Ca sĩ Thế Vũ: Rừng cây không lặng gió

Thứ Tư, 20/08/2008, 15:45
Không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng, không phải ngôi sao ca nhạc nào đang được nhiều người nhắc tới hiện nay cũng có được giọng hát tốt. Nhìn từ góc độ khác, không phải cứ có giọng hát tốt là có thể trở thành sao theo đúng tầm vỡ của mình.

Thế Vũ là một giọng ca nam rất đẹp nhưng vì một lẽ gì đó mà lận đận cả hơn chục năm trời, anh vẫn không thể nào vươn lên được vào đội những người luôn làm "dậy sóng giang hồ" trong làng ca hát hôm nay, mặc dầu đã có thời anh được đánh giá là một tài năng đầy triển vọng, cùng lứa với những Thanh Lam, Mỹ Linh…

Tỉnh táo nhìn nhận ra đúng vận hội của mình, hơn ba năm trước, Thế Vũ đã quyết định rẽ bước sang ngang và trở thành doanh nhân. Anh giờ đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Đồng Phát. Tình cờ gặp tôi, một người quen cũ cả chục năm nay, trong một tối tụ bạ bạn bè quanh bàn rượu, khi đã khá lơ mơ rồi, Thế Vũ quả quyết nói: "Hai năm nữa em sẽ lại trở về với nghề hát. Rồi anh xem!"

Thế Vũ sinh năm 1970 ở miền đất Quảng Nam "chưa mưa đã thấm". Cha mẹ sinh ra cho Vũ thêm một người em trai rồi cả hai đều lần lượt từ giã cõi trần. Không còn con đường nào khác, Vũ đã sớm phải tự mình bươn chải để nuôi mình và nuôi em trai.

Cho tới bây giờ Vũ vẫn không thể quên được những năm tháng tuổi thơ đằng đẵng đã phải sống kiếp lang thang bán hàng lặt vặt trên những chuyến tàu xuyên Việt, đoạn từ Đà Nẵng và TP HCM rồi ngược lại.

Nhìn gương mặt điển trai, mềm mại, rất có nét "Minh Vương, Minh Phụng" của Vũ, ít ai có thể hình dung ra được những việc mà Vũ đã trải qua khi phải một mình lập thân trên những nẻo đời gió bụi giữa những cảnh ngộ cũng khốn cùng như anh thuở ấy.

Đói cơm khát uống ư? "Chuyện thường ngày ở huyện"! "Đụng độ vũ trang" ư? Cũng không chỉ một lần. Mình chẳng muốn gây sự với ai cả nhưng thiếu gì những kẻ "tinh tướng" lúc nào cũng muốn phơi máu yêng hùng và bắt nạt tất cả những ai có vẻ yếu thế hơn mình. Cũng có những tình huống hiểm nguy tưởng chỉ có nước chết…

Không ít người ở cảnh ngộ như Vũ đã bị gục ngã, nếu không phải theo nghĩa đen của từ này thì cũng theo nghĩa bóng, tức là bị tha hóa không làm sao gượng dậy lại được. Riêng Vũ thì khác. 

Những điều kiện sống khắc nghiệt của kiếp bạt tử kỳ hồ chỉ góp phần tôi luyện ở Vũ bản lĩnh sống và bồi đắp cho anh thêm những ấn tượng sâu đậm để hiểu hơn lẽ đời ấm lạnh chứ không làm đen đúa nổi trái tim bẩm sinh nghệ sĩ và hồn hậu của anh.

Những tưởng mọi sự cứ thế trôi đi và khó có thể bao giờ quay trở lại với cuộc sống thông thường. Thế nhưng, dường như Vũ luôn có được một ông Thiện nào đó phù trợ nên anh đã có những lý do khách quan để không bị cuốn theo dòng đời lang bạt.

19 tuổi, Vũ đã tự nhìn lại những đoạn đường đã qua và quyết định dứt áo khỏi quá khứ để đi bộ đội. Anh được đưa về một đơn vị ở tít tắp gần biên giới với Campuchia, trên cao nguyên ngút ngàn nắng gió. Đó đã là những ngày tháng thực sự có ý nghĩa với Vũ.

Cuộc sống quân nhân dầu kham khổ đến mấy nhưng trong thời bình, mọi sự rất "không đến nỗi nào". Tiền phụ cấp của một anh lính, Vũ đều gửi về quê chu cấp cho cậu em trai độc nhất. Thằng em bé bỏng dại khờ luôn là "gót chân Asin" của Vũ.

Ở đâu, làm gì, Vũ luôn nghĩ tới việc bù trì cho đứa em ruột sớm phải mồ côi cha mẹ. Bạn bè của Vũ, nhìn thấy những lo toan của Vũ cho em trai, cũng đâm thương lây cả cậu em không hẳn đã khôn ngoan tinh tường của Vũ…

Nếu nhìn lại thuở hàn vi của Thế Vũ, có thể kết luận rằng, anh đã không thất bại. Bởi lẽ, chí ít anh cũng đã tạo cho mình được một phong thái nam nhi tín nghĩa, can trường và thủy chung với những người tử tế với mình…

Có lẽ đã không có gì để nói về Vũ khi anh chỉ là một chàng lính trẻ ở vùng sâu heo hút trên chót đỉnh cao nguyên, như muôn nghìn người lính khác. "Quý nhân" của Vũ chính là giọng hát thiên bẩm của anh. Cũng lạ, bao nhiêu bụi đời mù mịt cũng không thể làm đục nổi tiếng hát Thế Vũ.

Bình thường, Vũ chỉ là một quân nhân tầm tầm như mọi đồng đội. Thế nhưng, khi anh cất lên tiếng hát, dù ta  trước đó chẳng biết gì về anh vẫn không thể không giật mình tự nhủ, đây có lẽ không phải là một "thứ dân".

Cơ hội của Vũ đã đến cùng với một chuyến du diễn của các nghệ sĩ quân đội lên cao nguyên (nói một cách công bằng, trong Quân đội nhân dân Việt Nam trước kia cũng như hiện nay, luôn hội tụ được khá nhiều tài năng lớn nhưng không nhiều người trong số họ được thành danh đúng tầm vì nhiệm vụ cơ bản của những người mặc áo quân nhân là phục vụ cho các nhu cầu của đồng đội, thành ra không nhiều người có điều kiện được toàn tâm toàn ý phát triển tài năng thiên phú. --PageBreak--

Thôi thì, đã mang lấy nghiệp vào thân…) Trong buổi biểu diễn của các nghệ sĩ quân đội trước các cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị mà Vũ đang là lính, có phần "cây nhà lá vườn" góp vui. Và Vũ được các thủ trưởng chỉ định lên hát cho "tỏ mặt anh hào".

Vũ đã hát bằng tất cả những say mê và đắm đuối của mình. Ca sĩ Dương Minh Đức (về sau là Trưởng khoa Thanh nhạc rồi Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Quân đội) đã giật mình khi nghe thấy chàng trai trẻ mặt tươi như hoa hát những tráng ca đời lính. Rất nhạy cảm với các tài năng trẻ, Dương Minh Đức đã dặn Vũ, sắp tới "bọn anh" sẽ vào Quân khu IV tuyển sinh, "em" nhớ đúng ngày này ngày nọ tới tham gia nhé…

Khi ta còn trẻ, những lời nói tưởng như chỉ "trà dư tửu hậu" của các bậc trưởng lão cũng in hằn rất sâu vào ký ức. Không rõ khi rời cao nguyên về Hà Nội, NSƯT Dương Minh Đức có nhớ lời mình đã nói với anh lính trẻ Thế Vũ ở tít tắp cao nguyên hay không, nhưng bản thân Vũ thì lấy đó làm điều đinh ninh sau trước.

Đúng hẹn, ba lô lộn ngược, Thế Vũ mò về điểm tuyển sinh cho đoàn quân thanh nhạc nhà binh ở Đà Nẵng, không rụt rè nhưng không quá bạo dạn. Và hiển nhiên là anh đã lọt được vào mắt của các "sếp" - trong nghề này, một khi đã thực tài thì không  bao giờ lo bị bỏ qua, trong bất luận trường hợp nào.

Những năm tháng tu nghiệp nghệ thuật thanh nhạc với Trưởng khoa Dương Minh Đức ở Hà Nội có lẽ là đoạn đời mà Thế Vũ không bao giờ quên được. Anh tiến bộ cực nhanh và mau chóng được chú ý bởi giọng ca đẹp và một phong thái lãng tử đủ độ.

Tuy nhiên, có lẽ thế mạnh này cũng là sở đoản của anh - Thế Vũ không bao giờ làm chấn động được trái tim nghệ thuật của giới mộ điệu, không ai không công nhận rằng anh rất có tài nhưng vì sao đấy anh không giành được cho mình vị trí ngôi sao.

Anh hát rất hay, rất tình cảm, rất hấp dẫn, nhưng vì sao đấy, anh ít khi được trở thành tâm điểm để công chúng chỉ duy nhất hướng về anh. Có anh thì rất vui nhưng lắm lúc không có anh, ít ai cảm thấy lòng mình trống trải…

Thông minh, Thế Vũ không thể không nhận ra tình cảnh trớ trêu của mình. Rồi năm rồi tháng trôi qua, trở thành ca sĩ trong biên chế của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, với tư cách một giọng ca cứng cựa hẳn hoi nhưng Thế Vũ không khỏi không chạnh lòng khi thấy trong những buổi biểu diễn ra công chúng nào đấy, anh không có được vị trí của tâm điểm.

Kinh nghiệm đời sống hơn hẳn, giọng ca được trau chuốt hơn hẳn nhưng nhiều lúc anh vẫn phải hát "lót" cho những ca sĩ đàn em kém thanh kém sắc hơn nhưng lại có được danh tiếng sao.

Mà không chỉ riêng anh, thậm chí có những gương mặt ngời ngời danh vọng với những "tước vị" cao nhất mà một ca sĩ ở Việt Nam có thể có cũng lắm khi phải ở vào tình cảnh như Thế Vũ. Thương trường nghệ thuật thực sự khắc nghiệt, hơn cả thương trường vật chất…

Là một con người không quen chịu lép, Thế Vũ nghĩ tới việc chuyển hướng hoạt động, không có được vị trí xứng tài trong làng nghệ thuật thì cũng phải làm gì đó để mình không phải ở chiếu dưới nhân sinh. Họa vô đơn chí, cũng đúng lúc đó, đi khám bệnh, Vũ bị chẩn đoán là mắc bệnh ung thư.

Ba lần các bác sĩ ở Việt Nam hội chẩn đều chung một kết luận như thế. Tưởng như tuyệt vọng, may thay, Vũ lại gặp được ân nhân đến từ trời xa, giúp anh đi ra nước ngoài xét nghiệm kỹ hơn và rốt cuộc là nhận được giấy báo rằng, anh chỉ mắc một căn bệnh nhiệt đới nan giải thôi chứ không phải ung thư.

Dồn mọi tài lực, Vũ đã chữa được căn bệnh nhiệt đới đó. Và sẵn có những mối quan hệ cũ, lại do duyên giời run rủi, Thế Vũ quyết định đi kinh doanh gỗ ở nước láng giềng. Ba năm ở rừng với bao nhiêu hiểm nguy đã trôi qua thực nhanh.

Có lúc buồn rơi nước mắt, nằm trong thâm u đại ngàn, nghe trên sóng phát thanh ca khúc về mẹ, thấy giọng mình vang lên nhưng tên kẻ hát lại được giới thiệu là người khác.

Thì ra ở chốn cũ, vì không tìm được nam ca sĩ nào hát ca khúc về mẹ ấy hay hơn Thế Vũ nên thủ trưởng đã quyết định cho hát đớp để truyền hình, truyền thanh trực tiếp và làm như thể đấy không phải là Thế Vũ hát mà là người đang cầm micro hát…

Bây giờ nhớ lại, Vũ cảm thấy bình thản bởi nói cho cùng, mọi sự, kể cả khi súng kề tai cũng là "chuyện nhỏ" vì rốt cuộc là anh đã làm được việc anh muốn. Vũ nói với tôi: "Bây giờ em không giàu có gì đâu, nhưng em không nghèo nữa…".

Một lần, trở về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, nghe anh nhạc sĩ giám đốc ta thán về tình cảnh khó khăn của dòng nghệ thuật chính thống, Vũ đã động lòng và quyết định tài trợ cho cả một chương trình biểu diễn của những đồng nghiệp cũ.

Vũ nói: "Đừng nghĩ là em chơi ngông hay tỏ vẻ gì đó, đơn giản là em bây giờ có điều kiện làm như thế nên em làm thôi… Em quá hiểu kiếp xướng ca của chính bản thân mình…".

Trong một cơn hưng phấn bên bàn rượu, Thế  Vũ kéo áo lên cho tôi nhìn thấy vết sẹo mà anh đã lĩnh phải khi đi kinh doanh gỗ bên nước bạn: "Chỉ chút nữa thôi là em… đứt!". Giời thương Vũ, không chỉ giữ cho anh toàn mạng sống về với người vợ Hà Nội mà anh đoan chắc với tôi rằng "phong độ Thăng Long nhất đất kinh kỳ", mà còn giữ cho anh nguyên vẹn trái tim nghệ sĩ.

Đã là rừng cây thì không bao giờ lặng gió. Vũ vẫn đắm đuối với nghiệp hát. Anh dự định hai năm nữa, lo ổn thỏa công chuyện kinh doanh, anh lại trở về với nghề. Và lúc ấy, anh sẽ toàn tâm toàn ý với những khúc ca, không mảy may bận tâm với những thiệt hơn vật chất ở đời…

Mong sao Vũ sẽ thỏa chí tang bồng.

Đặng Đình Nguyên
.
.