Ca sĩ Phạm Anh Khoa: Mắt sâu đường nắng

Thứ Tư, 23/10/2013, 15:36

Khoa có đôi mắt sâu, hun hút buồn, soi chiếu những đắng đót, mất mát anh từng lăn trải. Mỗi khi Khoa vui cười, đuôi mắt xô nghiêng, vết nhăn hằn rõ, vẫn thấy lẩn khuất nhiều nỗi niềm, hoang hoải. Phần đông thường nghĩ, nhạc Rock mạnh mẽ, cũng như họ vẫn thấy bộ dạng ca sĩ hầm hố, cuồng dại theo tiếng guitar điện réo rắt trên sân khấu. Mấy ai biết, những bản thể ấy lại cực kỳ yếu mềm và dễ thương tổn…

1. “Gia đình anh ngộ lắm, nói là tự hào thì không đúng mà nói không tự hào cũng chẳng phải, anh cũng không biết tìm từ nào diễn tả để em hình dung nữa. Ba mẹ thì luôn muốn con cái được bình yên nhưng những hoạt động của gia đình lại đi ngược với mong muốn ấy…” - Khoa mở đầu câu chuyện với tôi, chân thành, thẳng tưng, thậm chí có khi hơi bỗ bã.

Tuổi thơ Khoa dữ dội lắm, theo đúng nghĩa đen của từ này. Đối diện nhà Khoa là cổng chính Bệnh viện Cam Ranh. Ba của Khoa chạy xe tải đường dài và cũng là tay có “máu mặt” trong vùng. Mẹ Khoa thì lấy việc bán hàng ăn uống cho thân nhân nuôi bệnh kiếm sống qua ngày. Khi bắt đầu nhận thức được cũng là lúc Khoa lao vào mưu sinh cùng gia đình. Đi chợ, xách nước, gọt rau củ, phụ mẹ nấu nướng, Khoa làm tất tần tật. Khoa bắc cái bếp củi ké với hàng ăn của mẹ ở ngay trước nhà nấu nước sôi để bán. Mỗi bình nước sôi Khoa bán được 200 đồng.

Ảnh: Thảo Ngô.

Khoa kể, hồi đầu, nghe tiếng xe cứu thương hú liên hồi, rồi chứng kiến nạn nhân của đủ loại tai nạn, bệnh tật, Khoa sợ lắm. Nhưng, nhìn riết rồi quen. Chỉ là quen thôi, chứ không bớt sợ. Giờ, sống ở chung cư cao ngất, nhà mấy lớp cửa, máy lạnh chạy rì rì, mà nửa đêm Khoa vẫn giật mình thức giấc, mồ hôi tuôn ra, văng vẳng bên tai tiếng hù hụ của xe cứu thương, của những hình ảnh đã ăn sâu vào tâm khảm đến mức ám ảnh.

Có lẽ, cuộc sống sớm lo toan đã dạy cho Khoa biết tự lập và buộc Khoa phải mạnh mẽ. Nhưng cũng chính va chạm quá sớm với đời sống vốn nhiều phức tạp mà một đứa trẻ chưa đủ lớn buộc phải tiếp nhận đã khiến Khoa trở nên bướng bỉnh, đôi khi có vẻ bất cần và nén chặt sự trơ trọi, yếu mềm vào trong. Năm Khoa 11, 12 tuổi thì mẹ Khoa gặp “nạn”, phải lánh đi xa.

Tôi hỏi Khoa, lúc ấy đi học, có ngại bạn bè trêu không. Khoa nói nghe thương vô cùng: “Anh đầu têu mà, lại dựa hơi ba, nên… tụi nó cũng ngán!” Ừ thì, người ta sợ cái mạnh, sợ bị bắt nạt chứ đâu phải người ta sợ chạm đến nỗi đau của mình, ai biết được người ta nghĩ gì, phải không Khoa? Có đứa trẻ con nào rơi vào hoàn cảnh ấy lại không đôi lần bật khóc vì tủi thân? Chỉ khác là đứa trẻ tỏ ra mạnh mẽ thường hay giấu nước mắt vào bóng tối câm lặng và vẻ ngoài thô kệch.

2. Từ nhỏ, mọi hoạt động của Khoa đều gắn liền với thể thao, từ bóng đá, vovinam đến cầu lông, bóng rổ,… Môn nào Khoa cũng vượt trội và có nhiều thành tích đáng nể. Khoa ao ước, lớn lên sẽ trở thành vận động viên, được đi thi đấu khắp trong và ngoài nước. Nhưng rồi, Khoa bén duyên guitar với thầy Đỗ Hữu Hoàng, cộng thêm mấy năm cuối cấp hăng say với hoạt động văn nghệ ở trường, Khoa vỡ lẽ: “Âm nhạc mới chính là ngôi nhà của mình”.

Vậy là, học xong phổ thông, Khoa khăn gói vô Sài Gòn với cây guitar, vài bộ quần áo, với con tim háo hức mang đầy kỳ vọng của bản thân, của gia đình. Ở cái ngưỡng cửa vào đời đầy rộng mở ấy, mấy ai lại không ấp ủ và mơ ước những điều lớn lao, đẹp đẽ dẫu người ta chưa biết sẽ bắt đầu từ đâu, cũng như chưa lường hết được những cám dỗ đang chực chờ nuốt chửng.

Sài Gòn trong suy nghĩ, trong hình dung của Khoa đẹp đẽ, thơ mộng bao nhiêu thì ở buổi hạnh ngộ lại hụt hẫng, thất vọng bấy nhiêu. Có lẽ, vì quá tin yêu, quá say mê một Sài Gòn trong mộng tưởng nên khi đối mặt với hiện thực, Khoa đâm ra có những suy nghĩ tiêu cực về Sài Gòn, cộng với cái máu liều và sự cả tin của một gã nhà quê lên phố, Khoa sảy chân hết lần này đến lần khác. “Sài Gòn cho anh nhiều nhưng cũng lấy đi của anh nhiều lắm. Mà những cái mất đi đó, không bao giờ anh có thể lấy lại được nữa. Nếu hỏi anh thích anh bây giờ hay anh trước đây, anh sẽ lại ước anh là anh của ngày xưa…”.

Đó là một Phạm Anh Khoa tràn đầy lý tưởng, đầy hoài bão, hăm hở tới mức ngộ nhận về bản thân, đâm đầu thi khoa Lý-Sáng-Chỉ (Lý luận, sáng tác và phê bình âm nhạc) của Nhạc viện thành phố rồi ngậm ngùi vì chẳng biết chút gì về piano. Cũng năm đó, Khoa thi đậu vào khoa  Âm nhạc 8, Trường Cao đẳng Văn hóa (nay là Đại học Văn hóa).

Đó là một Phạm Anh Khoa hăng say cùng bè bạn đàn ca, nghêu ngao hát trong các buổi văn nghệ sinh viên, một phút hứng chí lập ban nhạc Rock Khoai lang tây, rồi 3D, chơi cho thỏa khát khao, cho thỏa đam mê. Đó là một Phạm Anh Khoa tất bật đi hát đám cưới, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chứ không phải một Phạm Anh Khoa bế tắc, trượt, vấp, đớn đau đứng dậy, rồi lại trượt, vấp, càng cố tin tưởng, càng bị xô ngã, điếng người, dúi dụi.

Vì mải mê ca hát nên Khoa bị buộc thôi học. Quá chán nản, Khoa thoáng nghĩ đến việc trở lại Cam Ranh… Mà nhà Khoa khi ấy đang nợ chồng chất. May sao, tết năm đó Khoa trúng độc đắc nhờ hai tờ vé số được thầy Hoàng lì xì. Rồi, Khoa trở lại Sài Gòn, thi vào khoa Thanh nhạc, Nhạc viện thành phố.

3. Tình cờ, qua anh Kiệt, Khoa gặp nhạc sĩ Tuấn Khanh. “Thực ra, thầy chưa dạy anh một câu nhạc lý bẻ đôi nào cả. Nhưng, thầy chính là tấm gương để anh noi theo. Thầy chẳng bao giờ bảo anh nên, phải làm cái gì mà thi thoảng nhắc khéo anh cái này cái kia. Trong cuộc sống, thầy lúc nào cũng lạc quan, hài hước, chọc phá người này người kia, còn trong công việc thì cực kỳ nghiêm túc. Có nhiều con người trong thầy nhưng con người công việc thì không bao giờ xuất hiện trong đời thường cả. Cho đến bây giờ, anh vẫn thấy bản thân chịu ảnh hưởng rất nhiều từ thầy, cả cái cách thầy vượt qua khó khăn trong cuộc sống nữa. Có những cái gốc xấu xa trong con người anh, nhờ thầy, anh cố gắng tiết chế nó, để trở thành người tốt hơn”. Khoa bùi ngùi trải lòng.

“Sao Mai điểm hẹn” 2006 đến, Khoa đăng ký thi, vì muốn thử coi sức mình tới đâu. Phong cách trình diễn sôi động, gần gũi, sự ổn định qua các vòng thi cùng giọng hát khỏe, ấm, đã giúp Khoa chinh phục được cả ban giám khảo và khán thính giả qua màn ảnh nhỏ. Và, cái tên Phạm Anh Khoa được xướng lên cho giải xuất sắc trong tiếng reo hò, vỡ òa của rất nhiều người yêu mến anh. Bước lên bục nhận giải, Khoa như đi trên mây, chân không còn cảm giác.

Cả đêm ấy, Khoa gần như không ngủ vì quá sung sướng và hạnh phúc. Sáng hôm sau, cái tên Phạm Anh Khoa được giật tít lớn, phủ khắp các trang văn hóa nghệ thuật từ báo in đến báo mạng, với những lời khen tặng không ngớt. Chung quy là, chưa bao giờ, tiếng nói của Hội đồng nghệ thuật và người xem lại gần gụi đến thế. Chiến thắng của Khoa, hoàn toàn thuyết phục. Viết đến đây, tôi tự hỏi, biết khi nào chúng ta mới chứng kiến một chiến thắng như thế, không ồn ào, tranh cãi, ném đá sau khi giải thưởng được trao?

Với Khoa, chiến thắng ấy là khởi điểm cho con đường vốn nhiều gập ghềnh, chông gai chứ chẳng phải một bước thành sao để gặt hái tiền tài danh vọng. Khoa vẫn giản dị, không màu mè, chải chuốt, cũng không khéo ăn khéo nói khi xuất hiện trước khán giả, vẫn vừa phải chạy show vừa lo nghĩ cho quãng đường kế tiếp. Có lúc, Khoa đi hát solo hòng tìm một lối thoát, nhưng rồi vẫn thấy độ hẫng ở phía sau. Khoa hiểu Khoa cần có một ban nhạc. PAK band ra đời. “Hai năm học ở Nhạc viện giúp anh ý thức được rằng, không làm thì thôi, còn đã làm thì sản phẩm phải hết sức nghiêm túc”.

4. Ba album dẫu không liên tục, gồm PAK 1 (2007), Làm sao nói hết (2009) và We are PAK (2012), nhưng là một minh chứng, rất lớn, cho nỗ lực không ngừng và sự hy sinh của Khoa với dòng nhạc vốn kén người nghe này. Hơn 7 năm theo nghề và là một cái tên có chỗ đứng rất riêng trong showbiz, vậy mà Khoa và gia đình nhỏ vẫn ở một căn chung cư thuê tận Nhà Bè để tiết kiệm tiền nuôi âm nhạc; có tháng Khoa kiếm được tiền nhờ hát thời vụ, cũng có tháng phải giật gấu vá vai với đủ thứ chi phí bủa vây.

Nhiều đêm không ngủ được, len lén nhìn vợ con, Khoa thấy có lỗi vô cùng. Rồi nghĩ đến ba mẹ, nhớ đến cái nhà ở quê, định sửa mấy lần mà vẫn chưa làm được. “Nhiều khi ba mẹ không hiểu anh, thắc mắc sao anh cứ khó khăn hoài vậy. Anh cũng không biết nói thế nào để ba mẹ hiểu nữa…”. Tôi biết, Khoa kể vậy là do Khoa mến tôi, chứ tình thực, Khoa ngại nói chuyện riêng lắm. “Phải chấp nhận hiện thực và cố gắng thôi. Anh tin bất cứ người đàn ông nào cũng nghĩ vậy”.

Gần đây, Khoa lấn sân sang điện ảnh. Với một Lộc trong Đường đua khá thành công. Nhiều người thắc mắc, liệu anh có bước tiếp trên con đường ấy không. Khoa cười, điện ảnh như một cuộc dạo bước trên mây. Chia tay tôi, Khoa hào hứng, cuối tháng này anh sẽ phát hành Nghe – một album acoustic mà theo Khoa là “chú tâm đến nhu cầu thưởng thức của người nghe hơn, nhưng không đồng nghĩa với việc dễ dãi”.

Còn bây giờ, Khoa về nhà, tìm lon sữa bò làm lồng đèn kéo cho con chơi trung thu. Đó, phải chăng, cũng là cách mà Khoa cố níu chất hồn nhiên của đứa con nít lang thang trên đồi cát trắng như pha lê, lộng gió của những ngày xưa cũ cho những sáng tạo âm nhạc?

Hoàng Dung
.
.