chúa trời, nghèo đói sẽ biến khỏi đất nước chúng ta".

Thế nhưng, ngay sau khi ông Hoover chính thức ngồi vào Nhà Trắng không lâu, tại Mỹ đã bắt đầu cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử mà người ta đã buộc phải dùng từ "Đại suy thoái" (Great Depression) để đặt tên cho nó. Năm 1932, cứ ba người Mỹ thì có một người đang sống dưới mức nghèo khổ.

Cũng nên chú ý đến sự thay đổi trong thái độ của người Mỹ đối với thực tại quanh mình: năm 1930, một trong những ca khúc được phổ biến nhất ở Mỹ là "Những ngày hạnh phúc sẽ trở về" (Happy Days Are Here Again), còn trong năm 1931 - "Tôi nhận được 5 đô" (I've Got Five Dollars); và sang năm 1932 - "Người anh em, cho tôi một xu đi!" (Brother, Can You Spare a Dime)... Cho tới hôm nay, ở đầu thế kỷ XXI, nghèo đói vẫn còn ám ảnh nước Mỹ.

Đứng ở vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng của nhà nghiên cứu Vance là một câu nói của vị Tổng thống thứ 32 Franklin D.Roosevelt (1933-1945). Ông Roosevelt đã liên tục bốn  nhiệm kỳ làm chủ Nhà Trắng, từ ngày 4/3/1933 cho tới khi đột ngột qua đời vì bạo bệnh ngày 12/4/1945.

Năm 1940, Tổng thống  Roosevelt tuyên bố với các công dân Mỹ đang lo lắng vì những cuộc chiến diễn ra ở châu Âu, châu Phi và châu á rằng: "Tôi đã nhiều lần nói điều này nhưng tôi sẽ còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần nữa: các chàng trai của quý vị sẽ không bị cử đi chiến trường.

Họ sẽ được huấn luyện quân sự và với sự giúp đỡ của họ sẽ thành lập một sức mạnh quân sự hùng hậu đến mức kiềm chế mối đe dọa quân sự ở cách xa biên giới nước ta".

Thế nhưng, năm 1941, nước Nhật đã tấn công Trân Châu Cảng, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương. Hậu quả của cuộc tấn công chớp nhoáng này là, 3,6 nghìn lính Mỹ thương vong, 8 thiết giáp hạm cùng ba tàu tuần dương, ba tàu khu trục và 8 loại tàu chiến khác bị đánh chìm, 188 máy bay bị phá huỷ...

Hạm đội Thái Bình Dương của các lực lượng vũ trang Mỹ đã bị tiêu diệt phân nửa. Sau sự kiện bi thảm này, Washington không còn được "tọa sơn quan hổ đấu" nữa mà tuyên bố tham gia cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Tổng thống Roosevelt buộc phải "nói lời chẳng giữ lấy lời" và đã đưa ra nhiều quyết định minh chứng rõ ràng cho các kế hoạch quân sự của ông...

Lời nói dối thứ năm trong bảng xếp hạng của nhà nghiên cứu Vance có liên quan tới cuộc chiến tranh Việt Nam. Năm 1964, Tổng thống Mỹ thứ 36 Lyndon B.Johnson (1965 - 1969) đã tuyên bố trước Quốc hội Mỹ: "Chiều tối hôm qua tôi đã tuyên bố trước nhân dân Mỹ rằng, chế độ Bắc Việt Nam đã tấn công các tàu quân sự Mỹ đang nằm ở vùng biển quốc tế.

Vì lý do đó nên tôi đã ra lệnh tấn công những lực lượng đã tham gia các chiến dịch thù địch đó. Mục đích của chúng ta là hòa bình. Chúng ta không có bất cứ một tham vọng quân sự, chính trị hay lãnh thổ nào ở trong khu vực đó". Đó chính là sự kiện Vịnh Bắc Bộ khét tiếng.

Theo các nguồn tin sau này được tiết lộ của chính phía Mỹ, nguyên do chỉ là ở hỏng hóc ở hệ thống rađa lắp trên tàu khu trục Mỹ. Tuyên bố mang tính đặt điều ăn không nói có của Tổng thống Johnson đã đẩy nước Mỹ chìm sâu hơn vào cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam và rốt cuộc là phải chịu thảm bại đau đớn.

Cũng theo chính đánh giá của các nhà nghiên cứu Mỹ, ông Johnson đã chơi trò tháu cáy khi nói rằng Washington không hề có "bất cứ một tham vọng quân sự, chính trị hay lãnh thổ nào" ở Đông Nam Á.

Người tiền nhiệm của ông ta, Tổng thống Mỹ thứ 35 John F.Kennedy  (1961-1963) trước đó đã từng tuyên bố rằng nước Mỹ cần trả bằng bất kỳ giá nào để ngăn nước Việt Nam đi theo con đường đã chọn... Rốt cuộc là đã có hơn 58 nghìn binh lính và sĩ quan Mỹ đã chết trong chiến tranh Việt Nam, 153 nghìn bị thương...

Trần Thực
.
.