Ca sĩ Thùy Dung: Chưa toan về già

Thứ Năm, 27/03/2008, 14:00
Thùy Dung đang trong những ngày hạnh phúc. Chị đang chuẩn bị đón đứa con thứ ba. "Cuộc sống hiện tại làm mình thấy yên ổn và ước nó cứ kéo dài thế này mãi mãi". Thùy Dung váy trắng tóc buông lả lướt bên phím đàn piano trên sân khấu ở ngoài đời là một phụ nữ vững vàng. Ngoài ba mươi tuổi nhưng người phụ nữ này chưa toan về già…

1. Bốn tuổi, chị đã được mặc định trong suy nghĩ của người lớn là phải trở thành một nghệ sỹ dương cầm. Và đến giờ thì điều đó đã thành sự thật. Hiếm người nhận ra phía sau tiếng đàn ấy là hành trình 17 năm đằng đẵng. Không có một tuổi thơ đùa chơi đúng nghĩa.

Tiếng đàn bắt đầu từ chập chững, dần đi đến điêu luyện không phải bằng kỹ thuật mà bằng sự cảm nhận của tâm hồn người nghệ sỹ. Chị đã cần mẫn trên những phím đàn ấy, bất kể mùa đông hay mùa hè.

Những kỳ thi giữa đông luôn là nỗi ám ảnh day dứt. Những ngón tay khô nẻ, đau nhói khi gõ xuống mỗi phím đàn. Không thể nào dừng lại. Nhiều buổi tập đàn xong là những phím đàn lấm tấm máu đỏ. Đó cũng như một thứ định mệnh khắc nghiệt của người nghệ sỹ, gieo cả đời sống và yêu với những nốt phím, chỉ để gặt những thanh âm mà mình ước mơ.

Thùy Dung đã thành công, xét ở một khía cạnh nào đó, với cây đàn này. Một kết quả học tập loại ưu, làm giảng viên tại Nhạc viện Hà Nội và được giải ba piano quốc gia.

Thùy Dung có những cái cực đoan của chị. Đánh đàn như chú ngựa bất kham, không có điểm dừng, ấy là Dung của nhạc cổ điển. Thầy chị nói nếu chị tiết chế hơn một chút, có thể sẽ còn hay hơn nữa. Nhưng chị là vậy, thả cả bản năng sống vào đó, không thoát ra được.

Vậy nhưng, có một nỗi buồn không của riêng chị, 90% những người nghệ sỹ dương cầm ở Việt Nam khi học xong thì sẽ trở thành thầy giáo. Họ không có cơ hội diễn trên sân khấu. Không giống như các bộ môn khác có thể cùng đứng trong dàn nhạc, nghệ sỹ dương cầm là những người nghệ sỹ độc lập. Họ độc lập trong cả tư duy nghệ thuật lẫn hình thức biểu diễn. Thùy Dung cũng vậy mà thôi.

Chị dạy ở trường, dạy bên ngoài, học sinh của chị từ 6 tuổi cho đến 60. Nhưng chị coi đó là niềm vui, ít nhất, chị vẫn hàng ngày sống cùng tiếng đàn của mình, truyền dạy tình yêu ấy đến với mọi người. Chị cũng không mong họ có thể đánh đàn điêu luyện. Mà chỉ mong những học trò của chị có thể hiểu để cảm nhận thật tốt những bản nhạc cổ điển mà thôi.

Chị thường nói với tất cả học trò của mình, hãy cứ đến với nhạc cổ điển như đến với nhạc nhẹ. Hãy lắng nghe những bản nhạc ấy bằng một tâm hồn giản dị. Không có gì là khó. Âm nhạc thành công là sự cộng cảm chứ không phải để đánh đố con người.

Tôi không biết chị đã dạy được bao nhiêu học trò. Nhưng tôi vẫn cứ đinh ninh rằng, chị là một trong những người có công khiến cho cây đàn piano đang ngày càng gần gũi và phổ biến hơn trong những gia đình ở Thủ đô. Và người ta không coi cây đàn dương cầm như vật xa xỉ để "kính nhi viễn chi" mà đã coi đó như một thứ tình yêu cao quý.

Tôi đến gặp chị để nói với chị về điều ấy. Nhưng Thùy Dung không nghĩ đến những câu chuyện lớn lao. Bên ngoài vẻ mạnh mẽ của một người mang số phận phải gánh mọi lo toan của cuộc sống, là một tâm hồn phụ nữ, dịu dàng, giản dị và nghĩ đến một cuộc sống vừa đủ.

Chị thích được đi dạy và đi hát, rồi về chăm sóc chồng, con, cùng chồng chuẩn bị những món đồ cho em bé chuẩn bị ra đời. Cứ thế, cuộc sống của chị không cao siêu như người ta hình dung về một nghệ sỹ piano. Chị là một người phụ nữ bình thường đúng nghĩa.--PageBreak--

2. Tôi hỏi Thùy Dung rằng, chị có nghĩ nếu chị chuyên tâm ca hát, có thể chị đã có được một vị trí xứng đáng hơn trong nhạc nhẹ? Thùy Dung nói, những người như Thanh Lam, Mỹ Linh là được trời sinh ra để hát. Còn chị là may mắn mà được hát. Chị chỉ học ké cô giáo hát mà thôi.

Nhưng rồi buổi dạ hội sinh viên biến chị từ một nhạc công trở thành ca sỹ. Nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh cho chị cơ hội… thế chân một ca sỹ đang có bầu, để tham dự một cuộc thi hát nhạc nhẹ chuyên nghiệp. Rồi chị đoạt giải nhì. Và thành một ca sỹ. Như một lẽ tất nhiên, người ta biết đến chị chủ yếu là một ca sỹ.

Nói một cách thành thật nhất, Thùy Dung không phải giọng hát mà tôi yêu thích nhất. Nhưng tôi vẫn không thể phủ nhận đó là một giọng hát hay. Chị luôn là người có cách xuất hiện trên sân khấu đặc biệt nhất, đôi khi đi lên từ hàng ghế khán giả, lúc từ trong cánh gà, hoặc từ một góc ít ai ngờ nhất, để rồi ra sân khấu với hình ảnh khác hẳn ngày thường, lúc nào cũng lộng lẫy và (tất nhiên) rất điệu.

Thùy Dung nói, công việc ấy giúp chị có thu nhập ổn định. Những buổi biểu diễn khiến chị thấy mình may mắn, được số phận ưu ái quá nhiều. Chị không mưu cầu danh tiếng và tự nhận mình là kẻ biết chữ đủ trong chuyện tiền bạc.

Nên chị thấy rất ngạc nhiên khi nhiều em trẻ mới vào nghề lại chê khoản cát sê vài trăm ngàn đồng. Đó là khoản lương hàng tháng của những người lao động bình thường. Trong khi ca sỹ chỉ lên sân khấu chưa đầy 10 phút, lộng lẫy áo lộng lẫy đèn, vậy mà lại chê ít tiền không hát.

Chị hát tất cả những nơi nào cần tiếng hát của chị, không phải vì tiền. Chưa bao giờ chị từ chối vì chuyện cát sê. Cát sê đầu tiên của chị là 10 ngàn đồng. 10 ngàn đó được chia hai, biếu ông ngoại một nửa, nửa còn lại cho cô bạn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Có lẽ tuổi thơ nghèo vất vả ở ngõ Xã Đàn đã khiến chị nhận ra rất sớm giá trị của tiền bạc.

Và phải làm việc sớm để lo toan cho mình đã khiến chị nhận ra cái ngưỡng giới hạn của việc kiếm tiền. Không quá lao vào chuyện tiền bạc, cũng không hoang tưởng về bản thân mình, đó là những thứ đã kéo chị lại với cuộc sống bình thường. Thùy Dung chưa bao giờ là một ngôi sao. Và chị không có nhu cầu xuất hiện như một ngôi sao.

3. Thùy Dung cất giấu rất kỹ những nỗi buồn của mình trong cuộc sống riêng. Tôi không có ý khơi lại quá khứ của chị. Mà chỉ chợt nhận ra chị trong cái studio trên phố Chùa Bộc. Tấm hình cưới của chị vẫn là hình mẫu mơ ước của biết bao đôi lứa đến đây, bắt đầu ý muốn về một cuộc sống chung.

Tôi nói với chị rằng, đó là một quá khứ đẹp, chúng tôi nhìn vào cuộc sống ấy mà ước ao. Thùy Dung không buồn nữa. Cuộc hôn nhân ấy qua đi, hai người chia tay nhau trong im lặng, chỉ vì khoảng cách trong cuộc sống vì quan niệm sống khác nhau.

Chị không trách chồng và anh cũng vậy. Họ đã đi tìm ý nghĩa cuộc sống của mình ở những hướng khác nhau, nhưng vẫn dành cho nhau sự tôn trọng, để nuôi dạy hai con nhỏ.

Bốn năm qua, Thùy Dung kịp phủ lên vết thương lòng bằng hàng loạt những điều mới mẻ. Cuộc sống của chị là chuỗi ngày không ngừng nghỉ, làm việc, sống và được hát với tất cả niềm đam mê của mình.

Con gái lớn của chị đã 5 tuổi, nhạy cảm, duyên dáng và thông minh. Cô bé ấy biết nghe nhạc cổ điển và nhận ra nỗi buồn từ bản nhạc ấy. Và cô bé biết chia sẻ với người lớn những điều mà không ai ngờ tới. Đó là niềm hạnh phúc của một người mẹ. Chị nói, chị không đánh đổi bất cứ thứ gì với những điều đó. Trước hết, chị là một người phụ nữ của gia đình và chị yêu gia đình của mình.

Thùy Dung cũng không muốn nói nhiều đến hạnh phúc mới của chị. Có lẽ, ai đi qua những biến cố trong hôn nhân đều hiểu sự mong manh của những ngày tháng hạnh phúc. Có đó rồi mất đó, mọi thứ đến với chị rồi lại vuột mất. Nên hơn bao giờ hết, chị yêu quý những tháng ngày này của mình.

Một người bạn suốt hai mươi năm đã là một bờ vai vững chắc cho chị sau những sóng gió. Người bạn ấy đã từng là mối tình đầu của chị. Cô học sinh giỏi văn ấy đã viết cuốn nhật ký chan chứa yêu thương dành cho người bạn cùng lớp. Và những năm tháng qua đi, họ tìm về với nhau sau những đổ vỡ riêng. Cuộc sống có vẻ như đang bù trừ cho những hụt mất của họ.

Cả hai đang cùng chờ tin vui trong năm 2008 này. Tôi hỏi chị có mong ước gì cho cuộc sống của mình không? Chị cười, chị chỉ mong những tháng ngày này sẽ kéo dài mãi. Chị không có mơ ước gì hơn. Tôi tin rằng, người phụ nữ này sẽ giữ được ngọn lửa hạnh phúc. Bởi khi người phụ nữ biết đủ, nghĩa là họ biết cách gìn giữ một gia đình bình yên…

Hoài Phố
.
.